Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘22. Khảo sát… ch. F2’ Category

II. Bản dịch cuốn “TRẺ EM VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH”

F. Khảo sát những quan hệ gia đình

F2. Những kỹ thuật phóng chiếu đặc thù cho trẻ em

Những kỹ thuật này hợp thành một nhóm ngày càng phong phú lên vì chúng dựa vào những sở thích và những hoạt động bình thường của trẻ. Để thuận tiện cho việc mô tả, chúng tôi chia chúng làm 4 nhóm dựa theo những hoạt động nhìn, lời nói, trò chơi hay hình vẽ của trẻ.

A – Những kỹ thuật nhìn

1. Hình ảnh. Lydia Jackson đã hiệu đính với cái tên Test những thái độ gia đình, một kỹ thuật gần giống Test T.A.T của Murray nhưng dành riêng cho trẻ em và nhằm trước hết vào việc thăm dò các quan hệ gia đình.

Việc thử nghiệm bao gồm trình bày lần lượt cho trẻ em xem 7 bức vẽ (từ 0 đến 6) có khả năng gợi lên hoàn cảnh của trẻ ở trong gia đình: (0) sự bảo vệ cảu người mẹ và sự phụ thuộc của trẻ thơ vào mẹ; (1) sự loại trừ đứa trẻ khỏi sự mật thiết giữa cha mẹ và tình cảm bất an liền theo đó. (2) ghen ghét đối với đứa mới sinh; (3) không vâng lời, cô đơn, tính tội lỗi hậu quả của sự ghen ghét nói trên; (4) khả năng hung tính hay phản bội về phía cha mẹ; (5) sự hấp dẫn của quả cấm (đồ cấm) có khả năng bị trừng phạt; (6) những phản ứng có thể xảy ra của trẻ khi cha mẹ cãi nhau. Thí dụ hình ảnh (2) thể hiện một bà mẹ đang cho con bú một cách âu yếm dưới con mắt hiền từ của người cha cùng ngồi bên mẹ trên một tràng kỷ, còn đứa con đầu đứng đàng xa nhìn lại cảnh đó. Về mặt cá nhân chúng tôi thấy có lẽ 7 tấm hình đó không phải tất cả cũng đã thành công và cũng không hẳn là đã phù hợp với mục tiêu.

Người ta yêu cầu trẻ bịa ra một câu chuyện độc đáo trên mỗi hình ảnh liên tiếp nhau (như trong test T.A.T) mà không cần giới hạn thời gian. Người ta ghi lại từng từ của trẻ sau đó phân tích những chuyện trẻ đã kể. Những sự xung đột thường được phóng chiếu là tình thân ái và sự ghen tuông đối với anh chị em, tình cảm tự ty, và sự cần thiết khẳng định những ham muốn hung tính đối với cha mẹ, anh chị em, nỗi sợ hãi về sự báo thù.

Bà L.Jackson đã làm sự so chuẩn rất nghiêm túc về thử nghiệm của mình trên 3 nhóm trẻ từ 6 đến 12 tuổi bình thường, nhiễu tâm và phạm pháp để nhận ra rằng hai nhóm sau cho những câu trả lời khác hẳn với nhóm thứ nhất. Chúng tôi không thể nhấn mạnh ở đây về những kết quả đó. Song người ta có thể tự hỏi là tại sao bà ta lại tạo ra một loại đặc biệt cho những trẻ phạm pháp mà chúng rất khó có thể khác những trẻ bình thường hay nhiễu tâm, điều mà bà đã thừa nhận ra trên thực tế.

Dù sao đi chăng nữa, việc so chuẩn đó đã cho phép bà phác họa một bức tranh gần đúng với trẻ bình thường qua những câu trả lời của chúng: hình như trẻ sống trên một bình diện thực tế hơn, nhiều khi cho câu trả lời “mong đợi” nó có xu hướng xét đoán những người khác (người lớn hay trẻ em) “tốt” hơn là “ác” nhưng cũng giữ được khá khách quan để công nhận là trẻ con đôi khi cũng “hư” và thường bị phạt về những chuyện không vâng lời. Tuy nhiên sự trừng phạt đó hiếm khi trẻ hình dung là tàn nhẫn hoặc quá đáng. Tuy nhận định là cha mẹ có tính hai chiều đối với con cái và sẵn sàng giúp đỡ và bảo vệ con. Nó cảm thấy đủ an toàn ở trong gia đình của mình để có thể “tiên nghiệm” những người lạ là nhân từ. Nó công nhận một cách thoải mái giữa anh chị em có sự ghen ghét nhưng đối với nó lòng thương mến vẫn chiếm những người đó vẫn vượt lên trên.

Đối với chúng tôi, test này có vẻ rất tốt mặc dầu chúng tôi có những dè dặt về một số hình ảnh chưa đủ giá trị khơi gợi Jackson nói rẵng việc diễn giải nó đòi hỏi sự tập huấn và kinh nghiệm của một nhà tâm lý trị liệu trẻ em thành thạo. Chúng tôi hoàn toàn tán thành quan điểm đó.

Ngoài ra, tuy những tấm tranh đưa ra thăm dò những dạng quan trọng nhất của những quan hệ gia đình thì chúng không thể nào thăm dò toàn bộ được.

