Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘20. Anh chị em… ch. E4’ Category

II. Bản dịch cuốn “TRẺ EM VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH”

E. Anh chị em: sự ganh đua

E4. Những trường hợp đặc biệt 

A. Trẻ sinh đôi

Việc nghiên cứu cách ứng xử của những trẻ sinh đôi có lợi ích lớn về lý thuyết. Nó có thể giúp cho sự hiểu biết những quan hệ anh em ở trạng thái thuần túy nghĩa là không kể đến tuổi và thứ tự trong gia đình.

Người ta biết rằng việc nghiên cứu những trẻ sinh đôi cho những bằng chứng có hiệu quả về vai trò của di truyền và hoàn cảnh tùy theo chúng là sinh đôi từ một trứng hay hai trứng. “Trên số đông, nếu một tính cách nào đó thấy có sự phù hợp ở những trẻ sinh đôi cùng trứng nhiều khi không hòa hợp ở những trẻ sinh đôi hai trứng thì tính cách đó là do di truyền. Ngược lại, những sự khác nhau nhận thấy ở những trẻ sinh đôi cùng trứng được coi là ảnh hưởng của hoàn cảnh” (Kammerer). Như trên chúng tôi đã nói điều cực kỳ khó khăn là tìm được những trẻ sinh đôi cùng một trứng nuôi tách nhau ngay sau khi sinh.

Những trẻ sinh đôi cùng trứng nói tóm lại chỉ là một cá nhân tách làm hai người có cùng một gia sản di truyền. Ngoài ra cha mẹ nhiều khi có xu hướng củng cố thêm sự giống nhau về thể chất thí dụ như mặc quần áo giống nhau v.v…Những quan hệ giữa chúng về lý thuyết có thể coi như là quan hệ điển hình.

Tuy nhiên Zazzo dựa trên một số lớn những quan sát đã nhận thấy điều đáng ngạc nhiên trên thực tế là giữa trẻ em sinh đôi, bên cạnh những sự giống nhau về thể chất, đối lập lại có những sự khác nhau về tâm lý rất rõ nét mặc dầu di truyền và hoàn cảnh giống hệt nhau. Theo ông, trước hết đó là do hai cá nhân dù giống nhau không thể ở cùng một thời điểm, cùng một nơi, mà mỗi người tiến triển theo thời điểm trong không gian của từng người. Việc nghiên cứu “môi trường vi mô” làm cho Zazzo quan niệm những trẻ sinh đôi trước hết là một cặp hình thành từ hai người bổ sung nhau, có cấu trúc bên trong được xây dựng trên những quan hệ ảnh hưởng tiền nhân và phục tùng như tất cả các cặp. Những quan hệ bổ sung đặt hai trẻ sinh đôi, ngay từ tuổi thơ, vào những vị trí khác nhau đối với thế giới bên ngoài.

Cặp sinh đôi lấy hình mẫu có trước của cha mẹ. Một đứa trẻ tự đồng nhất với một trong hai cha mẹ. Ở đây sẽ là cặp sinh đôi đồng nhất hóa với cặp cha mẹ mà sự thăng bằng của họ sẽ ảnh hưởng đến thăng bằng của cặp sinh đôi. Nếu là sinh đôi cùng trứng thì đương nhiên là cùng giới tính và một trong hai trẻ sẽ đồng nhất hóa với cha hay mẹ khác giới với nó, đó không phải là điều mong muốn.

Những trẻ sinh đôi tạo ra một tế bào khép kín, một thế giới riêng không cần đến kẻ khác, thí dụ nhiều khi chúng có ngôn ngữ riêng chỉ hiểu ngầm giữa chúng với nhau. Sự cách ly tay đôi đó thường dẫn đến hậu quả là chậm trễ về trưởng thành xã hội gắn liền với sự chậm trễ về cảm xúc và tâm lý trong khi trí lực vẫn bình thường. Những trẻ sinh đôi chậm nói hơn những trẻ khác, ít nhất là trong một nửa các trường hợp. Sau này những thích nghi xã hội sẽ không được tốt so với trẻ khác, khi có việc tách rời cặp đôi này thí dụ khi lấy vợ lấy chồng.

