Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘04. T/y lãng mạn’ Category

Chương 4:

TÌNH YÊU LÃNG MẠN


Hai chúng ta kết hợp lại tạo thành một đám đông.
OVID

Từ kinh nghiệm của chính mình và từ lời kể của những người khác, tôi biết rằng những người đang yêu luôn tin chắc thời gian họ sống bên nhau là rất đặc bịêt và có một không hai. Đây là quãng thời gian họ thường gợi lại trong ký ức, nhấm nháp từng kỷ niệm một. Khi tôi yêu cầu họ kể về những ngày thần tiên này, họ mô tả một thế giới hoàn toàn mới. Mọi người đều thân thiện hơn, màu sắc tươi sáng hơn và thức ăn cũng ngon hơn. Mọi vật xung quanh họ đều tỏa sáng với một vẻ mới mẻ ban sơ, giống như khi họ còn trẻ.

Nhưng sự thay đổi lớn nhất là cách họ nghĩ về chính bản thân họ. Bỗng dưng, họ nhìn cuộc sống với ánh mắt nhiệt tình và lành mạnh hơn. Họ thấy mình dí dỏm hơn, vui vẻ hơn và lạc quan hơn. Khi họ nhìn vào gương, họ có một tình yêu mới đối với con người đang nhìn lại họ, có lẽ họ xứng đáng với tình cảm người kia dành cho họ. Một số người thấy mình tốt đẹp hơn lên. Họ không còn phải ăn kẹo cao su, chích ma túy, uống rượu, hoặc trói mình trước màn hình TV để giải khuây. Làm việc ngoài giờ cũng mất đi sức lôi cuốn và những cuộc săn lùng tiền bạc hay quyền lực cũng trở nên lạc lõng. Cuộc sống có ý nghĩa và có giá trị, và cuộc sống ở ngay bên cạnh họ.

Khi tình yêu của họ đạt tới đỉnh cao, họ hướng những tình cảm nồng nhiệt của mình tới những người xung quanh. Họ thấy yêu thương và chấp nhận người khác nhiều hơn một số người còn may mắn có được một sự nhận thức tinh thần cao độ, một cảm giác toàn vẹn và ý thức về sự nối kết với tự nhiên mà họ chưa từng đạt được kể từ thời thơ ấu. Trong một khoảng thời gian, họ nhìn thế giới không qua lăng kính rạn nứt của tình trạng không toàn vẹn mà qua lăng kính thuần nhất và nhẵn bóng của bản chất nguyên thủy của họ.

Lynn và Peter, cặp vợ chồng tôi đã giới thiệu với các bạn ở cuối chương trước, kể với tôi rằng hồi mới yêu nhau, họ đã có lần dành cả một ngày để đi dạo chơi khắp thành phố New York. Sau khi ăn tối, họ cùng nhau leo lên đỉnh tòa nhà Empire State ngắm mặt trời lặn. Họ nắm tay nhau và cùng nhìn xuống hàng ngàn con người bé xíu ở dưới đang bận rộn đi lại, lòng cảm thấy thương hại. Tại sao những người này lại có thể không chia sẻ trạng thái ngây ngất của họ chứ?

Tình yêu dưới góc độ hóa học

Điều gì đã tạo ra cơn lốc những cảm xúc tốt đẹp mà người ta gọi là tình yêu? Những nhà nghiên cứu tâm thần – dược lý đã nhận thấy rằng những người yêu nhau có lượng chất kích thích cao – các loại hormon tự nhiên và chất hóa học làm toàn bộ cơ thể tràn ngập trong hạnh phúc. Trong suốt thời kỳ đầu của tình yêu, não bộ tiết ra các chất dopamin và norepinephrin, hai trong số rất nhiều các chất dẫn truyền thần kinh. Những chất này tạo ra cảm giác hưng phấn trong cuộc sống, tăng nhanh nhịp tim, cung cấp nguồn năng lượng dồi dào và tạo khả năng nhận thức cao. Trong thời gian này, khi những người yêu nhau muốn được ở bên nhau từng giây từng phút, não sản xuất ra nhiều endorphin và enkephalin hơn. Đó là những chất ma túy tự nhiên, tạo cảm giác an toàn và thoải mái. Bác sĩ Michael R.Liebowitz, giáo sư trợ giảng của khoa tâm thần lâm sàng Đại học Columbia, đã tiến xa hơn một bước và đưa ra ý kiến rằng cảm giác toàn vẹn bí ẩn của những người yêu nhau có thể gây ra bởi lượng chất dẫn truyền thần kinh setoronin tiết ra nhiều hơn.

Nhưng dù việc nghiên cứu tình yêu dưới góc độ được lý học rất kích thích sự tò mò, các nhà khoa học vẫn không lý giải được nguyên nhân tại sao những chất hóa học đó lại giảm. Tất cả những gì họ có thể làm là ghi nhận rằng tình yêu là một hiện tượng tự nhiên được tạo ra bởi các thành phần sinh học rõ ràng. Để có thể hiểu thêm về vấn đề này, ta cần quay trở lại lĩnh vực tâm lý học và quay lại với quan điểm rằng tình yêu là sản phẩm của vô thức.