2 – Phim ảnh. Test dùng phim về những con chim kim tước của E. Fulchignoni hiện thời đối với chúng tôi có vẻ là thử nghiệm duy nhất về loại này. Tác giả này làm một loại những phê bình về các test phóng chiếu thông thường và phần lớn hoàn toàn có cơ sở đúng. Ông đặc biệt tránh những người sử dụng các phương pháp trên là chỉ quan niệm ý thức con người như là cái tủ sắt sẵn sàng mở ra ngay khi nhìn một tấm ảnh hay một hình ảnh chủ chốt. Cái đó làm cho việc phân tích sâu xa chủ thể nhiều có nguy cơ lẫn lộn với một sự chú giải phê bình tỉ mỉ của những chuyện kể hời hợt bị nhiễm bởi tất cả các kiểu hồi tưởng lại từng đoạn, do tính thẩm mỹ và văn hóa bao hàm trong chất liệu sử dụng. Theo ông, trước một cuốn phim, cảm tưởng về thực tế biến mất nhờ một trạng thái giống như trạng thái thôi miên: phòng chìm trong bóng tối, những chuyển động có nhịp điệu ở trên màn ảnh, độ sáng không bình thường của tác nhân gây kích thích cảm ứng, sự biến dần những tác nhân kích thích giác quan đồng thời là bốn yếu tố đem lại cho hoàn cảnh mới đó những tính chất riêng làm giảm năng lực phê phán của ý thức mà nó có thể là điều kiện tiên quyết xác định hiện tượng phóng chiếu. Trong trạng thái đó tính ám thị được kích thích cùng một lúc với khả năng hướng ngoại cái trạng thái đó nhờ việc giảm sự kiềm chế phê bình trên những tầng lớp sâu xa của cảm xúc.

Người ta chiếu cho một nhóm trẻ xem cuốn phim về đời sống những con chim kim tước có kèm theo lời bình rất đơn giản nhằm giải thích cho trẻ em trong hai con chim lớn chim nào là bố, chim nào là mẹ để thu hút sự chú ý của trẻ. Vào những điểm nổi bật của đời sống trong tổ chim: việc mớm mồi cho chim con, chim con ngóng đợi chim bố mẹ đang xa tổ, những vỗ cánh đầu tiên, sự rời tổ vĩnh viễn. Sau khi chiếu phim xong, người ta cho những trẻ được mời đến xem một bảng câu hỏi để trả lời cho 6 câu hỏi nhằm xác minh sự hòa hợp tình cảm của trẻ hoặc nỗi thù ghét của trẻ đối với một trong hai cha mẹ; thăm dò sự ganh tị và ganh đua giữa anh em, những tình cảm tự ti, tội lỗi, bị ruồng bỏ, hoặc về trách nhiệm, tìm kiếm sự rụt rè, nỗi lo lắng, những thói quen xã hội, mức độ tự lập và cuối cùng là hung tính, tính tội lỗi, sự mong muốn tự trừng phạt, sự hiến dâng v.v…

Lợi ích của thử nghiệm này là ở chỗ các yếu tố của hoàn cảnh gia đình được nêu bật lên không phải chỉ qua một câu hỏi mà là sự khớp nhau của nhiều câu hỏi, cái đó cho phép phát hiện ra cấu trúc của những sự xung đột và những mặc cảm. Thí dụ, tình cảm đối với cha mẹ có thể được phát hiện sau khi trả lời 4 câu hỏi, tình cảnh đối với anh chị em qua trả lời 2 câu hỏi v.v…Ngoài ra, phim ảnh đưa ra một kiểu chuyển động tường thuật tự do và người xem test này chỉ cần phải lồng việc giải thích trên một câu chuyện phát triển một cách hết sức tự nhiên. Như vậy không cần phải làm cả đôi việc sáng tạo ra chuyện và diễn giải chuyện như trong trường hợp Test của L. Duss (với test này chúng ta sẽ thấy có rất nhiều sự tương đồng) và test T.A.T.

Điều đáng trách chủ yếu đối với test rất lý thú này là việc khó khăn áp dụng thông thường vì nó đòi hỏi công cụ chiếu phim.

B – Những kỹ thuật bằng lời: chuyện kể và ngụ ngôn.

Người ta đề nghị trẻ kể chuyện gì đó nó có trong đầu, kể tự do. Nói chung người ta mất nhiều thì giờ để thu hoạch những tư liệu nghèo nàn: trẻ bịa chuyện thể hiện rất mơ hồ những mong muốn hoặc những nỗi sợ, thêu dệt trên những kỷ niệm thực, chuyển dịch một đề tài thông thường (truyện thần thoại, sách tranh). Ngay trong những trường hợp khác trẻ nhắc lại mà không có sự tham gia của cá nhân, những chuyện đó nó đã biết rõ hay không có mối liên hệ có giá trị nào cả.

Những chuyện dựa trên một chủ đề cho sẵn lý thú hơn nhiều đối với nhà quan sát, vừa là cái bẫy vừa là chiếc sào đưa ra để trẻ có thể bộc lộ những tình cảm thực sự vô thức mà không biết. Kỹ thuật này có sự đỡ đầu mơn trớn của bà mẹ của đại thi hào Goethe đã từng kể chuyện nửa chừng cho cậu con trai nghe và ngay lúc nhỏ ông đã phải kết thúc các câu chuyện mẹ kể.

Chính Madeleine Backes – Thomas là người đầu tiên đã có ý kiến sử dụng một cách hợp lý phương pháp này bằng cách tạo ra kỹ thuật về những câu chuyện phải hoàn tất. Xuất phát từ ý nghĩ là mọi sáng tạo bằng tưởng tượng đều tuân thủ một quyết định luận nào đó, khi gặp một sự sáng tạo như vậy người ta có thể đi ngược trở ra bằng qui nạp những nguyên nhân tâm lý mà nó toát ra, bà đã đề xuất với trẻ em mười chuyện kể đòi hỏi một câu trả lời trong đó trẻ có thể phóng chiếu những tình cảm thực của mình vì nó tưởng rằng đó là chuyện của đứa bé khác. Trong số mười chuyện đã có 4 chuyện liên quan rõ nhất đến các quan hệ gia đình. Đó là các chuyện (2), (3), (4), (6):

(2): Một cậu bé cãi nhau với em trai. Người mẹ chợt đến. Cái gì sẽ xảy ra?

