Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘05. Tranh chấp’ Category

Chương 5:

TRANH CHẤP

Anh không thể sống nổi dù ở bên em hay xa em.

OVID.

 

Đến bao giờ thì tình yêu lãng mạn kết thúc và xung đột mở màn? Dù người ta có tìm đủ cách dể hiểu được cơ cấu hành vi của con người, họ vẫn không thể xác định trước khi nào thì những chuyện này xảy ra. Nhưng đối với hầu hết các cặp tình nhân, mối quan hệ của họ có một sự thay đổi đáng chú ý vào lúc họ đưa ra một sự cam kết rõ ràng nào đó. Khi họ nói “Chúng ta hãy cưới nhau đi” hoặc “hãy đính hôn”, thì nghĩa là thời gian tìm hiểu thú vị và hấp dẫn đã đi đến một kết cục. Những người trong cuộc lúc đó không chỉ thỏa mãn với viễn cảnh đạt được, những ước muốn đã gây ra tình trạng hưng phấn của tình yêu lãng mạn, mà là sự thỏa mãn nhu cầu trên thực tế. Bất ngờ, người ta cảm thấy người bạn tình xưa mình dễ thương, thông minh, hấp dẫn và vui vẻ vẫn chưa đủ. Bây giờ người bạn tình phải thỏa mãn cả một hệ thống các ước vọng, có một vài điều có ý thức, nhưng phần lớn là vô thức.

Những ước vọng này bao gồm những gì? Ngay khi người ta bắt đầu sống bên nhau, họ đã cho rằng người bạn đời của họ sẽ tuân theo một loạt những ứng xử rất đặc biệt nhưng hiếm khi được nói ra. Ví dụ, một người đàn ông có thể cho rằng cô dâu mới sẽ làm các công việc bếp núc, nấu ăn, đi chợ, giặt quần áo, sửa soạn cho các ngày nghỉ, chăm sóc con cái và quản lý những đồ gia dụng. Ngoài việc trông chờ người vợ thực hiện những trách nhiệm truyền thống này, anh ta còn có một danh sách dài những đòi hỏi tiêng biệt tùy theo cách anh ta được giáo dục từ nhỏ. Ví dụ, ngày Chủ nhật, anh ta muốn vợ mình nấu một bữa sáng đặc biệt trong khi anh ta đọc báo và sau đó họ cùng đi tản bộ trong công viên. Đây là cách cha mẹ anh ta nghỉ ngơi trong ngày Chủ nhật và anh ta sẽ cảm thấy ngày Chủ nhật đó “không ổn” nếu nó không giống như vậy.

Trong khi đó vợ anh ta cũng có những mong muốn riêng của mình, có thể là trái ngược với anh ta. Ngoài việc mong đợi đức ông chồng thực hiện  đầy đủ nghĩa vụ của một người đàn ông trong gia đình, như sửa xe, trả tiền các hóa đơn, lo sữa chữa những hư hỏng trong ngôi nhà, cô còn muốn anh giúp cô trong công việc nội trợ, nấu ăn, đi mua sắm hay giặt quần áo. Và rồi, cô cũng có những mong đợi riêng tùy theo cách cô được giáo dục từ nhỏ, Một ngày Chủ nhật lý tưởng đối với cô có thể bao gồm đi Lễ nhà thờ, ăn trưa ở tiệm ăn, và đi thăm bạn bè, họ hàng suốt buổi chiều. Vì trước khi lấy nhau, cả hai bên đều không cho nhau biết những gì mình mong đợi ở người kia nên những trái ngược này có thể gây ra bầu không khí căng thẳng giữa hai vợ chồng.

Nhưng quan trọng hơn nhiều so với những mong đợi có ý thức hay nửa ý thức này là những mong đợi vô thức của mỗi người đối với hôn nhân; trong đó mong đợi mãnh liệt nhất là người bạn đời của họ sẽ yêu họ theo cách mà cha mẹ họ chưa từng yêu họ. Người bạn đời của họ sẽ làm mọi điều, thỏa mãn những nhu cầu tuổi thơ không được đáp ứng, bổ khuyết những phần bản ngã bị mất, bảo bọc họ đầy yêu thương và chung thủy, và luôn luôn ở bên họ khi họ cần. Đây cũng là những mong đợi đã đốt lên ngọn lửa đầy kích thích của tình yêu lãng mạn, nhưng bây giờ không còn là một khao khát để đáp ứng lẫn nhau. Rốt cuộc thì người ta không lấy nhau để lo lắng, để thỏa mãn những nhu cầu của người mình yêu, mà lấy nhau để thúc đẩy sự tăng trưởng tâm lý và cảm xúc của riêng mình. Khi mối quan hệ có vẻ an toàn, một “công tắc” tâm lý nằm sâu trong tâm thức cũ sẽ được bật lên, kích thích sự bộc phát của tất cả những mong ước ấu thơ còn tiềm tàng. Dường như đứa trẻ bị tổn thường trong mỗi con người đã vùng lên nắm lại quyền bính. Đứa trẻ đó nói: “Ta đã cảm thấy chắc chắn rằng người này sẽ ở lại bên ta để giúp đỡ ta. Hãy xem ta được gì trong vụ này”. Và thế là cả người chồng và người vợ sẽ lùi ra xa nhau một bước lớn và chờ cho những lợi ích của sự kết hợp xuất hiện.

Sự thay đổi có thể đột ngột hay từ từ, nhưng ở thời điểm nào đó, người vợ và người chồng bỗng thức dậy và nhận ra rằng mình đã chuyển tới sống ở một vùng khí hậu lạnh hơn. Bây giờ ít những vụ va chạm hơn, các thông điệp tình yêu cũng ngắn hơn và kín đáo hơn, ít hoạt động tình dục hơn. Hai người bạn đời sẽ ít kiếm cách ở bên nhau hơn và dùng nhiều thời gian để đọc sách báo, xem TV, giao tiếp với bạn bè hay chỉ đơn giản là ngồi mơ mộng.

Tại sao lại có sự thay đổi đó?

