Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘06. Thần thoại & bản tính’ Category

Chương 06:

Thần Thoại và Bản Tính Con Người

——————————

Phần đông người ta nghĩ rằng thần thoại là một cái gì đó không thật. Nhưng một trong những bước tiến bộ mà chúng ta đã làm được trong tâm thần học và tâm lý học trong 60 năm qua – nhờ ở công trình của Carl Jung và, gần đây hơn, nhờ những người như Joseph Campbell – đó là chúng ta đã khám phá ra rằng một thần thoại chỉ là một thần thoại chính bởi vì nó thật!

Thần thoại là những câu chuyện được tìm thấy trong mọi nền văn hóa. Thường chúng được chế tác hơi khác nhau trong những nền văn hóa khác nhau. Nhưng sở dĩ bạn tìm thấy cùng những thần thoại giống nhau từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, từ thời đại này sang thời đại khác, chính bởi vì nó chất chứa sự thật vĩ đại nào đó về bản tính con người. Và bởi vì các thần thoại có nhiều điều để dạy chúng ta về bản tính con người, nên chúng có thể rất hữu ích trong việc giúp chúng ta nhận hiểu chính mình.

CÁC TRUYỀN THUYẾT

Nhiều nhà khảo cổ vĩ đại, vào thời ban đầu của họ, đã bị coi là điên khùng vì họ tin vào những truyền thuyết hay những truyện xưa mà đa số người ta cho là không thật.

Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp của Heinrich Schliemann. Hồi còn là một thiếu niên, lớn lên vào những năm 1830, Heinrich học việc trong một cửa hiệu tạp hóa. Một người đàn ông cao tuổi thường đến ăn trưa ở đó, và khi đã uống vài ly, ông già bắt đầu ngâm nga từng đoạn trong câu chuyện Iliad của Homer. Lắng nghe ông già, chàng trai trẻ Heinrich trở nên hoàn toàn bị lôi cuốn bởi câu chuyện thành Troy. Và chàng quyết tâm rằng sau này lớn lên, chàng sẽ đi tìm thành Troy.

Khi Heinrich nói về ý định của mình cho người ta, họ bảo: “Ồ, đừng ngớ ngẩn. Iliad của Homer chỉ là một thần thoại. Không có một nơi nào trên đời này là thành Troy cả. Đó là một địa danh tưởng tượng.” Tuy nhiên, Heinrich tin rằng thành Troy có thực, và chàng cố làm việc để dành dụm đủ tiền chi phí cho cuộc tìm kiếm của chàng. Năm 36 tuổi, Heinrich trở thành một người đàn ông rất giàu có. Và anh từ bỏ công việc làm ăn, bắt đầu lên đường tìm kiếm thành Troy. Với lòng tin tưởng, sau 10 năm, anh đã tìm thấy nơi mình cần tìm kiếm – nó nằm trên duyên hải phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Phát hiện ấy của Heinrich và nhiều phát hiện khác sau này đã chứng minh rằng các câu chuyện được kể trong Iliad không thuần túy là những thần thoại, mà chúng có một cơ sở trong thực tế nữa.

Nhà khảo cổ Edward Thompson là một ví dụ khác. Vào đầu thế kỷ trước, Thompson nghe một truyền thuyết Maya cổ về một cái giếng được sử dụng để nhận nước các cô trinh nữ – các cô này được thả xuống giếng với những món trang điểm bằng vàng hầu làm cho các cô mau chìm xuống. Người ta làm tất cả những việc này để cúng thần mưa (thần mưa được tin là sống dưới đáy giếng). Và Thompson quyết định đi tìm cái giếng này, dù người ta nói với anh: “Đó là một chuyện hoang đường, ngớ ngẩn. Không hề có một cái giếng như thế. Nó không bao giờ tồn tại.”

Thompson đi Mexico, ở đó anh nghe nói về một thành phố Maya lớn đã bị hủy diệt, ở sâu trong rừng rậm Yucatan, gọi là Chichén Itzá – nghĩa là ‘Miệng Giếng’! Anh mua một đồn điền gần chỗ tàn tích của thành phố ấy và chẳng bao lâu khám phá ra rằng đã từng có hai cái giếng lớn (cenotes) trong khu vực ấy. Sau khi phân tích các dấu vết, anh đoán rằng cái giếng lớn hơn, đường kính khoảng hơn 50 mét, có thể chính là mục tiêu bấy lâu nay mình tìm kiếm. Thế là, anh quay trở về quê nhà Boston của mình, huy động tiền của tất cả các bạn hữu, mua sắm thiết bị đào vét và các bộ đồ lặn đáy biển; thậm chí chính anh cũng học lặn.

Những cố gắng khai quật của anh dường như chỉ là công cốc. Năm này qua năm khác, tất cả những gì mà anh và các người làm của anh đào bới lên được chỉ là bùn đất và bùn đất, không thấy vàng cũng chẳng thấy xương cốt đâu cả! Vì cạn tiền sau quãng 5 năm cố gắng; một cách vô vọng, anh quyết định đích thân mình lặn xuống – và anh đã tìm thấy những chiếc xương đầu tiên. Quả thực, Thompson đã khám phá ra cả một kho tàng các di chỉ khảo cổ học, bao gồm nhiều món nữ trang bằng vàng. Anh lấy lại được số tiền bạc đã đầu tư vào công cuộc này, và lấy lại được niềm tự tin nơi mình nữa. Anh đã chứng tỏ rằng câu chuyện truyền khẩu về các trinh nữ được cho đeo đầy những món nữ trang và được ném xuống giếng quả là một câu chuyện có thực hoàn toàn.

