Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘01. Đoạn mở’ Category

Chương 01:

KHÚC DẠO  (*)

* * *

Chính là Merlin, nhà quỉ thuật và tiên tri về quá khứ và tương lai, đã nói:

Hãy phân tích tâm lý cho cô ta, – cuối cùng ông ta vừa nói vừa quay đi.

– Nhưng, thưa ông Merlin, chúng tôi phải làm theo cách nào đây?

– Cứ làm theo phương pháp thông thường.

– Nhưng phương pháp đó là thế nào? – những người khác tuyệt vọng kêu lên.

Ông ta hoàn toàn biến mất, chỉ còn giọng nói của ông ta trong không trung.

– Chỉ cần khám phá xem cô ta mơ thấy cái gì, rồi cứ thế. Hãy giải thích cho cô ta những sự kiện trong cuộc đời của cô ta. Nhưng đừng quá bám vào Freud.

 T.H White – Ông vua của quá khứ và tương lai, 1958, Collins. (Fontana books edition, tr.302 )

* * *

 Freud nói:

“Chẳng hạn, hãy giả định rằng bạn lợi dụng một lúc giải trí để vùi đầu việc đọc một cuốn tiểu thuyết nào đó của Anh hay Mỹ…Đọc được mấy trang, bạn thấy ra rằng tác giả ám chỉ tới phân tâm học; dưới đó một ít, tác giả vẫn nói như vậy, dù chẳng có liên quan gì với chủ đề. Đừng tưởng rằng đó là tác giả dùng tâm lý học chiều sâu để làm cho người ta hiểu rõ hơn những nhân vật của câu chuyện và những ứng xử của họ. Đó đúng là điều được thử làm trong một số tác phẩm nghiêm túc hơn; nhưng người ta nói chung chỉ thấy những nhận xét mỉa mai, mà theo tác giả, thật thích hợp để chứng tỏ sự uyên bác về sự vượt trội về trí tuệ của mình. Đôi khi bạn cảm thấy rằng tác giả không am hiểu gì về vấn đề anh ta đang nói tới”.

Những bài giảng mới về phân tâm học, 1932, Gallimard, tr. 186 -187.

* * *

Và trước đó nữa, trong thư từ riêng của ông:

“Tại sao không một người sùng đạo nào khám phá được phân tâm học? Tại sao anh ta phải chờ tới một người Do Thái hoàn toàn vô thần?.

Sigmund Freud, 1928.

 * * *

ĐOẠN MỞ

Ba đoạn trích dẫn dùng làm dạo đầu cho cuốn sách nhỏ này thật ra gồm có: lời khẳng định của một tác giả, tiếp đó là một sự phản bác, rồi tới một tiếng kêu lo lâu phát ra từ một người có những lý do thật sự vì cảm thấy mình bị đe dọa bởi sự khẳng định ấy. Đây là một tình huống lịch sử; nhưng điều làm cho nó trở thành một sự khởi đầu tốt cho tác phẩm chúng tôi, đó chính là ở tất cả các điểm căn bản của nó, lịch sử đã diễn ra ngược hẳn lại với sự trình bày những đoạn trích dẫn ấy. Lịch sử thật sự, được nói tới ở đây, sẽ cho thấy rất rõ rằng từ đầu đến cuối cuộc đời và sự nghiệp của Sigmund Freud, số phận đặc biệt của ông khiến ông nêu ra những sự khẳng định dựa trên những công trình do ông thực hiện, những sự khẳng định đó lại gây ra những sự phản bác cũng như những tiếng kêu lo âu của người khác; nói chung người ta không hề muốn nhận sự giúp đỡ mà Freud đã mang tới và sẵn sàng cho phép những người khác làm điều đó nhưng chính những người này và cái xã hội của họ lại cho rằng mình đã mất đi nhiều trong khi thừa nhận sự thật mà Freud thử đưa ra.

Sự lộn ngược của lịch sử cũng theo trật tự niên đại. Không những các lời chỉ trích dẫn đặt một tác giả vào vị trí của kẻ phát ra sự khẳng định, còn Freud thì được đặt vào vị trí nạn nhân ném ra sự phản bác, mà cả những ngày tháng cũng cho thấy thật ra tiếng kêu lo âu đến từ tác giả kia, rồi sau đó là sự phản bác, và ví dụ đặc biệt khiêu khích này có vẻ như đã biện hộ cho những phản ứng đó khoảng hai mươi lăm năm. Đọc lại ba đoạn trích dẫn này theo cách nhìn ấy, người ta nhớ tới Hoàng hậu Trái tim trong cuốn Nhìn qua tấm gương soi, bà đã kêu lên trước khi cảm thấy mình đau, vì biết rằng mình sẽ cảm thấy đau và điều đó buộc bà phải kêu lên một tiếng.