Nguyên nhân khiến tình yêu trở nên kém nồng nhiệt, một phần là do những khám phá không thú vị lắm về người mình yêu. Tới một lúc nào đó, người ta bỗng nhận ra rằng có những đặc điểm, những tính cách từng khiến họ mê thích nay lại làm họ khó chịu. Một người đàn ông bỗng nhận thấy tính bảo thủ của vợ mình, một trong những lý do khiến ông ta bị bà vợ cuốn hút trước đây, bây giờ lại làm bà có vẻ khô khan và kiểu cách. Một phụ nữ chợt phát hiện ra rằng thái độ kín đáo và lặng lẽ của chồng mình, thái độ mà hồi xưa bà cho là dấu hiệu của một trí tuệ khác thường, chỉ khiến bà cảm thấy cô độc. Một ông chồng nhận ra rằng tính bốc đồng và thích giao tiếp của bà vợ đã từng khiến ông vui vẻ thì nay chỉ làm ông cảm thấy phiền hà.

Đâu là lý do cho sự thay đổi thái độ này? Nếu bạn nhớ lại rằng với khao khát được là một thực thể toàn vẹn về mặt tinh thần, để được hoàn thiện, chúng ta đã chọn người bạn đời có thể bù đắp cho phần bản ngã đã mất trong thời thơ ấu của chúng ta. Chúng ta tìm những người có thể đền bù cho sự thiếu sáng tạo, thiếu khả năng suy nghĩ hay cảm xúc của ta. Nhờ sự hợp nhất giữa ta và người bạn đời, ta có cảm giác liên hệ lại được với phần bản ngã bị che giấu. Vào thời gian đầu, sự dàn xếp này tỏ ra có hiệu quả. Nhưng cùng với thời gian, những tính cách bổ khuyết của người bạn đời bắt đầu đánh thức trong ta những cảm xúc và thuộc tính vẫn còn bị cấm đoán.

Để tìm hiểu tại sao hiện tượng đầy kịch tính này lại xảy ra trong thực tế, ta hãy quay lại với câu chuyện của John, nhà doanh nghiệp thành công đã được nói tới ở chương trước, người tuy sống bên Patricia nhưng lại mong ước đến tuyệt vọng được ở bên Cheryl. Một ngày nọ, John tới chữa trị với tâm trạng sôi nổi. Lần này anh không nhắc tới công việc lập trình máy tính như thường lệ, mà đi vào chủ đề chính ngay lập tức và kể cho tôi nghe những tin tốt lành của anh. Cheryl, với ý định làm lành, đã quyết định đồng ý cho anh dọn tới ở chung trong sáu tháng để thử thách. Thế là giấc mơ của anh đã thành sự thật.

Tâm trạng ngây ngất của John kéo dài được vài tháng. Trong thời gian đó John cho rằng anh không cần phải chữa trị tâm lý nữa (cũng như phần lớn những người khác, John cảm thấy không cần phải suy nghĩ để giải quyết trục trặc chừng nào anh ta còn cảm thấy hạnh phúc). Nhưng rồi một hôm, anh gọi điện tới tôi xin hẹn gặp. Khi tới nơi, anh kể lại rằng anh và Cheryl bắt đầu gặp rắc rối. Điều đầu tiên anh kể là tính bốc đồng của Cheryl bắt đầu làm anh khó chịu. Anh có thể chịu đựng được những xúc cảm thái quá của cô (như lời anh mô tả) khi chúng dành cho ngưòi khác – chẳng hạn như khi cô mắng mỏ viên thư ký hay sôi nổi nói chuyện với bạn gái – nhưng khi cô hướng những xúc xảm thái quá về phía anh thì anh cảm thấy vô cùng sợ hãi. “Tôi có cảm giác đầu tôi sắp nổ tung ra”.

Lý do khiến John cảm thấy lo lắng đến thế khi ở bên Cheryl là cô bắt đầu khuấy động sự giận dữ bị dồn nén của anh. Ban đầu, ở bên cô, anh có ảo giác dễ chịu rằng anh đã chạm tới những cảm xúc sâu xa của mình. Nhưng sau một thời gian, tính bốc đồng của Cheryl kích thích những cảm xúc của chính anh tới mức chúng chỉ chực bùng nổ. Siêu ngã của John, phần tâm thức còn đè nặng bởi sự cấm đoán không được giận dữ của mẹ anh, đã gửi đi những thông điệp hoảng loạn báo động để anh giữ nguyên tình trạng dồn nén. John cố gắng giảm bớt sự lo lắng bằng cách làm nghẹt cơn xúc cảm của Cheryl: “Lạy Chúa, Cheryl! Em đừng quá xúc động như thế! Em cư xử như một mụ điên!” hoặc :”Bình tĩnh lại nào và nói cho anh biết. Anh chẳng hiểu em đang nói gì”. Chính tính cách đã có thời mê hoặc anh bây giờ lại trở nên một mối đe dọa cho sự tồn tại của anh (theo cung cách nhận thức của tâm thức cũ).

Cũng tương tự như vậy, tới một lúc nào đó, bạn sẽ bắt đầu ao ước rằng người bạn đời của mình bớt thông minh, bớt dịu dàng, bớt xa cách, nghĩa là bớt toàn vẹn đi một chút. Bởi vì những phẩm chất này đang kêu gọi những phẩm chất tương tự còn bị dồn nén trong con người bạn, và bản ngã bị che giấu của bạn đang đe dọa sẽ xuất đầu lộ diện ngoài ý muốn của bạn.

Khi đó, bạn cảm thấy vô cùng lo lắng. Đó là một kinh nghiệm chẳng thú vị gì và bạn tìm cách dồn nén người bạn đời như cha mẹ bạn đã dồn nén bạn khi xưa. Trong nỗ lực bảo vệ sự tồn tại của mình, bạn đã cố gắng thu giảm tính cách của người bạn đời.

Cảm giác bất an càng lúc càng tăng đối với những tính cách bổ khuyết của người bạn đời chri là một phần trong cơn bão đang ập tới. Những tính cách tiêu cực của người bạn đời mà bạn kiên quyết phủ nhận bây giờ bắt đầu hiện ra rõ mồn một. Bất chợt, vẻ âu sầu phiền muộn, tật uống rượu, tính hà tiện hay thiếu trách nhiệm của người bạn đời đập vào mắt bạn. Điều này làm bạn thất vọng nhận ra rằng không những nhu cầu của bạn không được đáp ứng, mà số phận còn định sẵn rằng người bạn đời của bạn cũng sẽ làm thương tổn bạn như bạn đã từng bị thương tổn trong thời thơ ấu!