Chính tôi đã từng không tin câu chuyện Atlantis, một nền văn minh đảo được nói là đã chìm xuống đáy biển. Rồi, vào năm 1978, bố mẹ tôi, vợ chồng tôi, 3 con tôi, vợ chồng anh trai tôi và 3 đứa con của họ cùng đi nghỉ hè ở Hy lạp. Trong kỳ nghỉ đó, chúng tôi thuê một chiếc thuyền và chèo quanh một chòm đảo Hy lạp có tên là Cyclades. Hòn đảo cực nam của chòm đảo này có hai tên: Thera, là tên gốc Hy lạp, và Santorini, tên bằng tiếng Ý (bởi vì người Ý đã chiếm chòm đảo này hồi thế kỷ 13). Khi chúng tôi chèo thuyền trực chỉ đảo Santorini (hay Thera), bố tôi đọc thấy trong một sách hướng dẫn rằng đã có một số người nghĩ rất có thể hòn đảo này là Atlantis!

Tôi cười ồ. Nhưng tôi bắt đầu cảm thấy bị ‘quê’ vì tiếng cười của mình khi chúng tôi đi qua một vùng giống như một cái vịnh giữa hai đảo, và ngay lập tức nhận thấy rằng nãy giờ chúng tôi đã chèo thuyền đúng vào giữa miệng của một núi lửa vĩ đại có đường kính khoảng 20 dặm. Sau đó, khi chúng tôi ‘thám hiểm’ một phần nữa ở xa hơn của vòng đảo ấy, chúng tôi được biết rằng ở đó – vào một buổi tối năm 1967 – một người nông dân đang cày mảnh ruộng của mình trong khi vợ và các con anh cùng với một người hàng xóm đang đứng nói chuyện ở mé bờ ruộng. Bất thình lình, người nông dân biến mất. Họ không biết chuyện gì đã xảy ra cho anh ta. Họ chạy đến chỗ mà họ vừa mới nhìn thấy anh ta lúc nãy và họ nghe văng vẳng tiếng kêu thất thanh của anh. Có một cái lỗ to dưới đất! Và họ hiểu ra rằng anh ta đã rơi tõm vào cái lỗ ấy. Không chỉ là một cái lỗ đâu, thưa bạn! Người nông dân ấy đã rơi vào một thành phố. Đó là thành phố Arkrotiri, bị chôn vùi dưới tro núi lửa. Khi thành phố ấy bắt đầu được khai quật lên, các nhà khảo cổ gặp thấy cả một nền văn minh khác hẳn với bất cứ nền văn minh nào đã được khám phá trước đó. Nền văn mình này bắt nguồn từ thời đại đồ đồng – và là một pha trộn của các nền văn hóa Hy lạp và Phi châu. Đó là nơi xưa nhất trên thế giới có những cửa sổ trang trí bằng tranh ảnh. Các khám phá ở đó thú vị đến nỗi cho tới lúc chúng tôi thăm Hy lạp 10 năm sau, thì cả một dãy nhà mới đã được bổ sung vào viện bảo tàng ở Athen để chứa những tác phẩm nghệ thuật và các vật khác được tìm thấy về Arkrotiri.

Vì thế tôi đã trở thành một người tin vào câu chuyện Atlantis. Chính tôi đã ‘có mặt’ ở Atlantis đấy chứ!

THẦN THOẠI VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN THẦN TIÊN

Có một sự phân biệt giữa một truyền thuyết và một thần thoại. Truyền thuyết là những câu chuyện xưa có thể có thực hay không có thực. Truyền thuyết thành Troy có thực, truyền thuyết về Giếng Thánh ở Chichén Itzá là có thực. Và tôi nghĩ truyền thuyết Atlantis là có thực. Dù có thực hay không, nơi tự thân chúng, các truyền thuyết như truyền thuyết về cái giếng ở Chichén Itzá không nhất thiết phải có nhiều điều để dạy chúng ta hiểu biết về chính bản thân mình. Nhưng Iliad của Homer thì không chỉ là một truyền thuyết có thực; nó còn là một thần thoại nữa. Được đan kết trong câu chuyện này về thành Troy là đủ mọi loại ý nghĩa về bản tính con người, và đó là điều phân biệt giữa một thần thoại với một truyền thuyết đơn thuần.

Cũng có sự khác biệt giữa một câu chuyện thần tiên với một thần thoại. Ông già Nô-en (Santa Claus) chỉ là một câu chuyện thần tiên, một hình ảnh tưởng tượng chỉ mới xuật hiện vài trăm năm nay, và chỉ được biết đến bởi chừng một phần năm số người trên địa cầu. Những con rồng, đàng khác, là một thần thoại. Từ rất xa xưa trước khi ông già Nô-en được thêu dệt ra, các tu sĩ Kitô giáo đã điểm xuyết những con rồng trên các lề của các thủ bản mà họ sao chép một cách cần cù trong các tu viện ở châu Âu. Và cũng thế, các pháp sư Lão giáo ở Trung Quốc, các nhà sư Phật giáo ở Nhật Bản, các tu sĩ Ấn giáo ở Ấn Độ, Hồi giáo ở Ả-rập … đều biết đến và sử dụng biểu tượng con rồng.

