Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘09. Tạo vùng an toàn’ Category

Chương 8:

TẠO RA MỘT VÙNG AN TOÀN

Tình yêu hoàn hảo có nghĩa là để yêu, kẻ này thấu suốt kẻ kia và trở nên bất hạnh.

SOREN KIERKEGAARD

Khi một cặp vợ chồng cam kết sẽ ở bên nhau để thực hiện chương trình chữa trị tâm lý, bước lôgic tiếp theo sẽ là giúp họ trở nên đồng minh chứ không phải thù địch. Sẽ chẳng ăn thua gì nếu chỉ là đưa 2 kẻ thù ghét nhau đi bên nhau trên con đường tăng trưởng tâm lý và tinh thần – họ sẽ chỉ chăm chăm người này tìm cách gạt kẻ kia sang bên lề đường. Để có được những tiến bộ chắc chắn nhất và khả quan nhất hướng tới một quan điểm liên kết, họ cần phải trở thành những người bạn và những trợ thủ của nhau.

Nhưng bằng cách nào để làm được điều đó? Các cặp vợ chồng sẽ chấm dứt tranh chấp bằng cách nào khi mà họ không có cơ hội để giải quyết những bất đồng cơ bản giữa họ? Tình yêu và lòng trắc ẩn là những gì chỉ đạt được ở điểm cuối của hành trình chữa trị chứ không phải ở điểm khởi đầu.

Tôi đã đặt ra một giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan này trong một nghiên cứu về khoa học ứng xử. Tôi cho rằng có thể tác động đến cung cách một cặp vợ chồng cảm nhận về nhau bằng cách giúp họ xây dựng lại (một cách nhân tạo) những tiền đề của tình yêu lãng mạn. Khi người này cư xử với người kia theo cung cách mà họ đã có trong những ngày hạnh phúc, người này sẽ bắt đầu nhận diện người kia một lần nữa lại như suối nguồn của lạc thú và chính điều này làm cho họ quyết tâm hơn theo đuổi chương trình chữa trị.

Nhận thức và sự thay đổi hành vi

Nhiều năm trước, tôi đã chống lại ý tưởng đề cập trực tiếp đến sự hoán chuyển hành vi của người bệnh. Xuất phát từ một trường phái phân tâm học, tôi cho rằng mục tiêu của nhà điều trị tâm lý là giúp đỡ người bệnh cất bỏ các gánh nặng cảm xúc. Một khi người bệnh đã liên kết một cách sai lầm những xúc cảm của họ về người bạn đời với những nhu cầu và ước muốn bị gạt bỏ trong tuổi ấu thơ của họ, điều được giả định là phải giúp họ tiến tới một cung cách quan hệ người lớn và duy lý hơn.

Định kiến này đặt cơ sở trên một mô hình y khoa cho rằng, khi một căn bệnh được thầy thuốc chữa trị, người bệnh sẽ được phục hồi sức khỏe hoàn toàn. Trước khi xuất hiện các hình thức chữa trị bệnh tâm thần theo hướng phân tâm vốn có cội rễ trong y học thế kỷ 19, việc chữa trị dựa trên những định kiến sinh học phổ biến là điều dễ hiểu.

Nhưng nhiều năm kinh nghiệm chữa trị cho các cặp vợ chồng đã thuyết phục tôi rằng, một mô hình y khoa không thể áp dụng cho việc tham vấn về hôn nhân. Khi một thầy thuốc chữa trị một căn bệnh thực thể, cơ thể tự động hồi phục bởi vì nó trông cậy vào chương trình di truyền. Mỗi một tế bào trong cơ thể – trừ phi nó bị hư hỏng hoặc bệnh hoạn, hàm chứa tất cả các thông tin cần thiết cho các chức năng thông thường. Nhưng chẳng có mã di truyền nào dành cho hôn nhân cả. Hôn nhân là một sáng tạo văn hóa tác động lên con người sinh học. Bởi vì con người thiếu một kiến trúc nội tại dành cho các chỉ dẫn xã hội, họ vẫn có thể bị mắc kẹt trong những mối quan hệ bất hạnh sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm chữa trị. Những gánh nặng xúc cảm của họ có thể được cất bỏ và họ có thể thấu tỏ căn nguyên những khó khăn của họ, nhưng họ vẫn cứ bám víu vào những ứng xử quen thuộc.

Cũng như nhiều nhà tham vấn hôn nhân khác, tôi kết luận rằng nhà tâm lý phải đóng vai trò chủ động trong việc trợ giúp các lứa đôi thiết kế lại mối quan hệ của họ. Soi rọi các chấn thương tuổi thơ là một việc thiết yếu trong quá trình chữa trị, nhưng điều đó không đủ. Người ta cũng cần hiểu rõ các hành vi phản hồi sẽ tác động như thế nào và tái định vị chúng một cách hiệu quả hơn.

Những hành vi săn sóc

Ở đầu chương này, tôi đã đề cập đến sự tiếp cận hành vi, nó tỏ ra đặc biệt hữu dụng trong việc giải quyết các trục trặc, hồi phục nhanh chóng cảm quan về tình yêu và thiện ý của các cặp vợ chồng.

