Chương X
RỐI NHIỄU TÂM LÝ TRONG GIA ĐÌNH
Như trên đã nói, trẻ em mới sinh ra hoàn toàn bất lực, luôn luôn cần đến một người “mẹ hiền”, sẵn sàng và nhạy cảm để đáp ứng những nhu cầu sinh lý và tâm lý. Bà mẹ cần được một người cha giúp đỡ về mặt vật chất cũng như tinh thần, và em bé càng lớn lên vai trò của cha ngày càng quan trọng. Cùng với cha mẹ là anh chị em và nhiều khi có ông bà, tất cả thành một “tổ ấm” gia đình, tạo ra một môi trường giúp em bé phát triển.
Tổ ấm và Tổ không ấm
Nhưng không phải người mẹ nào cũng là người mẹ hiền; chính trẻ em cũng có đứa, đôi khi bảo mẹ ác lắm! Không phải người cha nào cũng biết đối xử với con hay được con thực sự yêu mến, mà không phải gia đình nào cũng là tổ ấm, một môi trường thuận lợi. Các nhu cầu được thỏa mãn, trẻ sống trong tình trạng dễ chịu, thoải mái; không được thỏa mãn, trẻ em có những phản ứng “bất mãn” tùy lứa tuổi mà thể hiện khác nhau.
Quan hệ không phải chỉ một chiều: nếu em bé được ba mẹ và cả gia đình giúp cho thỏa mãn nhu cầu, thì ba mẹ và anh chị em, ông bà cũng qua việc chăm sóc vui đùa với con, với em, với cháu mà thỏa mãn cung cầu tình cảm của mình. Và khi không được thỏa mãn cũng có những thái độ hay hành động “bất mãn” đối với em bé.
Tất cả những quan hệ chằng chịt, những phản ứng qua lại hằng ngày như vậy có thể giúp cho em bé khôn lớn lên, điều này bù đắp cái kia, thiếu hụt đằng này được bù lại mặt khác; nhưng cũng rất có thể làm nhiễu loạn sự phát triển ấy một cách sâu sắc gây ra nhiều bệnh chứng, bệnh chứng này có thể xuất hiện ngay tức thì có thể về sau mới biểu hiện ra. Y học và tâm lý học đã chứng minh là rất nhiều bệnh chứng tâm lý bắt nguồn từ tuổi bé, đặc biệt tuổi mầm non, do những nhiễu loạn từ trong cuộc sống gia đình.
Cần hiểu chữ “mẹ ác” không theo nghĩa khách quan mà theo phản ứng chủ quan của em bé. Khách quan, một người bận việc, chưa đánh giá được thời gian chờ đợi là bao lâu, cảm giác là mẹ bỏ rơi, là mất mẹ rồi. Mà mẹ là chỗ dựa duy nhất để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất, mất mẹ là không thể sống được, gây ra mác cảm lo hãi, nhiều khi hoảng sợ. Thử nghĩ xem: ta đến một nước hết sức xa lạ, tiếng nói, chữ viết không hiểu tí nào, trong túi không có một đồng xu, trăm sự đều nhờ người phiên dịch hướng dẫn, bỗng nhiên người ấy bỏ đi đâu mất, không nói là đi đâu, bao giờ trở lại, chắc chắn ta cũng hoảng hốt lên. Trẻ em nhỏ thường ở trong hoàn cảnh hoảng sợ ấy. Trong cuộc sống bình thường, sau một thời gian ngắn, mẹ lại trở về, và tổ ấm gia đình cùng giúp em bé qua cơn lo sợ ấy.
Nhưng trong nhiều hoàn cảnh, mẹ bỏ đi quá lâu – lâu đây là tương đối, đối chiếu với trình độ phát triển tâm lý của con – như đi làm từ sáng đến tối mới về, bỏ con ở nhà, hay giao lại cho người khác. Trẻ ở giai đoạn này cần hòa mình với người mẹ, lúc đói, khát, khi nóng lạnh, đi tiểu, đi đại tiện, không những chỉ đòi thỏa mãn nhu cầu sinh lý, mà còn “đòi mẹ”, tức thỏa mãn một nhu cầu tâm lý. Nói đúng hơn, lúc một em bé nôn trớ chẳng hạn, hoặc đái dầm, hoặc bỏ ăn, ngoài các hiện tượng sinh lý ấy, cần nghĩ rằng đây là một phản ứng tâm lý của em bé, và cần có biện pháp tâm lý tức thay đổi cách đối xử trong gia đình, không nhất thiết cho uống một vài viên thuốc. Nếu con còn nhỏ mà mẹ phải bỏ đi xa lâu ngày, phản ứng sinh lý và tâm lý quyện lấy nhau, thúc đẩy lẫn nhau có thể dẫn đến những bệnh chứng tai hại.