Khi Freud đưa ra những sự khẳng định nói trên theo Những bài giảng mới về phân tâm học và theo lá thư trước đây của ông, ông đã có nhiều lý do đúng đắn để biết rằng sự nghiệp của ông sẽ không bao giờ gặp được một sự thông cảm chung, càng không được tán thành khi ông còn sống. Là một người đọc và một người đọc nhiệt tình, có thể ông đã khuyến khích mình bằng những câu thơ dưới đây của Rudyard Kipling, những câu thơ dường như đã được viết ra để mô tả kinh nghiệm của chính ông:

Giá mi có thể chịu đựng được khi nghe thấy những sự thật mà mi nói ra

Đã bị bọn đểu giả làm sai lạc đi để chạy theo lũ ngốc (1)

Bởi vì, ngay cả sau hơn năm mươi năm đã trôi qua từ khi Freud đưa ra sự thông báo quan trọng đầu tiên của ông, thì việc bóp méo một trong những phần quan trọng nhất của tư tưởng và sự khám phá của con người trong lịch sử tư tưởng vẫn tiếp tục diễn ra. Tác giả Ông vua của quá khứ và tương lai chỉ là một trong vô số người có văn hóa đã đưa ra những người kém văn hóa tới chỗ tin rằng, dù phân tâm học có công lao hay không, thì nó vẫn có thể được tách khỏi những gì Freud đã thực sự nói ra, và nếu như thế thì nó càng có thể được chấp nhận. Ngược lại, có thể có những người tin chắc rằng mình biết rõ những gì Freud thực sự nói ra nhưng chưa bao giờ đọc lấy một chữ nào đó do chính ông viết ra cả.

Mục đích hạn chế của thông báo vắn tắt này chính là uốn nắn lại sự bóp méo và hiểu sai ấy đối với những người còn có tinh thần khá cởi mở và sự quan tâm của họ vẫn thật chân thành để muốn biết xem con người độc nhất ấy đã góp gì vào sự hiểu biết của loài người. Đây là một người mà tên tuổi mãi mãi đứng cùng hàng với những tên tuổi như Darwin Copernic, Newton, Marx và Einstein; một người đã thật sự làm biến đổi cách thức chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống và của xã hội con người. Những tư tưởng của số người có nghị lực như thế, hoạt động tinh thần của họ, cũng như cái cách họ thông báo kết quả những công trình nghiên cứu của họ, những gì họ nó ra, viết ra, tất cả những cái đó đều nằm trong di sản của loài người. Những sự khẳng định của họ không phải là để được chấp nhận như những giáo điều chi phối hay vượt qua sự suy nghĩ hay sự xem xét phê phán . Mà là chính chúng ta, không kém gì họ, phải chú ý lắng nghe tất cả những gì họ thực sự nói ra.

Phân tâm học đã và mãi mãi vẫn là sự sáng tạo độc đáo của Freud. Sự khám phá, thăm dò, nghiên cứu và thường xuyên xét duyệt lại của ông là sự nghiệp cả đời của một bậc thầy. Vì thế, thật là một bất công rõ ràng hay một sự xúc phạm dễ dàng khi ca ngợi, hay ít ra là nhắc tới phân tâm học mà “không quá coi trọng Freud”. Thế nhưng, tác giả của Nhà vua của quá khứ và tương lai chỉ là một trong số nhiều người đã dễ dàng phạm vào sự xúc phạm ấy mà không thấy rõ bản chất hành vi của mình. Thật ra, chẳng có gì có thể bị chê trách hết. Chính Freud đã thừa nhận sự việc bằng những lời sau đây:

“Nhưng, các bạn có thể hỏi, tại sao những người viết những cuốn sách ấy và giữ những ý kiến ấy lại có thái độ không đúng đến thế? Chắc bạn muốn nghĩ rằng điều đó không phải là do những người này mà chính là do phân tâm học. Đó cũng là ý kiến của tôi. Thứ định kiến biểu lộ ra trên sách báo và trong cuộc sống như vậy chỉ là hậu quả muộn màng của lối phán xét cũ kỹ đối với phân tâm học ngay khi nó vừa mới ra đời từ những tay trùm của khoa học chính thức. Tôi đã phàn nàn về điều đó trong một bản trình bày lịch sử rồi, tôi không muốn trở lại với nó nữa, vả chăng sự đả kích đầu tiên đối với tôi có lẽ cũng đã quá đủ rồi. Những đối thủ khoa học của tôi đã không kiêng dè một sự xúc phạm nào, họ cũng đã làm tổn thương cả lôgic lẫn phép lịch sử và nhã nhặn. (**)