Một cái nhìn lướt qua sự thật cay đắng

Tôi đã có những khám phá cay đắng này chỉ ít lâu sau khi lấy người vợ đầu tiên, chính xác là trong ngày thứ hai của tuần trăng mật. Tôi và người vợ mới cưới của tôi tới hưởng tuần trăng mật trên một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Nam Georgia. Lúc đó chúng tôi đang đi dạo dọc bờ biển. Vợ tôi đi sát mép nước khoảng bảy, tám chục mét trước mặt tôi, đầu cúi xuống và mê mải tìm vỏ sò. Tôi tình cờ ngước mắt lên và thấy cô chìm trong những tia nắng đầu tiên của bình minh. Bây giờ tôi không còn nhớ chính xác lúc đó trông cô ấy như thế nào. Cô ấy đang quay lưng lại phía tôi. Trên người cô là bộ đồ mày đen và chiếc mũ đỏ. Mái tóc vàng dài chấm vai bay trong gió. Khi tôi nhìn cô ấy, tôi để ý thấy vai cô chùng xuống. Tôi bỗng cảm thấy lo lắng, ngay sau đó tôi nôn nao nhận ra rằng mình đã lấy nhầm người. Đó là một cảm giác rất mạnh mẽ – tôi phải kiềm chế sự thôi thúc muốn chạy ngay tới xe và bỏ đi thật xa. Khi tôi đang đứng sững ở đó thì vợ tôi quay lại phía tôi, vẫy tay và mỉm cười. Tôi có cảm giác như vừa bừng tỉnh khỏi một cơn ác mộng, tôi vẫy tay đáp lại và chạy tới gặp cô ấy.

Dường như lúc đó một tấm màn đã được vén lên rồi lại thả xuống. Tôi phải mất mấy năm mới hiểu được chính xác chuyện gì đã xảy ra. Lúc đó tôi đang phải chữa trị tâm lý. Bác sĩ tâm lý hướng dẫn tôi làm một bài tập về sự dồn nén, bài tập đưa tôi trở lại với thời thơ ấu và với sự giúp đỡ của ông, tôi thấy lại hình ảnh chính mình đang chơi đùa trên sàn nhà bếp của mẹ tôi. Tôi mới một hay hai tuổi gì đó. Tôi hình dung ra mẹ tôi đang bận bịu bên bếp lò, quay lưng lại phía tôi. Có lẽ đây là cảnh thường diễn ra vì tôi là đứa con thứ chín của bà và mỗi ngày bà ở trong nhà bếp cõ lẽ tới bốn năm tiếng đồng hồ để nấu ăn và dọn dẹp. Tôi có thể trông thấy rõ lưng bà. Bà đang đứng cạnh bếp lò, mặc một bộ váy áo màu hồng, sợi dây tạp dề buộc quanh lưng. Bà đang mệt mỏi, buồn phiền và đôi vai bà trĩu xuống.

Với con mắt quan sát của một người trưởng thành trước cảnh này, tôi chìm ngập trong nhận thức rằng mẹ tôi chẳng còn chút sức lực tinh thần cũng như thể chất nào dành cho tôi. Cha tôi đã mất trước đó vài tháng, để lại mẹ tôi một mình với nỗi đau buồn của bà, rất ít tiền bạc và cả chục đứa con phải chăm nom. Tôi có cảm giác mình là một đứa trẻ không được mong đợi. Không phải vì mẹ tôi không yêu tôi – bà là một người rất tình cảm và ân cần – mà vì tất cả sức lực và tinh thần của bà đều đã khô cạn. Bà bị vắt kiệt trong những lo toan tính toán và chỉ còn có thể chăm sóc tôi một cách máy móc.

Đây là một khám phá mới đối với tôi. Cho tới lúc đó, tôi luôn cho rằng nguyên nhân làm tôi lo lắng là do cả cha lẫn mẹ tôi đều đã qua đời khi tôi mới sáu tuổi. Nhưng hôm đó tôi dã biết được rằng cảm giác bị bỏ rơi của tôi xuất hiện còn sớm hơn tôi tưởng nhiều. Ngược dòng thời gian, tôi gọi mẹ tôi, nhưng bà không trả lời. Tôi ngồi trong văn phòng của vị bác sĩ tâm lý và khhóc vì nỗi đau đớn vô hạn. Rồi tôi phát hiện ra điều thứ hai. Tôi bất chợt nhận ra điều gì đã xảy đến với tôi ngày hôm đó ở bờ biển. Khi tôi thấy vợ tôi ở xa tôi đến thế, mê mải trong thế giới riêng của cô ấy và với đôi vai cũng trĩu xuống như vậy, tôi có một linh cảm kỳ lạ rằng cuộc hôn nhân của tôi cũng sẽ là một bản sao của những tháng ngày tôi sống cùng người mẹ đáng thương của tôi. Nỗi cô đơn trống trải trong thời thơ ấu của tôi rồi sẽ lại tiếp tục. Tất cả những khám phá ấy dường như quá sức tôi, và tôi đã vội vã hạ tấm màn xuống.

Tới một lúc nào đó trong cuộc hôn nhân, người ta sẽ khám phá ra rằng một điều gì đó trong con người của chồng hay vợ mình đã khơi dậy những tổn thương sâu sắc của tuổi thơ. Đôi khi sự khám phá đó của cả hai bên tương đương nhau rõ rệt. Một phụ nữ bị cha mẹ đánh đập khi còn nhỏ sẽ thấy chồng mình có tính vũ phu. Một người có cha mẹ nghiện rượu bỗng phát hiện mình đã lấy một kẻ nghiện ma túy hoặc một con sâu rượu.

Nhưng những điểm tương tự giữa cha mẹ và người bạn đời thường rất khó thấy. Đây là trường hợp của Bernard và Kathryn, thân chủ của tôi. Họ đã lấy nhau được hai mươi tám năm. Bernard là giám đốc một cơ sở phục vụ công cộng; còn Kathryn đang đi học lại để lấy bằng luật sư. Họ có ba con và một đứa cháu.