Tại sao lại là những con rồng? Tại sao những con vật thần thoại này lại có tính quốc tế và có tính đại kết (ecumenical) phi thường đến vậy?

Câu trả lời là: Vì chúng là những biểu tượng của con người.

Rồng là rắn có cánh. Rồng là sâu biết bay. Và đó là chúng ta. Thế đấy, giống như loài bò sát, chúng ta chân đạp đất, lấm bê bết bùn của những xu hướng tội lụy và những thành kiến nông cạn nơi mình. Nhưng giống như chim – hay thiên thần – chúng ta có khả năng bay vút lên trời và vượt qua những gì tội lụy và thấp hèn nơi chúng ta.

Tôi cho rằng sở dĩ con rồng trở thành phổ biến như thế bởi vì chúng là những thần thoại đơn giản nhất. Nhưng dù vậy, chúng cũng không hề đơn giản quá đến độ nghèo nàn. Chúng là những con vật đa chiều kích, những con vật hai mặt, tượng trưng cho một nghịch lý. Và đây là một trong những lý do tồn tại của các thần thoại: để nắm bắt những phương diện đa chiều kích và thường là có tính nghịch lý của bản tính con người.

Vì thần thoại có tính nghịch lý và đa chiều kích, nên bạn không thể gặp rắc rối khi bạn tin vào chúng. Trong khi đó, những câu chuyện thần tiên thông thường thường chỉ có tính đơn nghĩa. Và bạn có thể gặp rắc rối nếu tin vào những câu chuyện đơn nghĩa ấy – cũng như khi chúng ta suy nghĩ quá đơn giản về bất cứ điều gì trong cuộc sống thì chúng ta có thể gặp rắc rối. Suy nghĩ một cách quá đơn giản, đó là mối cám dỗ đối với tất cả chúng ta. Chúng ta muốn sự vật được xác định rạch ròi, trắng ra trắng, đen ra đen. Chúng ta muốn xác định rõ cái này, cái khác; và hễ là cái này thì không thể là cái khác. Nhưng trong thực tế, mọi khía cạnh của đời sống chúng ta đều ít nhất có hai phương diện đồng thời, đôi khi có thể có cả chục phương diện nữa kia!

Chẳng hạn, khi tôi thuyết trình, một số tín đồ Kitô giáo trong cử tọa thỉnh thoảng hỏi tôi: “Này, Bác sĩ Peck, những người đồng tính luyến ái có nên được truyền chức linh mục không?” Họ đặt câu hỏi ấy ra như thể đồng tính luyến ái là một cái gì đó hết sức rõ rệt rồi. Thế nhưng, theo kinh nghiệm giới hạn của tôi trong tư cách là một bác sĩ tâm thần, thì có một số người trở thành đồng tính luyến ái do bởi lớn lên trong một gia đình hết sức hỗn loạn, (và do đó xét về nguyên tắc thì có thể chữa trị được, dĩ nhiên với nhiều khó khăn), bên cạnh đó, có những người đồng tính luyến ái do di truyền – họ được Chúa tạo ra có tính đồng tính luyến ái. Và như vậy, có tồn tại hàng lố loại đồng tính luyến ái ở giữa hai dạng trên – tức những người đồng tính luyến ái do cả yếu tố sinh học lẫn yếu tố tâm lý. Vì thế, khi chúng ta xem đồng tính luyến ái như một cái gì hết sức rõ ràng sáng tỏ, thì đấy là chúng ta đang cưỡng bức tính tế nhị và phức tạp nơi công trình tạo dựng của Thiên Chúa. “Những người đồng tính luyến ái có nên được truyền chức linh mục không?” Câu trả lời cho câu hỏi ấy cũng sẽ không khác gì câu trả lời cho câu hỏi: “Những người không đồng tính luyến ái có nên được truyền chức linh mục không?” Vấn đề tùy thuộc vào con người cụ thể …

THẦN THOẠI VỀ TRÁCH NHIỆM

Các thần thoại là một nguồn tuyệt vời để chúng ta tìm hiểu về những khía cạnh nghịch lý, phức tạp, đa chiều kích của bản tính con người. Bạn có thể nhớ lại rằng trong Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, tôi có nhắc đến thần thoại Orestes, con trai của Agamemnon. Theo Homer, Clytemnestra dan díu với người tình, và cả hai cùng sát hại Agamemnon. Điều này đặt Orestes vào một tình thế cực kỳ nan giải. Bổn phận lớn nhất của một người con trai Hy lạp là trả thù kẻ giết cha mình. Nhưng kẻ giết cha anh ở đây lại chính là mẹ anh. Và điều xấu xa nhất của một người con trai Hy lạp là giết mẹ mình.