Thời Trung Đại, kẻ gian ác hoặc chỉ đơn giản là kẻ thù chính trị thường bị bêu xấu hoặc bị đưa ra cho đám dân hèn mạt chửi bới; tình thế của tôi cũng giống thế. Có lẽ các bạn không thể hình dung ra được sự thù ghét của đám đông trong thời đại chúng ta có thể đem lại những gì, cũng như không thể hình dung được con người có thể đi tới những sự quá mức nào khi họ tham gia vào một đám đông, khi họ không còn cảm thấy mình có trách nhiệm cá nhân nữa.. Vào lúc bắt đầu thời kỳ này trong cuộc đời của tôi, tôi thấy mình khá cô độc; tôi sớm nhận ra rằng hoàn toàn vô ích khi nhảy vào một cuộc tranh luận cũng như khi phản đối hay kêu gọi một sự phán xét của những đầu óc giỏi giang nhất. Mà thật ra, tôi có thể nhờ tới một thứ tòa án nào kia chứ? Tôi bèn đi theo một con đường khác: tôi đi tới chỗ coi ứng xử của đám đông như một trong những biểu hiện của sự chống đối mà tôi đã thắng ở những người bệnh khác nhau, và đó là việc sử dụng phân tâm học lần đầu tiên của tôi. Từ đó, tôi lảng tránh mọi cuộc tranh luận và thuyết phục từng người tán thành tôi – với con số ngày càng tăng thêm – cũng nên có một thái độ như tôi. Cách này chẳng bao lâu đã mang lại kết quả. Sự nguyền rủa đối với phân tâm học từ đó không còn nữa, nhưng giống như mọi niềm tin cũ vẫn sống dai dẳng trong trạng thái mê tín, giống như mọi lý thuyết đã bị khoa học từ bỏ vẫn tồn tại dưới hình thức tín ngưỡng dân gian, sự khinh thường trước kia đối với phân tâm học trong các giới khoa học vẫn còn dai dẳng ở những kẻ không biết, ở những văn sĩ hay những kẻ ngồi lê đôi mách. Xin các bạn đừng ngạc nhiên gì hết”.  Những bài giảng mới về phân tâm học, 1932  (4)

Đã từ lâu điều đó không còn làm cho Freud ngạc nhiên. Cho đến lúc mất, ông vẫn tiếp tục trình bày công việc của mình cho công chúng bình thường nhưng có học, cũng như cho cử tọa chuyên nghiệp muốn được biết về cuộc cách mạng trí tuệ mà Freud là người chịu trách nhiệm. Trên thực tế, những gì Freud trình bày không mệt mỏi cũng như không bực bội đã chứng tỏ không chỉ niềm tin bất khuất của tác giả vào giao tiếp của con người, mà còn cả niềm tin sâu sắc của ông rằng phần chân lý nằm trong những ý tưởng của mình cuối cùng sẽ được phản chiếu vào trong kinh nghiệm của người đọc.

Niềm tin ấy dựa vào trên cở sở này: tuy những gì Freud nói ra là mới mẻ, nhưng những tài liệu làm chỗ dựa cho những quan sát cũng như cho những lý thuyết đã được xây dựng của ông đều là quen thuộc và đều mang tính phổ biến như kinh nghiệm thân thiết nhất của loài người. Freud là một thiên tài; nhưng tình trạng rối mù mơ hồ thường có vẻ mâu thuẫn của kinh nghiệm con người đã có ở ông chẳng khác gì kinh nghiệm đã và đang có ở mọi thầy thuốc, thậm chí ở bất cứ ai nghiên cứu về con người. Số phận của Freud là phải tìm kiếm sự thật trong đám rối mù ấy, với một thái độ nhũn nhặn kiên nhẫn, để rồi nói lên những khám phá của mình với một sự bền bỉ dũng cảm.

Trước khi xem xét chi tiết những khám phá này, thật bổ ích khi đã có trong óc những đường hướng lớn của sự nghiệp của Freud, theo đúng thứ tự chung mà chính ông đã làm và ghi chép những khám phá của mình. Điểm xuất phát căn bản là Freud, với tư cách một thầy thuốc, đã chấp nhận sự thách đố dai dẳng từng làm cho người ta khiếp sợ, bối rối là chứng hystêri, dưới hình thức những triệu chứng hystêri cũng như dưới hình thức rối loạn tính cách mà người ta gọi là nhân cách hystêri; những hiện tượng đó luôn luôn chặn ngang con đường tiến bộ y học như một thanh kiếm.

Trong nhiều thế kỷ liền, người ta đã đáp lại sự thách đố này bằng cách bác bỏ nó như một cái gì phi hiện thực, khiến cho nạn nhân của những triệu chứng hystêri bị loại bỏ khỏi lĩnh vực chữa trị y học; hoặc giả người ta đã đuổi cổ nó, chuyển nó sang những trường hợp hoạt động khác của con người. Vào thời Trung Đại, những mối quan tâm của các giáo phái Kitô khác nhau đối với môn quỉ thần học (démonologie) và sự ngược đãi những kẻ tà đạo đã cho phép coi những bệnh nhân mắc các triệu chứng hay tâm tính hystêri thuộc vào những kẻ bị lên án là phù thủy, do đó loại họ ra khỏi lĩnh vực y học để hành hạ và thiêu sống họ tại chỗ cho đến chết. Vào cuối thời kỳ ấy, vấn đề hystêri chưa được giải quyết, nó lại dè dặt trở về lĩnh vực lâm sàng, nơi nó luôn luôn bị coi là không đáng mong muốn.

