Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘10. Người cha… ch. C1’ Category

Phần II. Bản dịch cuốn “TRẺ EM VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH”

C. Người cha: uy quyền

C1. Vai trò người cha

Người ta có thể ngạc nhiên vì số trang dành cho người cha tương đối ngắn. Đó là vì 3 lẽ: Việc nghiên cứu chi tiết về tổ ấm gia đình và những sự ly tán của gia đình cho phép hình dung nhiều dạng khác nhau của vai trò dành cho người cha trong gia đình; Những điều chúng tôi nói về bà mẹ trong vài trường hợp có thể áp dụng cho ông bố nhưng phải có sự những sự điều chỉnh cần thiết; Đối với trẻ em, ít ra ở những năm đầu tiên ông bố không có vai trò trực tiếp quan trọng ngang bà mẹ tuy vai trò gián tiếp vẫn cần thiết vì là thành viên của tổ ấm gia đình và nhất là chỗ dựa về kinh tế cho gia đình.

Sự nhập cuộc của người cha

Trong thời gian dài người ta đã thừa nhận người cha có vai trò quan trọng ngang hàng với người mẹ trong quan hệ với con, chủ yếu là do quan tâm đến sự tương xứng hơn là do hiểu biết khách quan trên thực tế.

Những năm gần đây, những nhận xét khoa học chặt chẽ khẳng định tính chất sinh học cần thiết của sự chăm sóc con của người mẹ đã bỗng nhiên đẩy người cha xuống hàng thứ hai của gia đình đến nỗi một số người còn cho rằng người cha không có vai trò gì cho đến khi con đạt 7 tuổi. Tóm lại người ta trở lại quan niệm cổ đại về trẻ em (chủ yếu là với con trai) phó mặc nơi khuê phòng bên các bà cho đến khi 7 tuổi mới giao cho các ông để rèn luyện theo nam tính từ tuổi đó.

Người cha bị tước bỏ dần những vai trò xã hội, tâm lý và giáo dục vì lợi ích của người mẹ, đến nỗi người ta tự hỏi rằng liệu người cha có còn cần thiết hay không vai trò sinh học của sự truyền giống cũng đến lượt giảm đi trước những tiến bộ của sự thụ tin nhân tạo và sự sinh sản được gây ra.

Hai quan niệm nói trên đều sai lầm cũng như tất cả những thuyết tuyệt đối cứng nhắc. Vai trò người cha không tìm thấy trong sự bình đẳng giả tạo với người mẹ, cũng không chia một cách căn bản theo thời gian.

Những ảnh hưởng của người cha người mẹ khác nhau về chất, tầm quan trọng biến đổi theo tuổi của con và trong mọi lúc đều dính nhằng nhịt một cách sâu sắc trong những tác động và những hậu quả của chúng.

Theo D. Burlingham và A. Freud, bắt đầu từ năm thứ hai, tình cảm mà đứa con dành cho cha sát nhập vào đời sống tình cảm của nó và trở thành một thành phần cần thiết của những lực phức tạp góp phần tạo nên tính tình và nhân cách đứa con.

Theo H. Codet và Laforgue thì việc người cha gia nhập đời sống đứa bé rõ ràng là bất lợi:

Từ lúc cai sữa, người mẹ rút khỏi đứa con, thường đi về phía người cha và đứa bé phải học nhường người cha… Người cha là sự tượng trưng, dạng đầu tiên của thế giới bên ngoài mà tất cả đều hội tụ vào đó. Người cha không thuộc về đứa con như người mẹ nuôi dưỡng; ngược lại ông ta thống trị gia đình và do đó đứa bé thấy ông như một người cạnh tranh mà nó muốn chống lại… Nếu như người cha không làm cho con yêu mình… sự xung đột sẽ xảy ra với đứa con người cha hiện ra như một kẻ thù, hình ảnh đó ăn sâu vào trí nhớ của nó”.

