Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘00. Lời dịch giả’ Category

* * *

HARRIET GOLDHOR LERNER Ph.D.

VŨ KHÚC CƠN GIẬN

Hướng dẫn phụ nữ thay đổi những nếp quan hệ mật thiết

 

Nguyên tác: The dance of anger

Người dịch: Hải Phượng

Hiệu đính: TS. Tô Thị Ánh

Nhà xuất bản TRẺ

LỜI NÓI ĐẦU

Khi cầm cuốn sách này lên thì bạn có thể cho phép mình được đi sâu vào tâm lý của nữ giới. Ít khi tôi được đọc những nhận xét sâu sắc về những bước tiến và lùi, diễn tả cuộc đấu tranh trong tâm hồn người đàn bà. Tôi xin ghi lại đây vài ví dụ, nói lên sự độc đáo và chiều hướng của tác giả:

Trong chương I: “Sự thách thức của cơn giận”, ta thấy thế nào là đối xử với nhiều nữ tính: “Chúng ta hướng năng lực đầu tiên vào việc che chở cho người khác và bảo vệ hòa khí trong mối liên hệ, thay vì nhìn rõ vào bản thân mình. Với thời gian, chúng ta mất dần sự sáng suốt vì chúng ta dành quá nhiều cố gắng để thăm dò phản ứng của người kia và càng ngày càng giảm bén nhạy về những cảm nghĩ và ước vọng của mình”.

Tác giả giải thích tại sao ta thường bất bình trong cuộc sống: “Sửa đổi và kiểm soát người khác là việc không bao giờ thực hiện nổi. Trong khi dùng hết sức mình để thay đổi kẻ không thể sửa đổi được, ta đã quên không sử dụng một khả năng, đó là khả năng thay đổi chính mình”

Và đây là điểm chính yếu trong đời sống con người, đem đến niềm vui hay nỗi buồn cho những chuỗi ngày chúng ta: “Người ta đến văn phòng nhà trị liệu hay bệnh viện tâm thần và nói: “Xin cho biết cái gì trục trặc nơi tôi?” thay vì nói đúng cái điều cốt yếu: “Xin cho biêt cái gì trục trặc trong quan hệ giữa tôi với vợ tôi (hoặc với chồng tôi, với con tôi)”.

Đọc lại nhiều lần những trang này, tôi thấy có hai ý được tác giả chú trọng, đó là sự trong sáng và sự thay đổi.

Trước hết là sự trong sáng: “Vai trò của cơn giận là thúc đẩy sự suy tư trong sáng hơn về cái tôi , nó thúc đẩy ta phải đặt những câu hỏi rõ ràng, nêu lên những lời phát biểu minh bạch để giải quyết vấn đề. Tôi là ai ? Tôi muốn gì? Tôi xứng đáng được hưởng cái gì? Đó là những câu hỏi căn bản ta cần thấu triệt trong mọi hoàn cảnh.

Ý thứ nhì là sự thay đổi. Nếu muốn mối quan hệ mà ta thường trách móc được tốt hơn, ta phải thay đổi cách cư xử. Không thể lập lại một nếp cũ, vốn đã dẫn chúng ta đến bế tắc rồi. Thay đổi là: nói giọng dịu dàng hơn, có những cử chỉ gần gũi hơn, có được những hành vi thoải mái hơn…

Cuối cùng, giữa quan hệ tốt và cái tôi vững mạnh, bạn nên chọn cái nào? “Chúng ta do dự giữa hai thái độ: hoặc có được một quan hệ tốt, hoặc có được một cái tôi vững mạnh. Cuốn sách này có tham vọng muốn giúp chúng ta đạt được cả hai”.


Trước khi kết thúc, tôi muốn nhắc lại lời tác giả: “Phần bản ngã sâu thẳm của chúng ta là sợ, và chống lại sự đổi thay. Mỗi chúng ta thuộc về một nhóm hay một hệ thống lớn hơn, và bất cứ đổi thay nào cũng gặp phải chống đối mạnh mẽ. Chính những người thân thiết nhất với chúng ta thường muốn chúng ta cứ giữ nguyên như cũ, mặc dầu bề ngoài vẫn công khai chỉ trích, than phiền chúng ta”.

Chúng ta không thể bắt kẻ khác thay đổi bước nhảy của họ trong một bản khiêu vũ, nhưng nếu chúng ta thay đổi chính bước nhảy của mình thì bản khiêu vũ không còn có thể tiếp tục theo nhịp điệu cũ được nữa”.

Mong các bạn sẽ hài lòng khi làm quen với bà Harret Lerner và sự tiếp xúc đó sẽ làm nhẹ nhàng những giờ phút các bạn phải phấn đấu để tìm được niềm vui sống.

TÔ THỊ ÁNH – Tiến sĩ tâm lý

– – – – –

MỤC LỤC

Lời nói đầu

Chương 1. Sự trách thức của cơn giận

Chương 2. Biện pháp cũ , biện pháp mới và biện pháp đối phó

Chương 3. Điệu múa giữa hai người

Chương 4. Trở lại mái nhà xưa

Chương 5. Biết cách sử dụng cơn giận

Chương 6. Nghiên cứu di sản gia đình

Chương 7. Ai chịu trách nhiệm về điều gì?

Thay lời kết

– – –

đến chương 1 >>

Read Full Post »