Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘01. Phần A’ Category

* * *

NỖI KHỔ CỦA CON EM

CHÚNG TA

NGUYỄN KHẮC VIỆN

NHÀ XUẤT BẢN TRẺ – 1997

* * *

01. ĐƯỢC, VÀ KHÔNG ĐƯỢC BÚ MẸ

Từ xã hội nông nghiệp, với kỹ thuật thủ công thô sơ chuyển sang sống ở những thành phố công nghiệp, cơ cấu của gia đình, vị trí vai trò của người đàn bà, của người mẹ khác hẳn xưa và hậu quả không thể tránh khỏi, cuộc sống của trẻ em ngày càng khác hẳn.

Có người nói: trẻ em ngày này có khác trẻ em ngày xưa không? Xin trả lời: khác ngay từ khi “nhân chi sơ, sờ bú mẹ”. Trẻ em xưa được sờ vú mẹ thỏa thê, trẻ em ngày nay được sờ vú mẹ quá ít. Xưa được bú mẹ một năm, hai năm, được bú cả ngày đêm, hễ khóc lên là mẹ đút vú vào miệng. Con khóc, mẹ đưa vú cho con bú, hai động tác hầu như mang tính bản năng, mẹ cũng như con không cần ai dạy cho, không cần học ở đâu.

Thế rồi công nghiệp phát triển, gia đình không còn là cơ sở sản xuất nữa, cả ba lẫn mẹ không còn ngày ngày chăm sóc vườn tược, nuôi con gà, chăm con lợn, xay lúa giã gạo, tơ tằm dệt vải, hái trầu bổ cau, đan rá nữa. Sáng sáng ba mẹ vội vội vàng vàng lo nhà lo cửa, lo cơm nước, đánh thức con, cho ăn, cho mặc, tắm rửa, rồi dắt đi gửi nhà trẻ.

7 giờ sáng, ba mẹ bỏ con lại nhà trẻ, 4, 5 giờ chiều mới đón về, một ngày dài đằng đẵng, mẹ đâu mất rồi, ba đâu rồi, anh chị, ông bà, những gương mặt quen thuộc, nhà cửa đồ đạc một khung cảnh quen thuộc, con mèo, con chó quen thuộc đâu cả rồi? Sao ba mẹ lại bỏ rơi con đi như thế này? Cho đến bao giờ? Một vài ba tháng tuổi, làm sao hiểu được, cảm được một giờ, một buổi, một ngày là bao lâu, xa mẹ, vắng mẹ vài phút là lâu dằng dặc, bụng dạ xao xuyến, ruột gan co thắt lại, đâu có thể thản nhiên như người lớn mà xem đồng hồ tính từng giờ từng phút! Thăm các nhà trẻ không khó khăn gì mà không nhìn thấy những nét mặt đau thương, chỉ cần cúi mình hỏi han một em là bao nhiêu em khác níu lấy khách, không cho ra về. Các em rất khao khát được người lớn ôm ấp, trò chuyện với mình.

Phải chăng em bé khóc vì đói và chỉ cần cho sữa ăn no lại yên…? Harlow, một nhà nghiên cứu Mỹ đã làm thí nghiệm như sau: lấy một số khỉ mới đẻ, tách khỏi mẹ, cho bú sữa bình đầy đủ, cho ở với hai mẹ khỉ giả, một mẹ bằng dây thép cứng, một mẹ bằng lông xù. Bình sữa ở bên mẹ thép cứng, khỉ con bú xong liền bỏ đi qua ôm lấy mẹ bằng lông xù, vuốt ve mẹ, bỏ mẹ cho ăn sữa nhưng “da thịt” quá cứng, suốt ngày ôm ấp lấy mẹ có da thịt mềm mại.

02. KHÔNG THỂ VẮNG MẸ

Con gà từ trong trứng nở ra, tức thì đi lại được, biết tìm ăn, đủ lông đủ cánh, trời không quá rét vẫn chịu được, thế mà suốt mấy tuần đầu vẫn quanh quẩn bên mẹ, mẹ con quấn quýt lấy nhau, con xa mẹ ba bước là kêu chiêm chiếp, mẹ cũng cục cu cúc cục, thoáng một bóng đen bay qua, một tiếng động lạ là mẹ gà đã xòe cánh ra, bầy con nấp vào dưới cánh mẹ, mẹ sẵn sàng tấn công lại bất kỳ kẻ địch nào để bảo vệ đàn con.