Nếu người ta muốn hình dung một cách năng động và thực dụng về tầm quan trọng của những quan hệ riêng bình thường của người cha người mẹ với đứa con trong quá trình tiến triển, người ta có thể xác định gần như vậy. Lúc trẻ mới ra đời, vai trò người mẹ đi từ đỉnh cao và giảm dần một cách từ từ cho đến lúc mất hẳn khi đứa con đạt đến tuổi trưởng thành. Vai trò người cha, lúc trẻ mới sinh rất nhỏ tuy không phải là số không, tăng dần lên cùng lúc với sự giảm dần của vai trò người mẹ. Từ quãng đứa trẻ lên 7 tuổi thì vai trò của cha mẹ ngang nhau và cả hai giảm dần một cách song song cho đến khi đứa trẻ đạt mục tiêu mong muốn là sự tự lập hoàn toàn của đứa con cho phép thay thế quan hệ trẻ con đối với cha mẹ bằng quan hệ giữa người lớn với người lớn.

Uy quyền của người cha

Đứa trẻ trông mong tình yêu thương của người mẹ còn với người cha trước tiên là uy quyền.

Tình yêu thương của mẹ và uy quyền của cha là 2 trong những nền tảng cần thiết để có sự cân bằng tốt trong những quan hệ gia đình. Chúng tôi nhắc lại là điều đó không ngăn cản người mẹ có một mức uy quyền nào đó đối với các con cũng như người cha biểu lộ sự trìu mến của mình. Nhưng thứ bậc của các vai trò mỗi người cần được tôn trọng vì lợi ích duy nhất của đứa con.

Uy quyền không phải là chuyên chế. Michaux đã xác định như sau:

Hầu hết trẻ em thích được cảm thấy trên chúng có sự bảo vệ của một thứ uy quyền, nhưng chúng thích cái đó có mức độ vừa phải và công bằng vì trong thực tế cũng như trong cuộc chơi, chúng có sự ham thích những kỷ luật quân đội có thứ bậc. Trẻ em luôn luôn khinh và thường là ghét những người áp chế chúng và cả những người bảo vệ đương nhiên mà sự bất lực làm cho nó thiếu chỗ dựa mong muốn. “Làm sao cho tôi yêu được mẹ tôi? Bà tha thứ cho tôi tất cả” một đứa trẻ nói với chúng tôi như vậy. Đứa bé này áp chế mẹ nó từ khi cha nó bị bắt làm tù binh và những rối loạn ở nó biến hết khi cha nó trở về nước. Câu suy nghĩ đó đặc biệt gợi cho chúng ta phải ngẫm nghĩ. Đứa trẻ không nói “Làm sao tôi sợ mẹ?” hay “Làm sao tôi kính trọng mẹ?” mà lại nói “Làm sao tôi yêu được mẹ?”. Đối với nhiều trẻ em hư thì sợ, kính trọng, yêu thương đồng nghĩa với nhau hay ít nhất những khái niệm kề nhau, không rời nhau không có tình yêu mà không có sự kính trọng, không có kính trọng mà không sợ và ngược lại; không có nhu nhược mà không có khinh thường, không có khinh thường mà không ghét”.

Uy quyền và tình yêu thương không có gì mâu thuẫn nhau mà hòa hợp với nhau, bổ xung lẫn nhau và đôi khi ảnh hưởng lẫn nhau. Khái niệm công bằng phải là cơ sở của uy quyền vì trẻ em không thể chịu đựng dù chỉ một chút bất công. Uy quyền cũng cần có mức độ là tất nhiên là cũng phải có thứ bậc; nó không thể cho vung phí và cũng không được phân phát một cách mù quáng.