Với một sự sáng suốt nổi bật, Freud thấy rằng chứng hystêri thật ra là một “căn bệnh thật sự”; rằng những triệu chứng hystêri được các bệnh nhân cảm thấy một cách có thật. Nỗi khổ về hystêri cũng gây đau đớn, trạng thái vô cảm vì hystêri cũng gây đờ đẫ, trạng thái mất trí nhớ vì hystêri cũng làm lãng quên đi, giống như tất cả những nỗi đau đớn, đờ đẫn và quên đi được con người cảm thấy. Khi đã nhận biết được thực tế này, với sự hiểu biết riêng của mình về vấn đề này, Freud phải tìm một vị trí cho cái nghịch lý tuy thật thông thường nhưng dễ gây bối rối: những bệnh nhân đau đớn, tê liệt hay mất trí nhớ ấy không có trong hệ thần kinh của họ một cơ sở cấu trúc nào của những khuyết tật mà họ mắc phải.

Freud đến Paris để học thêm với một trong những nhà thần kinh học lớn nhất hồi đó, giáo sư Charcot. Vào hồi đó, Charcot đã chứng minh rằng người ta có thể phục hồi những triệu chứng hystêri trong tính toàn vẹn của nó ở những bệnh nhân bị thôi miên, và người ta nói rõ rằng khi thôi miên, dưới uy quyền của người thôi miên, những triệu chứng ấy đã có trong đầu óc, trong thân thể họ và không thể bị phủ nhận. Không thể phân biệt được những bệnh nhân ấy với những bệnh nhân khác mắc chứng hystêri, vì những bệnh nhân ấy cũng cảm thấy đau đớn hoặc hoàn toàn tê liệt, bị mất trí nhớ, hoặc sau đó họ làm những hành động mà họ không thể giải thích được, nhưng thực ra là do những mệnh lệnh họ nhận được trong trạng thái thôi miên.

Trong con mắt Charcot, những hiện tượng này có ích về mặt thực nghiệm nhưng không có một ý nghĩa nào về mặt chữa trị cả. Hơn nữa, Charcot cho rằng khả năng bị thôi miên cũng như khả năng phát triển những triệu chứng hystêri đều là những bằng chứng của sự thoái hóa, có lẽ do một khuyết tật cấu trúc của hệ thần kinh gây ra, và vì thế đã chuyển những người mắc bệnh như vậy một cách dễ dàng sang cho trách nhiệm chữa trị y học sau đó. Đó là những người bệnh dùng để chứng minh; nhưng đối với Charcot, rốt cuộc họ chỉ chứng minh rằng chính những triệu chứng làm cơ sở cho hoạt động tinh thần vô thức của họ là dấu hiệu của một khuyết tật không thể đảo ngược được, một rối loạn có thể chứng minh về mặt lâm sàng nhưng không thể làm nhẹ bớt một cách lâu dài.

Một trong những đặc trưng của thiên tài là người có thiên tài thường đặt ra những vấn đề không bao giờ đến được với đầu óc của những người khác cùng ở trong một tình huống ấy. Freud tự hỏi xem những cơ chế tinh thần vô thức mạnh mẽ ấy, mà chỉ có chúng mới có thể giải thích những hiện tượng hystêri và thôi miên, liệu có thể tồn tại ở tất cả mọi người không, và liệu chúng có đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của họ mà chính bản thân họ không thể biết được một cách đầy đủ trong những điều kiện bình thường không. Đó là sự khởi đầu khám phá ra phân tâm học của Freud; nhưng việc thử nêu thành lý thuyết ấy đã gặp phải sự thù địch lớn nhất trong các đồng nghiệp về thần kinh học của Freud ở Viên, khi ông từ Paris trở về. Nhưng ông đã tìm được một thầy thuốc dùng thôi miên để làm bớt chứng hystêri; với người thầy thuốc này, Freud đã mở ra một sự cộng tác mà luôn luôn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với một sự hào hiệp lớn lao.

Đồng nghiệp ấy là Breuer, người đã làm công việc chữa bệnh ở kinh thành Viên tráng lệ; ấn phẩm đầu tiên báo trước việc xây dựng phân tâm học là một cuốn sách được Breuer và Freud cùng cộng tác với nhau viết ra, nhan đề Những nghiên cứu về chứng hystêri.

