Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘05. Tuổi bé em’ Category

Chương V

TUỔI BÉ EM (15-36 tháng)

Tuổi bé em (15-36 tháng)

Lúc chân tay bắt đầu vững, đứng dậy được, bắt đầu biết đi, là em bé chuyển sang lứa tuổi II.
Với lứa tuổi II, tuổi em bé, xuất hiện mấy đặc điểm:

– Biết đi, mở đầu giai đoạn tích cực thăm dò thế giới xung quanh.

– Biết nói, bắt đầu xuất hiện khả năng suy nghĩ (tư duy) làm cho song song với thế giới vật chất có thể tiếp xúc bằng giác quan và vận động, thêm một thế giới biểu tượng, ở bên “trong”.

– Bước đầu tách rời mẹ, tự lập, khẳng định con người riêng biệt của mình.

– Quan hệ với mẹ và người lớn căng thẳng vì bắt đầu phải ép mình vào tổ chức kỷ luật của xã hội. Mâu thuẫn giữa con và mẹ  bắt đầu xuất hiện.

Giác động

Lúc bắt đầu biết đi, thì tay cũng đã biết cầm, biết kéo, biết sờ, biết nắm; sự phối hợp giữa tay và mắt đã khá tốt. Trong năm đầu, những vận động chân tay thực ra là những xung động tự phát, em bé múa chân đạp tay không có  mục tiêu nào; cuối năm đầu xuất hiện những vận động nhằm mục tiêu nhất định, để nắm lấy một đồ vật, rồi đến những vận động có ý đồ, có “trí”. Như thấy một đồ chơi có buộc dây biết cầm dây kéo để nắm lấy đồ chơi kia, cầm một hộp diêm mở ra đẩy vào để xem hộp diêm như thế nào; biết đẩy một chiếc ghế.

Những vận động này rất vụng về, vì em bé chưa kiềm chế được những vận động thừa, (động vận) đi thì cả người xô ra đằng trước, rất dễ ngã, tay cầm cái gì thì cả người vặn vẹo, nhiều cơ không cần thiết cũng co cứng lên. Cầm chiếc bút tay vẽ nguệch ngoạc trên giấy, nét vẽ tuột ra khỏi trang giấy vì không kềm giữ được. Trừ bỏ vận động thừa là một bước tiến quan trọng để các hoạt động hòa nhập vào một hành động, tức là một ý đồ được thực hiện, như xếp hòn đá, đuổi gà. Em bé chân tay hoạt động không ngừng, và qua hoạt động ấy, dần dần nắm được thế giới chung quanh mình, đặc biệt trong  nhà mình, cái gì cứng, cái gì mềm, bàn ghế cao thấp như thế nào, và các dụng cụ như thìa, dao, kéo sử dụng như thế nào.

Đây là sự tiếp xúc với các đồ vật bằng cảm giác và vận động; em bé đang ở giai đoạn xuất hiện trí khôn giác-động, vì qua cảm giác và vận động mà nhận ra những đặc tính của các vật thể chung quanh mình. Đồng thời lại xuất hiện ngôn ngữ.

Ngôn ngữ

Em bé hiểu nhiều lời nói trước khi biết nói. Thực ra hiểu thông qua cả một tình huống gồm nhiều cảm giác hỗn hợp hơn là hiểu nghĩa một tiếng nào đơn độc. Như khi mẹ bảo: mẹ yêu hay ghét, em bé hiểu được là nhờ cả giọng nói, thái độ, nét mặt, cử chỉ của mẹ, chứ bình thản mà nói lên tiếng yêu ghét thì chưa hiểu được. Lúc đầu qua lời nói hiểu được ý đồ và thái độ của người khác, và em bé dùng lời nói để diễn đạt ý muốn của mình cho người khác, sau đó lời nói mới được dùng để chỉ các đồ vật. Lúc đầu em bé dùng một từ như người lớn dùng một câu, như nói cơm, không phải để chỉ chất cơm mà nói: mẹ cho con ăn hay mẹ ăn cơm, nói tô là chiếc ô tô hay ô tô chạy nhanh quá! Đây là giai đoạn từ – câu. Đến gần ba tuổi mới xuất hiện những câu ngắn. Vốn từ lúc ấy lên tới vài trăm. Cũng như vận động chân tay, lúc em bé biết nói cũng bi bô suốt ngày; thật là lứa tuổi hiếu động, động hiểu theo nghĩa cả vận động cả nói năng.

Với lời nói, em bé tiếp xúc với sự vật không qua những giác-động, mà qua ngôn ngữ; trước đó các đồ vật chỉ ra cảm giác hỗn hợp và cứ kế tục mà trôi qua, nhưng lúc đã hiểu được tiếng “cái thìa”, “con mèo”, một biểu tượng cái thìa và con mèo, được giữ lại trong trí óc. Thế giới biểu tượng, thế giới tư duy xuất hiện. Và cũng bắt đầu  hoạt động tư duy song song với hoạt động cảm giác và vận động.