Trong cuốn sách: Trợ giúp sự thay đổi của các lứa đôi: Một cách tiếp cận xã hội đối với tham vấn hôn nhân, nhà tâm lý Richard Stuart giới thiệu một bài tập cho các cặp vợ chồng, giúp họ có cảm giác yêu thương kẻ bạn đời nhiều hơn đơn giản bằng cách dấn thân vào những hành vi yêu thương nhiều hơn.

Được gọi là “Những ngày săn sóc”, bài tập hướng dẫn các cặp vợ chồng viết ra một danh sách những cách thức tích cực và đặc trưng mà người bạn đời của họ có thể làm họ hài lòng. Ví dụ, một người đàn ông viết: “Anh muốn em xoa bóp vai anh khoảng 15 phút trong lúc anh xem tivi”, hoặc là: “Anh muốn em mang bữa điểm tâm vào tận giường cho anh mỗi buổi sáng Chủ nhật”. Người chồng hoặc người vợ sẽ dành cho người bạn đời một vài hành vi săn sóc nào đó mỗi ngày, bất kể họ cảm nhận về người kia như thế nào. Stuart khám phá ra rằng, khi bài tập thành công, nó phát sinh “những đổi thay đáng kể trong các chi tiết tương giao hàng ngày giữa 2 vợ chồng trong khoảng tuần lễ chữa trị đầu tiên, một nền tảng chắc chắn để đưa ra những gợi ý tiếp theo cho sự thay đổi”.

Để thấy cách tiếp cận hành vi này tác dụng ra sao, tôi quyết định thử nghiệm nó cho Harriet và Dennis Johnson. Tôi chọn họ bởi vì họ cảm thấy sống với nhau không hạnh phúc, giống như nhiều lứa đôi khác đang chữa trị ở chỗ tôi. Một trong những nỗi lo chính yếu của Harriet là Dennis đang lìa bỏ cô. Trong cố gắng tuyệt vọng để níu giữ anh, cô đã tán tỉnh lộ liễu một người đàn ông khác. Để làm cô mất tinh thần, Dennis đáp lại hành vi “chấp chới” của cô bằng một cung cách tương tự đối với mỗi việc cô làm – nhưng khắc kỷ hơn.

Trong một đợt chữa trị, Dennis thổ lộ rằng anh đang cố gắng điều chỉnh chiến thuật trước sự kiện là mỗi ngày Harriet có thể có một “phi vụ”. Sự im lặng “bi hùng”của anh chỉ làm Harriet cảm thấy sự việc trở nên trầm trọng hơn. Cô đang cố hết sức để “thấm ướt” thái độ phòng vệ của anh nhằm làm cho anh ưa thích cô trở lại. Ở khoảng thời gian hiếm hoi đó, khi cô loay hoay chọc tức anh thì anh lại cư xử theo một kiểu “sứ cách điện” điển hình là bỏ nhà đi. Hầu hết các cuộc tranh chấp giữa họ kết thúc với việc Dennis bắn vọt lên trời trong chiếc ghế cấp cứu của phi công phản lực! Để đặt nền móng cho bài tập, tôi yêu cầu Dennis và Harriet kể cho tôi nghe họ đã cư xử với nhau như thế nào khi bắt đầu yêu nhau. Khi nghe họ kể, tôi có cảm tưởng rằng họ đang nói về hai người nào khác, tôi không thể hình dung ra Dennis và Harriet cưỡi xe đạp lang thang cùng nhau suốt cả ngày Chủ nhật, trốn sở làm để đi xem phim với nhau và gọi điện thoại cho nhau 2-3 lần mỗi ngày.

“Điều gì sẻ xảy ra” – tôi hỏi khi trở lại bình thường sau cơn sửng sốt, – “nếu các bạn trở về nhà và làm lại tất cả những điều đó một lần nữa? Điều gì xảy ra nếu các bạn cư xử với nhau tương tự những gì các bạn đã làm lúc đang si mê nhau?”. Họ nhìn tôi với vẻ bối rối.

“Tôi nghĩ là mình sẽ cảm thấy không thoải mái”, Dennis nói sau một cử chỉ phản ứng mơ hồ: “Tôi không muốn hành động khác với những cảm xúc của mình. Tôi cảm thấy mình… giả dối. Tôi không còn cảm xúc với Harriet như những điều tôi đã làm trước đây nữa, vậy tại sao tôi lại phải cư xử với cô ấy như trước?”

Harriet tán thành: “Có vẻ như chúng tôi đóng kịch. Chúng tôi không hạnh phúc, nhưng ít nhất chúng tôi cũng cố gắng thành thật với nhau”.

Khi tôi giải thích rằng, bài thực nghiệm có thể giúp họ vượt qua ngõ cụt, họ chấp nhận thử nó, bất kể sự chống đối ban đầu của mình.