Ngôn ngữ chung của tình yêu

Trong chương trước, tôi đã đưa ra một lời giải thích về tình yêu. Tôi xin nhắc lại rằng, lý do chúng ta có những tình cảm tốt đẹp như vậy vào giai đoạn đầu của tình yêu là do một phần tâm thức tin rằng tình yêu sẽ đem lại cho ta sự an toàn và sự trọn vẹn nguyên thủy. Nếu chúng ta tìm đúng chỗ, chúng ta sẽ thấy rất nhiều chứng cứ rằng điều này là đúng. Một trong những nơi chúng ta nên để ý là ngôn ngữ chung của tình yêu. Khi lắng nghe những ca khúc phổ biến, đọc những bài thơ tình, những vở kich, những cuốn tiểu thuyết và lắng nghe hàng trăm cặp tình nhân mô tả tình yêu của họ, tôi đã đi đến kết luận rằng tất cả những lời trao đổi giữa hai người yêu nhau từ thưở khai thiên lập địa tới giờ gồm có bốn câu chính, còn những câu khác chỉ là phát triển từ bốn câu này. Và bốn câu nói chính này đã cho ta thấy lờ mờ yếu tố vô thức của tình yêu.

Câu đầu tiên trong số bốn câu này được nói ra từ khi mới quen nhau, có lẽ ở lần gặp đầu tiên hoặc lần gặp thứ hai gì đó. Nó đại loại như sau: “Tôi biết chúng ta chỉ mới quen nhau, nhưng tôi có cảm giác như tôi đã biết cô từ trước rồi”. Đây không phải là những câu sáo ngữ. Vì lý do nào đó không giải thích được, họ cảm thấy dễ chịu khi ở bên nhau. Họ cảm nhận được một sự công hưởng dễ chịu, như thể họ đã quen nhau nhiều năm rồi. Tôi gọi đây là “hiện tượng nhận diện”.

Không lâu sau, người ta bắt đầu chuyển sang câu thứ hai: “Điều này thật lạ, nhưng dù ta gặp nhau chưa bao lâu, anh không thể nhớ nổi quãng thời gian mình chưa quen nhau”. Dù họ chỉ mới gặp nhau vài ngày hay vài tuần trước, dường như họ đã luôn ở bên nhau, mối quan hệ giữa họ không có ranh giới về thời gian. Tôi gọi đây là “hiện tượng phi thời gian”.

Khi mối quan hệ đã đến lúc chín muồi, người ta thường nhìn vào mắt nhau và tuyên bố câu thứ ba đầy ý nghĩa: “Khi anh ở bên em, anh không còn cảm thấy cô đơn nữa; anh cảm thấy mình đầy đủ và hoàn thiện”. Một trong những thân chủ của tôi, Patrick, đã diễn tả như thế này: “Trước khi tôi biết Diane, tôi có cảm giác mình suốt ngày chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà rộng lớn với những căn phòng trống trải. Khi tôi gặp nàng, tôi có cảm tưởng mình mở cánh cửa ra và thấy có ai đó ở nhà”. Được ở bên người yêu, Patrick đã dừng cuộc tìm kiếm không ngơi nghỉ sự hoàn thiện. Anh cảm thấy đầy đủ thỏa mãn. Tôi gọi đây là “hiện tượng hợp nhất”.

Cuối cùng, tới một lúc nào đó, những người yêu nhau tiến tới câu nói thứ tư và cũng là cuối cùng của tình yêu: “Anh yêu em rất nhiều. Anh không thể sống thiếu em”. Họ đã dấn sâu vào tình yêu đến mức không thể hình dung được chia ly. Tôi gọi đây là “hiện tượng tất yếu”.

Cho dù người ta có thực sự nói ra lời hay chỉ có những tình cảm đó, họ đều là những minh chứng cho những gì tôi vừa nói về tình yêu và về bản chất vô thức của nó.

Câu nói đầu tiên mà người ta diễn tả lại một cảm giác kỳ lạ như gặp lại người quen, đã mất đi sự bí ẩn của nó khi ta nhớ lại rằng lý do người ta “chọn” người yêu là vì người đó giống người nuôi dưỡng mình. Không lạ gì là họ có cảm giác thân thuộc với nhau. Trong vô thức, họ đã một lần nữa liên hệ lại với người nuôi dưỡng mình. Chỉ tới lúc này, họ mới tin rằng những khao khát sâu kín nhất, căn bản nhất và ấu trĩ nhất sắp được thỏa mãn. Có người chăm sóc, hô không còn cô đơn nữa.

Câu thứ hai là một bằng chứng rằng tình yêu là một hiện tượng do tâm thức cũ tạo ra. Khi người ta yêu, tâm thức cũ sẽ nối kết hình ảnh của người yêu với hình ảnh của người nuôi dưỡng và thế là họ lạc vào vương quốc bất diệt. Đối với vô thức, được đắm chìm trong một tình cảm thân thiết rất giống với thời thơ ấu được ở trong vòng tay của mẹ. Người ta thấy cùng một ảo giác được an toàn, yên ổn, cùng một cảm xúc say mê.