Có lẽ khám phá quan trọng nhất được trình bày trong cuốn sách này là nhân tố quyết định chứng hystêri có thể mang tính tâm lý cũng như tính thể chất. Thế nhưng, khi nhân tố ấy mang đặc trưng tâm lý, thì nó không bao giờ được bệnh nhân nhớ tới, thậm chí không đi vào ký ức anh ta về mặt nội quan. Freud nhìn thấy rõ rằng sự loại bỏ những ký ức quan trọng và đầy xúc cảm ra khỏi ý thức ấy đòi hỏi phải có một cơ chế tích cực, hoạt động ở trình độ vô thức, cũng giống như sự đẩy lùi chất liệu mang đầy xúc cảm ấy vào nơi phải là một vùng vô thức của đời sống tinh thần. Điều đó đưa Freud tới khái niệm dồn nén: một sự lãng quên năng động, thúc ép, nhưng hoàn toàn vô thức về những kinh nghiệm đe dọa hay gây rối, không thể chịu đựng nổi. Với Freud, chỉ còn phải thừa nhận rằng sự dồn nén ấy ở mọi người, kể cả bản thân ông, phải gây ra ở những bệnh nhân mắc chứng hystêri không chỉ một sự chống cự vô thức đối với việc chữa khỏi hẳn, mà cả một sự chống cự trên thực tế của tất cả mọi người – giống với bản chất của chính những khám phá mà Freud và Breuer đang thực hiện bằng những nghiên cứu đối với loại bệnh nhân ấy. Những ý tưởng mới bao giờ cũng có xu hướng gây ra sự chống đối; nhưng những khám phá này còn gây ra một sự đối địch quyết liệt, một sự đối lập phi lý; hơn nữa, không chỉ chúng mà cả những người đề xướng ra chúng cũng không được xã hội chấp nhận.

Sau khi đã bắt đầu thừa nhận hiện tượng này và coi nó như một phần của cái giá không thể tránh khỏi mà ông phải trả cho việc công bố các công trình của mình, Freud còn phải khám phá ở chính bản thân mình bản chất của những xúc cảm và kinh nghiệm bị dồn nén một cách vô thức, cũng như ảnh hưởng của chúng đối với cuộc đời và sự phán xét riêng của ông.

Lý do của sự chống đối ấy là gì? Khi duyệt lại kinh nghiệm lâm sàng riêng mà ông và Breur cùng nhau thực hiện, Freud đi tới phân biệt ra một chủ đề thường xuyên nằm bên dưới mỗi trường hợp. Chủ đề ấy thuộc loại tính dục. Tính dục bị dồn nén, sự từ bỏ vô thức đối với một ham muốn hay một kinh nghiệm thuộc loại tính dục, tức là những thứ bị cấm đoán và bây giờ đã bị quên đi, đối với Freud đã hiện ra như một nguyên nhân căn bản của đại đa số các chứng nhiễu tâm mà họ gặp phải.

Sự chống cự đối với khả năng bất ngờ ấy đã khiến Freud phải trả giá khi Breuer lo sợ bác bỏ hoàn toàn những kết quả của công việc đã làm cùng với ông. Breuer rất bối rối nhận ra rằng một nữ bệnh nhân đã gắn bó với mình về mặt tính dục không cưỡng lại được. Breuer chỉ có thể phản ứng bằng cách đình chỉ việc chữa trị cho nữ bệnh nhân này. Xét theo mọi cái, ông thấy rõ rằng một sự gắn bó như vậy thật ra là sự trào lên của chính những tình cảm tính dục bị dồn nén, mà những khám phá của hai người đã cho biết rằng họ phải chờ đợi những sự chữa trị thuộc loại đó sẽ rắc rối hơn. Breuer phản ứng với sự khám phá gai góc ấy bằng cách từ bỏ những hậu quả không thể chịu đựng nổi của những hiểu biết mà sự khám phá ấy đã dựa vào, dù rằng những hiểu biết mà sự khám phá ấy đã dựa vào, dù rằng những hiểu biết đó là kết quả của kinh nghiệm riêng của ông, phù hợp với kinh nghiệm của Freud. Trên thực tế, bằng những tình cảm ông cảm nhận được, Breuer đã xác nhận chính cái lý thuyết mà ông sẵn sàng phủ nhận vào lúc đó. Cuối cùng, ông phải đi tới chỗ phủ nhận những hiểu biết ấy. Freud đã phải tiếp tục công việc một mình.

Trong những khám phá sau đó, một cách thật đơn độc, từ những tài liệu đã có, Freud phát hiện ra những ký ức bị vùi sâu thuộc loại tính dục ở tất cả các bệnh nhân. Những ký ức ấy thường mang vẻ như sực nhớ lại một sự hấp dẫn tính dục do bố hay mẹ thuộc giới đối lập gây ra trong thời thơ ấu. Lúc đầu, Freud chấp nhận tính chính xác lịch sử của những ký ức ấy, tuy rằng chúng chỉ nói tới khả năng hấp dẫn của các ông bố đối với những cô con gái rất nhỏ của họ, ở trên một qui mô rộng lớn. Phải mất một thời gian, Freud mới nhận ra rằng trong phần lớn các trường hợp, những ký ức ấy là những cái được ông gọi là “ký ức – màn chắn” (souvenirs – écrans): những ký ức không hề phù hợp với những sự kiện đã xẩy ra trong thực tế, mà là phù hợp với những hoang tưởng về những gì không bao giờ xẩy ra cả.