Orestes giết mẹ và người tình của mẹ, để báo thù về cái chết của cha anh. Nhưng anh phải trả giá. Anh bị chư thần nguyền rủa và tru phạt. Ba Nữ Thần Trừng Phạt đầu người mình thú ngày đêm vây bọc lấy anh, mè nheo riết trong tai anh, bắt anh nhìn thấy những ảo ảnh khủng khiếp, xúi anh điên khùng… Nhiều năm trời như thế, Orestes đi lang thang khắp cùng thế giới, dằn vặt về những gì anh đã làm. Các Nữ Thần Trừng Phạt bám riết lấy anh. Cuối cùng, anh xin chư thần tha phạt cho anh. Một phiên tòa được tổ chức. Tại phiên tòa, thần Apollo, trạng sư bào chữa cho Orestes, đã lập luận rằng toàn bộ tấn bi kịch đẫm máu đó là do lỗi của chư thần – bởi vì Orestes thực sự không có sự chọn lựa nào trong tình huống của anh, nên không thể qui trách cho anh về những gì anh đã làm.

Lúc ấy, Orestes đứng dậy và cãi lại Apollo: “Chính tôi, chứ không phải chư thần, đã giết mẹ tôi. Chính tôi đã làm điều đó.”

Chưa từng có một con người nào dám nhận hoàn toàn trách nhiệm như thế về hành vi của mình, khi mà đương sự có thể qui trách cho chư thần. Nghe Orestes nói lên điều đó, chư thần hội ý và quyết định cất bỏ lời nguyền rủa khỏi Orestes. Các Thần Trừng Phạt được chuyển thành những Phúc Thần – nghĩa là những ‘Thần Ban Ơn Phúc’. Thay vì rúc rỉa, quấy nhiễu, hù dọa, vv… bây giờ các thần trở thành những tiếng nói khôn ngoan.

Thần thoại này tượng trưng cho sự chuyển hóa tâm bệnh thành sự lành mạnh phi thường. Và giá phải trả để có một sự chuyển hóa kỳ diệu như thế là sự nhận lãnh trách nhiệm đối với chính mình và đối với những hành vi của mình.

THẦN THOẠI VỀ TOÀN NĂNG

Một thần thoại súc tích khác mà tôi đã nhắc đến trong quyển The Different Drum là thần thoại Icarus. Icarus và cha mình tìm cách trốn thoát khỏi nhà tù bằng cách chế tạo cho mình đôi cánh lông kết dính bằng sáp. Khi Icarus bay lên, anh muốn bay lên mãi cho tới mặt trời. Nhưng dĩ nhiên, vừa khi anh bay gần tới mặt trời, sức nóng đã làm tan chảy đôi cánh tự chế của anh, và anh rơi bịch xuống, toi mạng.

Một trong những ý nghĩa của thần thoại này là sự điên rồ của việc cố gắng đạt tới quyền lực của Thiên Chúa. Mặt trời thường là một biểu tượng cho Thiên Chúa. Vì thế, theo tôi, một ý nghĩa khác của thần thoại này là chúng ta không thể đạt tới Thiên Chúa bằng chính khả năng của mình. Chúng ta chỉ có thể đến với Thiên Chúa khi Ngài kéo chúng ta lên. Còn nếu chúng ta nghĩ cách khác, chúng ta sẽ vương vào rắc rối, sẽ rớt bịch và toi mạng.

Đây là một trong những vấn đề mà người ta đương đầu khi họ khám phá ra “sự trưởng thành tâm linh” và khi lần đầu tiên họ nhận ra đầy đủ rằng mình đang ở trong một cuộc hành trình tâm linh. Họ bắt đầu nghĩ rằng họ có thể làm chủ hành trình ấy. Họ nghĩ rằng nếu họ đi tới một tu viện để tĩnh tâm cuối tuần, hoặc theo vài khóa thiền, hoặc tập ít bài vũ Sufi, hoặc tham dự một cuộc thực nghiệm thần giao cách cảm, …thì họ sẽ đạt đến Niết Bàn! Không may cho họ, vì vấn đề không phải như thế. Chỉ khi Thiên Chúa làm chủ và điều khiển cuộc hành trình của họ thì họ mới có thể mong chờ một cái gì tuyệt vời xảy ra. Người ta sẽ vơng vào rắc rối – như Icarus – nếu họ nghĩ rằng họ có thể xoay xở lấy một mình.

Nếu bạn nghĩ bạn có thể lập kế hoạch trưởng thành tâm linh của bạn, thì sự trưởng thành ấy sẽ không xảy ra. Tôi không có ý giảm giá những cuộc thực nghiệm hay những hình thức nội quan khác; chúng có thể có nhiều giá trị. Hãy làm điều bạn cảm thấy mình được mời gọi làm, nhưng cũng phải sẵn sàng để chấp nhận rằng bạn không nhất thiết biết mình sẽ học được điều gì. Hãy sẵn sàng để ngạc nhiên và sửng sốt trước những lực ở ngoài tầm kiểm soát của bạn. Và hãy nhận ra rằng trong cuộc hành trình ấy, một điều cốt yếu để bạn học hỏi chính là nghệ thuật đầu hàng!

CÁC THẦN THOẠI TRONG THÁNH KINH

Thánh Kinh là gì? Phải chăng Thánh Kinh là sự thật theo nghĩa đen (nghĩa mặt chữ)? Hay Thánh Kinh là một sưu tập những thần thoại? Thánh Kinh chỉ là một số nguyên tắc đã lỗi thời? Nó là gì? Và nó liên hệ thế nào với đời sống chúng ta?

