Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘01. TE trong XH ngày nay’ Category

Chương 1

TRẺ EM TRONG XÃ HỘI NGÀY NAY

Số liệu: (những số liệu sau không thay đổi bao nhiêu trong những năm 90)

Năm 1991, ở Việt Nam, trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm gần 40% dân số, tức 26.000.000 trên 66.000.000 (các nước phát triển dưới 25%).

Trong số đó trên 9.000.000 từ 0 đến 4 tuổi, gần 9.000.000 từ 5-9 tuổi, 7.500.000 từ 10-14 tuổi. Trong dân số chung, 80% ở nông thôn.

Tỷ lệ chết của trẻ em dưới 1 tuổi: 45%, theo UNICEF tỷ lệ này thực tế còn cao hơn vì khai báo thống kê không chính xác.

Tỷ lệ tăng dân số hàng năm: 2,2%; tức 1,5 triệu mỗi năm.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng trên 40%.

– Tỷ lệ đi học 1989: 650.000 cháu đi mẫu giáo – 29% độ tuổi 3-5.

– 8.600.000 học sinh cấp I. Ở thành phố và nông thôn đồng bằng sông Hồng gần 100% độ tuổi 6-10.

– Ở miền núi và những ấp xã hẻo lánh đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ trẻ em đến trường thấp hơn nhiều, làm cho số học sinh cấp I chỉ đạt 85% độ tuổi.

Chậm phát triển tâm lý dưới 15 tuổi 1-2% dân số.
Từ 1989-1990, cấp I lưu ban khoảng 11%, bỏ học 13%; cấp II lưu ban hơn 6%, bỏ học 27%, ở miền Nam 32%, miền núi trên 50%.

Trong 400.000 trẻ em  khuyết tật nặng, 2.000 được nuôi dạy trong những  cơ sở đặc biệt.

So sánh: Xưa và Nay

Cuộc sống của trẻ em trong xã hội cổ truyền và trẻ em ở những thành phố lớn hiện nay, có những khác biệt:

Gia đình ngày xưa:

Ngày xưa, kinh tế thô sơ, gia đình là đơn vị sản xuất, bố mẹ, nhất là mẹ thường xuyên ở nhà. Trong một môi trường quen thuộc nhà và vườn, trẻ lớn lên được bú mẹ nhiều năm tháng, dần dần tham gia ít nhiều công việc gia đình, làm quen với môi trường tự nhiên và lao động sản xuất, đến 7,8 tuổi mới đi khỏi gia đình.

Xã hội ngày xưa ít biến động, đời này qua đời khác vẫn sống theo phong tục lễ tiết không thay đổi, con cái có thể noi theo  kinh nghiệm và lời khuyên  bảo của cha ông.

Xã hội ngày xưa không đòi hỏi ở đa số một vốn học vấn nhất định, không biết đọc, biết viết vẫn sống được.

Xã hội xưa, một mặt là lạc hậu, nghèo nàn và bệnh tật, thường xuyên uy hiếp tính mạng trẻ con, tỷ lệ trẻ con chết rất cao, dân số hầu như không tăng; mặt khác là một xã hội ít phức tạp, ổn định, con người dễ thích nghi (mặc dù sự thích nghi ấy nhiều khi là cam phận).

Gia đình thường ổn định, vì xây dựng trên cơ sở giao kết giữa các dòng họ và tôn giáo đạo lý, chứ không phải trên cơ sở giữa hai cá nhân (tình cảm này không chắc gì bền vững).

Trong một xã hội phụ quyền, người đàn bà không có sự nghiệp riêng, chỉ có chỗ đứng khi nào có con, đặc biệt con trai; sự nghiệp của chồng con chính là sự nghiệp của bản thân, cho nên người vợ, người mẹ toàn tâm toàn ý  đầu tư hết sức lực tình cảm vào con cái. Mẹ con hiểu nhau, thông cảm với nhau, chia sẻ cùng nhau những nếp sống và suy nghĩ đạo đức.