Vắng mẹ
Spitz (Mỹ) mô tả bệnh chứng ông gọi là “hospitalism” tạm dịch là “bệnh vì ở viện”; viện ở đây thực ra không phải bệnh viện, mà là những nhà trẻ, ở đó trẻ em về mặt sinh lý (ăn uống, vệ sinh) được chăm sóc đầy đủ, nhưng hoàn toàn vắng mặt mẹ trong nhiều tháng, ở lứa tuổi bế bồng. Ở đây không có ai ngày ngày bồng bế, hú hí trò chuyện với em bé, vuốt ve hôn hít em, chỉ có những cô bảo mẫu, cho ăn uống, tắm rửa nhưng không biểu hiện một tí tình cảm nào. Các em được xem như những đồ vật quí giá được chăm sóc chu đáo, nhưng vô tri vô giác. Sau vài tháng, những em bé ấy đâm ra hờ hững, ít cử động, nằm yên lặng, ít đáp lại nụ cười, tiếng gọi của người khác.
Vận động phát triển chậm đi, ngôn ngữ cũng vậy. Sức khỏe sút dần, các em mặc dù được ăn uống đầy đủ vẫn rất dễ nhiễm trùng, tỷ lệ tử vong khá cao.
Những em còn sống lại, về sau thường bị nhiễu loạn tâm lý dẫn đến tình trạng khờ dại, hoặc có những hành động ngang ngược phạm pháp. Nếu trước 12-15 tháng được đưa khỏi “viện”, được gia nhập một gia đình có người thay thế mẹ, biết chăm sóc đầy đủ về mặt tâm lý tình cảm, các em trở lại bình thường; để qua chậm, tình trạng khó đảo ngược lại.
Danh từ hospitalism không được chính xác lắm, vì trong nhiều hoàn cảnh, do sự thiếu hụt về tình cảm, mặc dù các em sống với gia đình vẫn có những triệu chứng tương tự. Có mặt mẹ như thực sự vẫn như vắng mẹ, vì mẹ không sẵn sàng và không nhạy cảm với nhu cầu của con, mẹ không “toàn tâm toàn ý” với con, ở một giai đoạn con có những đòi hỏi tình cảm có tính tuyệt đối, chưa thoát khỏi tính tự kỷ về trí tuệ và toàn bộ nhân cách. Thiết nghĩ nên gọi là chứng bệnh vắng mẹ, chữ vắng hiểu theo nghĩa thật và nghĩa bóng.
Phải nói người mẹ đời xưa, vì gia đình là đơn vị sản xuất, vì phụ nữ không có vai trò ngoài xã hội, nên suốt ngày ở với con; sự nghiệp của người mẹ là sự nghiệp của chồng con, đặc biệt là của đứa con trai cả. Người mẹ ngày nay hàng ngày phải bỏ con đi làm, chiều tối mới về, thêm vào đó lại có sự nghiệp bản thân, đòi hỏi, đầu tư vào đấy nhiều trí tuệ và tình cảm. Rất dễ hiểu quan hệ mẹ – con ngày nay thường căng thẳng hơn nhưng cũng nên hiểu rằng phải xa rời mẹ sớm hơn trẻ ngày xưa, các em phát triển nhanh chóng hơn về tính tự lập, thoát khỏi sớm hơn tình trạng hòa mình với mẹ.
Làm cha
Không nên dồn tất cả trách nhiệm về bà mẹ, như câu phương ngôn thường nói: con hư tại mẹ, và như một số trường phái thường trình bày. Trước hết phải nói đến vai trò và trách nhiệm của người cha. Người cha có giúp người mẹ toàn tâm nuôi con, đủ điều kiện vật chất và tinh thần nuôi con không? Ba có chịu đầu tư thì giờ tâm tư cho con không hay chỉ say sưa với vai trò xã hội của mình, buộc cả gia đình hy sinh tất cả vì sự nghiệp riêng của mình? Để trẻ em thoát khỏi tình trạng hòa mình với mẹ, tiến lên tự lập, tự khẳng định, vai trò của những người trong gia đình ngoài mẹ ra không kém quan trọng. Ba cần chia sẻ việc chăm sóc “ruột thịt” với mẹ, và đối với con cái ba thường đại diện cho trật tự và kỷ luật. Mẹ hiền – ba nghiêm là công thức thông thường nhưng cần phải nói thêm mẹ cũng cần có phần nghiêm mà ba cũng phải có mặt “hiền” của ba.