Từ việc nghiên cứu rất kiên trì và rất tỉ mỉ chỉ một cặp sinh đôi không cùng trứng, một trai và một gái P.Cahn (22) đã kết luận là chúng ý thức được nhân cách của chúng vào quãng 3 tuổi, không sớm, không muộn so với các trẻ khác ý thức về “chúng ta” đi liền sau khi ý thức được “cái tôi” và củng cố thêm cho nó. Trái với quan niệm của Zazzo, theo P.Cahn sự đối tính của trẻ sinh đôi làm cho chúng được phong phú hơn. Về sự thu nhận tính xã hội, dễ giao thiệp, ảnh hưởng, tích cực của việc sinh đôi rõ nét. Sự khác nhau về giới tính của trẻ sinh đôi cho phép nhận rõ chiều hướng hung tính nổi bật ở đứa con trai, cũng như ở đứa con gái nổi bật chiều hướng quyến luyến hầu như chỉ dành cho anh (hay em) trai sinh đôi với mình. Có lẽ đối với đứa gái, thái độ đó là sự đồng nhất của đứa trai sinh đôi với người cha, còn thái độ hung bạo của đứa trai đối với đứa gái sinh đôi là do nó coi đứa gái là đối thủ chiếm hữu tình mẹ. P. Cahn kết luận bằng cách đưa ra giả thuyết là sự ganh đua anh em trong thời kỳ O- đíp giữa những trẻ sinh đôi khác giới tính không gay gắt bằng giữa những anh chị em bình thường hay giữa trẻ sinh đôi cùng giới tính. Giả thuyết này còn cần có những xác minh đầy đủ. Theo P.Cahn, sự sinh đôi có hai giới tính có lẽ là dạng về tình anh chị em mở ra những khả năng phát triển xã hội và cảm xúc tốt đẹp hơn cả.

B. Con một

Một gia đình chỉ có một đứa con – chưa thể là một gia đình hoàn chỉnh. Đứa con một là một đứa con cô đơn, một đứa trẻ được ấp ủ và phần nhiều là đứa con của những người ích kỷ, và lý tưởng về cha mẹ nó nhập tâm chỉ có thể là một lý tưởng của người ích kỷ. Sự cằn cỗi tự nguyện của cha mẹ làm cho nó ngả về sự cằn cỗi tâm lý. Đối với nó, “cái có” thắng “cái cho”. Ngoài ra hai cha mẹ chỉ có một con và không “cho” sinh ra những đứa khác nữa.

F, Dolto – Marette nêu: từ phía người lớn, người ta cho nó một hình ảnh trì trệ chứ không phải là một hình ảnh sinh động và cuối cùng nó cảm thấy mình là một vật báu và cũng tự nhìn nhận như vậy.

Đó là một đứa trẻ được ấp ủ và được nịnh nọt. Thật vậy người ta ân cần chăm sóc một đối tượng duy nhất trên đời mà nếu mất đi sẽ hủy hoại lập tức tất cả kết cấu gia đình. Người cha thường là một người nhu nhược để vợ xỏ mũi lôi đi. Người mẹ luôn luôn lo lắng về đứa con cho nên khó lòng mà thoát khỏi cách ứng xử bảo vệ quá mức. Bà ta quan tâm đến việc ăn uống, may mặc và bạn bè của nó một cách kỹ lưỡng tới mức đứa trẻ biến thành trò cười của bạn bè nó. Để phản ứng lại, đứa con một tỏ ra khó tính, hay đòi hỏi, đỏng đảnh vì quá dư thừa những sự chăm chút liên tục. Mauco và Rambaud đã ghi sự thường xuyên thể hiện tính chiếm hữu công khai ở các bà mẹ có đứa con một. Nó chiếm tới 53% các trường hợp quan sát trong khi chỉ là 17% với đứa út, 16% với con cả và chỉ 4% với con thứ.