Trên thực tế, nếu chúng ta có thể quan sát một cặp tình nhân ở thời điểm này trong mối quan hệ của họ, ta sẽ thấy được một điều thú vị: Cả hai người đang cùng tham gia một tiến trình ràng buộc bản năng, giống hệt như các bà mẹ ràng buộc với những đứa bé sơ sinh. Họ thủ thỉ nói với nhau những chuyện linh tinh, vô nghĩa, gọi nhau bằng những cái tên âu yếm mà họ sẽ ngượng không dám gọi trước mặt người khác. Họ vuốt ve và khám phá cơ thể của nhau như cách bà mẹ yêu tha thiết con mình. Cùng lúc, họ lại có cảm giác họ là những người cha, người mẹ thứ hai của người yêu bằng câu nói: “Anh sẽ yêu em như chưa ai từng yêu đến thế”, câu nói vô thức sẽ được diễn dịch lại là “nhiều hơn cả cha và mẹ”. Chắc không cần nói thêm là tâm thức cũ rất mê thích thái độ ứng xử này. Những người đang yêu tin rằng họ sẽ hàn gắn được vết thương – không phải bằng cách làm việc cực nhọc hay sự tự nhận thức đau đớn – mà bởi một hành động đơn giản là hòa nhập với một người mà tâm thức cũ lẫn lộn với người nuôi dưỡng.

Còn câu thứ ba, rằng người ta chìm ngập trong cảm giác về một sự toàn vẹn đầy đủ, thì sao? Khi nói câu này, họ biết rằng họ đã chọn (trong vô thức) người có những phần bản ngã họ bị mất khi còn thơ ấu; họ đã hồi phục lại bản ngã bị mất của mình. Một người thường dồn nén tình cảm sẽ chọn một người hay biểu lộ tình cảm, ham thích tình dục. Khi hai người với hai tính cách bổ khuyết yêu nhau, họ có cảm giác họ bất chợt được giải thoát khỏi sự dồn nén. Giống như những thực thể lưỡng tính bị cắt đôi của Plato, mỗi người bọn họ là một nửa của một người; bây giờ họ đã nối kết với nhau và trở nên toàn vẹn.

Và câu nói cuối cùng, rằng họ sẽ chết nếu họ phải sống chia ly? Điều này có thể cho ta biết gì về bản chất của tình yêu lãng mạn? Đầu tiên, nó cung cấp tư liệu rằng những người yêu nhau đã chuyển giao trách nhiệm về sự sống còn của mình từ cha mẹ sang người yêu mà không nhận thức được. Cũng chính thực thể kỳ diệu đã thức tỉnh “eros” (năng lượng sống) trong họ, bây giờ sẽ bảo vệ họ khỏi nỗi sợ hãi muôn đời trước cái chết. Qua việc quan tâm đến những nhu cầu tuổi thơ không được đáp ứng, người yêu của họ đã trở thành đồng minh trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Nếu suy xét xa hơn thì câu nói này đã tiết lộ nỗi sợ hãi rằng, nếu bị chia lìa, họ sẽ mất đi trạng thái toàn vẹn vừa tìm lại được. Họ sẽ một lần nữa trở thành những tạo vật gẫy vỡ, không hoàn chỉnh, bị tách khỏi sự toàn vẹn của cuộc sống. Nỗi cô đơn và sự lo lắng sẽ tràn ngập lòng họ và họ không còn có cảm giác nối kết với thế giới xung quanh nữa. Cuối cùng, nếu để mất người kia, họ sẽ mất luôn ý thức mới về bản thân họ.

Một chuyển đoạn ngắn

Tuy nhiên, những nỗi sợ hãi này bị đẩy lùi trong một thời gian và đối với những người đang yêu, dường như tình yêu lãng mạn đang thực sự chữa lành vết thương cho họ và làm họ trở nên toàn vẹn, chỉ tình bạn thôi cũng đã là một niềm an ủi dịu êm. Bởi vì họ ở bên nhau phần lớn thời gian, họ không còn cảm thấy cô đơn, lẻ loi. Và càng tin tưởng nhau, họ càng thân thiết với nhau hơn. Thậm chí họ có thể kể hết cho nhau nghe những đau khổ, những nỗi buồn thời thơ ấu. Và nếu họ làm như vậy, họ sẽ nhận được phần thưởng cho sự cởi mở, đó là sự thông cảm chân thành của người họ yêu “Ôi, anh rất buồn vì em phải trải qua những chuyện như vậy.” hoặc “Thật khủng khiếp là anh phải chịu đựng nhiều đến thế!”. Họ cảm thấy không một ai, kể cả cha mẹ họ lại quan tâm đến thế giới nội tâm của họ như vậy. Vì họ chia sẻ sự thân thiết này, họ cũng có thể có thế giới của người kia. Trong những khoảnh khắc hiếm hoi đó, họ không phán xử nhau, hoặc suy diễn những điều người kia nói, hoặc so sánh với những kinh nghiệm họ đã trải qua. Họ còn làm nhiều hơn thế: Trong một thời gian ngắn, họ đã giải tỏa được nỗi đam mê suốt đời của họ và cùng chia sẻ sự xác thực của một con người khác.

Nhưng tình yêu lãng mạn còn đem lại nhiều điều hơn là những lời nói ngọt ngào và những khoảnh khắc thông cảm để hàn gắn vết thương lòng. Với giác quan thứ sáu (thường thiếu một cách thảm hại ở những giai đoạn sau của mối quan hệ), những người đang yêu như đoán được chính xác người họ yêu thiếu điều gì. Nếu người yêu của họ cần được bảo bọc, họ sẽ vui lòng đóng vai một ông bố hay bà mẹ. Nếu người đó cần tự do, họ để người đó được riêng tư. Nếu người đó cần sự an toàn, họ sẽ bảo vệ người đó. Họ trút xuống người mình yêu những hành động chăm sóc tự phát, những hành động dường như xóa đi được những mất mát tổn thương trong thời thơ ấu. Yêu và được yêu không khác gì đột nhiên trở thành đứa con cưng trong gia đình lý tưởng.