Ba mẹ cũng là những mẫu mực con người để cho trẻ em, vừa muốn tự lập, và để có thể tự lập, muốn “đồng nhất hóa” để trở nên như ba hay mẹ. Và tình cảm gắn bó giữa ba mẹ, tính ổn định của sinh hoạt gia đình, đầy tình cảm nhưng đồng thời có tính tổ chức nề nếp đàng hoàng tạo cho trẻ cảm giác an toàn, để các em đủ lòng tự tin lao vào cuộc sống, mạnh dạn thăm dò tìm hiểu thế giới chung quanh mình, đặt quan hệ với những người khác.
Không có gì lạ trong lý lịch trẻ em bị nhiễu loạn tâm lý hay phạm pháp, người ta thường gặp những gia đình hoặc bất hòa, hoặc ly tán. Nhiều khi ly hôn lại là biện pháp ít tác hại hơn là để con cái sống mãi giữa ba mẹ bất hòa đến cao độ; thường ảnh hưởng xấu đến phát triển tâm lý của con cái, các con thường đứng vào một bên, hoặc ba hoặc mẹ để lên án người kia.
Khi một đứa con là niềm vui của người mẹ và cả gia đình, thì sự phát triển tâm lý của nó được bảo đảm; khi đứa con trở thành một cái cớ để những mâu thuẫn giữa ba mẹ căng thẳng thêm, và những xung đột trong gia đình dễ bùng nổ thêm, tâm lý của nó cũng dễ bị nhiễu loạn. Vì vậy, các nhà tâm lý học ngày nay cho rằng không những chỉ cần chăm chữa cho đứa trẻ mắc bệnh, mà còn phải chữa cả gia đình, làm cho thành viên trong gia đình nhận thức được trách nhiệm của mình và có những thay đổi quan trọng trong sinh hoạt chung.
Dì ghẻ, con nuôi, con một
Đáng chú ý là hoàn cảnh những gia đình đặc biệt, ba mẹ cần xử xự tế nhị hơn. Trước hết là giữa mẹ ghẻ con chồng hay bố dượng con vợ. Đối với một em bé đang được mẹ chiều chuộng, nhất là vào tuổi mầm non, hầu như toàn bộ cuộc sống còn quây quần quanh người mẹ hay người cha còn lại, sự xuất hiện của một con người bỗng nhiên không những chiếm một phần quan trọng tình cảm của mẹ hay của bố, mà còn có quyền trừng phạt nó, quả là một chấn thương mạnh mẽ. Nếu cư xử của người lớn không khéo, quan hệ với dì ghẻ hoặc bố dượng rất dễ biến thành căm thù, nhiều khi kéo dài suốt đời.
Đối với con nuôi ba mẹ cũng cần rất tế nhị. Không thể tránh khỏi đến lúc nào đó, đứa con biết mình là con nuôi, mong muốn tìm ra ba mẹ sinh đẻ mình, sinh ra mặc cảm bị ba mẹ hắt hủi, bỏ gia đình tìm tình cảm với bạn bè hơn là trong gia đình. Ba mẹ nuôi phản ứng, cho nó là bội bạc, phản ứng qua lại làm cho mâu thuẫn ngày càng tăng, nếu ba mẹ không biết đối xử “tâm lý” hơn. Ngày nay ở một số nước phát triển, người ta khuyên cha mẹ nuôi nói rõ cho con nuôi biết rất sớm, từ tuổi lên ba là trong hoàn cảnh nào đã nhận làm con nuôi, và đứa con càng yêu quý xen lẫn biết ơn ba mẹ nuôi của mình.
Có anh chị em thường là một thuận lợi cho phát triển tâm lý, vì giúp trẻ em thoát khỏi sớm mối quan hệ tay đôi với ba mẹ. Với ba mẹ, một em dễ hoặc hoàn toàn ỷ lại, hoặc yêu sách quá đáng; với anh chị em là quan hệ bình đẳng, phải có đi có lại. Con một thường về trí khôn cũng như tính tình dễ bị nhiễu loạn hơn. Nhưng quá đông con lại làm cho ba mẹ không đủ sức quan tâm đến con cái đầy đủ, nhất là nếu kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Không lạ gì một số đông trẻ em phạm pháp là từ các gia đình trên 4, 5 con mà ra.