Bà mẹ đòi hỏi đứa con môt phải sạch sẽ trong việc ị đái quá sớm và cái đó gây ra những hiệu quả tai hại. Bà đòi hỏi con phải có một biểu hiện lễ phép rất hình thức, những kết quả học tập thật trội nhiều khi đạt bằng cách nhồi nhét và học tư, phải chọn bạn bè được giáo dục thật tốt đó là những cái tối thiểu mà người ta trông chờ ở nó. Nếu một ngày nào đó bắt gặp nó đánh bạn thì cả một bi kịch xảy ra trong nhà. Nếu nó xếp hạng trong lớp kém đi thì chính thầy giáo có lỗi. Người ta sẵn sàng tránh cho nó những kiểu bạn bè tào lao không được lựa chọn kỹ lưỡng, giữ gìn không cho nó tiếp xúc với cái gì độc hại cho dù là vi trùng hay những lời nói thô tục. Người ta đón trước những ý muốn nhỏ nhất tới mức nó phát chán không còn thấy cái thú vị ham muốn bất cứ cái gì. Nó không được hưởng một kinh nghiệm bản thân nào, cái ích lợi duy nhất đối với nó.

Chỉ sau này người ta mới thấy là nó kém sáng kiến. chỉ quen nhận mà không biết cho, nó sẽ ngạc nhiên khi không thể kết bạn với ai, không biết rằng đó là một sự trao đổi liên tục. Không được chọn những quyết định nhỏ nhất (cái áo, một cuộc giải trí). Nó sẽ thất bại trước những trách nhiệm lớn trong nghề nghiệp hay trong hôn nhân. Ngay cha mẹ của nó có nguy cơ nhận được sự vô ơn, kết quả của tính ích kỷ mà chính họ đã gieo mầm ở nó một cách có ý thức hay không.

Sau cùng, đó đứa trẻ cô đơn. Sống cô độc thì không thể phát triển tinh thần cộng đồng và ý niệm về thực tiễn xã hội mà chúng ta thấy nảy nở và tôi luyện trong sự ganh đua giữa anh em. Việc thiếu hụt đời sống xã hội thích ứng với lứa tuổi được củng cố thêm bằng cách thái độ khen ngợi của người lớn. Đôi khi một đứa bạn nhỏ được bà mẹ chấp nhận qua sàng lọc cho phép nó thỏa mãn ít nhiều ý muốn được tiếp xúc xã hội. Điều nói trên giải thích hiện tượng thiếu kỷ luật học đường thường xảy ra đối với các con một. Có lẽ đó là kết quả của những khó khăn do tiếp xúc lần đầu với những người đồng loại, đặc biệt gay cấn đối với những trẻ chưa được thực tập về cuộc sống chung với nhau từ trong gia đình. Cũng phải nói thêm về tinh thần tự do mà nó cảm nhận được khi chan hòa trong đám đông trẻ, nó cảm thấy ít bị theo dõi hơn ở nhà và nó trả thù lại đối với sự chăm sóc quá mức của gia đình làm cho nó không được tự do thể hiện chính mình (Mauco và Rambaud).

Cũng như con cả, đứa con một thường là đứa xuất sắc về mặt trí tuệ. Sự quan tâm chú ý đến nó cho cho phép nó thể hiện sớm tất cả những khả năng trí tuệ. Nhưng khi đi sâu vào các vấn đề, người ta nhận thấy trên thực tế là ở các mặt cảm xúc, giác quan và vận động, nó vẫn là đứa bé không có chút độc lập của mình. Chỉ có ngôn ngữ là ngoại lệ trong sự chậm trễ về vận động: Nhưng ngôn ngữ không phải là mặt chức năng chuyên nhất của vận động. Và sau này, nó sẽ có một sự thông minh chủ yếu trong nói năng.