Con kanguru, lọt lòng chưa nhảy ra ngoài, mà được nằm trong một cái túi ở ngay bụng mẹ, được bú sữa mẹ, nằm trong túi ấy, lớn lên nhảy ra, nhưng hễ động lại chui vào túi bám dính lấy mẹ. Thật lớn, thật khỏe mới bỏ hẳn cái túi bảo hộ ấy.

Chó mẹ, mèo mẹ, cả chuột mẹ cũng suốt ngày liếm con mới đẻ. Nuôi những con vật thí nghiệm tách khỏi mẹ, cho ăn no đủ, mà không được vuốt ve chúng vẫn chết. Chỉ cần lấy tí bông thường vuốt ve là sống. Có thể nghĩ rằng mẹ liếm cho con để con sạch, để tránh nhiễm trùng, chẳng qua như ta tắm cho con vậy.

Không đơn giản như vậy. Bác sĩ Spitz (Mỹ) đã công bố một công trình nghiên cứu nhiều năm làm chấn động dư luận. Ông theo hàng trăm em bé được nuôi dưỡng trong những nhà trẻ đầy đủ tiện nghi, được ăn uống không thiếu thứ nào, protein, vitamin, chất khoáng, được tắm sạch sẽ, áo quần, giường chiếu sạch bong, tiêm chủng thuốc men, tóm lại tất cả điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt nhất đều được đáp ứng. Thế mà có một số em khám y khoa ban đầu đều thấy bình thường, sau một thời gian thấy không lớn lên được, mất hết sinh khí, biết đi, biết nói rất chậm, đâm ra đờ đẫn, một số ít sinh đủ thứ bệnh, tỷ lệ tử vong ở số em ấy rất cao so với trẻ bình thường.

Điều tra kỹ thấy nguyên do là những người mẹ trong một thời gian dài, thường là quá ba đến sáu tháng đã vắng mặt, những em bé được giao lại cho các cô bảo mẫu chăm sóc hàng ngày. Các cô được đào tạo đầy đủ về các khoa dinh dưỡng, biết pha chế bột, cho ăn uống đúng về khoa học, về vệ sinh nhưng cho ăn, tắm rửa, thay quần áo, thay tả xong…các cô lại đặt các em vào nôi hay giường, giao cho một đồ chơi gì đó, rồi bỏ đấy vì phải chăm sóc em khác. Những em bé ấy còi cọc, dễ nhiễm trùng, đau ốm liên miên.

Spitz gọi chứng bệnh ấy là hospitalism, tức bệnh do nằm viện mà sinh ra. Tên ấy không hay lắm vì nếu ở những bệnh viện, viện mồ côi nào biết cách xử lý thì đâu đến nỗi. Chúng tôi có đề nghị nên gọi là bệnh “vắng mẹ”, nói lên căn nguyên rõ ràng hơn.

03. MẸ HIỀN

Mẹ đây không nhất thiết phải là mẹ đẻ, mẹ đây là người nuôi nấng chăm sóc hàng ngày, không những chỉ cho ăn cho uống, chỉ bảo đảm vệ sinh, tránh nhiễm trùng mà còn như mẹ gà, mẹ kanguru, mẹ chó mèo ve vuốt bảo bọc. Em bé lọt lòng đâu được đủ lông đủ cánh như gà con, đâu lớn nhanh chóng như chó mèo, hay kanguru được bảo bọc lâu dài hơn, đầy đủ hơn. Thua kém các động vật khác, con người sinh ra trần trụi hơn, bất lực hơn so với các động vật khác, em bé sinh ra là một đứa con đẻ non.

Mỗi bà mẹ đều tạo chung quanh đứa con mới sinh một cái túi bao che như kanguru, với hai cánh tay như cánh gà mẹ ôm ấp, bế bồng lấy con, áp con vào người, truyền hơi ấm, tỏa ra mùi vè hơi hám. Một lần bú đâu chỉ nuốt sữa đầy bụng, mà còn tận hưởng khoái cảm ở môi miệng, được cùng mẹ da kề da, thịt áp thịt, đôi mắt đắm đuối nhìn mẹ, mẹ đưa mắt nhìn lại, trao đổi với con, được hú hí trò chuyện với mẹ. Em bé chưa đưa tay chỉ trỏ được, chưa nói được, nhưng không phải là chưa biết gì, chưa đòi hỏi gì.