Tôi bỗng nhớ một người phụ nữ nọ lần kia nói với tôi: “Tôi vô cùng rối rắm về Thánh Kinh bao lâu tôi còn nghĩ rằng Thánh Kinh là một quyển sách chính thống (orthodoxy). Nhưng rồi một hôm tôi chợt nhận ra rằng đó là một quyển sách về nghịch lý, và kể từ đó tôi vô cùng yêu mến Thánh Kinh.”

Quả thực Thánh Kinh là một sưu tập các câu chuyện nghịch lý; và trong tư cách là một sưu tập những nghịch lý, nó không phải là một cái gì đơn nghĩa, không phải là một cái gì đó. Nó là một pha trộn các truyền thuyết, một số có thực, một số không có thực. Nó là một pha trộn của lịch sử chính xác và lịch sử không chính xác lắm. Nó là một pha trộn của những nguyên tắc đã lỗi thời và những nguyên tắc khác không lỗi thời chút nào. Nó là một pha trộn của thần thoại và ẩn dụ.

Chúng ta diễn dịch Thánh Kinh như thế nào? Những người theo phái cơ yếu (fundamentalism) (13) tuy gán tầm quan trọng rất lớn cho Thánh Kinh, nhưng tôi thấy họ sử dụng Thánh Kinh một cách sai lầm đến kỳ cục. Thực ra, dùng từ “cơ yếu” (fundamentalist) để mệnh danh họ có vẻ không hợp lắm. Lẽ ra nên dùng từ ‘bất khả ngộ’ (inerrantist) sẽ đúng hơn – bởi họ tin rằng Thánh Kinh không chỉ là lời Thiên Chúa được linh hứng nhưng còn là lời nói thực và không thể thay thế của Thiên Chúa, và rằng Thánh Kinh chỉ chấp nhận một cách diễn dịch theo sát chữ (là cách diễn dịch của phái này). Nghĩ như vậy, theo tôi, chỉ làm nghèo nàn Thánh Kinh đi mà thôi.

Có lần tôi nghe Wayne Oates, một trong hai nhà sáng lập phong trào tư vấn mục vụ, nói về vấn đề này bằng cách kể chuyện một thanh niên nọ đã móc một trong hai con mắt của mình vì Đức Giêsu nói: “Nếu mắt ngươi gây vấp phạm cho ngươi, hãy móc mắt đi.” Và Wayne nói: “Bạn biết đó, tôi là một cậu bé thuộc phái Báp-tít miền Nam, và tôi rất yêu quí Chúa Giêsu, nhưng tôi ước chi giá Ngài đã không bao giờ nói như thế.”

Vấn đề không nằm ở chỗ điều Đức Giêsu đã nói. Vấn đề nằm ở chỗ cách hiểu sát mặt chữ của người thanh niên này về điều Đức Giêsu đã nói. Rõ ràng là Đức Giêsu đang nói một cách ẩn dụ. Ngài không có ý bảo bạn chặt tay chặt chân hay móc mắt. Điều Ngài muốn nói là nếu có gì ngáng trở trên đường đi của bạn, một cái gì gây ách tắc cho bạn tiến tới chỗ lành mạnh tâm thần và trưởng thành tâm linh, thì bạn nên thanh toán nó đi. Đừng ngồi ì đó mà than vắn thở dài về nó.

Vì thế, Thánh Kinh không phải bao giờ cũng kỳ vọng chúng ta hiểu theo sát mặt chữ. Rất nhiều điều trong Thánh Kinh có tính ẩn dụ và thần thoại – cần phải được diễn dịch một cách rất phức tạp và thường là một cách nghịch lý.

THẦN THOẠI VỀ SỰ THIỆN VÀ SỰ DỮ

Trong số những điều phức tạp và đa chiều kích nhất của Thánh Kinh là chương 3 Sách Sáng Thế: thần thoại về A-đam và E-va trong Vườn Ê-đen. Các thần thoại, cũng như các giấc mơ, có thể làm việc bởi cái mà Freud gọi là dồn nén. Một giấc mơ có thể dồn nén trong nó không chỉ một mà có thể hai hay ba ý nghĩa khác nhau. Điều này có thể áp dụng cho thần thoại về Vườn Ê-đen. Đó là một câu chuyện lạ thường, chất chứa không chỉ một chân lý thâm sâu, không phải hai, không phải ba, mà là hơn một tá chân lý thâm sâu để dạy chúng ta về bản tính con người.

Mặc dù những người thuộc phái cơ yếu không dễ chấp nhận điều này, song một trong những điều mà thần thoại Ê-đen dạy chúng ta là sự tiến hóa. Nói vậy không có nghĩa Thiên Chúa không liên can gì đến sự tiến hóa; trái lại. Tôi cho rằng Ngài can dự vào rất nhiều. Một cách đặc biệt, chương 3 Sáng Thế là một thần thoại về cách mà con người đã tiến hóa đến cấp độ ý thức. Tôi đã đề cập ở chương 1 về một số kết quả của bước tiến hóa này, những kết quả được phản ảnh rất rõ nét trong câu chuyện lừng danh về Vườn Ê-đen: sự xấu hổ của chúng ta, khả năng ý thức về chính mình của chúng ta, cảm thức tách biệt khỏi thiên nhiên nơi chúng ta và nhu cầu tiếp tục tiến hóa không ngừng tới trình độ ý thức cao hơn của chúng ta. Ở đây tôi xin ghi nhận rằng cùng với ý thức, chúng ta cũng bắt đầu nhận thức điều thiện và điều dữ.