Tôi giải thích bài tập cho họ thật cẩn thận. Họ về nhà, lập một danh sách và tự nguyện thực hiện 3-5 hành vi săn sóc nhau môi ngày. Các hành vi ấy là những tặng phẩm. Họ nhìn nhận chúng như những cơ hôi để làm vui lòng nhau, chứ không phải là một trò đổi chác. Quan trọng nhất là họ đã giữ được cơ may và đã giữ lời hứa mang vào bài tập một cố gắng chân thành.

Mở đầu lần hẹn tiếp theo, Dennis tường thuật kết quả thực nghiệm: “Tôi nghĩ là ông có lý. Chúng tôi đã làm tất cả những gì ông yêu cầu và hôm nay tôi cảm thấy có nhiều hy vọng hơn cho cuộc hôn nhân của chúng tôi”.

Tôi yêu cầu anh kể tiếp.

“Vâng. Sau buổi hẹn đầu, tôi thấy mình lái xe lòng vòng các phố trong một tâm trạng đen tối”, Dennis tâm sự, “Tôi không còn nhớ vì sao tôi lại như vậy. Sau đó, tôi quyết định thử làm hết mình những gì mà ông yêu cầu. Tôi dừng xe ở một siêu thị và mua cho Harriet vài đóa hoa. Đó là một trong những mong muốn của cô ấy được ghi trong danh mục. Người bán hàng hỏi tôi có muốn mua một tấm thiệp không. Tôi tự nghĩ: “Tại sao không?”. Tôi nhớ lại là đã tự bảo mình: “Chúng tôi đã nhờ ông tư vấn để mọi chuyện được tốt đẹp hơn, vậy tốt nhất là làm tất cả”. Thế là tôi mua một tấm thiệp và khi về đến nhà, tôi ghi vào mặt sau tấm thiệp: “Anh yêu em”. – Anh ngừng một lát. – “Điều ngạc nhiên nhất là khi tôi trao cho Harriet những đóa hoa, tôi đã thực sự âu yếm với cô ấy”.

“Và khi tôi đọc tấm thiệp”, Harriet bổ sung, “nước mắt tôi ràn rụa. Đã quá lâu kể từ ngày anh ấy ngỏ lời yêu tôi”. Họ tiếp tục diễn tả tất cả những gì họ đã làm để vui lòng nhau. Harriet đã làm món rô-ti với khoai tây rán mà Dennis ưa thích. Trên giường ngủ, họ đã không quay lưng vào nhau nữa. Kết toán các sự kiện, dường như đã xuất hiện một trường hấp dẫn mới giữa hai người. Khi họ rời văn phòng của tôi, tôi còn thấy Dennis khoác áo ngoài cho Harriet và cô thì mỉm cười: “Cảm ơn, anh yêu!”. Chỉ là một điều nhỏ nhặt thôi, nhưng là một mảnh lạc thú cho và nhận đã vắng bóng từ lâu trong quan hệ của họ.

Tôi yêu cầu Dennis và Harriet tiếp tục các hành vi săn sóc lẫn nhau, và ở mỗi đợt tham vấn, họ lại thông báo một tiến triển khả quan trong quan hệ. Họ không chỉ săn sóc lẫn nhau mà còn sẵn sàng thăm dò những gì nằm sâu bên dưới nỗi bất mãn của họ. Tại các buổi tham vấn, họ ít than phiền hơn và dành thời gian để tìm hiểu những thương tổn của tuổi ấu thơ là lý do tiềm tàng cho cảm giác bất hạnh trước đây của họ.

Bởi vì bài tập của Stuart đã có hiệu quả tốt trong trường hợp Dennis và Harriet, tôi đã dùng nó như một mô hình cho một bài tập mở rộng hơn mà tôi đặt tên là “Tái lãng mạn hóa” bởi vì nó có tác dụng phục hồi tương tác xung đột – giải thoát của tình yêu lãng mạn. Tôi đã hướng dẫn bài tập “Tái lãng mạn hóa” cho những khách hàng khác và gần như không có ngoại lệ, khi các cặp vợ chồng bắt đầu thu xếp để gia tăng số thời gian trong ngày cho những hành vi yêu thương, họ cũng bắt đầu cảm thấy được an toàn và được yêu thương hơn. Điều này làm mạnh mẽ mối liên kết cảm xúc giữa họ và kết quả là họ đã thúc đẩy nhanh tiến trình chữa trị.

Tôi sẽ giải thích những chi tiết của bài tập “Tái lãng mạn hóa” đầy đủ hơn trong Phần Ba. Khi bạn theo những chỉ dẫn một cách cẩn thận, bạn cũng sẽ trải nghiệm một sự cải thiện tức thời khí hậu hôn nhân của mình. Bài tập này không phải để giải quyết những xung đột sâu sắc nhưng nó sẽ giúp tái lập cảm giác an toàn và hài lòng, đồng thời gia tăng sự thân mật trong quan hệ hôn nhân.

Tại sao làm điều đó?