Một buổi tối khi họ bước vào văn phòng của tôi để tham vấn hàng tuần, cả hai đều có vẻ bị ức chế và thất vọng. Tôi đoán ngay là họ lại mới có một cuộc cãi vã, hay một kiểu chiến tranh lạnh, điều đã diễn ra giữa họ suốt hai mươi năm qua bằng nhiểu phương cách khó thấy. Phần lớn các cặp vợ chồng đều có những lúc “xô bát đĩa” như vậy, cuộc chiến lặp đi lặp lại nhiều lần đến nỗi họ biết rõ vai kịch của mình như thuộc lòng bàn tay.

Họ kể với tôi là cuộc chiến xảy ra khi họ đang trang trí ngôi nhà cho Lễ Giáng Sinh. Bernard vẫn lặng lẽ như thường lệ, đắm chìm trong những suy nghĩ riêng. Còn Kathryn đang chỉ đạo các con thực hiện công việc. Cả ba đứa con của họ cùng vợ hoặc chồng chúng đã tới chơi trong kỳ nghỉ và Kathryn muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Bernard làm mọi việc vợ yêu cầu và vẫn tiếp tục chìm trong những ý nghĩ riêng. Sau khoảng một giờ hay hơn thế, sự im lặng của Bernard khiến Kathryn thấy khó chịu. Bà cố lôi kéo sự chú ý của Bernard với câu chuyện về các con của họ. Bernard cũng chỉ ậm ừ đáp cho qua chuyện. Kathryn càng lúc càng khó chịu với ông hơn. Cuối cùng bà quay sang chỉ trích cách ông mắc đèn lên cây Noel: “Tại sao ông không chú ý vào việc ông đang làm? Tôi làm lấy có lẽ lại hơn!” Bernard để mặc bà nói xối xả, sau đó lẳng lặng quay đi và bước ra cửa sau.

Kathryn tới cửa sổ nhà bếp. Khi nhìn theo cánh cửa nhà xe khép lại sau lưng Bernard, bà bỗng thấy vừa sợ hãi vừa tức giận lẫn lộn. Cơn giận vẫn mạnh hơn: lần này bà sẽ không để ông rút lui dễ dàng như vậy. Bà bước ra theo sau ông và đẩy bật cửa nhà xe ra. “Lạy Chúa! Tại sao ông không giúp tôi làm? Lúc nào ông cũng trốn ở đây. Chẳng lúc nào ông giúp tôi khi tôi cần. Ông bị làm sao thế?”.

Trong con mắt của một bác sĩ tâm lý, việc Kathryn dùng từ được dùng ở khắp nơi như “luôn luôn” và “không bao giờ” là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bà đang ở trong tình trạng bị dồn nén. Những đứa trẻ nhỏ khó phân biệt giữa quá khứ và thực tại; điều gì xảy ra vào lúc này cũng luôn luôn xảy ra trong quá khứ và sẽ luôn luôn xảy ra trong tương lai. Nhưng Bernard không phải là một nhà tâm lý. Ông là người bị bà bao vây công kích và ông chỉ vừa thoát khỏi một cơn lũ những lời phê phán, mong tìm một nơi yên ổn. Tâm thức cũ của ông phản ứng lại trước cuộc tấn công của bà, thực ra chỉ là tiếng khóc của một đứa trẻ trong con người trưởng thành. Ông trả miếng: “Có thể tôi đã giúp bà nhiều hơn nếu bà đừng có nanh nọc như vậy! Bà lúc nào cũng săn đuổi tôi. Bà không thể để tôi yên được năm phút à?”. Ông giận sôi lên, còn Kathryn thì òa khóc.

Với tư cách là một người ngoài cuộc, tôi có thể dễ dàng thấy từng bước sự tiến triển của cuộc cãi vã. Nguyên nhân gây ra cãi cọ hầu như luôn luôn là thái độ lơ đễnh của Bernard. Kathryn sẽ mè nheo để cố bắt ông phải trả lời. Đến khi Bernard hết chịu nổi, ông sẽ bỏ sang phòng khác để được yên ổn. Lúc đó Kathryn sẽ nổi cơn thịnh nộ, còn Bernard cũng giận dữ không kém. Kết quả là Kathryn òa khóc.

Khi họ kể lại lần cãi vã vừa rồi, tôi hỏi Kathryn chính xác bà thấy thế nào khi chuẩn bị cho ngày lễ bên cạnh một ông chồng lầm lì như đất. Bà ngồi im một lúc, cố nhớ lại cảm xúc của mình. Rồi ngẩng lên với vẻ bối rối, bà nói: “Tôi thấy sợ. Tôi sợ ông ấy sẽ không nói chuyện với tôi nữa”. Lần đầu tiên bà nhận ra rằng bà thực sự sợ sự im lặng của Bernard.
Tôi hỏi bà: “Bà sợ cái gì kia, Kathryn?”
Bà trả lời ngay: “Tôi sợ ông ấy sắp đánh tôi”.
Bernard nhìn sang bà với đôi mắt mở to ngạc nhiên.
Tôi nói: “Hãy xem Bernard nói gì về chuyện này. Bernard này, lúc đứng trong nhà bếp, ông có nghĩ đến chuyện đánh Kathryn không?”
“Đánh bà ấy à?”. Ông ngạc nhiên. “Đánh bà ấy ư? Cả đời, tôi chưa bao giờ đụng đến bà ấy. Tôi chỉ mải mê với những ý nghĩ riêng của mình. Nếu tôi nhớ không lầm thì tôi đang lo rằng tới mùa xuân, chúng tôi sẽ phải lợp lại mái vì nó đã bị dột. Và vài điều rắc rối ở sở làm nữa”.
“Thật thế ư?”-Kathryn hỏi – “Ông không giận tôi hôm đó à?”.
“Chắc chắn là không rồi! Tôi thấy khó chịu vì bà cứ nhiếc móc tôi, nhưng tất cả những gì tôi muốn là tránh ra xa. Tôi chỉ nghĩ nếu được ra nhà xe để làm những việc riêng của tôi thay vì cứ bị mè nheo không ngớt như thế thì thật hay!”.
“Thế mà tôi lại nghĩ rằng ông khó chịu với tôi, cuối cùng ông không kiên nhẫn được nữa và nổi khùng lên”.
“Đồng ý là tôi có nổi khùng, nhưng phải sau khi đã bị bà mè nheo đến hai, ba tiếng đồng hồ. Ai mà chẳng nổi khùng kia chứ? Lúc đầu tôi đâu có khó chịu với bà?”.