Mới sinh ra em đã biết nhiều lắm rồi, đòi hỏi nhiều thứ, trước hết đòi hỏi trao đổi, giao tiếp, gọi ra, phát ra có kẻ khác đáp lại. Người mẹ không chỉ bao che, làm cái lá chắn, ngăn chặn không để quá nhiều kích thích từ thế giới bên ngoài tấn công vào giác quan, vào cơ thể non nớt của con (các học giả Pháp gọi là vai trò pare – excitation của mẹ), mẹ còn đáp ứng những tín hiệu của con phát ra. Con đưa mắt, mẹ cùng nhìn lại, con líu lo, mẹ cũng bi bô nói lại, con vặn mình mẹ cũng đổi tư thế ngồi nằm cho hai cơ thể thoải mái ôm ấp lấy nhau, con nắm đồ vật gì ném ra, mẹ lượm trả lại, mẹ lấy tay che mặt; mẹ giả vờ bỏ đi, con la khóc, mẹ bỏ tay ra, quay trở lại, hai mẹ con cười òa. Rồi con chập chững bước đi, mẹ đưa hai tay đón rước, bé cố đứng dậy, bước năm bảy bước rồi ngã vào lòng mẹ.

Áp vào lòng mẹ để bú, được mẹ bế bồng, địu lên lưng là có dịp trao đổi, giao tiếp với mẹ, mẹ hiểu con, con hiểu mẹ, không phải thông qua lời nói, chữ viết như thường lệ, mà qua những mối quan hệ phi ngôn ngữ, đúng hơn là tiền ngôn ngữ, qua “cơ thể”. Đó là quan hệ “ruột thịt”, nền tảng đầu tiên của mọi quan hệ giữa người và người.

Mối quan hệ thân thiết nhất, cơ bản nhất: không được bú mớm, bế bồng, ôm ấp, hú hí, chơi đùa với mẹ, trẻ em không thể thành người. Người đàn bà hay người đàn ông nào chưa bao giờ bế bồng, có quan hệ ruột thịt với một em bé từ khi mới lọt lòng cũng không thành người.

Ít nhất là trong năm đầu, khi chưa biết đi, biết nói, em bé phải sống trong sự bao che, trao đổi ruột thịt với một người “mẹ hiền”, luôn luôn sẵn sàng đáp ứng những tín hiệu con phát ra, nhạy cảm hiểu được con đang cần gì, đòi hỏi gì? Sẵn sàng bất cứ lúc nào, hễ con kêu khóc là có mẹ. Nhạy cảm, tín hiệu phát ra trong tình huống nào, mẹ tiếp nhận: ngủ say, mẹ không nghe tiếng xe cộ ồn ào, nhưng con mới ré lên một tí là thức dậy, con vặn mình mẹ biết ngay là con sắp nôn trong lúc bác sĩ ngồi bên cạnh không hề nhận biết gì hết.

04. HÒA MÌNH

Không phải chỉ có mẹ đáp ứng mọi tín hiệu con phát ra, mà con cũng đáp lại, hai bên tác động qua lại lẫn nhau, bên này tạo cho bên kia khoái cảm, niềm vui, mẹ mẹ con con, tuy hai vẫn là một, hai bên hòa mình với nhau. Ở trong bụng mẹ, hai bộ máy sinh lý chỉ là một, sau chín tháng cộng sinh, lọt lòng mẹ ra đời, hết thời cùng chung sinh lý, vẫn chưa tách biệt hẳn, thời hòa mình về tâm lý bắt đầu. Con người không có cái túi bao bọc như kanguru, đây là một bao bọc tâm lý, thể hiện trong những thao tác bú mớm, bế bồng, chăm sóc, hú hí, nô đùa, mà các học giả phương Tây tổng hợp lại gọi là maternage (Pháp) mothering (Anh), có thể dịch là mẫu dưỡng, nói theo chữ Hán là chín chữ cúc dục cù lao.