Bức tranh có phần u ám về đứa con một thực tế chỉ là một sơ đồ về những mối nguy hiểm đe dọa nó. Tùy theo sức khỏe tinh thần, đứa con một sẽ vượt được hay không phần lớn những trở ngại có nguy cơ chủ yếu để lại mãi ở lúc trưởng thành là tính ái kỷ và ích kỷ gây khó khăn nghiêm trọng cho sự thích nghi xã hội của nó.

Jacquemyns đã làm một cuộc điều tra và nhận thấy là 22% những người Bỉ mong muốn gia đình có trên 3 con và 16% chỉ có 3 con. Những lý do đưa ra ở những người muốn tránh có con hay hạn chế số lượng con chia làm 2 nhóm. Trong gần một nửa các trường hợp là sự ích kỷ của cặp vợ chồng muốn rằng mình không phải từ bỏ những tiện nghi hoặc những khả năng (32%) hoặc nghĩ rằng trẻ con ra đời làm giảm mức sống gia đình (13%). Trong nhóm thứ hai (26%) tức là một phần tư các trường hợp, các cha mẹ không biết những nhu cầu tâm lý thực của trẻ con, nghĩ rằng như thế đảm bảo giáo dục con tốt hơn (16%) hoặc nâng cao triển vọng may mắn trong tương lai (10%). Ngược lại nhiều cha mẹ buồn phiền vì nỗi không thể cho đứa con có thêm em trai, em gái. Người ta có thể dự đoán lá những hậu quả của sự cô đơn này ở trẻ em đỡ nghiêm trọng hơn là ở những trẻ là con một do ý muốn ích kỷ hoặc mù quáng của cha mẹ nó. Vì nhiều khi họ cũng có một khái niệm lành mạnh, nhiều khi vô thức là có anh chị em thì đỡ nguy hiểm hơn là để con một. Và họ sẽ tìm mọi cách để biện giải những bất lợi đó và phần lớn là các bậc cha mẹ đã làm được. Tuy nhiên, đứa con một là đứa trẻ bị thiệt thòi ngay từ đầu không có những cơ may để thành công như những đứa trẻ khác. Nếu nó thích ứng với xã hội thì đó là điều đáng khen.

C – Trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi.

Nguyên nhân việc thiếu quan hệ gia đình trong trường hợp này có thể cho phép nhận biết một cách hầu như thực nghiệm tính chất đích xác và giá trị của sự mất mát mà đứa trẻ phải chịu. Chúng tôi không thể đề cập ở đây vấn đề rộng lớn này đã được J.Boutonier nghiên cứu kỹ, ngoài những dạng có liên quan đến những quan hệ gia đình.

Trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi đều có một tính chất chung là thiếu cha mẹ mãi mãi và không vãn hồi được; ở một thời điểm mà con người hãy còn cần đến cha mẹ trong sự giáo dục. Nhưng đối với một số trẻ em, việc bị bỏ rơi còn bổ sung vào sự thiếu hụt đó những tình cảm nhục nhã và thù oán không thể bỏ qua.