Thế là mọi việc rõ cả. Bernard xem ra không có vẻ là một người hung bạo.
Tôi nói với Kathryn: “Kathryn này, bà cứ nhắm mắt lại một lúc và nghĩ xem điều gì làm bà sợ hãi khi Bernard không trả lời bà”.
Một lúc sau bà đáp: “Tôi không biết. Chỉ là vì ông ấy im lặng thôi”.
“Thôi được, bà cứ giữ nguyên ý nghĩ ấy và cố nhớ lại điều gì đó có liên quan đến sự im lặng khi bà còn nhỏ. Nhắm mắt lại đi”.

Căn phòng im lặng. Thế rồi Kathryn mở mắt ra: “Đó là cha tôi! Tôi không nhận ra điều đó. Cha tôi thường chìm trong cơn phiền muộn và không nói gì trong nhiều tuần liền. Lúc nào ông như vậy thì tôi biết phải tránh xa ông, vì nếu tôi làm gì đó sai, ông sẽ đánh tôi. Khi thấy ông tỏ ra buồn rầu là tôi hoảng sợ. Tôi biết là thời gian tới sẽ khó khăn đấy”.

Cha của Kathryn và chồng bà có chung một điểm quan trọng – cả hai đều có thói quen im lặng trong một thời gian dài – và không nghi ngờ gì, đấy chính là một trong những lý do Kathryn bị lôi cuốn về phía Bernard. Bà đã chọn một người cũng giống cha bà, để bà có thể giải quyết được nỗi sợ bị ngược đãi. Bà không kết hôn với một người cởi mở hay nói – bà tìm một người cũng có tính xấu như cha mình để có thể tái tạo lại môi trường tuổi thơ và tiếp tục đấu tranh giành tình yêu và sự ân cần. Nhưng Bernard chỉ giống cha bà ở bề ngoài. Ông im lặng vì ông là người sống nội tâm, không phải vì ông buồn phiền và sắp nổi cơn giận dữ. Chính thái độ mè nheo không ngừng của Kathryn đã chọc tức ông.

Tôi đã thấy hiện tượng này trong rất nhiều thân chủ của tôi. Họ cư xử với người bạn đời như thể người bạn đời của họ là những bản sao của cha mẹ họ, dù không phải tất cả những tính cách của những người ấy đều giống nhau. Với nhu cầu mãnh liệt hoàn thành nốt công việc bỏ dở, họ chiếu rọi tính cách của cha mẹ mình lên người bạn đời. Và rồi họ đối xử với người bạn đời như thể người bạn đời có những tính cách đó thật. Một đồng nghiệp của tôi nói rằng người ta vừa “tìm những tính cách giống như Hình mẫu, vừa chiếu rọi chúng lên đối tượng, vừa kích thích chúng xuất hiện ở đối tượng”.

Cuốn phim gia đình, phần II

Cho tới giờ, ta đã bàn về hai yếu tố làm bùng lên những xung đột sâu sắc:

1. Người bạn đời của ta làm ta lo lắng vì đã khuấy động những phần bản ngã bị cấm đoán trong ta.
2. Người bạn đời của ta có (hay có vẻ có) những tính cách tiêu cực của cha mẹ ta, tạo cho ta những thương tổn mới bên cạnh những thương tổn cũ và vì thế, đánh thức dậy nỗi sợ của vô thức trước cái chết.

Bây giờ là yếu tố thứ ba và cuối cùng gây nên bất hòa và đáng để ta chú ý tới. Ở chương trước, tôi đã nói rằng những cảm xúc vui vẻ (khi còn ở giai đoạn đầu của tình yêu) tới từ việc chiếu rọi những nét tích cực của Hình mẫu lên người bạn đời, nói cách khác, ta nhìn người bạn đời và thấy tất cả những phẩm chất tốt đẹp nhưng bị dồn nén của chính ta. Khi có xung đột sâu sắc giữa hai người thì ta vẫn tiếp tục để máy chiếu quay, nhưng ta đổi cuộn phim và bây giờ ta chiếu rọi lên người bạn đời những tính cách tiêu cực bị chối bỏ!

Trong chương hai, tôi đã gọi những mặt tiêu cực bị phủ nhận này là “phần bản ngã bị chối bỏ”. Nếu bạn nhớ lại thì sẽ thấy tôi đã nói rằng tất cả mọi người đều có những góc sâu kín trong tâm hồn mà họ không muốn biết tới. Phần lớn các trường hợp, chúng là những gì được tạo ra để thích ứng với những thương tổn tuổi thơ. Người ta cũng dựng lên những tính cách tiêu cực này qua sự quan sát cha mẹ họ. Dù họ có thể không thích điều gì đó ở cha mẹ họ, nhưng họ sẽ “nhập tâm” những tính cách đó qua một quá trình có tên là “sự nhận dạng”. Ví dụ, thói gia trưởng của người cha và sự coi thường mình của người mẹ đã truyền sang đứa con. Nhưng khi đứa trẻ có khả năng nhận thức nhiều hơn, nó nhận ra rằng đây chính là những tính cách nó không thích ở cha mẹ nó, và nó cố hết sức để phủ nhận chúng.

Bây giờ mới xuất hiện điều thú vị. Đứa trẻ không chỉ thu nhận những mặt tiêu cực, dù nó chối bỏ và đẩy chúng ra khỏi tầm nhận thức, mà khi lớn lên, nó còn tìm những mặt tiêu cực này ở người khác, vì đó là một phần chủ yếu trong Hình mẫu của nó. Hình mẫu, do đó không chỉ là một hình ảnh của một người khác phái mà còn là sự mô tả bản ngã bị chối bỏ của con người.