Em bé sinh ra hoàn toàn bất lực trước mọi kích động của môi trường quanh mình, được nằm trong lòng mẹ ấm áp, được bú no, được cười với mẹ, êm ấm, no đủ, an toàn tuyệt đối, quả là hạnh phúc tràn trề, sau này cuộc sống có phong phú đến đâu cũng không cảnh đời nào mang lại cho một niềm hạnh phúc như vậy. Cảnh hòa mình với mẹ suốt cuộc đời ám ảnh con người và mỗi lần vấp váp, sinh ra yếu đuối, con người lại trở về ngã mình vào lòng mẹ. Con người nghĩ ra bao nhiêu cảnh thiên đường cực lạc, nhưng tôn giáo nào rồi cũng vẽ cho tín đồ cảnh một Đức Mẹ hiền từ bao che cho đứa con non yếu.

Và cả quá trình tiến hóa sinh vật cũng ghi lên hệ thần kinh của con người một trong những phản xạ đầu tiên là mới hơn một tháng tuổi hầu như chưa biết gì khác, đã biết, mỉm cười khi nhìn vào mặt mẹ. Gà, chó, mèo, khỉ có thể sinh ra chạy nhảy sớm hơn con người, nhưng không có loài nào biết mỉm cười như vậy, mà không có đồ chơi nào, dù đẹp đến đâu, màu sắc rực rỡ đến đâu, tạo ra âm thanh gì đi nữa, cũng không làm cho em bé hai tháng mỉm cười, chỉ có mặt người mẹ mới gây được phản xạ ấy.

Mẹ hiền, sẵn sàng nhạy cảm, con ngoan lập tức đáp ứng lại mọi tín hiệu của mẹ, rồi quanh hai mẹ con là tổ ấm gia đình, có ba vừa âu yếm, vừa oai phong, có anh có chị, nhiều khi có cả ông bà, ngày ngày tạo ra chung quanh em bé một khung cảnh an toàn, êm ấm, quen thuộc. Ôi! Tuổi bé bỏng sao mà đẹp thế?

05. MẸ ÁC

Nhưng ôi! Đâu có phải ai cũng là mẹ hiền hay lúc nào cũng là mẹ hiền, đâu phải ai cũng là ba phúc đức, đâu phải gia đình nào cũng là tổ ấm, lúc nào cũng là tổ ấm ? Xin nhắc lại, tôi không nói đến những ba mẹ tồi tệ, những gia đình tan vỡ, ngay những ba mẹ hiền từ nhất, những gia đình tốt lành nhất, cũng lắm khi làm con em vẫn cảm thấy là mẹ ác, ba ác, sống trong một tổ đầy gai góc, ngột ngạt, cuộc sống là như vậy, lắm lúc ba mẹ bắt buộc hay vô tình phải người mẹ ác, ba ác, không những không đáp ứng đòi hỏi của con, còn bắt ngược lại, cấm đoán, trừng phạt. Ba mẹ là Bụt là tiên toàn năng toàn trí, điều gì cũng làm được, cũng biết toàn tâm, toàn ý, hết lòng lo cho con, nhưng cũng toàn quyền có quyền áp đặt cho con nhỏ mọi sự việc, bắt ăn gì, uống gì, ăn như thế nào, lúc nào, mặc gì, ngủ thức giờ giấc ra sao, đi chơi hay ở nhà, sắm cho đồ chơi nào, bắt học gì, đứa bé không thể cưỡng được.

Càng bé cảm xúc càng xuất hiện ở cung bậc cao, đầy kịch tính, vui sướng thì tràn trề, buồn tủi cũng tột bực, cuộc sống của trẻ em là một chuỗi dài tấn kịch nối tiếp nhau, thoắt cười, thoắt khóc. Tấn kịch đầu tiên là lúc đưa mắt nhìn không thấy mẹ đâu nữa, một phút, hai phút hồi hộp, rồi khóc òa lên, mẹ quay lại, con lại cười nói bi bô, chỉ cần mẹ lấy hai tay che mặt lại hay nấp sau cánh cửa con đã có vẻ sợ hãi.