Tại sao một bài tập đơn giản lại có hiệu quả như vậy? Lý do hiển nhiên là thông qua những hành vi tích cực lặp lại mỗi ngày, tâm thức cũ bắt đầu nhìn nhận người bạn đời như “một kẻ nuôi dưỡng”. Những thương tổn đầy khổ đau bị vượt qua với những giao tiếp tích cực và người bạn đời mới đây còn bị coi là “kẻ mang lại cái chết” đã trở thành suối nguồn của đời sống. Điều này mở đường cho sự thân mật, khả tính duy nhất trong một thông điệp của lạc thú và an toàn.

Nhưng cũng có những lý do khó thấy hơn khiến cho bài tập này đạt kết quả. Thứ nhất, nó giúp ta làm xói mòn niềm tin tuổi thơ là người bạn đời có thể đọc được những ý nghĩ của ta.

Trong tình yêu lãng mạn, ta thường tin tưởng sai lầm rằng người bạn đời của ta biết đích xác những điều ta mong muốn. Khi người bạn đời, không làm thỏa mãn những ước muốn thầm kín của ta, ta cho rằng họ chủ tâm tước đoạt của ta sự hài lòng và khiến ta cũng muốn tước đoạt sự hài lòng của họ. Bài tập “Tái lãng mạn hóa” ngăn chặn vòng xoáy tai hại này bằng yêu cầu cặp vợ chồng để cho nhau nghe đích xác điều gì làm họ hài lòng, và như vậy, làm thu giảm sự tin tưởng vào phép màu thần giao cách cảm.

Một kết quả khác của bài tập là nó đập tan trạng thái ăn miếng trả miếng của sự tranh chấp. Khi một cặp vợ chồng thực hành bài tập “Tái lãng mạn hóa”, họ được hướng dẫn làm hài lòng nhau theo một khóa biểu hiện riêng rẽ, họ phân định một danh mục các hành vi săn sóc mỗi ngày, không quan tâm tới hành vi của người kia. Điều này tái lập khuynh hướng tự nhiên là đưa ra những ưu tiên trên 1 cơ sở có đi có lại: Anh làm điều này cho tôi, tô sẽ làm điều kia cho anh. Rất nhiều cuộc hôn nhân diễn ra theo kiểu mua bán các hành vi yêu đương chẳng khác nào tiền trao cháo múc. Nhưng những “tình yêu” như vậy cũng chẳng thể tồn tại được đối với tâm thức cũ. Nếu John xoa bóp vai cho Martha với hy vọng rằng cô sẽ để yên cho anh một ngày đi câu cá với đám bạn thì trong thâm tâm, Martha sẽ nghĩ: “Xem đấy! Có giá hết. Chẳng có gì hay hớm khi nhận được một sự săn sóc như thế, bởi vì sau đó mình cũng sẽ phải đáp lại”. Một cách vô thức, cô không chấp nhận sự săn sóc của John, bởi vì cô biết những cái đó là dành cho chính anh ta chứ không phải cho cô. Tâm thức cũ của cô sẽ chỉ chấp nhận một ứng xử yêu thương duy nhất không có điều kiện nào kèm theo đó là: “Anh xoa bóp vai cho em vì anh biết rằng em rất thích điều đó”. Lúc đấy, hành động sẽ trở thành một “tặng phẩm”.

Nhu cầu “được trao tặng” xuất hiện ngay từ tuổi thơ ấu. Khi chúng ta là những đứa trẻ, tình yêu không kèm theo trả giá. Ít nhất trong những tháng đầu tiên của cuộc đời, chúng ta không phải “đáp lại” khi chúng ta được vỗ về, đưa nôi hay bú mớm.

Còn bây giờ, khi đã trưởng thành, quá khứ đã khép lại vẫn còn khẩn nài ta dưới hình thái tình yêu. Chúng ta muốn được yêu, được săn sóc mà không phải “có đi có lại”. Khi người bạn đời tặng ta những hành vi săn sóc không phụ thuộc vào thái độ của ta, nhu cầu được yêu vô điều kiện của ta được thỏa mãn.

Lợi ích thứ ba của bài tập là nó giúp ta nhận thấy rằng những gì làm ta hài lòng là sản phẩm của cá nhân ta, thuộc về kinh nghiệm sống riêng của ta và có thể rất khác với những gì làm hài lòng người bạn đời.

Thông thường, người chồng hay người vợ chỉ quan tâm đến nhu cầu và ham muốn của bản thân mình chứ không phải của người kia. Ví dụ, một phụ nữ tới tham vấn chỗ tôi vì gặp trục trặc trong đời sống gia đình, đã dành cho chồng mình buổi tiệc sinh nhật lần thứ 40 đầy ngạc nhiên. Cô mời tất cả bạn bè của chồng, nấu những món ăn chồng cô ưa thích, thuê một lô những băng nhạc của thập kỷ 60 mà chồng cô rất mê cùng với nhiều sáng kiến sinh động cho lễ sinh nhật. Trong bữa tiệc, chồng cô hết sức vui vẻ, nhưng chỉ vài tuần sau, giữa một đợt tham vấn, anh ta trở nên bực bội và bảo vợ mình rằng anh ta đã phải chịu một nỗi khổ sở không nói ra được. “Anh không thích những buổi sinh nhật ồn ào huyên náo như vậy, nhất là sinh nhật lần thứ 40 của anh. Anh chỉ muốn một buổi tối êm ả bên em và các con với một chiếc bánh do em làm và một vài món quà nhỏ. Em chỉ thích những bữa tiệc om sòm ầm ĩ”.