Vì thế, có một điều khác nữa mà câu chuyện rất phong phú này dạy chúng ta, đó là khả năng chọn lựa. Cho tới khi chúng ta ăn quả táo từ cây Biết Lành Biết Dữ, chúng ta đã không thực sự có sự chọn lựa. Chúng ta đã không có ý chí tự do cho đến cái khoảnh khắc được mô tả trong chương 3 Sách Sáng Thế, khoảnh khắc mà chúng ta bắt đầu ý thức, và khi đã có ý thức, chúng ta đứng trước sự chọn lựa hoặc đi theo sự thật hoặc đi theo sự dối trá. Như vậy câu chuyện Vườn Ê-đen cũng liên hệ rất nhiều với toàn bộ khởi nguyên của sự thiện và sự dữ. Bạn không thể có sự dữ cho đến khi bạn có sự chọn lựa. Khi Thiên Chúa cho chúng ta ý chí tự do, tất nhiên Ngài cho phép sự dữ đi vào thế giới.

Chương 1 Sáng Thế là một thần thoại xa xưa hơn nữa, cũng có liên quan đến sự tiến hóa cũng như liên quan đến sự thiện và sự dữ. Bản văn ấy nói về cách mà Thiên Chúa tạo ra bầu trời trước hết, rồi đến đất và nước, rồi đến thảo mộc và động vật. Đó cũng chính là trình tự được khoa địa chất và khoa cổ sinh vật học đề cập đến. Trong mức độ mà khoa học có thể xác định, đó là trình tự của tiến hóa, ngay cả dù chúng ta không thể nói rằng tất cả đã xảy ra trong bảy ngày.

Một ý nghĩa hoàn toàn mới tiềm tàng trong chương 1 Sáng Thế đã xảy đến với tôi khi tôi nhớ lại rằng đầu tiên Thiên Chúa đã tạo nên ánh sáng, và Ngài nhìn nó và thấy nó tốt đẹp. Rồi Ngài tạo ra đất và thấy tốt đẹp. Và rồi Ngài phân rẽ đất và nước, và cũng thấy điều đó tốt đẹp. Rồi Ngài tiếp tục tạo ra thảo mộc và động vật, và khi Ngài nhìn thấy chúng, chúng cũng tốt đẹp. Thế rồi Ngài tạo nên con người. Như vậy tôi cho rằng động lực làm điều tốt có một cái gì đó liên quan đến mục tiêu của cuộc sáng tạo.

Tương tự, động lực làm điều dữ thì có sức hủy diệt chứ không sáng tạo. Sự chọn lựa giữa tốt và xấu, sáng tạo và hủy diệt, là sự chọn lựa của chúng ta. Và, cuối cùng, chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm và đón nhận những hệ quả của trách nhiệm ấy.

THẦN THOẠI VỀ ANH HÙNG

Joseph Campbell đã có công rất nhiều trong việc dạy chúng ta về chân lý chất chứa trong các thần thoại. Một trong những thần thoại lớn của thế giới mà Campbell đã giải thích một cách đặc biệt ấn tượng, đó là “thần thoại về sự khai sinh của anh hùng”, trong quyển sách của ông mang tựa đề Tra Vấn Anh Hùng (The Quest of The Hero). Như là đặc trưng cho các thần thoại, thần thoại này có vẻ hơi khác biệt ít nhiều giữa các nền văn hóa khác nhau, nhưng cốt lõi của nó thì vẫn là một. Luôn luôn có một thần mặt trời sánh duyên với nữ thần mặt trăng, sinh ra một đứa con – bao giờ cũng là con trai (nhưng có lẽ với thời gian, chúng ta có thể thay đổi chi tiết này của câu chuyện, nghĩa là cho phép đứa con ấy là con gái, chẳng hạn). Khi lớn lên, cậu con trai đi qua một giai đoạn đấu tranh căng thẳng, khủng hoảng và đau khổ – rồi chàng trai trở thành một anh hùng.

Thần thoại này có nghĩa gì? Trước hết tôi xin giải thích anh hùng là gì. Một anh hùng được định nghĩa như một con người có thể giải quyết một vấn đề hay những vấn đề mà những người khác không thể giải quyết được. Thử hình dung có một ông vua cai quản một đất nước xinh đẹp tuyệt vời, bỗng đất nước bị tàn phá và dân tình khốn đốn vì có một yêu quái hung ác quậy phá. Vì thế nhà vua quyết định rằng ai giết được yêu quái sẽ trở thành phò mã, được vua gả con gái mình là công chúa Esmerelda xinh đẹp. Tiếng đồn lan ra trên toàn cõi đất nước, và các chàng hiệp sĩ thông minh, dũng cảm lần lượt đến tỉ thí với yêu quái, nhưng tất cả đều bị yêu quái ăn thịt. Tình hình trở nên thật khốc liệt và xem chừng tuyệt vọng, bỗng một chàng trai quê mùa vô danh nọ xuất hiện. Anh ta có nhiều tài năng và rất thông minh. Anh nghĩ ra cách giết con yêu quái và cuối cùng anh thành công. Vị vua không sốt sắng lắm với việc có một con rể xuất thân từ tầng lớp dân đen, nhưng vì anh đã đáp ứng đúng tiêu chuẩn, nên anh cưới công chúa Esmerelda xinh đẹp – và họ sống hạnh phúc với nhau trong một đất nước thái bình thịnh vượng.