Sự xuất hiện một đứa em, nhất là lúc anh hay chị mới 2, 3 tuổi , dễ gây ra ghen tị; em bé đến chiếm mất tình yêu, nhất là của mẹ, làm cho anh chị nhiều khi phản ứng bất thường. Ba mẹ có khi lại thiên vị, đề cao biểu dương đứa này, chê hay mắng đứa khác, làm cho sự ganh tị ấy đáng lẽ được dập đi trong những cuộc vui chung, lại dễ bùng nổ hơn. Tình trạng kéo dài có khả năng gây nhiễu loạn tâm lý.
Trong hoàn cảnh, do lý do khách quan, như ba mẹ đau ốm, mất sớm, phải đi công tác xa, hay do lý do chủ quan, tính tình ba mẹ bất thường, gia đình không thành một tổ ấm, thì các cơ quan phụ trách cần có sự giúp đỡ tích cực. Ông bà và họ hàng gần thường cũng là một chỗ dựa tốt. Sẩy mẹ có dì, sẩy cha có chú, vì sự có mặt và giúp đỡ của một số người thân làm cho tình hình giảm căng thẳng, và trẻ em, ngoài ba mẹ còn có những chỗ dựa khác. Đối với trẻ em mồ côi tốt nhất là được một gia đình biết chăm dạy nhận làm con nuôi, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy tổ chức được một cô nhi viện với những người chăm sóc trẻ đầy đủ đức tính của ba mẹ “hiền” thật là khó.
Tóm lại những trẻ em sống trong những hoàn cảnh bất thường cần được xã hội quan tâm để phòng ngừa những bệnh chứng tâm lý; nói gì con cái những người nghiện rượu, ma túy, hoặc sinh sống bê tha trác táng làm ăn phi pháp; nói gì đến nạn nhân của sự thất nghiệp kéo dài, nghèo khổ quá mức làm cho trẻ em phải thất học, lang thang bụi đời.
GHI CHÚ BÀI RỐI NHIỄU TÂM LÝ TRONG GIA ĐÌNH
1/ Quan hệ giữa giáo viên và gia đình không phải chỉ khoanh lại trong việc thông báo kết quả học tập và việc quản lý học tập, quan trọng hơn nữa là để giáo viên tìm hiểu được hoàn cảnh sinh sống của gia đình học sinh tính tình khách quan và cách ứng xử, tính tình của ba mẹ là những yếu tố tác động sâu sắc đến tâm lý trẻ em. Gặp gỡ ba mẹ, giáo viên cần chú ý quan sát cách ăn nói đi đứng, cách họ đối xử với con, giáo viên nên cố gắng đến tận nhà tìm hiểu gia cảnh, quan sát nhà cửa, đồ đạc của học sinh. Nếu có dịp ba mẹ học sinh mời lại ăn cơm đừng từ chối xã giao, mà nhận lời, vì bữa ăn là lúc thuận lợi để quan sát ba mẹ con cái ứng xử với nhau như thế nào. Giáo viên cần có một bài bản nhất định để tìm hiểu các gia đình học sinh.
2/ Cố gắng thu thập thông tin và phân tích theo những phương hướng sau đây:
– Tìm hiểu gia sản tức giàu nghèo, áng chừng thu hoạch đầu người, quan sát đồ đạc (có tivi, tủ lạnh, video, xe cúp…hay không) nhà, sân, vườn rộng rãi hay chật chội, có chỗ chơi, góc học tập cho con hay không, chung chạ giường chiếu hay không.
– Gia đình đông đủ, ba mẹ, anh chị em, ông bà, người ăn, người ở, hay neo đơn, vắng một thành viên quan trọng như ba hay mẹ, con nuôi, con sinh đôi, dì ghẻ, bố dượng.
– Gia phong tức tác phong sinh hoạt kiểu gia trưởng cổ truyền, ba quyết định tất cả, hoặc buông thả thiếu kỷ cương, hoặc dân chủ mỗi người có quyền góp ý kiến, có trách nhiệm riêng.
– Gia đạo tức ba mẹ có một đạo lý nhất định, tức một hệ tư tưởng, nguyên tắc để noi theo mà hành động và giáo dục con cái hay không. Ba mẹ có tìm đọc sách báo về vấn đề nuôi dạy con không, quan tâm đến mức nào đến sự phát triển tâm tính con cái.