Ấp ủ một ảo giác

Những người đang yêu bám lấy ảo giác của một tình yêu lãng mạn trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi rất nhiều hoạt động vô thức. Một trong những hành vi thuyết phục mà hầu hết chúng ta đều có là cố tỏ ra đa cảm hơn con người thực của mình. Chẳng hạn, nếu bạn tỏ ra ít có nhu cầu riêng, người yêu bạn có thể tưởng rằng mục đích trong đời bạn là bảo bọc người khác chứ không phải được bảo bọc và thực sự điều này làm bạn trở nên đáng thèm muốn trong mắt người yêu của bạn. Một phụ nữ tên Louise đã kể lại cho tôi nghe những nổ lực của cô để tỏ ra là một người bạn đời hoàn hảo cho người chồng tương lai là Steve. Một vài tuần sau khi họ gặp nhau, Luise mời Steve tới nhà cô ăn tối. Cô nói: “Tôi muốn chứng tỏ tài nội trợ của mình. Steve đã thấy tôi như một phụ nữ có nghề nghiệp và tôi muốn anh ấy thấy tôi còn có thể nấu ăn ngon nữa? Để làm cuộc sống của mình có vẻ đơn giản hết mức, cô gửi đứa con trai mười một tuổi của người chồng trước sang ngủ nhà bạn – không có lý do gì để tiết lộ tất cả những sự phức tạp này ngay từ đầu. Cô lau sạch bóng căn nhà, chọn thực đơn gồm hai món duy nhất cô nấu được khá ngon và bày hoa tươi trong tất cả các phòng. Khi Steve bước vào nhà, bữa tối đã sẵn sàng, mặt cô trang điểm nhẹ và máy quay đĩa đang chơi một bản nhạc giao hưởng. Đến lượt Steve, anh cũng đến với thái độ quyến rũ và sẵn sàng giúp đỡ. Khi bữa tối kết thúc, anh giúp Louise rửa chén bát và sửa ngọn đèn ngoài hành lang bị cháy. Họ bắt đầu yêu nhau từ đêm đó và trong suốt mấy tháng tiếp theo, họ cố gắp sắp xếp cuộc sống sao cho có ít nhu cầu riêng nhất.

Thái độ quên mình này rất phổ biến. Hầu hết mọi người, ai cũng đụng phải rất nhiều rắc rối khi cố tỏ ra mình là người bạn đời lý tưởng. Lúc mới quen nhau trong một số trường hợp, thái độ này đã biến thành một sự lừa dối nghiệm trọng.

Một thân chủ của tôi, Jessica, đã từng có quan hệ với một người đàn ông không thể tin cậy được. Cô đã trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ và rất nhiều mối quan hệ không đi đến đâu. Mối quan hệ đã làm Jessica rốt cuộc phải đi chữa trị tâm lý liên quan tới Brad, một người ban đầu tỏ ra hết lòng vì cô, khi anh ta đã chiếm được lòng tin của cô rồi, cô bèn kể hết cho anh ta nghe những trục trặc của cô khi quan hệ với người khác phái. Brad tỏ ra thông cảm và đoan chắc sẽ không bỏ rơi cô. Anh ta nói: “Nếu như có người nào ra đi, đó sẽ là em. Còn anh, anh sẽ mãi mãi bên em”. Anh ta tỏ ra là một người bạn đời kiên định và đáng tin cậy.

Họ yêu nhau như vậy đã sáu tháng, và Jessica yên tâm sống trong sự an toàn của mối quan hệ. Thế rồi, một ngày kia, khi đi làm về, cô tìm thấy một lời nhắn của Brad đính ở cửa. Trong đó, anh ta giải thích rằng người ta đã mời anh làm việc ở một chỗ lương khá hậu ở một thành phố khác và anh ta không thể bỏ lỡ cơ hội. Anh ta muốn được đích thân báo cho cô biết, nhưng anh ta sợ cô sẽ quá đau khổ. Anh ta hy vọng cô hiểu cho anh ta.
Khi Jessica vượt qua được cú sốc, cô gọi điện cho người bạn thân nhất của Brad và yêu cầu anh ta kể cho cô nghe tất cả những gì anh ta biết. Qua câu chuyện anh ta kể về Brad, một chân dung hoàn toàn khác hẳn về Brad bắt đầu lộ ra. Rõ ràng anh ta chưa bao giờ ở đâu lâu. Trong mười lăm năm qua anh ta đã chuyển chỗ ở sáu lần và kết hôn ba lần. Tất cả những chuyện này Jessica không hề hay biết. Cảm nhận được Jessica đang cần sự an toàn, Brad đã cố hết sức để trở thành một người tình đáng tin cậy. Đây là một tiến trình tâm lí được biết dưới tên gọi “sự đồng nhất xạ ảnh”. Anh ta đã đồng nhất mình với ảo ảnh về một người đàn ông lý tưởng hoàn toàn trong vô thức của Jessica. Tôi không nghi ngờ việc anh ta giả dối như vậy là có chủ tâm. Có lẽ anh ta làm quen Jessica không phải với mục đích chiếm được lòng tin và tình cảm của cô rồi sau đó sẽ bỏ rơi cô; mà có lẽ chỉ vì anh ta không thể đóng trọn vai trò người bảo vệ của mình thêm nữa.

