Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘04. Tâm bệnh lý TE’ Category

TÂM LÝ TRẺ EM HIỂU THEO PHÂN TÂM HỌC

BÀI 4

TÂM BỆNH LÝ TRẺ EM

Theo ANNA FREUD

Tâm bệnh lý trẻ em rất khác với của người lớn: ở người lớn nhân cách đã hoàn chỉnh, dễ điểm ra những biểu hiện bất thường, nhất là khi đối chiếu với những đòi hỏi mà cuộc sống xã hội ràng buộc mọi người phải tuân theo như nghề nghiệp, nhiệm vụ gia đình. Nhân cách trẻ em đang trên đà phát triển, mang một biểu hiện nào đó đối với người lớn rõ ràng mang tính bệnh lý, nhưng ở trẻ em có thể chỉ là một phản ứng bình thường trong quá trình trưởng thành, hoặc chỉ nhất thời biểu hiện một bước ngoặt, một khủng hoảng trong lúc trưởng thành, sau đó lại vượt qua. Nhưng cũng có thể là một triệu chứng mở đầu cho một tâm bệnh ít nhiều nghiêm trọng. Vì vậy, cũng như ở người lớn bước đầu là phải mô tả chính xác những hiện tượng xảy ra làm bố mẹ quan tâm và đưa bé đến khám; sau đó tìm xem có thể xếp triệu chứng nào vào một loại bệnh chứng nào. Nhưng việc phân loại này ở trẻ em ít khi làm được và thường là không có giá trị, vì trong quá trình trưởng thành ranh giới giữa bình thường và bất thường không dễ gì phân biệt, một hiện tượng có những ý nghĩa rất khác nhau ở từng giai đoạn phát triển. Vì vậy phân tâm học nghiên cứu tâm bệnh lý trẻ em trên ba mặt:

– Mặt phát triển, xác định em bé hiện đang ở giai đoạn nào, đã trưởng thành về tâm lý đến mức nào.

– Mặt cấu trúc tức hình thành những cơ cấu tâm lý nào ( theo phân tâm học thì nhân cách gồm ba ngôi: cái ấy, cái tôi, cái siêu tôi).

– Mặt cơ năng, tức năng lượng tâm lý được đầu tư và phân phối vào đâu và như thế nào.

Xét hết ba mặt này mới có một chân dung tâm lý để đánh giá ý nghĩa những triệu chứng và xử lý. Các triệu chứng được phân loại như sau:

1. Triệu chứng tâm thể do quá trình ban đầu chưa phân hóa giữa những quá trình thể chất và tâm lý.

Trong những tháng đầu những quá trình sinh lý như đói, rét, đau, dễ biểu hiện bằng những hiện tượng tâm lý như hờn giận, lo hãi, và ngược lại, mỗi hiện tượng tâm lý như ấm ức, phản ứng không bằng lòng với người này người khác cũng dễ biểu hiện bằng những hiện tượng sinh lý như nôn ọe, đau bụng, khó thở, đái dầm, ỉa đùn v.v… Nếu những chấn thương tâm lý lặp đi lặp lại thì một bộ phận nào đó, ruột gan, bộ phận hô hấp, da, giấc ngủ về sau dễ bị rối loạn gây ra tâm lý tâm thể: hen suyễn, chàm (eczéma), viêm loét đại tràng, nhức đầu… Trong chứng hystérie dễ xảy ra hiện tượng thể chất hóa (somatisation). Tức những biểu hiện tâm lý dễ chuyển biến thành những triệu chứng sinh lý.

2. Triệu chứng do sự thỏa hiệp giữa cái “ấy” và cái tôi:

Có thể nói đây là “mảnh đất dụng võ” của phân tâm học: những nguồn lực mang tính bản năng xuất phát từ cái ấy để tìm khoái cảm vấp phải những cấm chỉ ràng buộc của thế giới bên ngoài, tự nhiên và xã hội; cái tôi phải tìm cách dung hòa hai bên, khi cuộc xung đột đến mức rất khó giải quyết xuất hiện triệu chứng lo hãi, tâm trạng thoái lùi, tức trở về với những ứng xử hành vi thuộc một giai đoạn bé nhỏ hơn, đồng thời xuất hiện những cơ chế tâm lý mang tính tự vệ hay thỏa hiệp. Đây là những triệu chứng có thể hòa nhập vào tính tình thành một tính nết đặc biệt nào đó, ví như tính tỉ mỉ tủn mủn, không quấy rầy cuộc sống bình thường, với những triệu chứng thực sự nhiễu tâm mang tính bệnh lý rõ rệt. Những nhiễu chứng này có khi là những ám ảnh, hoặc những ám sợ (phobie), dẫn đến những ám sợ hành vi hoặc rập khuôn hoặc mang tính nghi thức cứ lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa, cũng có thể là những triệu chứng như bại liệt, nôn, lên cơn cười khóc (hystêri).