(3): Một cậu bé đang ngồi ăn với cha mẹ. Người cha nổi cáu. Tại sao?

(4) Một hôm cha và mẹ đang giận nhau. Họ kiếm chuyện cãi cọ với nhau. Tại sao?

(6) Một cậu bé bị điểm xấu ở trường. Cậu ta trở về nhà. Cậu ta sẽ đưa sổ điểm cho ai. Ai sẽ mắng cậu ta nhiều hơn.

Năm 1940, Louisa Duss dựa trên nguyên tắc này đã đề xuất một phương pháp chuyện ngụ ngôn cần kết thúc. Test của bà bao gồm 10 ngụ ngôn. Ở đây chúng tôi chỉ trích hai chuyện liên quan đến các quan hệ gia đình.

Con chim bị rơi khỏi tổ: chim bố, chim mẹ, chim con đang ngủ ở trong tổ cheo leo trên một cành cây. Nhưng một cơn gió to ào đến rung cây là cho tổ chim rơi xuống đất. Cả ba con chim choàng tỉnh. Chim bố vội bay ngay lên cây thông. Chim mẹ cũng bay ngay lên một cây thông khác. Còn chim con sẽ làm gì? Nó cũng đã biết bay tàm tạm.

Cừu con cai sữa: Có một con cừu mẹ và một con cừu con sống tại một đồng cỏ. Tối tối, mẹ cừu cho con bú một bầu vú sữa nóng mà nó rất thích. Nhưng cừu con đã biết ăn cỏ. Một hôm người ta đưa đến một chú cừu bé tí đã đói mềm để mẹ cừu cho bú. Nhưng cừu mẹ không đủ sữa cho cả hai chú cừu và cừu mẹ nói với con: “Mẹ không đủ sữa cho cả hai, con hãy tự đi ăn cỏ non”. Cừu con sẽ làm gì?

Chuyện thứ nhất có mục đích nhận biết mức độ và sự tập trung gắn chặt vào cha mẹ như thế nào. Đứa trẻ sung sướng nghĩ rằng cha mẹ nó sẽ tìm kiếm con và lại làm tổ. Có những trẻ đến với chim bố, những trẻ khác chọn chim mẹ, có những đứa tự lo liệu lấy. Một cậu bé có mẹ sắp tái giá và nó khó chấp nhận cuộc hôn nhân đó trả lời: “chim mẹ sẽ làm một tổ khác với một chim bố khác – Thế còn chim con? – Cuối cùng thì nó cũng quay trở về với mẹ…nhưng sẽ còn lâu….

Một trẻ phạm pháp, đi bụi đời thực sự và không được giáo dục trong khi ông bố nghiện rượu đã từ bỏ gia đình thì trả lời nó sẽ tự làm một tổ khác cho một mình nó. Người ta hỏi thêm, nó trả lời: “Nếu mẹ tìm thấy nó, nó sẽ đi với mẹ” – Nếu người ta hỏi thêm, nó nói: “Nếu không, có người qua đường sẽ nhặt nó, bỏ nó vào lồng, chăm sóc và nuôi nấng nó và khi nó lớn sẽ thả nó ra”. Câu hỏi han này xảy ra với cậu bé đang ở trại cải tạo. Trên những thí dụ này, người ta không tin rằng trẻ đã tự đồng nhất một cách có ý thức với chim con. Những thời gian đầu người ta giữ một thái độ hoài nghi trước một sự ngây thơ vô thức đến thế nhưng kinh nghiệm buộc người ta công nhận sự mù quáng của trẻ hoàn toàn không nghi ngờ là chính nó đang ở trong cuộc.

Người ta hiểu rằng ngụ ngôn về cừu con cho phép nhận biết sự cai sữa được chấp nhận ở mức độ nào và mức độ kình địch anh em. Có những ngụ ngôn khác thí dụ như Kỷ niệm ngày cưới, Cuộc dạo chơi có ý thăm dò sự ghen tỵ đối với bố mẹ, tình trạng ơ đíp v.v…Đối với chúng tôi, 10 chuyện ngụ ngôn đó không có một giá trị như nhau ít nhất là những chuyện liên quan đến những mối quan hệ gia đình, và các chuyện chim con và cừu non có vẻ có giá trị hơn cả.

Để kết thúc, chúng tôi kể đến một thử nghiệm nhỏ nhưng lý thú đó là Ba điều ước. Chuyện này rất đơn giản: và trẻ nhỏ phải nói lên ba điều mà nó mong muốn thấy thực hiện trước hết nếu có thể được ( nhờ sự giúp đỡ của một bà tiên hay nhà ảo thuật). Những câu trả lời nhiều khi chứng tỏ một sự ích kỷ rất mạnh đi từ bánh ga tô đến tàu hỏa chạy bằng điện. Tuy vậy thử nghiệm này có một lợi ích kép: nó chứng tỏ cường độ những tình cảm của trẻ qua chọn lựa trong các ham muốn đồng thời chứng tỏ thứ bậc mà nó phải sắp đặt; ngoài ra đôi khi nó cho biết tiến triển của sự định hướng tình cảm gia đình. Một cậu bé phạm pháp 13 tuổi chậm khôn nhẹ, con một gia đình đông con nghèo khổ có bố nghiện rượu, khi vào trại đã nêu ba điều ước cổ điển của đứa trẻ bị hụt hẫng cả về tình thần và vật chất: “điều thứ nhất: 1 cái bánh ga-tô. Điều 2: một đôi giày; điều 3: 1 bộ quần áo”. Sau một năm cải tạo, nó mong ước: 1 một quần dài, một bộ quần áo, giày dép (ăn uống và không khí trong trại thì tốt nhưng đồng phục thì quá kém); 2. Quần áo cho mẹ và các em trai; 3. Một ngôi nhà cho cha mẹ.