Khi Brad bỏ rơi cô, Jessica có đủ mọi lý do để nổi cơn thịnh nộ, nhưng thay vào đó, cô lại dựng lên ảo tưởng rằng anh ta sẽ gọi cô đến khi anh ta đã dành dụm đủ tiền. Cô ở lì bên máy điện thoại hàng giờ để chờ anh ta gọi điện về và lo lắng đợi thư của anh ta. Nhưng anh ta vẫn biệt vô âm tín. Rồi một ngày kia, cô kể với tôi: “Tôi mừng là đã không nhận được tin tức gì của anh ta, nếu không, chắc tôi sẽ lại đón anh ta quay trở lại, dù anh ta đã đối xử với tôi thế nào đi nữa. Tôi cần đến anh ta nhiều như vậy đấy”.

Jessica là một thí dụ điển hình của những trường hợp từ chối chấp nhận sự thật. Cô không chấp nhận Brad trên thực tế là một người đàn ông chưa trưởng thành và không thể tin cậy được. Kỷ niệm về vai diễn sốt sắng mà anh ta đã đóng vẫn hiện thực đối với cô hơn là sự thật về hành vi anh ta.

Sự từ chối

Ở một mức độ nào đó, chúng ta ai cũng sử dụng sự từ chối như một công cụ che đỡ. Mỗi khi chúng ta phải đối mặt với một khó khăn hay một tình huống đau lòng, chúng ta đều có khuynh hướng tảng lờ sự thật và tạo ra một hình ảnh tưởng tượng dễ chấp nhận hơn. Nhưng không lúc nào trong đời, cơ cấu phủ nhận của ta lại vận hành tối đa như trong những giai đoạn đầu của tình yêu.

John, một người đàn ông ở độ tuổi ba mươi là người đặc biệt giỏi trong lĩnh vực này. John tới tìm tôi để xin một lời khuyên. Anh ta là một lập trình viên máy tính, đã từng lập trình một phần mềm thành công đến mức anh ta đã dùng nó để khởi đầu sự nghiệp với công ty riêng của mình. Trong khoảng mười đến mười lăm phút đầu của mỗi buổi chữa trị, anh ta đều kể về công ty của mình và nói rằng nó hoạt động rất hiệu quả. Rồi cuộc đối thoại đi tới một đoạn dừng, anh ta sẽ đưa mắt đi chỗ khác và đi dần tới chủ đề của cuộc nói chuyện, đó là Cheryl, người anh ta yêu. Anh ta say cô như điếu đổ và sẽ cưới cô ngay lập tức nếu cô đồng ý. Nhưng Cheryl vẫn từ chối.

Khi John gặp Cheryl, cô dường như có tất cả những gì anh cần ở một người đàn bà. Cô quyến rũ, thông minh và rất nhạy cảm. Nhưng sau vài tháng quen nhau, anh bắt đầu thấy những mặt xấu trong tính cách của cô. Ví dụ khi họ cùng đi ăn tối, anh để ý thấy thế nào cô cũng sẽ phàn nàn về chất lượng món ăn hay cung cách phục vụ, dù thực ra chúng hoàn hảo. Anh cũng để ý thấy cô thường than phiền không ngớt về công việc của mình nhưng lại không làm gì để cải thiện điều kiện làm việc cả.

Để tránh bị thất vọng bởi những tính xấu này, John bắt đầu óc mình làm việc cật lực để cố tình không nhận thấy sự thật. Khi anh đi ăn tối với cô, anh tập nghĩ về khả năng phân biệt ngon dở của cô chứ không phải thái độ phàn nàn khó chịu. Khi cô nói huênh hoang và say sưa về công việc của mình, anh nghĩ cô đã phải cố gắng đến thế nào để trụ lại được trong điều kiện làm việc tồi đến như vậy. Anh ta tuyên bố với vẻ tự hào: “Nếu là người khác thì họ đã nghỉ việc lâu rồi!”

Điều duy nhất khiến anh thực sự cảm thấy khó xử là thái độ của Cheryl. Lúc nào cô cũng có vẻ như xua đuổi anh. Tình thế trở nên tệ hại khi hai người đã quen nhau sáu tháng. Cheryl yêu cầu anh không gặp cô trong một tuần để cô có thể “thở hít khí trời một chút”. John miễn cưỡng đồng ý với đề nghị của cô dù anh biết rằng một trong những lý do cô muốn có thời gian thoát khỏi anh là để có thể hò hẹn với người khác. Cô cho anh thấy rõ là anh không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc để cô có nhiều thời gian tự do hơn.

Để bù lại, John bắt đầu đến với một người phụ nữ tên là Patricia, một người khác hẳn với Cheryl. Tận tụy, phục tùng và kiên nhẫn, cô yêu anh đến phát điên. “Cô ấy sẽ cưới tôi ngay, cũng như tôi sẽ cưới Cheryl ngay lập tức. Nhưng tôi lại không quan tâm nhiều đến Patricia. Dù ở bên cô ấy, tôi thấy dễ chịu hơn, nhưng khi xa cô ấy, tôi không bao giờ nghĩ về cô. Cứ như thể cô ấy không tồn tại vậy. Đôi khi tôi có cảm giác mình đang lợi dụng cô ấy, nhưng tôi không muốn bị cô đơn. Cô ấy lấp đầy sự trống trải trong tôi”. Trong khi đó, Cheryl lại chiếm hết tâm trí của John dù cô hay phê phán và không chấp nhận anh. “Mỗi khi tôi không nghĩ về công việc thì tôi lại mơ về Cheryl”.