Người cha hỗ trợ người mẹ

Trong thời kỳ đầu tiên của tuổi thơ sự ứng xử của người cha đối với con cũng không quan trọng hơn những người thân ân cần khác như người bà, người giúp việc v.v… Trên thực tế người mẹ chiếm hết trường tình cảm của đứa bé và người cha có thể lộ rõ tác động của mình vào đứa bé một cách gián tiếp thông qua người mẹ. Một người vợ được yêu thương và hạnh phúc, không có những lo âu chính về gia đình, có rất nhiều khả năng cho con mình một tình thương lành mạnh, trong sáng, cân bằng, không thái quá trong khi người vợ bị đau khổ, vì sự vũ phu, sự vô tâm hay sự lăng nhăng của chồng không thể cho con được. Chính những người chồng xấu tạo ra những bà mẹ lạm dụng.

Vai trò gián tiếp của người cha không giảm đi khi vai trò trực tiếp tăng lên. Người cha đứng bên cạnh hay đứng sau lưng người mẹ thì hay hơn, để mà giúp đỡ và an ủi những lúc mẹ mệt mỏi và lo âu, đó là những phản ứng bình thường do vai trò yêu thương làm cho sự nhạy cảm phải vận dụng thường xuyên.

Người cha cũng phải đứng sau người mẹ khi người mẹ có tác động giáo dục đối với con. Nhưng có hai mối trở ngại cần tránh. Cái thứ nhất là muốn bao biện tất cả; cần phải để người mẹ chăm sóc những cái tỉ mỉ thông thường và những sự trừng phạt nho nhỏ mà đứa bé dễ chấp nhận vì nó mơ hồ cảm thấy là những cái đó thật sự không làm nguy hại đến tất cả tình mẹ. Cái thứ hai là trở thành ông bố dữ tợn, đáng gờm, mù quáng, không có lòng thương xót, một ông bố “dữ đòn”. Không phải đã quá lâu cái thời roi vọt được gắn liền với ông bố và “cho vài roi” được coi như là biện pháp phòng ngừa đáng kể. Việc đe dọa mách cho bố biết những “lỗi” của con có thể hữu ích với điều kiện là được sử dụng có ý thức và không thái quá để tránh gây cho trẻ lo hãi quá mức và cũng phải đôi khi thi hành để khỏi gây cho trẻ một sự thờ ơ diễu cợt trước một quả pháo xịt ngòi.

Với mục đích đó, trong mọi trường hợp và mọi giả thiết, dù ý kiến riêng ra sao, người cha nên tán thành mù quáng và ủng hộ mà không nói ra những ý kiến và những quyết định của người mẹ trước mặt con dù sau đó phải bàn cãi đối đầu với người mẹ. Chúng tôi không nhắc lại ở đây những sự cần thiết rất tầm thường như vậy về mặt giáo dục nếu như chúng tôi không nhận thấy rằng những cái đó mới chỉ được áp dụng trong một số ít gia đình mà thôi. Người cha có điều kiện thuận lợi để phê phán người mẹ về những sai lầm hay những vụng về mà bà mẹ không thể tránh khỏi trong khi phải có những tác động liên tục và đôi khi mệt nhoài với các con. Không dính dáng trực tiếp vào những chi tiết nhỏ có thể giúp cho việc phán xét được khách quan hơn nhưng cái đó lại tước đi mọi quyền phê phán nếu không phải là ân cần và ngoài tai trẻ con. Chúng tôi nhắc lại là tất cả những gì bộc lộ một sự rạn nứt trong khối thống nhất cha mẹ dù là bề ngoài hay thực sự, xét đến cùng đều có hại đối với con dù ý định ban đầu có tốt đến mấy. Về điểm này vai trò người cha là luôn luôn ủng hộ người mẹ và chỉ khi nào không có các con mới nhẹ nhàng và ân cần “gẩy cái mảnh rơm mà ông ta ngỡ thấy trong mắt vợ, không quên rằng trước hết hãy loại bỏ cái dầm trong mắt mình”.