Có rất nhiều yếu tố làm thay đổi những phản ứng của đứa con trước những tình cảnh đó. Một đứa con cả phản ứng mạnh mẽ hơn một đứa con thứ ở cùng lứa tuổi vì những lý do trách nhiệm thực sự hay tưởng tượng thuộc bổn phận của nó. Sự có mặt của các anh chị em nhiều khi giúp cho sự bù đắp tình cảm tốt lành mà đứa con một không được hưởng, nó cũng cho phép những đứa nhỏ tuổi hơn có thể tự đồng nhất với một người anh cùng giới tính khi thiếu người cha hay người mẹ. Tính khí riêng của đứa trẻ và thực trạng tình cảm gia đình có thể biến đổi một tai họa đối với nhiều đứa trẻ trở thành một “cơ may được đơn côi”. Những hoàn cảnh dẫn đến việc mất mát đột ngột hay từ từ sau khi bệnh tật kéo dài, những hậu quả của sự mất mát đó đối với hoàn cảnh xã hội của gia đình nhất là sau khi người cha mất đi (những khát vọng bị tước đoạt, bỏ học, nghèo khổ) cũng đều có ảnh hưởng. Những phản ứng cũng khác nhau đối với cái chết của người cha, của người mẹ hay của cả hai và tùy theo người cha hay người mẹ còn lại có lập gia đình hay không.

Nhưng yếu tố chủ yếu là lứa tuổi mà đứa trẻ bị mồ côi hay bị bỏ rơi. Hai thời điểm xấp xỉ 7 tuổi và 10 tuổi giúp cho việc phân nhỏ những phản ứng làm 3 thời kỳ khác nhau.

Trước 7 tuổi những hậu quả trên thực tế hầu như không đáng kể nếu đứa trẻ quá nhỏ và những người thay thế cha mẹ tương xứng. Nhưng ngược lại hoàn toàn nếu sự mất mát đó dẫn đến sự thiếu hụt tình cảm kéo dài. Đối với trẻ lớn hơn, những phản ứng tức thời mơ hồ và gây bối rối, nỗi buồn phiền của những người xung quanh làm cho trẻ lo sợ, nó biểu hiện sự oán hận trước sự ác ý của các người đã khuất bằng hung tính vì người đó là người toàn năng ở trong tâm trí của nó, thế nhưng không trở về nữa, cái hung tính đó lại được củng cố thêm bằng những mắng mỏ của những người xung quanh không hiểu nổi nó lại cho rằng “ác ý” của nó phạm thượng trong tình huống đau buồn như thế.

Về mặt trí lực, đứa trẻ thiếu được kích thích và trình độ của nó bị ảnh hưởng. Về mặt cảm xúc, nó không thích nghi dễ dàng với sự thay đổi môi trường, cách yêu thương, bằng yêu sách “món nợ đối với nó”, nó trở nên hay đòi hỏi, cố chấp, ghen tị, tham lam nhất là sau này trở thành người hay yêu sách hoặc khó thích nghi với đời sống xã hội; đó là trường hợp những cô gái ở các trại từ thiện buông ngay vào người tình đầu tiên do nhu cầu về tình cảm mà các cô không được biết từ lúc nhỏ.

Vào khoảng 5 tuổi, trẻ mồ côi sống ít nhiều về sự có mặt cha mẹ trong tưởng tượng. Nhiều khi, trẻ mồ côi sống ở cô nhi viện (Burlingham và A. Freud) không được người xung quanh đả động đến nỗi tang tóc và gợi nhớ người đã khuất, dễ chối bỏ về thực tế cái chết của người cha hoặc tạo ra một hình ảnh quá lý tưởng, sự thái quá đó ngăn cản nó chấp nhận dễ dàng việc tái giá của người mẹ và tạo nên những tình huống khó xử.

Đối với trẻ mồ côi, việc mất cha mẹ là một thực tế đau khổ nhưng có thể bày tỏ được trong khi đứa trẻ bị bỏ rơi phải chịu đựng thêm nỗi tủi nhục đã có người cha hay người mẹ hoặc cả hai cha mẹ hư hỏng đến nỗi bỏ rơi nó. Nó xấu hổ về cha mẹ nó đã lỗi lầm. Nếu người ta đã dấu cách ứng xử thật của cha mẹ nó, nó cũng có thể tái tạo theo ý nó như đứa trẻ mồ côi và đề tài “không gia đình” và con-của-hoàng-tử-bị-những-người-lang-thang-cướp-đi làm dịu những nuối tiếc của nó, cho đến một ngày mà sự phát hiện vụng về làm sụp đổ sự tưởng tượng bù trừ, gây nên một chấn thương tình cảm đôi khi hoàn toàn vì chấp nhận sự bỏ rơi của người mẹ còn khó hơn là chấp nhận cái chết của mẹ. Từ giờ phút đó, đứa trẻ có thể chìm sâu trong tình cảm tự ti, được củng cố thêm bằng những xu hướng ứng xử thoái lui (vô cảm, mơ mộng)