Tại sao John lại không bị quyến rũ trước vẻ hấp dẫn của Patricia và lại sẵn sàng bỏ qua những khuyết điểm của Cheryl? Có lẽ điều này không làm ai ngạc nhiên, rằng mẹ John cũng có tính tình xa cách và hay phê phán rất giống Cheryl. Một thoáng lo lắng hiện lên trên nét mặt mẹ John và thế là bà quên đi sự hiện diện của John. Anh không biết những lúc đó bà nghĩ gì trong đầu. Cũng như những đứa trẻ khác, anh không biết và cũng không thấy thích thú muốn biết tâm trạng của mẹ mình. Tất cả những gì anh biết là bà thường có vẻ không phải để dành cho anh và điều này làm anh hết sức lo lắng. Khi anh thấy ánh mát lơ đãng của bà, anh sẽ giận dữ và tìm cách gây sự chú ý. Bà sẽ đẩy anh ra và bắt anh về phòng mình. Nếu anh tỏ ra tức giận, bà sẽ phát cho anh một cái và không nói với anh nữa trong hàng giờ.

Cuối cùng, John đã học được cách chịu đựng trong im lặng. Anh nhớ rõ ngày anh phải học cách chấp nhận và giữ thái độ kiên cường. Mẹ anh la mắng anh và dùng bàn chải tóc đánh vào mông anh. Anh không nhớ cái gì đã làm bà giận dữ đến thế. Tất cả những gì anh nhớ là lúc đó anh cảm thấy mình bị phạt oan và chạy về phòng khóc nức nở. Khi về đến phòng mình, anh chạy vào buồng vệ sinh và đóng cửa lại. Ở đó, phía sau cánh cửa có gắn một tấm gương. Anh nhớ lúc đó mình bật đèn lên rồi nhìn chằm chằm vào gương mặt nhòe nhoẹt nước mắt trong gương.

Anh tự nhủ: “Có ai buồn để ý đến chuyện mình đang khóc ở đây đâu, vậy khóc có ích gì? Sau một lúc, anh nín khóc và lau nước mắt. Từ đó anh không bao giờ khóc nữa. Đó chính là ngày anh đã học cách che đậy nỗi buồn và cơn giận với một cái mặt nạ không thay đổi.

Những điều John đã trải qua trong thời thơ ấu giải thích vì sao anh lại bị cuốn hút bởi Cheryl. Khi Cheryl tảng lờ thái độ theo đuổi của anh để đi chơi với người đàn ông khác hoặc đề nghị anh đừng gọi điện cho cô trong vài ngày, anh thấy sự khao khát được gần gũi thuở nào lại tràn ngập trong anh, thứ tình cảm anh từng có với mẹ mình. Trên thực tế, có rất nhiều điều giống nhau giữa hai người đàn bà trên đến nỗi trong vô thức, anh không thể phân biệt người này với người kia. Sự lạnh lùng của Cheryl khơi lại trong anh niềm khao khát cháy bỏng anh đã có với mẹ mình. Và trong giới hạn nhận thức của tâm thức cũ, Cheryl là mẹ anh, và những nỗ lực để chiếm được tình yêu của cô là một hình thức khác thay thế cho việc khóc lóc và la hét của anh hồi nhỏ để thu hút sự chú ý của mẹ. Thuật ngữ tâm lý học chỉ sự lầm lẫn này là “sự chuyển di”, lấy những thuộc tính của người này gán ghép cho người khác.

Người ta rất hay gán ghép những tình cảm của mình có với cha mẹ sang cho người bạn tình, bởi vì qua quá trình lựa chọn của vô thức, họ đã chọn một người giống với người nuôi dưỡng họ. Tất cả những gì họ phải làm là phóng đại sự giống nhau giữa hai người ấy và giảm bớt sự khác biệt.

John còn có những nguyên nhân khác khiến anh yêu Cheryl ngoài việc cô giống mẹ anh. Một trong số đó là cô rất có tâm hồn nghệ sĩ. Vì anh là một “doanh nhân khô khan” (theo cách anh tự nhận xét), khiếu thẩm mỹ của cô đã mở ra một thế giới mới cho anh. Anh kể : “Chúng tôi đang lái xe và khi tôi bận bịu với những kế hoạch kinh doanh của mình, bất chợt Cheryl chỉ cho tôi thấy một kiến trúc đẹp hoặc một cái cây đẹp, và nó bỗng hiện ra trước mắt tôi. Dường như chính cô đã tạo ra nó. Một mình tôi, có lẽ tôi đã không để ý đến chúng. Không có cô, thế giới của tôi thật ảm đạm và khô cứng”.