Một ví dụ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn hiện tượng tâm lý phức tạp và gây tò mò này. Tôi đã làm việc chung nhiều năm với một phụ nữ tên là Lillian. Cha mẹ cô ly dị khi cô mới chín tuổi và mẹ cô giành được quyền nuôi Lillian và chị cô, June, mười hai tuổi. Một năm sau khi ly dị, mẹ cô lấy một người đàn ông khác. Ông ta không hợp với June. Ông ta la mắng cô bé không ngớt, trừng phạt June vì những lỗi lầm rất nhỏ. Vài lần mỗi tuần, ông ta lại nổi cơn thịnh nộ và lôi cô bé vào phòng, dùng dây lưng đánh vào mông nó. Lillian lúc đó thường đứng ngoài cửa, lắng nghe tiếng sợi dây lưng đập đen đét và run lên vì tức giận và sợ hãi. Cô căm thù người cha dượng. Thế nhưng khi cô ở một mình với June, thì cô lại đối xử với June cũng tàn tệ như vậy. Cô cũng gọi chị mình với những cái tên làm tổn thương June mà cô thường nghe cha dượng gọi.

Việc cô có thể làm tổn thương June đối với Lillian quá đau đớn đến nỗi cô đè nén những kỷ niệm này. Phải mất một năm chữa trị cô mới gợi lại được những kỷ niệm ấy và rất lâu sau, cô mới bắt đầu tin tôi và kể cho tôi nghe về chúng. Khi đó, tôi có thể chỉ cho cô thấy rằng thu nhận những mặt tích cực và tiêu cực của người nuôi dưỡng là bản chất tự nhiên của con người. Cha dượng của Lillian là người có ảnh hưởng lớn nhất trong ngôi nhà và vô thức của cô đã ghi nhận rằng người nào thường giận dữ nhiều nhất là người có quyền lực lớn nhất. Do đó, giận dữ và chế nhạo là hai vũ khí có giá trị để sống còn. Dần dần, những tính cách này đã ăn sâu vào bản chất vốn tốt bụng của Lillan.

Khi Lillian lớn lên và lập gia đình, việc cô yêu một người có một số tính cách giống cha dượng của cô là điều không tránh khỏi, đặc biệt là tính cáu bẳn, bởi vì đây là tính cách đã làm cô sợ hãi nhất. Thực ra, lý do khiến cô tìm đến bác sĩ tâm lý là vì chồng cô đã đánh đập cô.

Sau hai năm trị liệu, cô đã có thể nhận ra rằng sự giận dữ đáng ghét của cha dượng cô lại là một yếu tố vô thức gây nên sự cuốn hút của chồng cô đối với cô, và điều này còn đáng báo động hơn, là một phần bị chối bỏ trong nhân cách của cô.

Tôi thấy cùng một khuynh hướng tương tự trong tất cả các mối quan hệ yêu đương. Người ta cố gắng xua đuổi những tính cách tiêu cực bị chối bỏ bằng cách chiếu rọi chúng lên người bạn đời. Hoặc nói cách khác, họ xem xét người bạn đời của mình, chỉ trích tất cả những gì họ không thích và phủ nhận chúng trong chính con người họ. Lấy những tính cách tiêu cực đã được thu nhận, chiếu rọi chúng lên người bạn đời là một cách thức rõ ràng rất hiệu quả để che khuất những phần bản ngã không mong muốn trong ta.

Bây giờ, ta đã xác định được ba nguyên nhân chính gây mâu thuẫn dẫn đến xung đột. Khi ảo tưởng của tình yêu lãng mạn mờ dần đi, các cặp vợ chồng bắt đầu:
1. Khuấy động những hành vi và tình cảm bị dồn nén của người bạn đời.
2. Khơi lại chấn thương tuổi thơ của người kia.
3. Gán ghép những mặt tiêu cực của chính mình lên người bạn đời.

Tất cả những tác động qua lại này đều là vô thức. Tất cả những gì người ta nhận biết được chỉ là họ cảm thấy bối rối, giận dữ, lo lắng, buồn phiền và không được yêu thương. Và việc họ quy hết những đau khổ này là do người bạn đời gây ra là một hành động tự nhiên. Họ không thay đổi – họ vẫn như vậy thôi! Nhưng người bạn đời của họ mới là người thay đổi!

Những vũ khí của tình yêu

Tuyệt vọng, họ bắt đầu sử dụng những chiến thuật tiêu cực để bắt người bạn đời phải tỏ ra yêu thương họ nhiều hơn. Họ kiềm chế tình cảm và tỏ ra lạnh lùng. Họ trở nên bực bội và hay chỉ trích. Họ tấn công và buộc tội: “Tại sao anh không…” “Tại sao em lúc nào cũng…?” “Làm sao anh có thể…?” Họ ném những lời kết tội này vào người bạn đời trong một cố gắng tuyệt vọng nhằm làm người bạn đời trở nên ân cần, đáp ứng hoặc biểu lộ những tính cách tích cực trong Hình mẫu của họ. Họ tin rằng nếu họ bắt người bạn đời phải chịu đau khổ, người bạn đời sẽ trở lại thái độ yêu thương ban đầu.

Điều gì khiến họ tin rằng làm tổn thương người bạn đời thì người đó sẽ cư xử tốt hơn? Tại sao người ta không đơn giản nói với nhau bằng ngôn ngữ thường ngày, rằng mình muốn người kia quan tâm yêu thương mình nhiều hơn hoặc để mình tự do hơn hoặc bất cứ thứ gì mình mong muốn? Tôi đã hỏi một cặp vợ chồng câu hỏi đó lúc đang tiến hành trị liệu. Đó chỉ là một câu hỏi không địa chỉ; và tôi không nhận được câu trả lời. Nhưng tình cờ vài phút trước đó, tôi vừa nói tới trẻ con và phản ứng bản năng bằng tiếng khóc của chúng khi gặp điều gì đó gây đau khổ. Bất chợt tôi có câu trả lời. Một lần nữa tâm thức cũ của chúng ta lại là nguyên nhân. Khi ta còn là trẻ con, ta không cười với mẹ mình để bà chăm sóc ta. Ta không biểu lộ sự không hài lòng của mình bằng lời nói. Chúng ta chỉ biết làm một việc là há miệng ra la hét. Và chúng ta cũng biết rất rõ là chúng ta càng hét to thì cha mẹ ta tới càng nhanh. Thành công của chiến thuật này đã trở thành một “vết hằn”, một phần của kho kinh nghiệm về cách làm cho thế giới xung quanh đáp lại nhu cầu của ta. “Khi ta bị thất vọng, hãy kích động người khác. Hãy tỏ ra khó chịu hết mức tới khi nào có ai đó tới giúp ta.”