Chúng thể hiện những gì mà người bệnh sợ hãi hay mong muốn khi xảy đến, những gì lúc đầu bị phủ nhận một cách có ý thức, rồi lại bị dồn nén một cách vô thức để rồi, trong khi phân tích, lại hiện lên sáng rõ như một hiện thực mà trong đầu óc bệnh nhân đã không còn có thể phân biệt với những ký ức trẻ con khác là những ký ức có thể kiểm tra lại về mặt lịch sử.

Những hoang tưởng tính dục trẻ con ấy đã thỏa mãn được những ham muốn hoặc đã nhắc lại những nỗi khiếp sợ cũng gắn liền với cái mà các bệnh nhân của Freud tưởng rằng ông đã tìm cách khám phá ở họ, và một khi đã khám phá được sẽ làm ch họ giảm nhẹ được những triệu chứng hiện thời.

Sự khám phá xuất sắc về việc có những ký ức – màn chắn đi ngược lên những hoang tưởng trẻ con ấy đã đưa tới một phát hiện xuất sắc khác của Freud. Đó là khái niệm về tính dục trẻ con: sự đam mê trong trắng, mơ hồ nhưng khổ sở của đứa con đối với bố (hay mẹ). Lại một lần nữa, lý thuyết này được tiếp đón bằng một trận trêu đùa và phản bác. Chính bản thân Freud tuyên bố rằng, dù lý thuyết ấy được đón tiếp thế nào đi nữa, thì nó cũng đã dựa vào một sự quan sát về ứng xử trẻ con mà mọi người mẹ hay người vú nuôi chăm chú bao giờ cũng có thể tự mình nhận thấy, nhưng về sau, mỗi người lớn đều đi tới chỗ bác bỏ hay phủ nhận theo lối đồng mưu.

Khi công bố lần đầu tiên những ý tưởng đầu tiên ấy, Freud thấy mình bị bao vây bởi một sự thù địch lớn, bởi những bất đồng và vu khống đến mức sự chống đối ấy đã đe dọa sự nghiệp của ông trong một thời gian, khiến ông định từ bỏ chúng.

Nhưng sự tồn tại của một vùng tích cực, năng động, vô thức của đời sống tinh thần, cái vùng mà một trong những cơ chế cốt những cơ chế cốt yếu của nó là quá trình bị thúc ép và bắt buộc phải quên đi, đầy những ham muốn hay những trỗi dậy không thể chịu đựng nổi và tràn ngập xúc cảm, mà người ta có thể thấy ở mọi người một sự chống cự to lớn đối với sự trào dâng của nó – tất cả những hiện tượng ấy đối với Freud đã quá hiển nhiên để không thể bị phủ nhận được, hơn nữa chúng lại quá quan trọng để hiểu rõ và chữa trị những rối loạn thần kinh mà Freud không thể quay lưng lại. Khi nhìn lại, con đường mà Freud đã đi là không thể tránh khỏi đối với một thầy thuốc quyết tâm đi tới tận gốc rễ của những triệu chứng hystêri, một thầy thuốc có lòng can đảm, trí thông minh và sự nhẫn nại cần thiết.

Phép thôi miên trước đây chỉ được dùng vào mục đích làm tăng thêm sự phủ nhận những triệu chứng và nguồn gốc của chúng bằng cách xóa bỏ chúng đi, thì đã đưa Freud, với sự giúp sức của Breuer, đi tới catharsis trước tiên, nhờ nó mà những ký ức đã bị quên đi và những xúc cảm gắn với những ký ức ấy lại xâm chiếm ý thức, rồi lại đảo lộn trình tự của các triệu chứng cho đến lúc chữa trị sau đó. Nhưng khi điều đó cho thấy có một yếu tố sâu xa và căn bản của xúc cảm tính dục, thì Brueur đã phủ nhận nó. Về điều này, Freud đã viết:

“Khi tôi dứt khoát có một quan niệm về vai trò cốt yếu của tính dục trong sự quy định các chứng nhiễu tâm, thì chính là từ phía ông ta (Breuer) tôi đã vấp phải những phản ứng đầu tiên thể hiện ở thái độ bực bội và bài bác dần dần trở thành quen thuộc đối với tôi, nhưng hồi đó vẫn chưa dự kiến được những phản ứng ấy sẽ theo đuổi tôi trong cả cuộc đời như một định mệnh”. 5