Vợ anh ta đã thực thi Định Luật Vàng: “Hãy làm cho người khác những gì mà bạn muốn người khác làm cho bạn” với một chút quá lố. Cô đã hồn nhiên dành cho chồng một bữa tiệc sinh nhật theo “khẩu vị” của cô chứ không phải của anh ta. Bài tập “tái lãng mạn hóa” điều chỉnh trục trặc này bằng cách hướng dẫn cho các cặp vợ chồng thực hành quy tắc : “Hãy làm cho người khác những gì họ muốn bạn làm cho họ”. Quy tắc này sẽ điều chỉnh các hành vi săn sóc “lung tung” của bạn trở thành những hành vi được thiết kế nhằm thỏa mãn các khao khát đích thực của vợ hay chồng bạn.

Lợi ích cuối cùng của bài tập “Tái lãng mạn hóa” là khi một cặp vợ chồng thường xuyên mang đến cho nhau những hành vi săn sóc “có đích”, họ sẽ không chỉ cải thiện khí hậu yêu đương của họ mà còn khởi đầu việc chữa trị các thương tổn tâm lý xa xưa. Tôi có một kinh nghiệm cá nhân về việc này. Vợ tôi, Helen, và tôi thỏa thuận tiến hành một thí nghiệm tương tự: tôi là một khách hàng, và bài tập “Tái lãng mạn hóa” được chúng tôi thực hiện với nhiều thời gian và hết sức tự nhiên. Một trong những điều mà tôi muốn Helen thực hiện là nàng sẽ sửa soạn giường cho cả hai trước khi đi ngủ. Yêu cầu này xuất phát từ một kinh nghiệm của tôi 40 năm trước. Sau khi mẹ tôi mất, tôi sống với chị tôi là Maize Lee. Lúc ấy bà 18 tuổi và mới lập gia đình, nhưng bà đã dành cho tôi những cử chỉ săn sóc tinh tế. Một trong những cử chỉ đó là bà luôn luôn dành thời gian vào phòng tôi trước giờ ngủ, sửa soạn giường nằm cho tôi và pha cho tôi một ly nước cam hoặc một ly sữa. Giờ đây, khi Helen sửa soạn giường cho tôi trước khi tôi đi ngủ, tôi lại nhớ tới chị tôi với tất cả những cử chỉ săn sóc yêu thương và tôi cảm thấy tràn ngập xúc động. Ở một mức độ sâu xa, cử chỉ đơn giản đó đã tái tạo một tình mẫu tử sống động. Tôi cảm thấy yên ổn trở lại, thương tổn tuổi thơ được chữa trị trong một mối quan hệ của tuổi trưởng thành, mối quan hệ đã trở nên một khu vực của tình yêu và sự an toàn.

Danh mục gây ngạc nhiên

Sau khi đưa bài tập “Tái lãng mạn hóa” vào chương trình của các cặp vợ chồng, tôi ghi nhận một hiện tượng đáng chú ý: giá trị tích cực của bài tập này sau một vài tháng lại trở nên mờ nhạt. Cặp vợ chồng tuân thủ các chỉ dẫn nhưng những gì làm họ hết sức hài lòng lúc bắt đầu bài tập chẳng kéo dài được bao nhiêu.

Điều này gợi ý cho tôi rằng, có lẽ phải đưa vào bài tập khái niệm: củng cố ngẫu nhiên. Củng cố ngẫu nhiên là một nguyên tắc của khoa học hành vi, có nghĩa là, sự kích thích hài lòng sẽ mất hiệu quả nếu nó được nhắc lại một cách đơn điệu. Nhìn rộng hơn, mặt khác, phải sáng tạo một không khí bất trắc và chờ đợi, tăng cường ý nghĩa của sự tưởng thưởng. Khái niệm này được một nhó nhà khoa học đưa ra sau những thí nghiệm huấn luyện động vật. Một hôm, những thiết bị thí nghiệm bỗng bị trục trặc và các con vật tham gia thí nghiệm không được thưởng sau những cố gắng của chúng. Hôm sau, thiết bị được sửa chữa và việc thưởng cho các con vật trở lại tiến trình cũ. Nhưng các nhà khoa học rất ngạc nhiên vì các con vật như có gì thúc đẩy chúng làm các động tác hăng hái hơn trước. Sự mong đợi phần thưởng mà chúng không còn biết trước khiến chúng trở nên hoạt động hơn.

Hiện tượng củng cố ngẫu nhiên có thể quan sát dễ dàng trong đời sống hiện tại. Hầu hết các cặp vợ chồng tặng quà cho nhau nhân dịp lễ lạc như Giáng sinh, Tết, sinh nhật… Những tặng phẩm “nhân dịp” ngày trở nên nhàm chán. Mặc dù các tặng phẩm vẫn làm người nhận vui thích nhưng chúng không còn gây xúc cảm và ngạc nhiên như lẽ ra phải có. Một nhà hành vi học nói rằng: những tặng phẩm mất khả năng kích thích là vì “hệ thống tâm-thần-kinh trở nên vô cảm đối với sự hài lòng có thể đoán trước và lặp đi lặp lại”.