C. Những kỹ thuật trò chơi.

Trò chơi vừa là hoạt động tự nhiên nhất vừa là dạng sáng tạo nhất của trẻ em. Dùng trò chơi để khám phá những tình cảm vô thức là lô-gic. Trò chơi tự do và tự nhiên cũng có những bất lợi như những chuyện kể tự nhiên. Những trò chơi có kiểm tra và hướng dẫn có giá trị hiểu biết hơn cả.

Nặn hình có ích cả về mặt chẩn đoán lẫn trị liệu. Nhưng lại ít giá trị về mặt các quan hệ gia đình tuy rằng tổ chim là một trong những mô típ thường được thể hiện và từ đó việc thăm dò gián tiếp bằng lời có thể phát triển dễ dàng.

Những kỹ thuật trò chơi tốt nhất không phải tranh cãi nữa là trò chơi búp bê, trò chơi múa rối. Quyền tác giả của kỹ thuật này còn phải thảo luận nhưng ít ra là ở Châu Âu, Madeleine Rambert đã có công hiệu chỉnh kỹ thuật này năm 1938 và đã sử dụng một cách hợp lý và tỉ mỉ. Phương pháp này sau đó mở rộng nhanh đến nỗi năm 1943 ở Luân Đôn (Anh) đã thành lập “Hội những trò múa rối mang tính giáo dục”.

Chính Rambert đã kể lại là ý nghĩ sử dụng các con rối được gợi lên từ việc đọc một đoạn trong cuốn truyện “ Người tuyết” của nữ văn sĩ G.Sand: “ Nó (con rối) phục tùng tính thất thường của tôi, niềm cảm hứng và sự hăng say của tôi…tất cả những chuyển động của con rối là kết quả của những suy nghĩ nảy sinh trong đầu tôi và gắn cho nó những lời của tôi…Nó chính là “tôi” nghĩa là một con người chứ không phải là một con búp bê nữa”.

Cũng ở đây trẻ có những sự đồng nhất hóa hoàn toàn và không có ẩn ý cho đến quãng 10-12 tuổi dù là con trai hay con gái.

Người ta cho trẻ được quyền sử dụng một số những con rối có vỏ bọc trong đó đặc biệt có hai nhân vật “xấu” thể hiện con quỷ và mụ phù thủy, hai nhân vật “tốt” là ông vua và bà hoàng hậu, cùng một số người có thể thay đổi và khẳng định trước rõ ràng vai trò. Qua đó trẻ có thể bộc lộ tự do những tình cảm thường là hai chiều đối với cha mẹ, trong tâm trí nó vừa “tốt” vừa “xấu” mà nó không cảm thấy tội lỗi. Trẻ đặc biệt say mê trò chơi này, đôi khi thiệt thòi cho những con rối hay thầy trị liệu. Nó phóng chiếu vào trò chơi thật cừ và không hoài nghi, những quan hệ gia đình thực sự mà nó có ở môi trường gia đình, đôi khi nó mô tả thật bất ngờ. Bằng những phản ứng xuất tâm liên tiếp những dồn nén cảm xúc nhờ đó có thể trút bỏ một số hung tính, trò chơi này có những giá trị trị liệu thật sự. Sự can thiệp gián tiếp của thầy trị liệu đôi khi có thể tỏ ra có ích. Cậu bé Christian trước đó không chấp nhận việc tái giá của bà mẹ góa, chơi trò dàn cảnh cuộc gặp gỡ giữa “ người đi săn” (bố dượng tương lai) với bà hoàng hậu (bà mẹ) và những dự định của họ về cuộc hôn nhân sắp tới. Lễ kết hôn được vị tổng giám mục ban phép lành. Christian đã đầu tư vào thầy trị liệu vinh dự đó bởi vì vừa phần vị giáo sĩ được hình dung bởi con rối thể hiện ông vua (tức là người cha “hiền từ” (đã quá cố) mà nó gán cho thầy trị liệu) vừa phần nó cho rằng người mẹ mà nó tôn sùng sẽ không thể bằng lòng ban phép lành của một nhân vật giáo sĩ nhỏ nhất như thế. Trong trường hợp đặc biệt, thầy trị liệu trong lúc nhập vai “Tổng giám mục” tự cho phép ban những lời khuyên nhủ, những chỉ dẫn dễ được chấp nhận dưới hình thức này và sau đó tỏ ra là có ích.

Dĩ nhiên trong việc sử dụng những thu hoạch phong phú của phương pháp này cũng còn phải tránh những xét đoán dứt khoát, những tiên nghiệm lý thuyết và những ý niệm định trước và phải sẵn sàng xem lại ý kiến mà ta đã có ngày hôm trước. Nhờ sự cảnh giác đối với mình như vậy, kỹ thuật rất tốt này cho phép đạt tới một sự hiểu biết thật sự những quan hệ gia đình của trẻ.