Gia đình ngày nay:

Ta hãy xem cảnh sống của một gia đình cán bộ công nhân ở một thành phố lớn.  Trẻ em lớn lên trong những  căn phòng chật hẹp, không được phong phú như cái nhà, cái vườn, cái ao ở nông thôn; ở những gia đình khá giả thì những đồ vật như sách  báo, đài, máy móc lại vượt quá tầm hiểu biết của trẻ, và không mấy khi trẻ được quyền sờ mó đến. Cuộc sống gò bó trong bốn bức tường gây mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái, phố phường thì thiếu chỗ chơi, đi đâu trẻ em cũng vấp phải sự cấm đoán, ràng buộc; động từ chơi là mâu thuẫn với người lớn.

Mỗi buổi sáng, bố mẹ vội vội vàng vàng gửi con ở nhà trẻ hay mẫu giáo để đi làm, chiều mới đón về rồi lại vội vàng lo nhà, lo cửa, ăn uống, sửa soạn xong là đi ngủ. Thời gian con sống với bố mẹ để được ấp ủ bế bồng, dạy cho ăn cho nói, khuyên  bảo rất ít.

Mẹ con trước thử thách:

Người mẹ ngày nay lại có một sự nghiệp riêng, phải thường xuyên giữ vững chỗ đứng của mình trong xã hội và vươn lên theo đà tiến triển chung, khó mà toàn tâm toàn ý với chồng con. Trong lúc ôm con vẫn còn phải suy nghĩ về công tác ở cơ quan, về thi cử, về tiền đồ (phấn đấu lên trưởng phòng, làm luận văn phó tiến sĩ, sáng tác văn nghệ, sáng kiến kỹ thuật).

Xã hội ngày nay đòi hỏi  con người một vốn học vấn và nghiệp vụ  ngày càng cao, trẻ em phải cố gắng trong nhiều năm học tập căng thẳng. Trả bài, thi cử hàng tháng hàng năm gây ra  một nỗi lo âu sâu sắc.

Qua những điều trông thấy trên đường phố, trong sách báo, phim ảnh,  trẻ em tiếp xúc với một cuộc sống rất phong phú, sôi động, những hình ảnh lời văn, lời ca, từng giờ, từng phút kích động cảm giác, khuấy động cảm xúc, khêu gợi ý nghĩa và ham muốn, có em thì tiếp nhận được một số vốn kiến thức tư tưởng quí, có em vị tràn ngập hay lung lạc. Đòi hỏi tiêu xài của trẻ em vượt quá sự cung cấp của gia đình, của xã hội; đối với một số, để thỏa mãn dục vọng như chỉ cần mua bao thuốc lá sang là sa vào con đường trộm cắp phạm pháp. Đây là một nguy cơ lớn cho sự uy hiếp chính trị, quân sự của các nước tư bản.

Cuộc sống thường xuyên biến động, kinh nghiệm của cha ông và phong tục đạo lý xưa kia chỉ có một giá trị tương đối, không thể náo áp đặt nguyên vẹn cho những thế hệ trẻ. Tuổi trẻ  ngày nay  hoặc phải tự tìm lấy lối sống riêng với sự giúp đỡ của gia đình và nhà trường của các đoàn thể hoặc sẽ bị lôi cuốn vào cơn lốc tiêu xài trác táng, mất phương hướng.

Chính vì xuất hiện sớm nhiều mâu thuẫn giữa trẻ em và người lớn, vì sống trong một môi trường phong phú và thường biến động mà trẻ em ngày nay khôn hơn trẻ em ngày trước, có nhiều điều kiện hơn để phát huy tài năng. Nhưng cũng khó mà ổn định tính tình, dễ có những phản ứng bất thường, dễ hư hỏng hơn. Chúng không nên quên tính hai mặt ấy, không thể chỉ thấy một mặt tích cực hay tiêu cực. Vấn đề là trong xã hội ngày nay những cách đối xử với trẻ em, những chính sách, chủ trương về gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông, đoàn đội, về pháp luật, không thể chỉ dựa  trên kinh nghiệm và truyền thống, cũng không thể dựa vào vài nguyên lý phương châm chung chung mà phải có những điều tra nghiên cứu về nhiều mặt để xác định một cách khoa học những xét đoán và quyết định.

Trước lúc ép buộc con ăn những gì, học những gì,  sống ra sao, hãy tìm hiểu nhiều mặt trong cuộc sống của trẻ em ngày nay.

đến chương 02 >>

Read Full Post »