Một nguyên tắc tương tự được áp dụng cho bài tập “Tái lãng mạn hóa”. Một cặp vợ chồng neo buộc nhau trong một lịch biểu những hành vi săn sóc – ví dụ như, người này đấm lưng cho người kia trước khi đi ngủ hoặc một bó hoa cho nhau vào Thứ Bảy hàng tuần – sẽ bào mòn sự hài lòng từ những hành vi săn sóc ấy. Cần đưa vào tình trạng đó một quãng ngắt để kích thích sự chú ý của cả hai.

Để bổ sung yếu tố đợi chờ thấp thỏm, tôi đưa ra bài tập “Danh mục gây ngạc nhiên”, đó là những hành vi săn sóc ở bên trên và bên kia những gì mà người bạn đời của bạn đề nghị.

Mỗi người lập danh sách những gì mình có thể đáp ứng những ước muốn sâu kín, thậm chí trong mơ, của người bạn đời. Một người phụ nữ không nhớ rằng mình đã thổ lộ với chồng vào một lúc nào đó là mình rất thích một bộ đồ trong cửa hiệu thời trang, sẽ sáng mắt lên khi thấy bộ đồ đó – dĩ nhiên đúng cỡ – xuất hiện trong tủ áo. Một người đàn ông ngưỡng mộ giọng tenor của Parvarotti, một hôm mở thùng thư bỗng thấy một cặp vé đi xem opera, buổi diễn của Parvarotti, kèm một dòng chữ âu yếm của vợ mình. Bạn thấy sao khi một cặp vợ chồng bổ sung những điều hài lòng không dự kiến ấy vào các hành vi săn sóc thường nhật? Chắc chắn hiệu quả hữu ích của bài tập sẽ không bị bào mòn đi mà còn được nâng cấp.

Danh mục vui đùa

Lúc này, tôi đưa ra một bổ sung cuối cùng cho tiến trình “tái lãng mạn hóa”. Tôi yêu cầu các cặp vợ chồng không chỉ mang đến cho nhau những hành vi săn sóc và những hành vi gây ngạc nhiên mà đôi khi, cả những hoạt động vui đùa “toát mồ hôi” hàng tuần. Đó là những trò chơi tay đôi đầy hào hứng và ngẫu nhiên như: đấu vật, đuổi bắt, massage, kéo co, khiêu vũ… những môn thể thao có tính ganh đua sẽ chỉ thích hợp với những cặp vợ chồng không có máu ăn thua cay cú.

Lý do mà tôi bổ sung yếu tố này là hầu hết những hoạt động mà các cặp vợ chồng đưa vào danh mục hành vi săn sóc đều rất “người lớn”, họ đã quên mất rằng ngày xưa họ đã vui đùa với nhau như thế nào. Ngay khi đưa ra hướng hoạt động này, tôi tiến hành khảo sát các thân chủ của tôi và nhận thấy thời lượng họ dành để vui đùa cười cợt với nhau chỉ khoảng mươi phút mỗi tuần. Cải thiện tình trạng đáng buồn này trở nên một ưu tiên trong chương trình, bởi vì tôi biết rõ ràng, khi vui đùa cùng nhau, hai vợ chồng sẽ nhận dạng nhau như những suối nguồn của lạc thú và an toàn, đó là điều sẽ tăng cường những liên hệ cảm xúc giữa họ.

Khi tâm thức cũ ghi nhận một dòng năng lượng tích cực, nó biết rằng hoạt động đó sẽ khởi động tiến trình nối kết vào đời sống và sự an toàn và những kẻ phối ngẫu sẽ nối kết lẫn nhau ở mức độ vô thức và sâu xa hơn.

Nỗi sợ hãi sự hài lòng

Với hai bản danh mục vừa bổ sung, giờ đây tôi đã có một công cụ để có thể giúp các cặp vợ chồng bắt đầu tiến trình chữa trị tâm lý tích cực. Nhưng cũng giống như bất kỳ một thực nghiệm nào dẫn tới sự tăng trưởng nhân cách, bài tập đơn giản này cũng thường xuyên gặp phải sự chống đối. Một mức độ chống đối chắc chắn là sự thụ động. Khi hai vợ chồng cư xử thù địch với nhau suốt 5 năm trời, thì thật là xa lạ khi phải viết lại những điều thân thương. Bài tập này tạo ra những xúc cảm, có vẻ nhân tạo và bày đặt (dĩ nhiên) và đối với tâm thức cũ, bất cứ điều gì không theo thông lệ hoặc không quen thuộc đều trái tự nhiên. Cách duy nhất để giảm thiểu sự chống đối tự động này và làm thay đổi tình trạng là nhắc đi nhắc lại một hành vi mới mẻ, đến khi nó được cảm nhận một cách thân thuộc và do đó, trở nên an toàn.