Người ta có thể xếp những phương pháp gần với những phương pháp tâm kịch của Moreno tuy ở đó các con rối được thay bằng người thật, ở đây cái chính là phương pháp chữa bệnh, chẩn đoán là phụ. Những diễn viên một đề tài hoặc hoàn toàn tự nhiên hoặc đề tài được nghiên cứu và chuẩn bị trước bởi thầy trị liệu và hành động do thầy kiểm soát và điều khiển. Ở Pháp, Lebovici và Diatkine theo đuổi những công trình lý thú nhằm hiệu chỉnh phương pháp này.

D. Những kỹ thuật họa hình: Vẽ

Chữ viết còn chưa hoàn bị của trẻ không thể cung cấp cho những nhà xem tướng chữ những thông tin giống như đối với người lớn. Thực tế phải dùng hình thức vẽ, vừa phần đó lại là một trong những hoạt động ưa thích của trẻ.

Có nhiều tác giả đã sử dụng lối vẽ tự do. Ở Pháp, Hueyer và S. Morgenstern đã xử lý và chữa khỏi một chứng không nói của trẻ chỉ nhờ vào hình thức vẽ. Bà Minkowska sử dụng vẽ nhiều nhất trong phân tích nhân cách toàn bộ của trẻ em.

Nhưng những bức vẽ theo chủ đề mới cho những kết quả tốt nhất. Cũng như đối với chuyện kể, một số trẻ thực ra chẳng biết vẽ gì một cách tự nhiên hay chỉ thể hiện xe hơi và tàu bè một cách rập khuôn và không có hứng thú gì. Năm 1931 Appell đã đề xuất với trẻ vẽ một ngôi nhà, một gia đình, những súc vật. Bà Minkowska nêu rõ hơn “tôi, gia đình và ngôi nhà của tôi”.

Cá nhân chúng tôi đã nhận thấy là bức vẽ về gia đình là cái có lợi nhất để nghiên cứu về các quan hệ gia đình trong số những bức vẽ đề xuất với trẻ. Ngoài ra chúng tôi đã xuất bản một công trình nghiên cứu chi tiết về kỹ thuật này kèm với những bức vẽ và những nhận xét đặc biệt có ý nghĩa.

Yêu cầu trẻ vẽ về gia đình, và đôi khi trẻ vẽ một cách tự nhiên, không phải là phương pháp mới.

Nhưng chúng tôi đã nghĩ là nếu không hệ thống hóa thì ít nhất cũng hiệu chính kỹ thuật và sau đó thúc đẩy việc phân tích và tổng hợp những kết quả đạt được nhiều hơn nữa so với những cái người ta thường làm, và cũng nên theo những hướng mới.

Một kỹ thuật phóng chiếu tốt nhất phải cho phép chủ thể phóng chiếu nhân cách toàn bộ của trẻ, cả ý thức lẫn vô thức trên một chất liệu ít được cấu trúc để khỏi làm biến dạng và hạn chế sự phóng chiếu; nhưng đồng thời kỹ thuật này sau đó lại cho phép thông qua chất liệu đó mà phân tích được nhân cách và so sánh nó với những kết quả thực nghiệm do các chủ thể khác cung cấp trên cùng một chất liệu…Chúng tôi cho là bức tranh gia đình đáp ứng hay hơn cả so với hầu hết những thử nghiệm đã nghiên cứu ở trên đối với hai đòi hỏi khá mâu thuẫn với nhau.

Thử nghiệm này cho phép những kết luận nhanh xuất phát từ những cứ liệu đơn giản, chỉ cần nhờ cậy ý thức hơn là những lý thuyết đã thiết lập từ trước và nhất là biết được gia đình của trẻ theo như nó thể hiện, và đó mới là điều quan trọng hơn nhiều so với việc biết thực tế gia đình đó ra sao.

1. Kỹ thuật đơn giản: Người ta cho trẻ một tờ giấy với một bút chì đen và những bút chì màu và nói với trẻ hãy vẽ gia đình của mình. Trẻ em hầu như luôn luôn sẵn sàng chơi trò này cho đến tuổi khá lớn. Chúng tôi đã thu hoạch được những bức vẽ có ý nghĩa ở trẻ từ 4 tuổi rưỡi cho đến 15 tuổi rưỡi. Nói chung trẻ vẽ say mê tới mức nó mất hết vẻ hoài nghi và mọi sự kiểm soát, nhiều khi người ta có thể nói chuyện trực tiếp với trẻ khi nó bị thu hút mạnh vào hoạt động đó; những câu trả lời đó rất tự nhiên và người ta đạt được những thông tin rõ ràng mà thái độ ngập ngừng trước đó không cho người ta biết được. Người ta yêu cầu nó chỉ rõ những người nó vẽ là ai, nếu nó không làm việc đó một cách tự nhiên bằng cách ghi tên từng người vào dưới hình vẽ.

Cần phải xem trẻ trong khi nó vẽ, không phải chỉ để ghi rõ thứ tự những nhân vật nó đã vẽ mà cũng để hiểu một vài lỗi lầm rất có ý nghĩa. Một vài lời bình, vài sự do dự đôi khi cũng cho thêm hiểu biết.