06. VẮNG MẸ

Rồi đến ngày bi kịch cao độ xảy ra: từ sáng đến chiều mẹ bỏ con lại nhà trẻ, giao cho một cô giáo lạ mặt, giọng nói, bước đi, cách bế bồng, cho ăn, hơi hám đều xa lạ. Con khóc, con la, con hờn, không ai đáp lại, chỉ có những cô giáo nghiêm nghị, giọng nói đanh thép, có khi cầm cái thước dễ sợ buộc một số em nằm yên, ngồi yên một phút, hai phút, một giờ, hai giờ, cà buổi trôi qua, mẹ đi đâu mất rồi, ba đâu rồi, anh chị đâu rồi, ông bà đâu rồi? Đâu rồi con búp bê, con gấu em thường ôm ấp, đâu rồi căn phòng quen thuộc? Bao giờ mẹ mới trở lại, còn trở lại nữa hay không? Ba mẹ bỏ rơi, ruồng bỏ con rồi hay sao? “Bỏ mẹ” rồi!

Một tấn kịch, một vế thương lòng khó tả, khó quên, lọt lòng chưa được bao lâu mà đã chịu cảnh vắng mẹ, điều ấy không chỉ gây chấn thương tâm lý. Các bác sĩ nhận thấy trong thời gian vài ba tháng sau khi được đưa đi nhà trẻ, các em thường bị các loại bệnh viêm mũi, họng, đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, đo lường khả năng miễn dịch chống bệnh của các em đều kém bình thường. Đây là những triệu chứng “vắng mẹ”, nặng thêm, trở thành hospitalism của Spitz. Thiếu hụt tình cảm ở tuổi bé đã trở thành một chứng bệnh lý học quan trọng trong y học và tâm lý học ngày nay. Nếu ốm đau về xác thịt thường gây nên nỗi khổ, ngược lại nỗi khổ tâm lý, những “khổ tâm” cũng gây ra bệnh tật, cái đau, cái khổ quyện lấy nhau, tác động lẫn nhau. Đừng nghĩ rằng chỉ có người lớn mới khổ tâm, trẻ em còn khổ hơn vì một lẽ bất lực, không có cách nào đối phó ngoài việc nhờ vả người lớn, và có khổ cũng không nói lên được như người lớn, ấm ức phải ôm lấy trong lòng, ngay chính mình cũng không nhận ra, oan ức cũng không kêu lên được.

07. THẤP CỔ BÉ MIỆNG

Ba đi đâu về bảo mẹ: Hôm nay ba mệt, không buồn ăn cơm, uống cốc nước chanh thôi. Mẹ không nói gì. Đứa con ba tuổi không chịu ăn, mẹ liền quát lên: Phải ăn hết tô cơm và ép con ăn lấy ăn để, mệt nhọc gì mẹ cũng không cần biết, con cũng chẳng nói ra được, bữa ăn biến thành một cuộc vật lộn giữa hai mẹ con, có khi cả ba, cả ông bà chen vào, cuối cùng em bé nôi ọe, mẹ lại càng cáu giận.

Thích ăn gì, no đói lúc nào, ba mẹ biết hơn con vì ba mẹ là Thượng Đế có quyền an bài cho tất cả.

Vẻ chi ăn uống sự thường

Cũng còn áp đặt khá thương lọ là.

Đối với người lớn thì “trời đánh tránh bữa ăn”, đối với con nhỏ lại khác. Chính vì toàn quyền mà ba mẹ dễ vô tình gây ra những tất kịch, gây khổ cho con.

Đứa cháu ngoại của tôi, chiều ở mẫu giáo ra về, mẹ đưa lại chơi với ông nửa tiếng trước lúc về nhà, mỗi lần tôi kể cháu câu chuyện phiêu lưu của Mèo mướp, trôi dạt từ mũi Cà Mau đến núi rừng Cao Bằng, đi khắp thế giới, từ những đỉnh Himalaya đến Bắc Cực, cậu cháu nhập vai vào chú Mèo gan dạ, thông minh, hễ đến là nhảy lên đầu gối tôi đòi nghe chuyện. Nhưng 4, 5 giờ chiều cũng là lúc mà nhiều ông khách cũng tranh thủ đến gặp bàn việc này việc khác, khách đến ông phải bảo cháu ra sân chơi. Cháu hờn dỗi, không chịu đi, bảo chào khách, nói lại: “Cháu không biết chào” rồi có khi xô đẩy ông khách, mẹ cháu vào kéo ra, la mắng. Bao lần ông đang tiếp khách, có người đến, ông bảo: Xin đợi ít phút, bàn xong việc tôi sẽ xin kể tiếp bác. Tại sao ông không bảo: Tôi đang kể chuyện cho cháu, xon đợi chốc lát hết chuyện tôi sẽ tiếp ông? Khổ là cháu cũng không nói lên được như vậy.