Môt nguồn gốc sâu xa của sự chống đối bài tập này – và đó là một nghịch lý – là nỗi sợ hãi sự hài lòng. Ở mức độ ý thức, chúng ta lao vào những hành trình dằng dặc để tìm kiếm hạnh phúc. Vì sao chúng ta lại sợ hãi điều đó? Để cảm nhận điều mâu thuẫn này, chúng ta cần nhớ rằng, cảm giác về tồn tại sinh động chính là sự hài lòng sâu sắc.

Khi chúng ta còn là những đứa trẻ, năng lượng sống của chúng dường như vô tận và chúng ta đón nhận nồng nhiệt những niềm vui. Nhưng thực ra, năng lượng sống ấy bị giới hạn và nó tái định hướng cho chúng ta bị cắt gọt để chúng ta được an toàn và thích hợp với các chuẩn mực xã hội, và chúng ta cũng không giơ tay đe dọa các thiết chế đàn áp nữa.

Những giới hạn này đè nặng lên chúng ta, đôi khi, như một kiểu trừng phạt, chúng ta tạo ra những liên kết lạ lùng giữa hài lòng và đau khổ. Nếu như chúng ta trải nghiệm những sự hài lòng chắc chắn hay có thể nói là hài lòng ở mức độ cao, chúng ta lảng tránh, tự trách móc hay trừng phạt. Ở mức độ vô thức, kích thích tiêu cực này ngăn cản nỗi sợ hãi cái chết. Hậu quả là chúng ta giới hạn sự hài lòng của chính mình để tái tạo nỗi lo âu. Và như vậy, chúng ta nhận thức rằng: đời sống đầy hiểm nguy.

Dẫu sao, áp dụng lôgic của trẻ con, chúng ta không đổ lỗi cho cha mẹ ta hoặc cho xã hội về đẳng thức giữa hài lòng và đau khổ, nó xuất hiện với gương mặt số phận. Chúng ta tự nhủ: “Cha mẹ mình không cho mình được thỏa mãn, vậy mình phải cố tỏ ra xứng đáng để được thỏa mãn”. Sẽ an toàn hơn nếu tin rằng chúng ta không xứng đáng chứ không phải cha mẹ chúng ta không đủ khả năng cảm nhận những ước muốn của con cái hoặc cố tình thu giảm hạnh phúc của chúng ta. Kết quả là chúng ta phát triển một sự ngăn cấm nội tại đối với sự hài lòng.

Những người trưởng thành với một kinh nghiệm lớn về khuynh hướng áp chế sẽ gặp khó khăn khi thực hành bài tập “Tái lãng mạn hóa”. Họ cảm thấy khó khăn với bất kỳ yêu cầu nào hoặc họ ngầm phá hoại những nỗ lực của người bạn đời.

Ví dụ, một thân chủ của tôi, một người đàn ông không mấy tự trọng, viết ra một danh mục, trong đó có yêu cầu vợ mình ca tụng mình hàng ngày. Điều này cũng chẳng đến nỗi khó với người vợ vì cố nghĩ rằng chồng cô có vô số phẩm chất sáng chói. Nhưng khi cô cố gắng ca tụng chồng hàng ngày, người chồng lập tức phủ nhận lời ca tụng của cô hoặc cố giảm nhẹ nó tới mức nó trở nên vô nghĩa. Nếu người vợ nói những lời ca tụng chẳng hạn như: “Em rất thích cách anh trò chuyện với con chúng ta tối hôm qua”, anh ta sẽ làm vô hiệu hóa với lời tự chỉ trích: “Được, anh sẽ làm điều đó thường xuyên hơn. Quả là anh ít khi dành thời gian cho con”.

Nghe bất cứ lời ca tụng nào của vợ, anh ta cũng cảm thấy không tương đương với con người thực của mình. Trước cung cách tiêu cực đó, tôi khuyên anh ta đáp lại một cách máy móc các nhận xét của vợ bằng một câu “Cảm ơn em” rồi cho qua luôn.

Một người đàn ông khác lại đề kháng bài tập “Tái lãng mạn hóa” theo kiểu khác: anh ta dường như không hiểu các lời chỉ dẫn. Anh ta nói sau đợt chữa trị lần thứ hai nhằm ấn định lịch thực hành các bài tập: “Tôi không hiểu điều này. Bây giờ tôi phải làm gì?”. Tôi nhắc lại các chỉ dẫn một lần nữa, để chắc chắn là chúng hoàn toàn dễ hiểu. Tôi hiểu rằng những khó khăn để lĩnh hội bài tập chẳng qua chỉ là để che giấu sự bất lực khi phải đáp ứng một yêu cầu nào đó. Để giúp anh ta thoát khỏi ngõ cụt, tôi bảo anh ta rằng, ngay cả việc yêu cầu vợ anh ta làm những điều tốt đẹp cho anh ta vốn chỉ có mục đích duy nhất là lợi ích của anh ta, nó cũng sẽ giúp cho vợ anh ta nhận thức được bằng cách nào trở nên đáng yêu hơn – điều đang thực sự diễn ra. Khi dẫn dụ anh ta vào công thức tự kỷ này, anh ta lập tức hiểu ngay bài tập. Anh ta tạo được một sự hòa hoãn với nỗi ám ảnh rằng anh ta không đáng được yêu. Anh ta vớ lấy cây bút chì và chỉ trong vài phút, viết ra một danh mục những điều mà anh ta muốn vợ làm cho mình.