Như vậy, người ta có thể nhanh chóng đạt tới tâm tư sâu xa của trẻ và đã phân biệt được những nét lớn về tình cảnh cảm xúc của trẻ. Nhưng tôi cũng cần phải nêu lên một điều trở ngại cần tránh là những lời giải thích dễ dãi và vội vàng: chừng nào người ta chưa hiểu rõ về đứa trẻ, cần phải biết rằng đằng sau một bức tranh vẽ nhìn bề ngoài đơn giản, hãy quan sát chăm chú những chi tiết và tìm ra tính chất tượng trưng mà đôi khi bức tranh chứa đựng. Nhưng người ta cũng dễ đoán mối nguy hiểm lớn mà người ta gặp là tìm trong các bức vẽ sự chứng thực cho một ý niệm đã có sẵn từ trước, một giả thuyết sai lầm. Cần thật khiêm tốn và chấp nhận việc rà soát lại nhiều lần ý kiến của mình về những điểm tưởng như đã đạt được rồi.

2. Nghiên cứu phân tích – Thành phần gia đình tượng trưng trong bức vẽ, gia đình như là đứa trẻ thấy hoặc nó trông mong, đó là yếu tố đầu tiên phải tìm tòi. Những nhân vật trong một “gia đình bình thường” nói chung là hoàn toàn theo thứ tự, xếp theo một hay hai hàng ngang, mỗi người có một kích thước tỉ lệ với kích thước thật; những nhân vật được vẽ một cách đối xứng.

Những sự loại trừ đã thể hiện một cách đầu tiên để trẻ chối bỏ vô thức vài người thân. Việc đứa trẻ không có mặt trong bức vẽ nói chung, không có nghĩa là nó bị loại trừ khỏi gia đình; về mặt này cần có những nghiên cứu tiếp về sau.

Một vài thanh niên trong gia đình có thể bị loại trừ trong bức vẽ vì họ không có mặt trong gia đình một thời gian nào đó, vì trẻ không công nhận họ (mới đến chẳng hạn) hoặc chủ yếu vì trẻ không yêu thích họ và muốn loại bỏ họ đi một cách tượng trưng. Việc bỏ quên một thành viên của gia đình, dù thế nào chăng nữa, theo quy tắc chung cũng là một cách gián tiếp để đứa trẻ từ chối sự tồn tại và từ đó loại trừ tượng trưng một khó khăn.

Làm tăng và giảm giá trị của những nhân vật khác nhau – Vị trí và thứ bậc đặt các nhân vật ở trong bức vẽ nói lên tầm quan trọng của họ. Thứ tự ưu tiên được chỉ rõ trước tiên bởi vị trí của nhân vật đó đứng ở hàng thứ nhất hay ở hàng thứ hai, hàng đầu tiên biểu lộ hàng những người bề trên, và hàng dưới là hàng những người bề dưới. Chúng tôi không bao giờ thấy quá hai hàng ngang. Trong hai hàng đó, thứ tự các nhân vật có giá trị lớn: ai đứng tận cùng bên trái tờ giấy vẽ thường là người quan trọng hơn cả và hầu như là người được vẽ đầu tiên. Khi các nhân vật được phân bố một cách tình cờ, ít nhất là nhìn bề ngoài, trên toàn bộ tờ giấy; việc rất có ích là ghi nhanh thứ tự nhất quán: người được vẽ đầu tiên là người quan trọng hơn cả đối với đứa trẻ, là người mà trẻ gắn bó tình cảm hơn cả, người mà trẻ mong muốn tự đồng nhất, nhiều khi cả hai điểm đó cùng một lúc.

Theo quy tắc chung, người ta có thể nói rằng nhân vật mà trẻ thích hơn cả là người ở vị trí trên cao và ở phía trái còn nhân vật mà trẻ thờ ơ hơn cả hay là chán ghét hơn cả là người ở dưới thấp và ở bên phải. Tất cả những việc đó dĩ nhiên không được coi như là một quy luật tuyệt đối mà xem như một chỉ dẫn đặc biệt quí giá.

Sau cùng là vị trí mà trẻ được xếp đặt so sánh với các thành viên khác ở trong gia đình của trẻ nhiều khi có giá trị hiểu biết tốt.

Những thuộc tính mà trẻ gắn vào các nhân vật của mình cũng chứng tỏ tầm quan trọng của họ đối với trẻ. Kích thước chỉ rõ giá trị tương đối. Khi trẻ sử dụng những bút chì màu mà người ta dành cho nó, không phải là điều cố định, màu sắc của một hay nhiều nhân vật cũng là một cách để tôn người đó lên, thiệt thòi cho những người khác, đôi khi gây tương phản, làm một sự nổi bật đáng ngạc nhiên bên cạnh một số nhân vật khác không có màu sắc.

Cũng có một cách khác để làm giảm giá trị một thành viên trong gia đình; đó là trình bày một cách không hoàn chỉnh. Sự không hoàn hảo có chọn lọc của việc họa hình không phải việc cố ý về phía trẻ mà là một cách biểu lộ sự không tán thành, sự oán giận hay sự thù địch của trẻ đối với thành viên trong gia đình, nhất là khi những nhân vật khác lại được vẽ tử tế. Ngược lại một nhân vật bị lãng quên hoặc đặt ở vị trí kém vế có thể được tôn trọng lên bằng việc đóng khung, mở ngoặc kép hoặc tô điểm xung quanh tên người đó. Có rất nhiều chi tiết khác nhiều khi chỉ là bình thường của nhân vật cũng có thể có một giá trị tượng trưng trong một số trường hợp.