Biết bao nhiêu chuyện đều như vậy. Đang say mê làm ông tướng, mà lại là đại tướng kia, oai phong lẫm liệt, đáng đông dẹp tây, ba bảo: “Im đi, làm ồn không cho ba làm việc, 9, 10 tuổi còn nhỏ bé gì nữa”. Nhiều khi giữa đám đông bè bạn, mẹ quấn quýt vuốt mái tóc, sửa tà áo, kéo quần cho như một em bé, xấu hổ đến chết.

Tệ hơn nữa! Ba mẹ bất hòa, ngày này qua ngày khác cãi nhau, con lo sợ, trằn trọc, hôm sau đến lớp học, đầu óc phân tán, không tập trung nghe cô giảng, bị phạt điểm không. Về nhà ba mẹ xem vở lại quở mắng, quả là oan, lỗi tại ai ? Đứa bé ở nhà bị mắng đến lớp bị phạt, bị những con người mà em yêu thích nhất xử oan. Khổ là oan ức chỉ cảm nhận, trái lời cô giáo những con người cao siêu, những thần tượng mình từng tôn thờ, thì chắc là mình có tội thật, mình xấu xa như thế nào nên sự việc mới xảy ra như vậy. Nói theo tâm lý học, một mặc cảm tội lỗi đã nảy sinh trong thâm tâm, trong vô thức của em bé, một đám mây đen đã lấp mất một khoảng trời trong sáng.

Không chỉ thấp cổ bé miệng, mà miệng nói cũng không ra, không có đường gỡ, ba mẹ, thầy cô không hiểu cho mà cứ giận dữ, trừng phạt thì đành chịu oan.

Dù cho sấm sét bất kỳ

Làm thân con cháu kêu gì được con

Nhiều nhà tâm lý học thấy có những em bé cứ như là cố tình, quấy rối để ba mẹ, giáo viên trừng phạt mà hình như có bị phạt chúng mới yên tâm. Mặc cảm tội lỗi đã thúc đẩy dần đến những hành vi chuộc tội, bằng cách nhận phạt, như những tín đồ tôn giáo sám hối tự hành hạ thân mình để chuộc tội. Chuộc tội để cầu lại tình yêu, sự che chở của ba mẹ, bảo đảm cho an toàn, bằng không cứ lo sợ bị ruồng bỏ ám ảnh mãi. Bị ruồng bỏ là một nỗi lo hãi thường ngự trị trong tâm tư các em.

Hồi đứa cháu ngoại của tôi 4 tuổi nghe kể câu chuyện tí hon, đến đoạn: ba mẹ hết tiền mua gạo, bàn với nhau đành phải bỏ lạc đàn con trong rừng sâu, nó trầm ngâm chốc lát rồi hỏi: Nhà mình đủ tiền mua gạo, ông nhỉ? Tác giả câu chuyện tí hon đã đánh trúng mối tâm tư sâu sắc của trẻ em.

08. MẸ ĐÍCH THỰC

Ta trở lại với câu chuyện ruột thịt.

Trong vở kịch “Vòng phấn Côcado”, Bertold Brecht nêu lên câu chuyện một bà quý tộc, gặp loạn lạc, giao con nhỏ cho một bà vú em nuôi nấng nhiều năm. Hết loạn, bà đòi lại đứa con, đem việc ra tòa. Quan tòa bảo: đặt đứa con giữa một đường vòng gạch với phấn, cho một bên bà mẹ đẻ, một bên bà vú mỗi người kéo mạnh, ai kéo được đứa con về phía mình sẽ thắng. Bà quý tộc ra sức kéo thật mạnh, bà vú em không dám vì sợ đứa bé đau, bà quý tộc hớn hở được con về phía mình. Quan tòa phán quyết: Tòa giao lại em bé cho bà vú em, vì bà kia tuy là mẹ đẻ, nhưng không biết thương con.