– Gia thế tức cương vị và vai trò, nghề nghiệp của ba, mẹ trong xã hội sang hay hèn.
Tập hợp những thông tin trên giúp cho việc đánh giá tình hình chung của gia đình yên ổn, ít sóng gió trong nhiều năm hoặc rối ren dễ xảy ra biến cố phức tạp hoặc lành mạnh, thành một tổ ấm để mỗi thành viên phát huy nhân cách của mình phù hợp với lứa tuổi, hoặc vùi dập nhân cách của một hay nhiều thành viên, ví như hy sinh hạnh phúc của người mẹ hay người chị.
3/ Các nhà tâm lý học nghiên cứu nhiều gia đình nhận thấy trong nhiều trường hợp, những hiện tượng rối nhiễu tâm lý ở trẻ em chính là hậu quả những rối loạn trong sinh hoạt của toàn thể gia đìnhi. Bệnh hoạn là của toàn thể gia đình nhưng lại biểu hiện qua những hiện tượng bệnh lý ở một đứa con nào đó. Đứa con thành “vật hy sinh” giúp cho cả gia đình giữ được thăng bằng (trong những bộ lạc ngày xưa, khi cộng đồng bị rối loạn, người ta đổ tội lên một thành viên nhất định, hoặc một con vật nào đó, rồi giết hại người kia hay con vật ấy để giải tỏa tội lỗi của cộng đồng), vì thế mới gọi là vật hy sinh. Hy sinh là chịu chết để chuộc tội cho người khác. Trong suốt thời gian dài, các nhà tâm lý học loay hoay tìm cách chữa đứa con “hư” xem như ba mẹ là không có vấn đề gì. Ngày nay xu thế là cố gắng cải tạo sinh hoạt của cả gia đình.
4/ Ngoài gia đình còn có họ hàng, gồm ông bà, chú bác, cô cậu. Ở nông thôn, quan hệ này chặt chẽ, họ hàng thành một cộng đồng gắn bó với nhau, nhưng cũng dễ gây bè phái trong làng xóm. Thuận lợi của một gia đình mở rộng là tình cảm không tập trung xoay quanh ba mẹ và con cái, lúc căng thẳng trẻ em có người ngoài ba mẹ, ngoài anh chị em trong nhà là chú bác, cô dì, anh em trong họ để trao đổi, vui chơi. Mỗi ngày giỗ, mỗi đám cưới cũng là một dịp để điều hòa tình cảm ngoài khuôn khổ chật hẹp của một tiểu gia đình (tức chỉ gồm ba mẹ và con cái). Họ hàng càng cần thiết với những gia đình neo đơn khi ba hay mẹ hoặc mất đi, hoặc đi vắng lâu ngày hoặc thiếu tư cách. Sẩy mẹ có dì, sẩy cha có chú. Ở mức phát triển, khi nội bộ gia đình quá căng thẳng, người ta tạm thời gửi con vào một cái viện chuyên trách, ở nước ta chưa có những viện như vậy thì gia đình cô chú có khả năng giúp cho giải quyết một số trường hợp khó khăn.
5/ Ngoài họ hàng còn có những người đã khuất, tức tổ tiên, đó là dòng dõi. Ngày trước, mọi người đều nhớ đến tổ tiên, cảm thấy sâu sắc về dòng dõi của mình. Tình cảm ấy được thể hiện trong những ngày giỗ rất trọng thể cử hành ở nhà thờ họ. Sau một thời gian tình cảm dòng họ và những lễ tết thờ cùng hầu như bị bỏ quên, ngày nay lại có xu thế không phục vụ việc nhà thờ, mộ tổ, ghi chép lại gia phả. Những việc này tác động đến tâm lý trẻ em như thế nào, đây là một vấn đề cần được nghiên cứu.
6/ Không thể đổ dồn tất cả trách nhiệm lên gia đình rồi suốt ngày lên lớp đòi hỏi ba mẹ phải thế này, thế nọ. Trong hoàn cảnh sinh hoạt xã hội ngày nay, cần có nhiều cơ quan, tổ chức hỗ trợ cho ba mẹ mới đáp ứng được mọi nhu cầu tâm lý của trẻ em. Giảng dạy đạo lý cho ba mẹ mà không có gì giúp đỡ, chỉ gây thêm mặc cảm tội lỗi, gây thêm khó khăn.
đến chương 11 >>
Trả lời