Những sự can thiệp trực tiếp của người cha

Vai trò hơi lu mờ bề ngoài, hành động “vì người mẹ cho mượn tên” thường khó thực hiện hoặc là sự mờ nhạt của người cha gần giống như sự vô tâm, hoặc là ngược lại những can thiệp trở nên quá thường xuyên, nhỏ nhặt và chuyên chế. Tuy nhiên người cha cũng có một vai trò trực tiếp đối với các con. Khi sự can thiệp là cần thiết, trong chừng mực có thể dứt khoát, nhanh, kiên quyết, tức thời và có mức độ: dứt khoát vì phải áp dụng vào sự việc rõ ràng và hiện hành chứ không cho phép nhắc lại hàng loạt những lỗi lầm đã qua hoặc sẽ tới; nhanh vì những điều nói rõ càng ngắn càng tốt thì những hình phạt cũng vậy, kiên quyết vì một khi đã ra quyết định, ngay cả bởi người mẹ trước đó, cần được thi hành một cách không thô bạo cũng như không bỏ dỡ; tức thời bởi vì một hình phạt, nếu có thể, không được làm u sầu thời gian sắp tới trước mắt đứa trẻ; có mức độ bởi vì nó phải tương ứng với lỗi lầm cũng như với nhân cách đứa bé: người ta không phạt một tội như nhau ở trẻ lỳ và trẻ đa cảm vì đứa trẻ đa cảm đã bị trừng phạt bởi chính sự lo lắng của nó; với lỗi lầm như nhau, việc phạt nặng hơn đối với trẻ lớn hơn và đứa đã hiểu rõ hơn quan niệm về trách nhiệm. Thật là những đòi hỏi lớn lao mà những tình cảm và tính khí người cha đã từng chịu đựng nhiều biến đổi bởi nguyên nhân bên ngoài, phải cố gắng thích ứng.

Uy quyền người cha tất nhiên là then chốt của sự hòa hợp trong gia đình. Nhưng nó đòi hỏi một sự điều chỉnh tế nhị biết bao; có những người sử dụng uy quyền như bàn tay sắt, những người khác dễ dãi và nhu nhược cả hai đều không đúng. Một người cha quan tâm đến việc giáo dục con cái một cách thông minh không điều khiển con bằng cách áp đặt cho nó cách suy nghĩ, cách cảm nhận mà phải quên cá nhân mình đi để đi sâu vào tâm tư tình cảm của con như đó là của chính mình. Người cha mang những ánh sáng của trí tuệ và kinh nghiệm của mình đến với con người non trẻ mà ông ta mỗi lúc đều chia sẻ những cảm xúc và tình cảm. Xung đột sẽ xảy ra khi người nọ không đặt mình vào địa vị người kia. Trái tim người cha và trái tim người con không bao giờ hòa cùng một nhịp. Cả cuộc đời ngăn cách họ” (G. Robin)

Đó là cách ứng xử lý tưởng đề xuất cho người cha có lòng nhân từ, với kiểu đó vai trò uy quyền có vẻ khá bạc bẽo. Câu ngạn ngữ dân gian: “yêu cho roi cho vọt” chứng tỏ là không có quyền uy thực sự. mà không có tình yêu thương. Tình yêu thương của người cha có thể biểu lộ cách khác hơn là trong việc thi hành những hành động tỏ rõ uy quyền cần thiết. Có hàng nghìn cách biểu lộ. Đó là một công việc khó hơn là người ta suy nghĩ để biết, thí dụ như lắng nghe một đứa trẻ với tất cả sự chú ý mà đứa bé mong muốn. Trẻ con quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt, về nhiều vấn đề không thật sự quan trọng đối với người lớn, nhưng chính sự thu nhận những chi tiết đó, việc giải đáp những vấn đề giả đó sẽ biến đổi đầu óc trẻ con thành trí tuệ người lớn. Với sự quan tâm được duy trì và lòng kiên nhẫn không mệt mỏi, người cha có thể giúp cho sự phát triển hài hòa trí khôn trẻ em. Khi bị lôi cuốn vào việc trò chuyện hay tranh luận với con, người cha có một xu hướng vừa tự nhiên vừa đáng tiếc là muốn giải quyết tất cả mà không cần tranh luận với con, thậm chí khinh thường những ý nghĩ phi lý và những ý kiến của trẻ có thể bắt bẻ lại mà áp đặt ý kiến của mình không cần lôi thôi. Người cha cũng không được làm mất uy tín và uy quyền của mình bằng cách sa đà vào những cuộc cãi vã với trẻ con, không đè bẹp nhân cách của con mới được hình thành bằng sức nặng kinh nghiệm và uy quyền của mình. Tất cả là vấn đề mức độ.