Hình như việc không vẽ cánh tay cho một nhân vật cũng là một cách gián tiếp hạ thấp giá trị người đó như khi cần giảm bớt một cách tượng trưng cánh tay thiếu cởi mở của người cha hay người mẹ ít âu yếm hoặc có bàn tay ở tư thế sẵn sàng để tát. Việc thiếu cánh tay không có đã đành, nguyên bàn tay cũng không có. Vấn đề các nhân vật bị cắt mất bàn tay đã làm cho Cotte, Roux và Auteille chú ý và họ đã ghi nhận trong các bưc vẽ các hình người do bọn trẻ ăn cắp vẽ; họ tự hỏi phải chăng ta nhìn thấy ở đó là nỗi sợ bị thiến hay chỉ là một nhu cầu cắt bỏ nhằm chuộc một lỗi lầm tự thấy mà không thú nhận ra được. Trên thực tế, quá trình này đối với chúng tôi có vẻ phức tạp hơn.

Tất cả những dấu hiệu đó đôi khi hiển nhiên tới mức mà chúng tôi có thể để cho một người không biết rõ tình hình thực tế của đứa trẻ giải thích một số bức vẽ và những câu trả lời đích xác nhận được chứng tỏ giá tri khách quan của việc thử nghiệm.

3. Giá trị thực tế: Không thể kể hết ở đây rất nhiều thí dụ chứng tỏ giá trị thực tế của thử nghiệm này chúng tôi chỉ liệt kê những trường hợp mà việc sử dụng đã tỏ ra đặc biệt có ích với chúng tôi.

Bức vẽ về gia đình có thể giúp tìm ra nhanh chóng nguyên nhân tình cảm thực của những nhiễu tâm ở trẻ, trong vài trường hợp, nó cho phép xác nhận một giả thuyết đã được định trước có thể thực hoặc làm cho sáng tỏ thêm; trong những trường hợp khác, ngược lại người ta có thể nhờ nó mà bác bỏ một giả thuyết đã định trước, đôi khi bề ngoài là chính đáng và đây cũng không phải là giá trị của nó chỉ có thế; có những hoàn cảnh bất ngờ, không được biết đến hoặc do gia đình dấu, đôi khi lại được phát hiện bằng bức vẽ gia đình. Nó giúp việc theo dõi tiến triển cảm xúc của trẻ trong những tình huống gia đình không phải lúc nào cũng xác định rõ hoặc không biến đổi. Khi người lớn, thầy thuốc, cha mẹ hoặc người giáo dục biết rõ về tình huống như vậy rõ ràng cho phép họ hành động tốt hơn vì lợi ích của trẻ bằng cách chữa trong chừng mực có thể được một thứ chấn thương liên miên có thể gây trở ngại cho sự phát triển cảm xúc đều đặn và bình thường.

Kinh nghiệm cho thấy điều rất có lợi là kiểm tra những sự biến đổi bằng cách lặp lại thực nghiệm vẽ gia đình đôi khi cách một vài năm. Sự chuyển dịch các nhân vật, sự tăng giá trị hay giảm giá trị của họ thể hiện rõ ở vị trí mỗi thành viên gia đình, tính chất và cường độ của tình cảm mà trẻ dành cho mỗi người, ở những thời điểm khác nhau. Sự so sánh và đối chiếu những thông tin mà đứa trẻ cung cấp với những thông tin mà anh chị của trẻ cùng làm thử nghiệm là một cách rất tốt để biết rõ và kiểm tra thực trạng gia đình. Nếu có một tình hình xung đột giữa trẻ với nhau việc thể hiện ở mỗi trẻ trong bức vẽ gia đình cho phép đo mức độ quan trọng thật sự. Ý kiến ngây thơ của trẻ bộc lộ về cha mẹ bằng bức vẽ của một đứa trẻ sẽ có thể đáng quan tâm tùy theo người ta có thấy nó thể hiện hay không ở những trẻ khác.

Sau đây chúng tôi đưa ra làm thí dụ hai trường hợp đã chọn lựa trong số nhiều trường hợp khác.

Trường hợp 1: Nicole là một em gái tám tuổi rưỡi. Nó sống với cha mẹ và một người anh. Ông bố hơi thiển cận, khi hai anh em cãi nhau, ông bố luôn bênh nó, cho là nó có lý. Nó luôn luôn tìm cách chọc tức anh và làm cho anh nổi khùng đến nỗi cha mẹ phải cho anh vào ở bán trú. Mẹ nó là người nóng nảy, thô bạo, không kiên trì mặc dù có ý định tốt. Nicole có trí khôn bình thường, tính đặc biệt nóng nảy dễ bị kích thích hay có những ác mộng, ngủ hay bị giật mình, ở trường luôn luôn xung đột với các cô giáo. Nhưng ngoài người anh, ở nhà chủ yếu nó đối địch mạnh nhất với mẹ. Nó chỉ dịu đi trong mười lăm ngày hè, một mình với mẹ nó năm ngoái mà thôi. Nó tự công nhận là nó khoảnh ác “Như thế đấy, vô cớ”, và nó không cho một động cơ nào về hung tính của nó.

Bức vẽ của nó về gia đình cho chúng tôi tìm ra nguyên nhân. Trước tiên nó vẽ một người mà nó gọi là Paul (anh nó) rồi lại nói là chính nó và bắt đầu viết tên nó (N xóa) lại thay đổi ý kiến lần nữa và gọi là Paul lần nữa, lần này viết rõ tên. Nó thể hiện cùng một lúc ý muốn đồng nhất hóa với anh với lý do mà bức vẽ sẽ chỉ dẫn cho biết. Nhân vật thứ hai là mẹ (M) và người ta thấy ngay là MẸ cầm tay Paul, biểu thị sự liên minh với con trai, và trong tâm tư nó đó là đứa con được ưu ái. Nhân vật thứ ba ở vị trí đầu bên trái và ở đầu tờ giấy (đó là đứa bé mà nó muốn là nó): đó là con bé Nicole tội nghiệp không có cả cánh tay (hoặc không muốn có) và như vậy không thể nắm lấy bàn tay kia của anh hay của mẹ. Người được vẽ sau cùng là bố ở đầu bên kia. Ông có cánh tay nhưng ông cũng chỉ có kích thích bé bằng Nicole, điều đó chứng tỏ là Nicole coi hai người đầu tiên mới có tầm quan trọng trong đám người ở gia đình. Nó đinh ninh rằng mẹ nó chỉ ưa thích có mỗi mình anh nó và đối với bà, nó không là gì cả, từ đó có những phản ứng thù nghịch, đối với cậu anh được ưu ái, và đối với và mẹ đã ruồng bỏ nó, ấy là nó nghĩ như vậy.