Một lý do nữa khiến anh bị cô hớp hồn, dù anh phản đối kịch liệt, đó là vì cô có tính hay châm chọc, hay phê phán. Mặt tiêu cực này trong tính cách của cô lôi cuốn anh vì hai lý do. Thứ nhất, như ta đã nói đến, nó nhắc anh nhớ lại mẹ anh, một người cục cằn và dễ xúc động. Lý do thứ hai, có lẽ quan trọng hơn, là thói xấu của Cheryl làm anh nối lại sự liên hệ với những tình cảm bị chối bỏ của chính anh. Mặc dù anh cũng thấy giận dữ không kém Cheryl, nhưng anh đã học cách che giấu thái độ thù địch dưới vẻ bề ngoài phục tùng và chấp nhận. Khi còn nhỏ, đây là một cách thích ứng hữu dụng, vì nó bảo vệ anh khỏi tính khí của mẹ anh. Nhưng giờ đây, khi anh đã trưởng thành, sự dồn nén này làm anh chỉ còn là một nửa của một con người. Không còn khả năng cảm nhận hay thể hiện những cảm xúc mạnh, anh cảm thấy trong lòng trống trải. Anh khám phá ra rằng khi ở bên Cheryl, anh có được cảm giác phấn chấn anh rất cần. Anh không phải giận dữ, điều làm thức tỉnh siêu ngã của anh. Thay vào đó anh vẫn có ảo tưởng được hoàn chỉnh, trở thành một con người toàn vẹn chỉ bằng việc kết hợp với Cheryl.

Cuốn phim gia đình

“Phép chiếu” hay “xạ ảnh”, là thuật ngữ mô tả cách John lấy phần cảm xúc bị che giấu của anh – sự giận dữ – để gắn nó với Cheryl. Anh nhìn thấy sự giân dữ bị dồn nén của mình được thể hiện qua cơn giận dữ của Cheryl. Cũng như John, chúng ta biểu lộ phần con người bị dồn nén của ta bằng cách gán một phần lên người khác. Chúng ta thực hiện phép chiếu này mọi lúc, chứ không phải chỉ trong những quan hệ yêu đương. Tôi nhớ có lần ở Dallas, tôi ở chung với một bác sĩ tâm thần tên là James. Chúng tôi còn dư một phòng và tìm thêm một người ở chung. James có một người bạn vừa tốt nghiệp trường y và đang định mở phòng mạch tư. Anh đề nghị mời người đó đến ở chung. Để tôi có thể gặp anh bạn này, James đồng ý mời anh ta tới chơi.

Vài ngày sau, tôi mở cửa căn phòng của mình và tình cờ thấy một người đàn ông đang đi dọc hành lang. Anh ta đang đi xa dần nên tôi chỉ nhìn thấy lưng anh ta, nhưng dáng đi của anh ta có vẻ gì đó khiến tôi cảm thấy khó chịu. Anh ta lắc hông và đầu một cách oai vệ như thể anh ta sở hữu cả thế giới. Anh ta nện gót chứ không phải đi bình thường. “Đây có lẽ là người kiêu ngạo nhất thế giới”. Tôi tự nhủ. “Không biết anh ta là ai? Có lẽ là thân chủ của James”.

Tôi quay lại phòng mình và quên bằng chuyện vừa xảy ra. Một lúc sau, có tiếng gõ cửa phòng. Đó là James, và đi cùng với anh ta chính là người đàn ông tôi thấy lúc trước. James nói : “Đây là Robert Jenkins. Anh ấy là người mà tôi đã nói với anh. Anh ấy muốn thuê chung với chúng ta căn phòng đó. Tôi nghĩ hai người có thể đi ăn trưa với nhau”.

Tôi nhìn Robert và thấy một anh chàng với gương mặt tươi cười dễ mến! Anh ta có mái tóc cắt khéo, bộ râu muối tiêu chải chuốt, cặp kính gọng sừng và đôi mắt nâu to. Anh ta đưa tay ra và nói : “Chào anh, tôi đã nghe nhiều về anh. Nghe nói anh đang nghiên cứu những đề tài rất thú vị. Tôi rất muốn được nói chuyện với anh về đề tài đó.”

Tôi nhủ thầm : “Thật là một câu nói dễ chịu và khiêm tốn. Làm sao người này lại có thể chính là người mình cảm thấy khó chịu khi nãy?” Robert và tôi cùng đi ăn trưa và chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện thú vị. Chiều tối hôm ấy, tôi nói với James có lẽ Robert sẽ là một người thuê chung nhà tuyệt vời. Cuối cùng Robert đã thành một người bạn tốt và một đồng nghiệp đáng tin cây. Dù anh cũng có những lúc tỏ ra kiêu ngạo – cũng như tôi và tất cả những người tôi quen biết – thì vẻ kiêu ngạo làm tôi khó chịu lúc nhác thấy anh lần đầu tiên cũng có trong nét tính cách của tôi. Tôi đã lấy một trong những thói xấu của tôi, thói xấu không phù hợp với hình ảnh của một bác sĩ nhạy cảm và ân cần, để chụp lên Robert.

Những người đang yêu là những chuyên gia trong hành động này. Một vài cặp vợ chồng sống bên nhau mà như những người lạ cùng ngồi trong bóng tối của rạp chiếu phim, người này ghép những hình ảnh không rõ ràng lên người kia. Họ thậm chí không tắt máy chiếu của mình đủ lâu để thấy người đóng vai màn ảnh của cuốn phim gia đình thật sự là ai. Cũng cùng một cách như vậy, John gán ghép cảm xúc giận dữ bị dồn nén của mình lên Cheryl. Mặc dù cô quả thực là một người hay nổi giận, anh cũng thấy phần bản tính của mình trong cô, phần thực thể làm hỏng cái tôi của anh, nghĩa là, không phù hợp với hình ảnh anh mong muốn.

