Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘16. PL2: Trong bụng mẹ…’ Category

PHỤ LỤC II

TRONG BỤNG MẸ TRẺ EM ĐÃ BIẾT GÌ ?

BS. Nguyễn  Khắc Viện

Còn trong bụng mẹ, cái thai đã cảm giác như thế nào chưa? Sau khi lọt  lòng còn nhớ đến gì về thời còn nằm trong tử cung của mẹ? Xúc cảm tâm tư của mẹ có ảnh hưởng gì đến con  không?

Từ xưa đến nay suy diễn và ý kiến về vấn đề này cũng nhiều, nhưng đúng sai thì không có cách gì phân giải. Cho đến những năm gần đây, những phương tiện hiện đại mới cho phép thu nhập một số kết quả thực nghiệm đáng tin cậy. Ngày nay có thể biết rõ một số điểm nhất định về “tâm lý” cái thai, nhưng cũng đừng vội kết luận  là khoa học đã phát hiện ra mọi bí ẩn của thời kỳ nằm trong bụng mẹ.

&&&

Đến 5 tháng thì cơ quan thính giác (tai) về giải phẫu đã hoàn chỉnh, va chắc chắn đến tháng 7 thì hoạt động. Người ta đã ghi nhận những phản ứng của cái thai nhất là nhịp đập của tim  tăng nhanh khi nghe tiếng động. Có thể ghi âm những tiếng động  trong tử cung: cái thai sống với một nền âm thanh cường độ khoảng 90 decibel, do hoạt động của nội tạng của  mẹ và con tạo ra. Trên nền đó nổi lên những tiếng động từ bên ngoài, đặc biệt tiếng của mẹ và của ba. Nhiều thí nghiệm cho thấy ngay sau khi sinh ra, con đã nhận ra giọng nói của mẹ. Nếu mẹ thay đổi giọng nói thì con không nhận ra nữa. Cho các em mới sinh nghe một nền âm thanh như trong tử cung của mẹ giúp các em dễ ngủ hơn, dễ dỗ dành hơn và dễ tăng cân.

Những nghiên cứu thai nhi trước 6 tháng chưa đem lại những kết quả vững chắc. Nghiên cứu những em bé đẻ non cũng giúp cho hiểu về những cảm giác của cái thai, nhưng nếu ở trẻ em để non độ thành thục của thần kinh giống như ở trong bụng mẹ, trái lại môi trường bao bọc các em lại khác hẳn.

Những nghiên cứu về các giác quan không được phong phú như với thính giác. Cái thai đã nhận ra vị ngọt, thêm một tí đường vào nước ối (ở trong tử cung) làm cho cái thai nuốt nhiều nước ối hơn. Trẻ em cũng như nhiều thú vật mới sinh ra biết được ngay 4 vị cơ bản:  ngọt, mặn, chua, đắng. Đặc biệt thích ngọt, nhưng nếu lấy saccarin thay thế đường, sau vài lần trẻ em sơ sinh đường nhưng không cung cấp năng lượng như đường. Tại sao trẻ sơ sinh lại phân biệt được? Điều này chưa lý giải được.

Cái bọc da bao quanh toàn thân cũng tiếp nhận nhiều cảm giác đu đưa. Những xúc cảm và cảm giác vận động như vậy ảnh hưởng thế nào đến “tâm tư” của cái thai? Có tác giả cho rằng nhờ đó có sự thông cảm giữa mẹ con, cái thai làm quen với nhịp điệu vận động của người mẹ. Để tăng cường sự thông cảm ấy, những tác giả ấy chủ trương mẹ và cả ba vào những tháng trước khi sinh nở, nắn hàng ngày cái thai qua thành bụng của người mẹ. Phương pháp ấy được gọi là haptonomie (hapto là sờ nắn). Đúng, sai như thế nào, chưa được chứng nghiệm đầy đủ.

Những luận điểm của trường phái phân tâm học mang tính suy diễn ở đây xuất phát từ những chuyện thu thập trong quá trình chăm chữa những bệnh nhân bị rối nhiễu tâm lý. Các nhà phân tâm học cho rằng, ba mẹ nào trước lúc sinh con cũng ôm ấp trong lòng một đứa con mơ tưởng, để đến lúc đẻ con ra thì con thực có thể giống mà cũng có thể rất khác với đứa con mơ tưởng. Họ còn cho rằng những cảm nghĩ phức  tạp hỗn hợp thành hình tượng đứa con mơ tưởng thường là những huyễn tưởng vô thức xuất hiện, không phải đợi đến lúc đã thụ thai mà bắt nguồn từ thời tấm bé của ba mẹ. Em bé nào theo phân tâm học từ 3, 4 tuổi đều ôm ấp một cách vô thức ham muốn của một đứa con, đến lúc sắp sửa thành ba thành mẹ thực sự thì đứa con mơ tưởng xuất hiện rõ nét hơn. Sự khác biệt giữa đứa con mơ tưởng và đứa con thật gây ra những tâm trạng nhiều khi phức tạp. Những luận điểm của phân tâm học được các trường phái tâm lý học đón nhận bán tín bán nghi.

Tóm lại tâm lý của đứa con còn nằm trong bụng mẹ, cũng như tâm lý ở bất kỳ lứa tuổi nào đang còn đang còn có nhiều bí ẩn, chờ đợi nhiều công trình nghiên cứu mới.

đến phụ lục III >>

Read Full Post »