Bà quý tộc cả một thời con còn bé bỏng, không cho bú mớm, bế bồng, không có quan hệ ruột thịt với em bé, nên thực chất không phải là người mẹ của nó. Thông thường những đứa con được vú em nuôi nấng, sau lớn lên nhớ đến mẹ nuôi hơn mẹ đẻ. Mà nhận con nuôi, phải nhận thật sớm, để có những chăm sóc ruột thịt, có những tháng da kề da, thịt áp thịt, mới tạo ra được tình cảm ba mẹ con cái thật sự. Quá tuổi bế bồng rất khó xây dựng tình cảm gắn bó mật thiết, không có quan hệ ruột thịt không thành tình cảm ba mẹ con cái.

09. TẤN KỊCH KÉO DÀI

Xa nhà lâu ngày, như ba mẹ đi lao động, học tập, công tác nước ngoài lúc con còn bé bỏng (cho đến 4, 5 tuổi) là một chấn thương, một thiệt thòi lớn cho cả ba mẹ lẫn con cái, nếu tránh được thì hơn. Em bé nọ 3 tuổi bỗng sinh ra chứng nháy mắt liên hồi, bác sĩ khám chẳng phát hiện gì bất thường, cuối cùng không biết xử lý ra sao, định cho đi châm cứu. Bà mẹ đến hỏi tôi nên làm gì ? Trò chuyện mới biết là bà mẹ đi công tác ở nước ngoài cả năm mới về, trong năm ấy, bé ngủ với ba. Mẹ về, ngay tối đầu tiên, cho (đúng hơn là buộc) bé nằm với mẹ, cả ba lẫn mẹ nghĩ rằng được như vậy, con sung sướng biết bao? Có ngờ đâu đối với đứa con, mẹ đi vắng một năm, đã thành người lạ, cách nằm, cách ôm ấp, hơi hám của mẹ nay thành xa lạ, bé chỉ cảm thấy khó chịu, nhưng không thể nói lên được cho ba mẹ hiểu, chỉ cảm nhận là ba đã bỏ rơi mình, chỉ biết phản ứng bằng cách nháy mắt mong ba để ý đến. Tôi chỉ cần khuyên bảo ba mẹ đừng vội, để vài hôm cho con dần dần làm quen lại với mẹ, rồi lại cho nằm với mẹ. Ít hôm sau, bé hết nháy mắt. Giả thử đưa bé đi châm cứu, có thể bé sợ đau bé hết nháy mắt, mọi người sẽ ca ngợi hiệu quả của châm cứu, nhưng rất có thể hết nháy mắt bé lại phản ứng một cách khác, đái dầm chẳng hạn, hay quấy phá, chủ yếu để ba mẹ để ý đến mình. Ba mẹ phản ứng lại, quở phạt, con lại càng ấm ức, bị bỏ rơi lại còn bị trừng phạt, hai bên không hiểu nhau, phản ứng leo thang cho đến ngày xảy ra những sự cố nghiêm trọng hơn.

Giả thiết leo thang trên đã được chứng minh trong một trường hợp khác. Một người cha đem con đến bảo: – “Đứa con trai tôi mới 6 tuổi rưỡi mà “ghê gớm”. Bỏ lớp học ra phố chơi, nói dối, ăn cắp tiền, la mắng không ăn thua, mãi có lúc tôi giận quá đánh thật đau, lúc đầu nó còn sợ, sau đánh nó, nó cười thách thức tôi, tôi không còn biết cư xử ra sao nữa?” Trao đổi với người cha khốn khổ, tôi biết được lúc con lên 2, ông đi nước ngoài học tập 3 năm, lúc về con đã 5 tuổi. Hai mẹ con ở nhà vắng ba, ôm ấp nhau 3 năm tình cảm khắng khít. Rồi ba vể, ba nghiễm nhiên đóng vai trò chủ nhà, với con âu yếm có, mà nghiêm khắc cũng có.

Nếu từ ngày mới sinh ra, em bé đã được ba bế bồng, rồi 2,3 tuổi ba chở đi chơi đó đây, thì lớn lên ba có quở mắng, thậm chí đôi khi đánh đập thì lòng yêu kính vẫn ưu thế, ấm ức bực bội cũng dễ qua. Đằng này một con người xa lạ, từ đâu đến, nay ngự trị ngay trong nhà mình, tác oai tác quái, quả là “ ngoại xâm” không tức giận sao được. Con phản ứng, ba cho là hư, trách mẹ quá nuông chiều, bé càng tức, càng phản ứng, tấn kịch tay đôi giữa cha con chuyển thành tấn kịch bộ ba, sự xung đột tình cảm chuyển thành phức tạp, leo thang dần.