3. Triệu chứng do cái ấy xâm nhập cái tôi:

Trên kia khi nói về những triệu chứng nhiễu tâm, thì ranh giới giữa cái ấy và cái tôi vẫn nguyên vẹn. Trong trường hợp cái tôi quá yếu hoặc những kích động từ cái ấy quá mãnh liệt, thì cấu trúc của cái tôi có những hiện tượng tan rã, ngôn ngữ và tư duy bị rối loạn, em bé ngộ nhận về bản thân và có những hành vi bất chấp những điều kiện thực tế và xã hội có tính nghiêm trọng: đây là bắt đầu lĩnh vực loạn tâm (psychose).

4. Triệu chứng sự phân phối tâm năng:

Đây là quan niệm “kinh tế” của phân tâm học, tức xem xét năng lượng tâm lý được đầu tư và phân phối như thế nào. Nếu tâm năng quá tập trung vào bản thân thì có những triệu chứng duy kỷ quá mức, tự kiêu, hư tưởng, tự cao tự đại (megalomanie). Ngược lại là mặc cảm tự ti, buông thả trong sự chăm sóc thân thể, tâm trạng trầm buồn, phân thân (dépersonnalisation). Nếu dục vọng (libido) tập trung vào thân thể, đặc biệt vào một bộ phận nào đó thì sinh ra chứng ưu bệnh, tức luôn luôn có cảm tưởng mắc bệnh (hypocondrie), dục vọng cũng có thể hoàn toàn hướng về đối tượng, làm cho chủ thể về mặt tình cảm hoàn toàn phụ thuộc.

5. Triệu chứng do biến dạng của hung tính:

Theo phân tâm học, song song với dục vọng là hung tính (agression). Hung tính cũng là một bản năng chủ yếu của con người, có thể biểu hiện một cách thô bạo hoặc tinh vi và đóng góp quan trọng vào việc hình thành nhân cách. Hung tính có thể định hướng nhằm vào bản thân hoặc vào đối tượng bên ngoài là đồ vật hay người khác. Cũng có khi biểu hiện qua sự ức chế hoặc thất bại trong khi chơi hay học tập.

6. Triệu chứng do thoái lùi:

Thường xuất hiện ở giai đoạn dương vật (stadephaliique) mặc cảm Oedipe và sợ bị thiến gây ra lo hãi làm cho em bé thoái lùi về giai đoạn trước, tức thời kỳ môi miệng và hậu môn. Triệu chứng ở đây khác với trường hợp nhiễu tâm vì không gây ra xung đột và hòa nhập vào tính tình tạo ra một tình trạng non yếu chung; đây là những ca thiểu năng không phải bẩm sinh, tức thiểu năng giả tạo làm cho em bé bám lấy mẹ, ít hoạt động, con trai thì có những biểu hiện thụ động kiểu con gái.

7. Triệu chứng do những nguyên nhân thực thể:

Hệ thần kinh có thể bị tổn thương trong thời kỳ thai nghén, hoặc lúc sinh đẻ, hoặc do tai nạn hay bệnh tật về sau. Những tổn thương ấy thường gây ra chậm phát triển về vận động, về ngôn ngữ, về trí khôn và tính khí bất thường. Nhiều khi những triệu chứng ấy rất giống những trường hợp ức chế, nhiễu tâm đã mô tả ở trên và khi mà những khám nghiệm về thần kinh không đem lại những kết quả rõ rệt thì rất khó chẩn đoán phân biệt. Những khuyết tật như mù, câm điếc cũng thường xảy ra nhiều triệu chứng. Mù từ bé đã làm rối loạn quan hệ với đối tượng bên ngoài, dễ gây ra những triệu chứng tự kích dục (autoérotisme), hung tính thường bị ức chế, em bé thường thụ động. Ở những em bé điếc, kém phát triển về ngôn ngữ ngăn cản phát triển tư duy và toàn bộ nhân cách chịu ảnh hưởng. Khuyết tật về tay chân cũng tạo ra những triệu chứng tâm lý đặc biệt.

đến bài 5 >>

Read Full Post »