Vì yếu tố ám thị luôn luôn gắn liền với thôi miên, và vì đặc biệt hiểu rõ ảnh hưởng có thể có của yếu tố ấy là làm cho những bệnh nhân dễ bị tác động có những ký ức – màn chắn, nên Freud liền đi tìm những lý do để hoàn toàn từ bỏ phép thôi miên. Từng thời kỳ một, ông đã chọn những lý do khác nhau được coi là quyết định. Nhưng ít lâu sau khi ông ngừng thôi miên những bệnh nhân của mình, ông đã đi tới chỗ từ bỏ cả mọi kiểu tiếp xúc trực tiếp với họ, ông muốn ngồi một chỗ mà họ không nhìn thấy, ở đằng sau họ, chỉ yêu cầu họ nói to lên, không cần phải cố ý dè dặt hay phê phán, tất cả những gì đến trong đầu họ, hết liên tưởng này đến liên tưởng khác. Cách thức được Freud gọi là “liên tưởng tự do” là giai đoạn cuối cùng trong việc xây dựng một kỹ thuật phân tích giữa bác sĩ và bệnh nhân. Cách thức ấy đưa lại những phương tiện cho Freud dựa vào để khám phá tất cả mọi cái về sau. Tiếp theo đây là một sự phân tích thật cô đọng về kết quả của những hiểu biết ấy, của những lý thuyết mà Freud sẽ xây dựng theo đó, những ảnh hưởng của chúng đối với tư tưởng của ông sau này, cũng như cấu trúc của những hiểu biết phân tâm học, cả lý thuyết lẫn kỹ thuật, được đem lại cho việc nghiên cứu cũng như cho việc chữa trị bệnh nhân, những hiểu biết mà Freud đã cống hiến cho y học – và cho cả loài người.

– – –

Chú thích:

(*) “Khúc dạo”: trong nguyên bản, tác giả dùng chữ “Fugue”, chỉ một thể nhạc gồm những đối âm và đợc cấu tạo thành những đoạn đuổi theo nhau. Ở đây ám chỉ đến những khẳng định và phủ định mà Freud đã trải qua suốt cuộc đời (chú thích của người dịch).

(**) Sự chống đối những lý thuyết của Freud đã bắt đầu ngay từ khi ông thử thông báo lần đầu tiên cho những đồng nghiệp của mình. Ernest Jones, trong cuốn tiểu sử cổ điển về ông – Cuộc đời và sự nghiệp của Freud – đã dành cả một chương trong tập hai cho sự chống đối ấy. Bản thân Freud cũng đã nói tới nó trong Cuộc đời của tôi và phân tâm học, cũng như trong tiểu luận của ông về lịch sử phong trào phân tâm học. Những ví dụ được chọn từ những thời điểm khác nhau trong cuộc đời sự nghiệp của Freud sẽ minh họa cho ý kiến chúng tôi ở đây.

Ví dụ thứ nhất xẩy ra với sự trở về của Freud sau khi ông đã làm việc với Charcot ở Paris. Freud đã mô tả một số trường hợp hystêri mà ông đã nghiên cứu ở đàn ông. Chủ tịch Hội y học Viên tuyên bố đó là điều không thể tin được; còn bác sĩ Meynert, nhà thần kinh học xuất sắc thời đó, thì đã thách Freud, một cách thân mật nhưng đầy hoài nghi, phát hiện được chỉ một ca hystêri nào của đàn ông ở Viên –  Freud  kể lại rằng ông đã thử trình bày nhiều ca như vậy cho Hội, nhưng các thầy thuốc cao cấp ở những nơi ông đã phát hiện ra các bệnh nhân ấy lại không cho phép ông trình bày cũng như không cho phép  ông quan sát những người bệnh đó và nghiên cứu họ. Cơ sở của sự từ chối này được tóm tắt ở miệng một nhà phẫu thuật già chống lại ông: “Nhưng, thưa ngài, làm sao ngài lại có thể nói ra những chuyện tầm phào như vậy? Hystêri nghĩa là tử cung (utérus). Vậy thì làm thế nào một người đàn ông có thể bị hystêri được?” Lời tuyên bố này được phát ra ở một thời điểm mà bộ não được các thầy thuốc đương thời coi là cơ quan của tinh thần, không cần phải bàn cãi.

Trong tác phẩm của ông viết về lịch sử phong trào phân tâm học, Freud kể lại: “ Không một chút ẩn ý nào, tôi đã phát biểu trong các phiên họp của hội gồm những chuyên gia ở Vienne, hồi đó do Kraff-Ebing chủ trì. Tôi đã hy vọng được đền bù những thiệt hại vật chất mà tôi tình nguyện gánh chịu, cốt để cho các đồng nghiệp của tôi quan tâm tới những  ý kiến của tôi và có thiện cảm với chúng. Tôi đã nói tới những khám phá của tôi như những đóng góp khách quan cho khoa học và tôi hy vọng rằng những người khác cũng coi chúng như thế. Nhưng sự im lặng sau những tham luận của tôi, những ám chỉ lọt tới tai tôi cuối cùng đã làm cho tôi hiểu rằng những tuyên bố  về vai trò của tính dục trong bệnh căn của các chứng nhiễu tâm không thể hy vọng nó được đón nhận  như những thông báo khác. Rốt cuộc, tôi hiểu rằng từ nay tôi đã thuộc vào những người, theo cách nói của Hebbel, “quấy rối giấc ngủ của thiên hạ” và không còn dựa được vào tính khách quan và lòng bao dung nữa”. (2)