Từ 7 đến 10 tuổi, trẻ hiểu rõ hơn, đôi khi có chậm trễ về nỗi bất hạnh mà nó phải gánh chịu. Đó là trường hợp đứa trẻ chỉ òa lên khóc nức nở 3 tháng sau khi mẹ nó chết và luôn miệng nói “không bao giờ, không bao giờ mẹ nó trở về nữa”. Tính chất không vãn hồi của việc mất mát đó tạo ra một sự đè nặng mà đứa trẻ chưa đến tuổi để phản ứng một cách hữu hiệu. Nỗi lo sợ mơ hồ bị bỏ rơi bởi tất cả những người mà nó yêu thương như cha mẹ nó đã bỏ rơi nó, lại càng làm cho nó sợ hãi. Sự đè nặng đó cùng với nỗi thất vọng có thể làm ngừng trệ sự phát triển và ảnh hưởng sâu đậm đến cảm xúc của trẻ “như những cây đang ra hoa bỗng bị một trận sương muối muộn màng” (J.Boutonier). Hậu quả nghiêm trọng nhất của sự thất vọng này ở đây còn là xu hướng từ bỏ, trốn tránh thực tiễn bằng những mơ mộng liên quan đến tuổi thơ hạnh phúc và sau này trong cách cư xử kiểu phân liệt đôi khi đáng lo ngại.

Sau 10 tuổi, đứa trẻ có những phản ứng gần giống người lớn. Nó có nỗi buồn thương thật sự thể hiện ở một sự giải tỏa tốt. Nhân cách sâu kín của nó ít bị tác động hơn. Nguyên tắc chung là quá trình tự lập hóa được thúc đẩy nhanh hơn: người ta có thể khẳng định việc này trong những trường hợp trẻ mồ côi trong chiến tranh đã được sống bên cha mẹ ít nhất đến 7 tuổi và sau khi cha mẹ chết đã được tập hợp lại trong các trại trẻ.

Điều đáng sợ hơn cả là những nỗ lực mà trẻ làm để thay thế người đã khuất bằng cách đảm nhiệm một gánh nặng quá lớn; thường là bị thất bại và thất vọng. Thực tế này thường xảy ra ở các con gái muốn thay thế mẹ, tự nấu nướng, chăm sóc các em nhỏ và không thành công mặc dầu cô gái có thiện chí đảm đang. Từ đó nảy sinh nỗi oán hận đối với người cha dượng hay mẹ kế đến thay thế và nó giận không chỉ vì người đó đã đến chiếm chỗ của người thân yêu mà người đó lại còn thành công ở chỗ nó đã bị thất bại.

Việc mất cha hay mẹ là một sự mất mát không thể vãn hồi được. Người ta chỉ có thể bù đắp sự thiếu hụt mẹ cha, người ta có thể thế chỗ của mẹ cha nhưng người ta không thể thay mẹ cha được.

J. Boutonier cho rằng muốn thay cha mẹ trong tâm trí đứa trẻ là không thể được và có hại; người ta chỉ nên kế vị thôi trừ trường hợp trẻ còn rất nhỏ.

Từ sự không nhận biết một thực tế khó chịu đó đã dẫn đến sự thất bại của biết bao bà mẹ kế, ông cha dượng lúc đầu được khích lệ bằng những ý định tốt đẹp.

đến chương F1 >>

Read Full Post »