Ở lứa tuổi này, tư duy chưa tách khỏi giác-động, mà còn dính chặt với những vận động, với hành động, và đặc biệt tình cảm chi phối tâm tư em bé. Khách thể của sự vật chưa tách khỏi chủ quan của chủ thể; tư duy còn mang tính chất duy kỷ hoàn toàn, nhìn sự vật một cách hoàn toàn chủ quan, chưa thấy được tính khách quan của sự vật. Đây không phải là chủ quan của người lớn mà là tình trạng bất phân, chưa phân hóa ra hai thế giới tách biệt, thế giới sự vật và thế giới tư duy.

Tách rời mẹ

Sự tách biệt khởi đầu với một đối tượng hết sức quen thuộc: đó chính là người mẹ. Lúc này mẹ không còn đáp ứng tức thì tất cả các đòi hỏi nữa: có những đòi hỏi mẹ bắt trì hoãn, đến giờ nào mới được ăn, có những điều mẹ buộc vào kỷ luật, không được đụng vào chiếc phích hay dây điện, bếp lửa. Kỷ luật gay gắt nhất vào lứa tuổi này là đại tiện không được vào bất kỳ lúc nào, chỗ nào trong năm đầu nữa. Phải ngồi vào bô, phải biết gọi mẹ; nhiều em chơi với phân bôi bê bết ra, đây là một điều tối kỵ đối với bố mẹ. Trong năm thứ hai có thể nói là mẹ đã ép buộc được con vào kỷ luật đại tiện; em bé đã làm chủ được hoạt động của cơ vành khuyên hậu môn. Làm chủ cơ vành khuyên ở ống tiểu tiện khó hơn; ở đây phải nín giữ lại không cho nước tiểu vọt ra, thường mãi hết năm thứ ba mới đạt được. Sau đó, nhiều khi, em bé vẫn không giữ nổi.

Mâu thuẫn giữa mẹ con làm cho bé “vỡ” ra là mẹ và mình là hai con người khác nhau, kết thúc giai đoạn “hòa mình” với mẹ, rồi ngoài mẹ, em bé bắt đầu chú ý đến người khác, trước hết với ba. Trong năm đầu ba hầu như không đóng vai trò gì quan trọng lắm. Nhưng đến lúc bé biết đi, chạy đi chạy lại thăm dò sự vật, thì ba lại có thể giúp bé hoặc ngăn cấm bé trong nhiều hoạt động; bé cũng vỡ ra không thể một mình chiếm đoạt được mẹ hết cho mình, mẹ còn chia sẻ chăm sóc tình yêu cho ba và anh chị em trong nhà. Lòng ghen tị bắt đầu xuất hiện, cũng giúp bé tự nhận ra mình, đối lập với kẻ khác.

Hết hòa mình với mẹ, bé cũng hết hòa mình với sự vật. Trước đó chưa phân biệt môi miệng với vú của  mẹ, bàn tay với vật đang cầm, nay đã tách ra một bên là thân thể của mình, một bên là đồ vật, là đối tượng của hoạt động. Đối lập mình với mẹ và người khác, đối lập thân thể mình với đồ vật, em bé tự khẳng định lấy mình. Tự khẳng định có phần nào “quá khích”: gạt tay mẹ không để mẹ cầm tay giúp cho xúc ăn hay cầm một cốc nước, “ngang bướng” như cố tình làm ngược lại những  điều ba mẹ dạy bảo. Đây là thời kỳ khủng hoảng đối lập của cuối năm thứ hai, đầu năm thứ ba.

CHÚ GIẢI BÀI TUỔI BÉ EM (15-36 THÁNG)

1 – Vào khoảng 15-18 tháng, đi vững, đứng thẳng người, tầm nhìn đưa xa, giải phóng đôi tay, đây là đặc điểm của loài người, khác với thú vật.  Đôi tay bắt đầu sử dụng những công cụ thông thường trong nhà. Lúc đầu một công cụ như cái thìa chẳng hạn, chỉ dùng để kéo dài bàn tay ra, không khác gì một cái que, nhưng rồi biết công cụ của cái thìa là để xúc cơm hay bột và cả nước nữa, biết lật ngửa chiếc thìa ra. Tiến bộ của em bé có thể đánh giá qua:

+ Đi đứng vững vàng thêm và đến ba tuổi lên xuống cầu thang được.
+ Biết sử dụng nhiều công cụ, cái thìa, cốc nước, con dao…
+ Bàn tay ngón tay ngày càng khéo léo: mở ra đóng vào hộp diêm, cầm bút không vẽ ra ngoài tờ giấy nữa, và đến 3 tuổi, bắt chước vẽ được hình tròn.
+ Còn nhiều vận động thừa như cầm bút vẽ thì tay bên kia cũng cựa quậy, và vặn vẹo lưng và cổ, các nhà chuyên môn gọi đấy là những đồng vận.