Chàng trai trong câu chuyện ấy là một anh hùng – vì anh ta đã giải quyết được vấn đề mà những người khác không giải quyết được; vấn đề ấy, trong câu chuyện này, là cách giết con yêu quái. Nhưng bằng cách nào anh ta khéo léo đến vậy? Bạn đừng quên rằng anh hùng đích thực, theo thần thoại, phải là con của thần mặt trời và nữ thần mặt trăng. Nghĩa là, thần thoại này cũng nói về nam tính và nữ tính. Bởi vì, một cách biểu tượng, thần mặt trời và thần mặt trăng tượng trưng cho nam và nữ.

Đã rất lâu rồi, trong truyền thuyết và trong đời sống, chúng ta bị ám ảnh bởi sự nhị phân nam / nữ. Chẳng hạn, một lãnh vực nghiên cứu rất quen thuộc ngày nay là mối tương quan giữa não phải và não trái với những loại suy tưởng khác nhau. Khi điều đó áp dụng cho “thần thoại về cuộc đời của anh hùng”, thì thần mặt trời tượng trưng cho nam tính – vì ánh sáng, lý trí và tri thức khoa học duy lý được phụ trách bởi não trái. Còn nữ thần mặt trăng tượng trưng cho nữ tính, cho bóng đêm, cho cảm xúc và trực giác – nghĩa là, loại hoạt động của não phải. Phối hợp với nhau, hai bên sinh ra một đứa con có cả thần mặt trời và thần mặt trăng trong mình nó. Như vậy, đây là một thần thoại về cái mà chúng ta gọi là lưỡng tính.

Từ đó, có thể rút ra kết luận rõ ràng rằng chúng ta chỉ có thể trở thành anh hùng khi chúng ta học biết cách sử dụng cả nam tính lẫn nữ tính của chúng ta – cả não trái lẫn não phải của chúng ta. Đây là một điều mà rất ít người học được. Thay vào đó, phần đông chúng ta, khi lớn lên, lại học cách độc tôn nam tính của mình đến độ thí bỏ nữ tính nơi mình, hay ngược lại. Hoặc giả chúng ta học cách giải quyết một số vấn đề nào đó chỉ bằng cung cách của nam tính, của não trái mà thôi, và giải quyết một số vấn đề khác chỉ bằng cung cách của nữ tính, của não phải. Nhưng rất ít khi chúng ta học biết cách xử lý cùng một vấn đề bằng cả não trái lẫn não phải của mình.

Sự hòa hợp này của nam tính và nữ tính nơi chúng ta là một sự hòa hợp mà chúng ta phải nhọc nhằn lắm mới đạt đến được. Đây chính là cuộc chiến đấu mà đứa trẻ trong thần thoại phải trải qua để tiến tới trên con đường trưởng thành. Nhưng nếu chúng ta có thể đi qua cuộc chiến đấu này và biết cách tiếp cận cùng một vấn đề với cả não trái và não phải của mình, cả nam tính và nữ tính, thì chúng ta cũng có thể trở thành anh hùng. Chúng ta cũng sẽ cỏ khả năng giải quyết các vấn đề mà thế giới chưa giải quyết được – một thế giới đang rất cần có những anh hùng và những giải pháp!

CHỌN LỰA CÁCH DIỄN DỊCH

Tôi xin trở lại với Thánh Kinh và minh họa về sự thật rằng chúng ta rất thường đứng trước sự chọn lựa cách diễn dịch những câu chuyện của Thánh Kinh. Nhiều người luôn luôn cố diễn dịch Thánh Kinh theo nghĩa mặt chữ! Chẳng hạn, hãy xem lại câu chuyện về ông Lót, cũng trong Sách Sáng Thế. Khi Thiên Chúa tiêu diệt hai thành phố tội lỗi là Sô-đô-ma và Gô-mô-ra, Ngài cho phép ông Lót và vợ ông trốn thoát khỏi cơn đại nạn, với điều kiện là họ đừng ngoái cổ nhìn lại. Nhưng vợ ông Lót đã nhìn lại, và ngay lập tức bà bị hóa thành một cột muối. Cứ hiểu theo mặt chữ, thì đây chỉ là câu chuyện về loại hình phạt mà chúng ta sẽ nhận, và về điều sẽ xảy ra với chúng ta nếu chúng ta không vâng phục Thiên Chúa.