Từ đâu xâm nhập gia đình, lại còn chen vào giữa mẹ và con, chiếm tình cảm của mẹ trước đó bé được độc quyền, ba trở thành địch thủ. Câu chuyện chưa hết, một năm sau khi ba về, mẹ sinh một đứa em. Tình cảm của mẹ nay tập trung vào đứa em nhỏ, một địch thủ thứ hai, mẹ hình như bỏ rơi đứa con lớn, gia đình với cậu bé không còn là tổ ấm nữa. Phản ứng tự nhiên là bỏ ra đường vui với bạn bè. Ba mẹ càng quan tâm đến việc học hành, cậu ta càng phản ứng, không chịu học, đó cũng là một cách trả miếng. Điều đó cũng dễ hiểu vì người cha không còn chịu nổi, đôi khi đánh con những trận quá tay.

Đứa con có thể phản ứng bằng cách co mình lại, hết muốn xông xáo, vui chơi, học tập, đâm ra đờ đẫn, không tiến lên nữa, cậu bé này bản tính năng động phản ứng ngang bướng, liều lĩnh, và nếu ba mẹ không hiểu, đến lúc nào đứa con lớn hơn, gặp bạn bè rủ rê sẽ bỏ nhà đi luôn, nhập nhóm, nhập băng, để đến ngày sa vào con đường phạm pháp.

Tôi khuyên bảo người cha, trước hết chớ tiếp tục đánh đập nữa, tự kiềm chế, hiểu cho được căn nguyên sự việc. Hiện hữu, chướng tai gai mắt là đứa con ngang bướng, hư hỏng. Nhưng tiền căn cội nguồn của chứng bệnh là tình cảnh ba bỏ đi xa nhà nhiều năm vào những năm sau 2 tuổi, là lúc đứa con gắn bó nhất với ba có khi còn hơn cả với mẹ, sự thiếu hụt tình cảm ấy nay phải được bù lại, nhất là đừng tập trung âu yếm cho đứa con nhỏ mới sinh ra, nhất thiết không lên lớp đứa con lớn với những câu như: “Em nó còn bé mà nó ngoan, anh lại hư đốn”. Ba cần bỏ thì giờ xây dựng lại tình cảm với con, dắt nó đi chơi, tập cho nó đi xe đạp, bơi lội, đá bóng, đánh cầu lông, kể chuyện cho nó nghe. Đứng nóng vội thấy nó không chịu học, tìm thầy dạy thêm. Ba năm vắng mặt, một năm rưỡi hai cha con phản ứng với nhau, không thể ngày một ngày hai mà bù đắp lại. Phải kiên nhẫn, nhưng cũng chưa đến nỗi quá chậm. Ở tuổi 6, 7 tuổi tính tình trẻ em còn có khả năng biến chuyển nhanh chóng.

Nhưng biết bao nhiêu trường hợp để quá lâu, ấm ức hờn dỗi, tích lũy quá lâu, chấn thương tâm lý kéo dài gây ra những tổn thương không còn chữa chạy được, cả ba mẹ lẫn con cái ôm lấy mối khổ ấy suốt đời. Một phát hiện quan trọng vào bậc nhất của tâm lý học là phần lớn những rối loạn tâm thần ở người lớn bắt nguồn từ những chấn thương tâm lý xảy ra vào thời tấm bé. Ba mẹ không chịu nhận thức ra, vô tình gây khổ cho con vì không hiểu tâm tư của con, con lại càng không tự hiểu lấy mình, ấm ức oan ức dần dần chìm vào cõi vô thức, biến thành ẩn ức, nấp trong vô thức thúc giục con người có những hành vi thường gọi là dở chứng, hay điên loạn. Cái gọi là vệ sinh tâm thần, đề phòng rối loạn tâm lý bắt đầu từ gia đình, từ việc ba mẹ hiểu được tâm tư của con cái, để có cách đối xử phù hợp.

đến phần B >>

Read Full Post »