Tại một đại hội các nhà thần kinh học và tâm bệnh học Đức họp ở Hambourg năm 1910, giáo sư Wilhelm Weygandt đã đình chỉ một cuộc thảo luận trong đó có nhắc đến các lý thuyết của Freud bằng một cú đấm tay xuống bàn và kêu lên: “Đó không phải là một chủ đề thảo luận cho một hội nghị khoa học; nó thuộc  thẩm quyền của cảnh sát!”. Cùng năm ấy, giáo sư Oppenheim, nhà thần kinh học xuất sắc ở Đức, tác giả một cuốn sách giáo khoa có uy tín về vấn đề này, đã yêu cầu phải tẩy chay những trước tác của Freud trong mọi cơ quan tâm bệnh học tự trọng. Trong cử tọa, phản ứng nổi lên tức thì: tất cả các giám đốc có mặt của các bệnh viện tâm bệnh đã đứng lên để cam đoan rằng họ vô tội về mọi tiếp xúc với những thứ tà đạo ấy.

Trong tự truyện của mình, Freud ghi rằng một trong những đối thủ của ông đã khoe ông ta từng bắt bệnh nhân của mình phải im tiếng nếu họ dám nhắc tới chút gì có liên quan tới tính dục, và ông đi tới kết luận rằng một kỹ thuật như vậy lẽ ra phải được vị bác sĩ kia coi trọng để ông ta có thể phán xét xem tính dục đóng vai trò như thế nào trong bệnh căn của các chứng nhiễu tâm. Năm 1911, một người bệnh đến khám tại một bệnh viện tâm bệnh ở Berlin, anh ta phàn nàn về một sự thúc ép ám ảnh làm cho anh ta cứ  muốn tốc váy phụ nữ ở ngoài đường phố. Giám đốc bệnh viện nói với học trò ông ta: “Đó là một cơ hội để xem xét  bản chất gọi là tính dục của loại ám ảnh này. Tôi sẽ hỏi người bệnh xem sự ám ảnh của anh ta có hướng tới các bà già như hướng tới các cô gái không, vì nếu thế thì rõ ràng sự ám ảnh ấy không phải là do tính dục”. Người bệnh đáp: “Vâng, đối với tất cả những người đàn bà, cả mẹ tôi và em tôi cũng thế”. Đắc thắng, vị giám đốc kia ra lệnh ghi vào phiếu bệnh rằng trường hợp này rõ ràng là ngoài tính dục.

Một giai thoại được Freud kể lại lần đầu tiên trong Góp vào lịch sử phong trào phân tâm học năm 1914 cũng còn thấy trong cuốn nghiên cứu tiểu sử của ông. Giai thoại này có liên quan với một đồng nghiệp từng dự một bài giảng của Freud mà chưa bao giờ đọc những gì được Freud công bố về các lý thuyết của mình. Giám đốc của bệnh viện mà người đồng nghiệp kia làm việc  ở đó đã  tuyên bố rằng những nghiên cứu như vậy thật vô ích và “không bõ công”. Nhắc lại vắn tắt chuyện này vào năm 1925, tức  mười một năm sau đó, Freud nói thêm với sự buồn bã: “Người thầy thuốc này sau đó trở thành thạc sĩ, đã tự cho phép bóp méo  ý  nghĩa của cuộc trò chuyện này và nói chung đã nghi ngờ ký ức trung thành ấy của tôi. Nhưng tôi vẫn giữ đúng từng chữ mà tôi đã kể lại hồi đó.”  (3)

Ghi chú:

Những chỗ đánh dấu hoa thị (*) có nghĩa là có chú thích ở cuối mỗi chương. Những chỗ đánh số (…) có nghĩa là đoạn trích từ nguồn tham khảo. Các tài liệu tham khảo này cũng sẽ được ghi chú vào mỗi cuối chương, ngoài ra ở phần phụ lục cuối sách cũng sẽ có danh mục toàn bộ các tài liệu tham khảo. Trong trường hợp tài liệu tham khảo là của chính Freud, đàng sau tên sách sẽ có kèm theo tên nhà xuất bãn cùng năm công bố lần đầu tiên:

(1.)  Si. Rudyard Kipling.

(2.) Contribution à l’histoire du mouvement psychanalytique, 1914, Petite bibliothèque Payot, pp. 88-89.

(3.)  Ma vie et la psychanalyse, 1925, Gallimard, p.76.

(4.) Nouvelles conférences sur la psychanalyse, 1932, Gallimard, pp. 188-189.

đến chương 02 >>


Read Full Post »