Kiểu người “sứ cách điện” thường là gặp khó khăn khi thực hành bài tập. Họ muốn hợp tác nhưng lại không thể nghĩ ra bất cứ điều gì mà người bạn đời có thể làm cho họ, dường như họ chẳng có cả nhu cầu lẫn ước muốn. Điều mà họ thực sự làm là lẩn trốn sau tấm lá chắn tâm lý được dựng lên y như một đứa trẻ tìm cách tự bảo vệ trước lời trách mắng của cha mẹ. Họ khám phá ngay từ hồi trẻ rằng, cách bảo vệ cõi riêng tư của mình tốt nhất trước con mắt xét nét của cha mẹ là giữ những suy nghĩ và cảm xúc của mình cho riêng mình.

Khi họ che giấu cha mẹ họ những điều đó, cha mẹ họ sẽ không thể xâm nhập vào không gian riêng tư của họ. Dần dần, nhiều “sứ cách điện” thực hiện hành động “tàng hình” tối hậu là giấu kín những cảm xúc của họ ngay cả với chính họ. Thế là an toàn nhất, chẳng ai biết mình!

Nhiều trường hợp, như tôi nhận xét trước đây, một “sứ cách điện” tái tạo cuộc tranh chấp tuổi ấu thơ bằng cách cưới một “cầu chì”, kẻ có nhu cầu không thỏa mãn về sự thân mật. Điều này sẽ làm những xung đột vốn đã ăn mòn họ lúc còn thơ ấu, trở nên vĩnh cửu. Không phải như một cuộc tái đấu vô vọng của quá khứ, hay như một đam mê bệnh hoạn đối với nỗi đau khổ, mà như một hành động vô thức nhắm tới giải pháp cho những nhu cầu nền tảng của con người. Khi một cặp “cầu chì/sứ cách điện” thực hành bài tập này, kết quả sẽ hết sức bất định.

Khi “sứ cách điện” điền thêm một cách đau khổ một hoặc vài yêu cầu vào danh mục thì “cầu chì” hăm hở liệt kê một loạt những: “Tôi muốn….” . Trước mắt người khác, “sứ cách điện” là một cá thể “tự cung tự cấp” với những nhu cầu thật ít ỏi, còn “cầu chì” là cả một kho ước muốn vô hạn. Thực ra, cả hai cá thể này đều có nhu cầu được yêu và được quan tâm săn sóc. Vấn đề chỉ là một người có những xúc cảm với nhu cầu đó hơn người kia.

Với bất kỳ lý do nào khiến người bệnh đề kháng bài tập này, lời khuyên của tôi cũng là: “Hãy thực hành bài tập chính xác như đã được hướng dẫn. Ngay cả khi bạn cảm thấy lo âu, cũng làm như vậy và còn làm mạnh mẽ hơn, hăm hở hơn. Nhất định nỗi lo âu sẽ tan biến”. Thực hành đủ thời gian và số lần, tư duy của bạn sẽ chuyển sang một thực tại khác. Những người có thái độ ít tự trọng cũng tạo được một nhân dạng tích cực hơn. Kiểu người “sứ cách điện” sẽ có cơ hội khám phá ra rằng việc chia sẻ những ước muốn sâu kín không mâu thuẫn với sự độc lập cá nhân. Nỗi sợ hãi những ứng xử mới mẻ cùng mở ra con đường kích thích sự hài lòng và khởi đầu quá trình liên kết với sự an toàn và với cuộc đời. Bài tập “Hành vi săn sóc” trở nên một việc dễ chịu, một công cụ đáng tin cậy cho quá trình tăng trưởng nhân cách.

Nhận thức và sự thay đổi hành vi

Bài tập “Hành vi săn sóc” này và một vài bài tập khác mà bạn sẽ đọc trong những chương sau, đã gợi ý cho tôi rằng việc thay đổi nhận thức và hành vi tạo nên một mối liên kết mạnh mẽ. Nó không đủ để một cặp vợ chồng thấu hiểu những động lực vô thức của hôn nhân, cũng không chữa trị những thương tổn tuổi thơ. Nó không đủ khả năng để đưa các thay đổi hành vi vào mối quan hệ nếu bạn không thấu hiểu những lý do đằng sau các hành vi ấy. Kinh nghiệm chỉ cho tôi thấy là hầu hết các hình thức chữa trị hiệu quả đã kết hợp cả hai. Khi bạn đã nhận ra những động lực vô thức của mình và chuyển điều hiểu biết đó vào các hành vi phụ trợ, bạn có thể sáng tạo một mối quan hệ xứng đáng hơn và ý thức hơn.

đến chương 9 >>

Read Full Post »