2 – Từ 12 -15 tháng em bé biết nói, đây là đặc điểm quan trọng nhất so với thú vật. Với ngôn ngữ bắt đầu thoát trí khôn giác động, mà xuất hiện những biểu tượng, tức những hình tượng ghi lại dấu tích của các đồ vật, biểu tượng vẫn tồn tại sau khi đồ vật không còn đấy nữa. Để xuất hiện một thế giới “bên trong” đối lập với thế giới “bên ngoài” một nội tâm. Những hiện tượng pha trộn với những cảm xúc, với những ký ức cho nên có khi sát với thực tế bên ngoài, có khi mang tính hư cấu tưởng tượng nhiều hơn là phản ánh thực tế.

3 – Ở tuổi này thông thường đã hoặc đang cai sữa. Em bé phải đổi thức ăn, ăn bột rồi ăn cơm, cảm giác ở môi miệng không còn như bú sữa, và cũng rời vú mẹ hay vú cao su, tiếp xúc với cái thìa. Cảm giác vừa khó chịu vừa hấp dẫn vì mới lạ, lại kèm theo tay có khả năng cầm lấy thìa tự xúc lấy. Được hay mất chủ yếu là do mẹ động viên, biểu dương hay  mẹ gay gắt cau có, có khi la mắng. Các nhà tâm lý học cho rằng cai sữa dễ dàng thì sau này lớn  lên  nhận cái mới dễ dàng, cai sữa vấp váp nhiều lớn lên dễ co mình lại, cai sữa là bước đầu tách rời với người mẹ.

4 – Bước sang năm thứ hai, nổi lên câu chuyện đại tiện. Ở đây có mấy yếu tố:

– Thần kinh chỉ đạo các cơ ở hậu môn đã thành thục, em bé cảm nhận được trực tràng đã đầy phân hay chưa, có khả năng chủ động níu giữ phân lại, hay rặn đẩy phân ra.

– Những hoạt động của hậu môn gây ra những khoái cảm như ở thời trước hoạt động của môi miệng, có khác ở đây mang tính chủ động hơn, em bé tự đặt xem cục phân là “sản phẩm” của mình. Đối với trẻ 1-2 tuổi, phân không có gì bẩn hay thối, các em dễ thích nghi chơi với phân.

– Nhưng vấp phải hạch sách của xã hội, người lớn, nhất thiết nghiêm cấm chơi như vậy, mẹ buộc con phải “ở sạch” không “ị bậy”. Muốn đại tiện, phải báo cho mẹ biết, ngồi vào bô, cấm đụng đến phân, xong để mẹ chùi rửa sạch sẽ. Kỷ luật ở đây gắt gắt hơn nhiều so với bữa ăn. Bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn gay gắt giữa mẹ và con. Tùy phong tục tập quán, tùy cá tính của người mẹ, mâu thuẫn này giải quyết dần dần một cách nhẹ nhàng hay căng thẳng, việc buộc phải đại tiện đúng kỷ cương thành một chấn thương tâm lý. Các nhà tâm lý học cho rằng chấn thương này về sau tạo ra những  con người hung hãn, cục cằn.

5 – Biết đi, biết nói, mâu thuẫn với ba mẹ và người lớn nói chung tạo ra  tâm lý muốn tự lập, tự khẳng định. Đây là quá trình bỏ qua giai đoạn hòa mình, tách biệt dần với mẹ để thành một cá thể độc lập, đây là quá trình cá biệt hóa. Bản thân đối lập với đối tượng, tức là người khác và đồ vật. Tâm lý học gọi bản thân là “kỷ” đối tượng là “tha” (tha vật, tha nhân). Ở tuổi này, tâm tư chủ yếu hướng về cái kỷ, ý nghĩa mang tính duy kỷ, cảm xúc tình cảm mang tính ái kỷ, trong ý nghĩ cũng như trong tình cảm, mình chỉ biết lấy mình, theo ham muốn hứng thú của mình, không đếm xỉa đến thực tế.

Ở giai đoạn này, ba mẹ tuy không còn “bao cấp” cho nữa, nhưng vẫn còn “bao che”, cho nên tính “ích kỷ”, “ái kỷ” cũng dễ tồn tại. Vào cuối năm thứ hai, tính ngang bướng, nhiều lúc cố ý làm trái ngược với lệnh của ba mẹ bộc lộ rõ rệt, đây là thời kỳ “chống đối” vào cuối năm thứ hai, đầu năm thứ ba.

 

đến chương 6 >>

Read Full Post »