Trường hợp 2 – Do chiến tranh mà Jean phải xa bố từ năm 3 tuổi. Nó sống một mình với mẹ và đứa em trai kém nó 2 tuổi cho đến khi bố nó trở về (lúc đó nó 6 tuổi). Nó biểu lộ sự hung hãn đối với người đến chiếm chỗ đã đoạt một phần tình thương mến của mẹ nó, giữ một vị trí ở trong gia đình làm cho nó bị đẩy xuống hàng thứ hai. Một hôm người ta tìm thấy ở trong phòng nó một bức vẽ tự nhiên thể hiện một cách rất rõ tình trạng O – đíp được kiểm tra bằng những kỹ thuật khác và một phần lớn được thanh toán sau đó.

Hàng trên gồm có “mẹ” ở bên phải, “Jean” ở bên trái, ở giữa có một cái giường trên đó có một đứa bé nằm, đó là em trai “(Francois”; “mẹ” và “Jean” được vẽ cùng kích thích và vẽ khá tử tế. Ở hàng dưới có hình vẽ khác: bên trái là “bố” vẽ xấu, quần áo vá, lông đầy ngực và cánh tay trông gớm ghiếc; ở giữa có một bầy thỏ ở trong chuồng, bên phải có một chuồng đầy gà. Tất cả cấu tạo nên “những thành viên của gia đình tôi”. Người ta nhìn thấy rất rõ người cha là đối tượng thù địch, bị dồn khỏi gia đình, xuống hàng dưới cùng với bày thỏ và gà, bề ngoài ăn mặc lôi thôi xấu xí, đáng làm cho người ta khinh thường trong khi ở hàng trên, cặp lý tưởng “Mẹ” và “Jean” hai tay dang ra phía giường có em bé ngủ.

Jean được nuôi dạy trong một gia đình am hiểu về các vấn đề tâm lý trẻ em, cho nên nó đã khắc phục được tình trạng trên và điều đó đã được xác minh bằng bức vẽ thứ hai, làm theo yêu cầu, 6 năm sau, khi nó 12 tuổi. Ở đây cũng có hai hàng. Ông bố được đưa lên hàng trên. Ông đã được chấp nhận, đứng ở vị trí thứ nhất, ăn mặc bình thường, có một biểu hiện nam tính là hút tẩu xì gà. Mẹ ở bên cạnh bố. Còn Jean, con cả, luôn luôn vẫn ở hàng đầu hàng trên.

Nhân vật thứ nhất ở hàng dưới là cậu em Francois mà Jean đã có vẻ che chở ở bức tranh thứ nhất. Từ khi nó gần như chấp nhận ông bố, nó chuyển hung tính của nó phóng chiếu từ bố sang em trai (bây giờ 10 tuổi). Nó hành hạ em nó một cách liên tục và độc đoán, khinh miệt em và luôn luôn làm cho em phải nhận thấy sự kém cỏi của mình. Trong bức vẽ gia đình lần này nó vẽ em (và nó xin lỗi là vẽ xấu…) ở hàng những người dưới. Em bé gái Suzanne chỉ mới 2 tuổi rưỡi cùng có kích thước bằng cậu kia. Cô giúp việc Aicha đã thế vào chỗ đám thỏ và con vịt thế vào chỗ chuồng gà trước đây.

Điều lý thú và đáng chú ý là sự tồn lưu về một kiểu vẽ bức vẽ gia đình sau 6 năm: cũng vẫn hai hàng, mở rộng khung cảnh gia đình, có thêm người giúp việc và gia cầm. Ngoài ra chúng tôi thận trọng hỏi Jean sau thử nghiệm: nó không còn nhớ gì về bức vẽ thứ nhất mà nó đã tự nhiên vẽ. Và chúng tôi đưa cho nó xem bức vẽ đó. Nó tỏ vẻ thích thú, không hề nghĩ rằng nó có thể đã là tác giả và nó không thiết lập mối quan hệ giữa bức vẽ nọ với bức vẽ hiện thời.

Thử nghiệm này có giá trị là đơn giản (vì chỉ cần một tờ giấy và bút mà thôi) và nhanh chóng và kinh nghiệm mỗi ngày vẫn chứng minh sự xác thực của nó. Vì vậy mặc dầu có thêm rất nhiều test và kỹ thuật thử nghiệm đủ loại để thăm dò tâm tư vô thức của trẻ, chúng tôi vẫn thấy đề xuất việc sử dụng một cách hệ thống “bức vẽ gia đình” để thăm dò những quan hệ gia đình là điều chính đáng, tất nhiên là thử nghiệm tốt nhất cũng không thể thay thế cảm tình âu yếm và “sự đeo đẳng” của đứa trẻ rất có thể dễ dàng đến với ai biết đem cả tấm lòng và trí tuệ vào công việc làm này.

hết phần II

đến phần III >>

Read Full Post »