Cách bày tỏ sự đau khổ này đặc trưng cho những cặp vợ chồng đang có xung đột sâu sắc. Nhưng có một ví dụ chống lại quan điểm của tôi. Một vài năm trước, tôi chữa trị cho một cặp vợ chồng đã lấy nhau được hai mươi lăm năm. Người chồng đinh ninh rằng vợ mình là người không những rất ích kỷ mà còn hay hiềm thù. “Bà ấy chẳng bao giờ nghĩ đến tôi”, ông ta than phiền, kể ra vô số cách mà bà vợ thường dùng để bỏ mặc ông. Trong khi đó, bà vợ ngồi im lặng trong ghế và chỉ lắc đầu để tỏ ý phản đối. Ngay khi ông chồng vừa dứt lời, bà cúi mình về phía trước và nói với tôi bằng giọng nói mạnh mẽ và tha thiết: “Xin hãy tin tôi, tôi đã làm mọi thứ tôi có thể để làm vui lòng ông ấy. Tôi ở bên ông ấy nhiều hơn, hoặc ít hơn. Thậm chí mùa đông này tôi còn tập trượt tuyết nữa, chỉ hy vọng là sẽ làm ông ấy vui, trong khi tôi chúa ghét bị lạnh! Nhưng xem ra chẳng có ích gì”.

Để giúp họ thoát khỏi thế bí, tôi đề nghị người chồng hãy nói ra xem vợ ông phải làm điều gì để làm ông thấy vui sướng hơn, một hành động thực tế, có thể làm được để giúp ông có cảm giác được yêu thương. Ông ta đằng hắng, ấp úng rồi càu nhàu: “Nếu cô ấy đã lấy tôi hai mươi lăm năm rồi mà vẫn không biết tôi muốn cái gì thì tức là cô ấy có để ý gì đến tôi đâu! Đơn giản là cô ấy không quan tâm đến tôi!”

Người đàn ông này, cũng như tất cả chúng ta, đã đeo bám vào một quan điểm cổ xưa. Khi ông ta còn là một đứa trẻ nằm trong nôi, ông ta đã nhận biết mẹ mình là một tạo vật khổng lồ cúi xuống bên ông ta và cố hiểu bằng trực giác những nhu cầu của con mình. Ông ta là đứa trẻ được cho ăn, cho mặc, tắm táp và bảo bọc, dù nó không nói được rõ ràng nó muốn điều gì. Bài học chủ yếu từ trước khi biết nói của nó đã để lại một dấu vết không thể gột sạch trong tâm hồn: người khác có trách nhiệm phải nhận ra nó muốn cái gì và cho nó cái ấy mà nó không cần phải làm điều gì khác ngoài khóc. Dù phương pháp này đạt kết quả khá tốt khi còn bé, nhưng khi đứa trẻ đó lớn lên thì những nhu cầu của nó đã trở nên phức tạp. Hơn nữa, vợ ông ta không phải là người mẹ tận tụy cúi xuống bên nôi của đứa con. Bà cũng là một người bình đẳng với chồng, và có những nhu cầu và mong đợi riêng của bà, điều làm ông ta vô cùng ngạc nhiên. Và mặc dù bà rất muốn làm chồng hạnh phúc, bà không biết phải làm gì. Vì thiéu nguồn thông tin này, bà đành phải đối xử với chồng như với một đứa trẻ to xác: “Có phải đây là điều ông muốn không? Có phải không?”.

Khi hai người đều không nói ra là mình muốn điều gì mà cứ chỉ trích nhau không ngớt rằng người kia ích kỷ thì không có gì đáng ngạc nhiên là tại sao tình yêu và sự hòa hợp lại bay đi mất. Thay vào chỗ đó là sự xung đột đầy ác nghiệt đang hiện rõ dần. Trong cuộc tranh chấp đó, người này cố buộc người kia phải đáp ứng nhu cầu của mình. Cho dù người kia có phản ứng lại bằng thái độ chiến tranh, họ vẫn không nản chí. Tại sao vậy? Bởi vì vùng vô thức của họ sợ rằng, nếu nhu cầu của họ không được đáp ứng, họ sẽ chết. Đây là một ví dụ cổ điển cho cái mà Freud gọi là “Sự cưỡng bách lặp đi lặp lại”, khuynh hướng lặp đi lặp lại những hành vi không có hiệu quả của con người.

Một số cặp vợ chồng giữ nguyên tình trạng giận dữ thù địch này vĩnh viễn. Họ mài sắc khả năng đâm xuyên qua hàng rào bảo vệ của nhau và làm tổn thương tâm hồn nhau. Cơn giận bùng nổ thành bạo lực với mức độ thường xuyên đáng báo động.

Các giai đoạn của cuộc xung đột

Khi bạn bị mắc kẹt trong cuộc xung đột gia đình, cuộc sống đối với bạn xem ra thật lộn xộn. Bạn không biết đầu đuôi thế nào nữa. Bạn không có khái niệm gì về chuyện nó đã bắt đầu như thế nào và sẽ kết thúc như thế nào. Nhưng nếu đứng từ xa nhìn thì xung đột gia đình xảy ra theo một quá trình có thể đoán trước được, cùng lúc với những giai đoạn đau buồn vì một người bị chết hay mất đi. Nhưng người này không phải là người bằng xương bằng thịt, mà là một ảo ảnh của tình yêu lãng mạn.

Tới đầu tiên là cú sốc, một khoảnh khắc kinh sợ của sự thật khi cánh cửa bỗng mở và những ý nghĩ méo mó xâm nhập vùng ý thức của bạn: “Đây không phải là người tôi đã lấy”. Vào lúc đó, bạn nghĩ rằng cuộc hôn nhân này sẽ lặp lại nỗi cô đơn và đau đớn của tuổi thơ, chứ không phải là sự hàn gắn như bạn đã hình dung trước đây.