Tình yêu lãng mạn đã được xác định

Nếu chúng ta diễn dịch tình yêu của John dành cho Cheryl bằng những thuật ngữ tâm lý học khô khan, thì đó là một sự hòa trộn giữa sự phủ nhận thực tế, sự chuển di và phép chiếu. John “yêu” Cheryl là bởi vì:

1. Anh đã chuyển những tình cảm của anh đối với mẹ mình sang cho cô.
2. Anh đã “chiếu” sự giận dữ bị che giấu của mình lên sự giận dữ mà cô bộc lộ ra.
3. Anh có khả năng phủ nhận những đau đớn cô gây ra cho anh.

John nghĩ anh đang yêu một con người, trong khi trên thực tế anh đang yêu một hình ảnh mà anh gán ghép lên người đó. Đối với John, Cheryl không hải là một con người thật với những nhu cầu và mơ ước của riêng cô ; cô chỉ là một nguồn thỏa mãn những khao khát vô thức của tuổi thơ của John. Anh yêu với ý nghĩ được thỏa nguyện và giống như Narcissus – với một phần bản ngã của chính anh được phản chiếu lại.

Psyche và Eros

Bản chất ảo tưởng của tình yêu được minh họa tuyệt vời trong truyện thần thoại về Psyche và Eros ; một truyền thuyết được ghi lại từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên. Theo như truyền thuyết này kể thì nữ thần Aphrodite ghen tị với một thiếu nữ phàm trần trẻ tuổi và xinh đẹp tên là Psyche và phật ý trước sự ngưỡng mộ của dân chúng đối với Psyche. Trong cơn giận dữ, Aphrodite đã ra lệnh đưa Psyche lên đỉnh một ngọn núi, nơi cô sẽ phải lấy một con quái vật kinh khủng (ở một vài dị bản của truyền thuyết này, con quái vật được gọi là Death – cái chết).

Cha mẹ của Psyche và dân làng buồn bã đi theo cô lên đỉnh núi, xích cô vào tảng đá và phó mặc cô cho số phận định đoạt. Nhưng trước khi Psyche bị con quái vật bắt, gió Tây thương hại cô đã nhẹ nhàng đưa cô xuống núi tới một thung lũng tình cờ lại là nơi ở của con trai Aphrodite là Eros, vị thần tình yêu.

Psyche và Eros yêu nhau ngay từ khi mới nhìn thấy nhau, nhưng Eros không muốn Psyche biết mình là một vị thần nên giữ kín bí mật của mình bằng cách chỉ đến với nàng trong đêm tối. Đầu tiên Psyche đồng ý điều kiện kỳ lạ này và hạnh phúc với tình yêu mới, trong một lâu đài tuyệt đẹp và một khung cảnh thơ mộng. Thế rồi, một ngày kia, hai chị gái của Psyche tới thăm nàng và ghen tị với số phận may mắn của Psyche, tò mò hỏi về Eros. Khi Psyche không trả lời được, họ reo rắc trong đầu nàng sự ngờ vực, rằng người tình của nàng có thể là một con quỷ xấu xa kiên nhẫn theo đuổi để ám hại nàng.

Đêm đó trước khi Eros lại tới với Psyche, nàng đã giấu một ngọn đèn và một con dao dưới giường. Nếu người tình của nàng đúng là một con quỷ, Psyche quyết định sẽ giết chết hắn. Nàng đợi đến khi Eros đã ngủ say mới khẽ khàng thắp đèn lên. Nhưng khi nàng cúi người tới trước để nhìn kỹ hơn, một giọt sáp nóng tơi từ ngọn đèn xuống vai Eros. Chàng tỉnh dậy ngay lập tức và khi thấy ngọn đèn cùng con dao trong tay Psyche, chàng bay qua cửa số mở đi mất, thề sẽ trừng phạt Psyche vì nàng đã khám phá ra sự thật, bằng cách vĩnh viễn từ bỏ nàng. Đau khổ, Psyche chạy theo Eros, gọi tên chàng, nhưng nàng không bắt kịp chàng, nàng hụt chân ngã. Ngay khi đó, tòa lâu đài và khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp biến mất, và một lần nữa nàng lại bị xích và một tảng đá trên đỉnh núi cô quạnh và dốc đứng.

Cũng như những truyện thần thoại khác, câu chuyện này bao hàm một phần sự thật. Tình yêu lãng mạn quả thực phát triển trên cơ sở “không biết” và trí tưởng tượng. Chừng nào những người đang yêu còn ôm ấp một hình ảnh lý tưởng và không đầy đủ về người mình yêu thì họ còn được hạnh phúc như ở vườn Địa Đàng, Nhưng huyền thoại này cũng có những chi tiết hư cấu. Khi Psyche thắp ngọn đèn lên và nhìn kỹ Eros lần đầu tiên, nàng phát hiện ra chàng là một vị thần đẹp tuyệt trần với đôi cánh bằng vàng. Còn khi bạn và tôi thắp đèn lên để lần đầu tiên quan sát kỹ người mình yêu một cách khách quan, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng họ chẳng phải thần thánh gì cả, họ cũng là những con người chưa hoàn thiện, đầy những khiếm khuyết, những ngược điểm, những tính xấu mà chúng ta nhất định không chịu thấy.

đến chương 5 >>

Read Full Post »