Trong 100 năm qua, đã có xuất hiện một trường phái mới diễn dịch Thánh Kinh theo “khoa học”. Trường phái này đề ra những giải thích “thuần lý” đối với các biến cố kỳ diệu được mô tả trong Thánh Kinh – chẳng hạn, đối với biến cố nước Biển Đỏ rẽ ra hai bên, họ cho rằng có những nơi lòng Biển Đỏ rất cạn, và khi có sự đột biến trong thủy triều, đúng chu kỳ 100 năm một lần, thì lòng biển chỗ đó đủ cạn để người ta có thể bơi lội qua. Trường phái này cũng có cách giải thích của họ về câu chuyện vợ ông Lót. Trong quyển Kinh Thánh New Oxford, câu chuyện này được cước chú với lời chú giải rằng đó là “một truyền thống xưa để giải thích những sự hình thành muối kỳ lạ trong khu vực này, như ta có thể trông thấy ngày nay ở Jebel Usdun.”

Nhưng cách giải thích có vẻ khoa học ấy xem ra không làm tôi “cảm động” chút nào. Vì thế tôi suy nghĩ nhiều hơn về câu chuyện và tự hỏi tại sao Thiên Chúa đã không muốn ông Lót và vợ ông ngoái lại. Có gì không ổn với việc ngoái lại? Rồi tôi liên tưởng đến những người bỏ ra phần lớn thời gian trong cuộc đời họ để ngoái lại – trong tiếc nuối – và tôi nghĩ đến những gì xảy ra cho người ta khi họ trở thành bị chìm đắm trong quá khứ của mình. Tôi chợt nhận ra rằng những người như thế tất nhiên trở nên ì ra! Họ dường như là những cột muối. Với cách diễn dịch có tính ẩn dụ ấy, tôi bắt đầu nhận ra trong câu chuyện vợ ông Lót ý nghĩa thâm sâu về bản tính con người.

Đôi khi tôi kể với người ta rằng một trong những phúc ân lớn của tôi là dường như đời tôi hoàn toàn vắng bóng sự giáo dục tôn giáo, nghĩa là tôi chẳng có gì để vượt qua! Tôi nói “dường như” vì thật ra tôi có đi đến lớp giáo lý ngày Chúa Nhật đúng một lần. Số là, hồi tôi 8 tổi và anh tôi 12 tuổi, tôi không nhớ vì sao bố mẹ tôi quyết định rằng chúng tôi cần một sự giáo dục về tôn giáo. Thế là bố mẹ đưa chúng tôi đến lớp giáo lý ngày Chúa Nhật. Tôi nhớ rất rõ, ngày hôm đó tôi đã phải tô màu cho một bức tranh vẽ Abraham sát tế Isaac. Có lẽ hồi đó tôi đã bộc lộ thiên hướng của một bác sĩ tâm thần, vì tôi nhanh chóng kết luận rằng Thiên Chúa chắc hẳn điên rồ khi muốn Abraham giết con trai ông, và Abraham chắc hẳn điên rồ vì ông cũng dám nghĩ đến hành động đó. Nhất là, tôi nghĩ Isaac phải rất điên rồ vì đành chịu nằm đó trong quyển sách tô màu của tôi với khuôn mặt rạng rỡ, sẵn sàng chờ bị phanh thây.

Sau ngày đầu tiên đó, anh tôi từ chối trở lại lớp giáo lý, và với khả năng của một thiếu niên 12 tuổi, anh đã có thể giành được quyền ‘tự quyết’ này. Vì thế, tôi cũng theo đuôi anh giã từ lớp giáo lý ngày Chúa Nhật. Tất cả vốn liếng giáo dục tôn giáo mà tôi đã nhận được chỉ vỏn vẹn có một ngày như vậy. Cho tới bây giờ tôi vẫn không nghĩ rằng câu chuyện Abraham sát tế Isaac là phù hợp cho lứa trẻ em tám tuổi, bởi vì nếu bạn không bác bỏ các giai đoạn phát triển tâm thần của Jean Piaget thì bạn sẽ không quên rằng ở lứa tuổi ấy, trẻ em suy nghĩ một cách cụ thể, đơn nghĩa, chứ các em chưa phát triển khả năng diễn dịch. Nhưng, nếu câu chuyện ấy không phù hợp cho lứa tuổi này thì nó lại rất phù hợp cho lứa tuổi khác…

Bây giờ tôi đã bước sang cuối tuổi trung niên, câu chuyện Abraham sát tế Isaac lại trở thành có ý nghĩa rất sâu sắc đối với tôi. Tôi tin đây là một câu chuyện quan trọng nhất mà tất cả những ai làm cha mẹ đều cần nhớ. Được diễn dịch một cách ẩn dụ, câu chuyện tuyệt vời này – hay thần thoại này – dạy chúng ta biết rằng sẽ đến lúc chúng ta phải bỏ con mình. Vâng, con cái là quà tặng cho chúng ta và con cái được trao cho chúng ta giữ gìn – nhưng không phải giữ mãi mãi. Nếu cha mẹ cố khư khư giữ lấy con cái quá một mức nào đó, thì họ sẽ gây ra một sự hủy diệt kinh khủng đối với con cái họ, và cả đối với chính họ nữa. Chúng ta cần học biết trả lại món quà mà mình đã nhận lấy, và biết ký thác con cái mình cho Thiên Chúa. Con cái chúng ta không còn thuộc về chúng ta nữa. Bởi vì, tiên vàn chúng là con cái của Thiên Chúa.

———————

(13)  Trường phái hiểu Thánh Kinh theo mặt chữ.

đến chương 07 >>

Read Full Post »