Sau cú sốc là sự chối bỏ. Sự thất vọng lớn lao đến nỗi bạn không cho phép mình thừa nhận sự thật. Bạn cố hết sức để rọi những tia sáng tích cục lên những tính cách tiêu cực của người bạn đời. Nhưng cuối cùng bạn cũng không duy trì được thái độ đó, và bạn cảm thấy mình bị phản bội. Hoặc người bạn đời của bạn đã thay đổi mạnh mẽ so với ngày hai người mới yêu nhau, hoặc từ hồi đó tới giờ, bạn luôn bị lừa dối về bản chất thật của người bạn đời. Bạn đau đớn, và mức độ đau đớn của bạn là mức độ khác biệt giữa ảo ảnh đẹp đẽ ban đầu và hình ảnh thực của người bạn đời.

Nếu bạn chịu đựng được giai đoạn giận dữ của cuộc xung đột, một số nọc độc tiêu đi và bạn bước sang giai đoạn thứ tư, giai đoạn mặc cả. Trong giai đoạn này người ta thường có những hành động mặc cả như: “Nếu anh bỏ rượu thì tôi sẽ ở nhà nhiều hơn” hoặc “Nếu cô để cho tôi nhiều thời gian đi bơi thuyền hơn, tôi sẽ chăm sóc các con nhiều hơn”. Các bác sĩ tâm lý hôn nhân có thể kéo dài không cố ý giai đoạn này của cuộc xung đột nếu họ giúp đôi vợ chồng đạt được những thỏa thuận ứng xử mà vẫn chưa đi tới cốt lõi của vấn đề.

Giai đoạn cuối cùng của cuộc xung đột là sự tuyệt vọng. Khi đôi lứa đã tới giai đoạn cuối cùng này, họ không còn hy vọng nào để tìm được hạnh phúc hay tình yêu trong mối quan hệ nữa; sự đau đớn đã đi quá xa. Ở thời điểm này, một nửa số các cặp vợ chồng đã từ bỏ tia hy vọng cuối cùng và đưa đơn ly dị. Những cặp vợ chồng nào vẫn không ly dị thì tạo nên cái gọi là hôn nhân “song song” và mỗi người cố tìm hạnh phúc cho riêng mình ngoài hôn nhân. Một số rất ít, có lẽ khoảng năm phần trăm con số các cặp vợ chồng tìm được lối thoát ra khỏi cuộc xung đột và tiếp tục xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Để dễ hiểu hơn, tôi trình bày vấn đề dưới hình thức đơn giản nhất. Đầu tiên, chúng ta chọn bạn đời vì hai nguyên nhân cơ bản:
1. Họ có cả những phẩm chất tích cực và tiêu cực của những người nuôi dưỡng ta.
2. Họ bù đắp những bản ngã tích cực của ta đã bị mất từ thời thơ ấu. Chúng ta bắt đầu một mối quan hệ mới với giả định của vô thức rằng người bạn đời của ta sẽ thay thế cha hoặc mẹ ta và bù đắp cho mọi mất mát trong thời thơ ấu của ta. Tất cả những gì ta phải làm để được hàn gắn vết thương là hình thành một mối quan hệ gần gũi và kéo dài.

Sau một thời gian, ta nhận thấy chiến lược của ta không có hiệu quả. Ta “yêu” nhưng vẫn không đạt được trạng thái toàn vẹn. Ta cho rằng lý do khiến kế hoạch của ta không thực hiện được là vì người bạn đời của ta không thèm biết đến những nhu cầu của ta. Điều này khiến chúng ta nổi giận và lần đầu tiên, ta nhận thấy những tính cách tiêu cực của người bạn đời. Chúng ta bèn dàn xếp rắc rối bằng cách chiếu rọi những nét tiêu cực bị chối bỏ của chính chúng ta lên người bạn đời. Khi tình hình trở nên tồi tệ, chúng ta cho rằng cách tốt nhất để bắt người bạn đời thỏa mãn nhu cầu của ta là tỏ ra khó chịu và bực bội, như khi chúng ta còn là đứa trẻ nằm trong nôi. Nếu ta hét lên thật to và thật lâu, ta tin rằng người bạn đời sẽ tới cứu giúp ta. Và cuối cùng, điều đã khiến cho cuộc xung đột gia đình trở nên độc hại là niềm tin vô thức rằng nếu ta không thể dụ dỗ hay ép buộc người bạn đời chăm sóc đến ta, ta sẽ phải đối mặt với nỗi sợ lớn nhất trong tất cả các nỗi sợ – nỗi sợ cái chết.

Điều có thể không rõ ràng ngay lập tức trong đoạn tóm tắt ngắn gọn này là: thực sự có rất ít khác biệt giữa tình yêu lãng mạn và xung đột gia đình. Ngoài bề mặt, hai giai đoạn đầu tiên này của một cuộc hôn nhân có vẻ khác nhau một trời một vực. Niềm vui sướng của người này đối với người kia đã trở thành thù hận và thiện chí của họ đã thoái hóa thành một cuộc chiến giữa những ước muốn, nhu cầu của hai bên. Nhưng điều quan trọng đáng lưu ý là dưới vẻ bề ngoài này, thực chất tình yêu và xung đột đều như nhau. Cả hai cá nhân đều đang tìm kiếm con đường đạt được sự toàn vẹn nguyên thủy, và họ vẫn giữ niềm tin rằng người bạn đời của họ có quyền lực làm họ trở nên khỏe mạnh và bạn đời của họ có quyền lực làm họ trở nên khỏe mạnh và toàn vẹn. Khác biệt chính là giờ đây người bạn đời được xem như người từ chối không trao tặng tình yêu. Điều này đòi hỏi phải thay đổi chiến thuật. Và thế là các ông chồng bà vợ bắt đầu làm tổn thương nhau, hoặc từ chối không tỏ ra vui vẻ và thân mật, với hy vọng người kia sẽ đáp lại bằng sự ân cần và tình yêu.

Đâu là con đường để thoát ra khỏi cái mê cung rối ren này? Điều gì ẩn giấu phía bên kia xung đột gia đình? Trong chương tiếp theo, “Trở nên ý thức”, chúng ta sẽ bàn về một hình thức quan hệ mới: “Hôn nhân ý thức” và xem nó có tác dụng giúp người vợ và người chồng thỏa mãn những khao khát tuổi thơ của nhau như thế nào.

đến chương 6 >>

Read Full Post »