Người cha là người nắm quyền hành cũng nắm luôn công lý. Vì vậy những cách giải quyết dễ dãi của ông bố đề ra có nguy cơ sa vào độc đoán. Ở đây cũng có hai mối nguy: hoặc cắt ngang bằng một câu “cứ thế vì phải như thế” đôi khi cần thiết hoặc sa vào trò cãi vã không dứt vì những vấn đề không có gì là quan trọng cả: chia một cái bánh ra những phần bằng nhau hay những chuyện nhỏ nhặt giữa trẻ con với nhau. Đại diện cho công lý, người cha cần phải làm cho con chấp nhận những bất công tương đối để trẻ biết rằng một sự công bằng tuyệt đối không bao giờ có trong đời sống xã hội mà đời sống gia đình tượng trưng cho một quy mô thu nhỏ của đời sống xã hội. Những sự bất công không tránh khỏi và cần thiết giữa trẻ ở lứa tuổi khác nhau và giữa trai và gái sẽ được trẻ dễ chấp nhận hơn nếu chúng thấy được thừa nhận bởi người cha mà chúng vẫn tin vậy về sự công bằng thường ngày.

Người cha, đối tượng của sự đồng nhất

Trong thời kỳ Ơ-đíp, tương tự như người mẹ đối với con trai, người cha cũng được con gái gắn bó tha thiết. Tất cả cách ứng xử, tất cả những sự can thiệp trực tiếp hay gián tiếp cũng sẽ phải hướng cho con trai của mình một hình tượng đồng nhất hóa đủ giá trị để nó vượt qua mối xung đột nhất thời thù địch-cảm phục, tiến tới chấp nhận hoàn toàn nam tính tượng trưng ở người cha. Uy tín của người cha ít phụ thuộc vào những gì ông ta làm hoặc nói mà vào tất cả những gì ông ta thực sự có. Người ta không lừa dối được lâu dài một đứa trẻ mà hung tính của nó thúc đẩy nó đi tìm điểm yếu ngay trong lúc nó sẵn sàng thán phục một người mà nó muốn tự đồng nhất. Giá trị và thành đạt về nghề nghiệp, đời sống đạo đức, dáng đi đứng, những năng lực trí tuệ, sự ham thích mạo hiểm, sức mạnh uy quyền, tất cả đều góp phần vào việc xây dựng nhân vật lý tưởng. Nếu có thể, người cha còn mệt mới làm được để đáp ứng những đòi hỏi đó.

Một trong những mối nguy hiểm nhỏ nhất không phải là cái việc muốn làm thiên thần thì lại thành con vật và phô cho con trai mình hình tượng một “người cha cao quý” thuộc loại làm kho danh mục, nhân vật này sẽ bị sụp đổ biến thành trò cười ngay khi đứa trẻ đủ khả năng tự suy xét, nghĩa là trước khi quá trình tự đồng nhất kết thúc vai trò của nó.

Những năm gần đây đặc biệt từ 1968 người ta đã nói nhiều, viết nhiều về việc xem xét lại uy quyền, vai trò chính của người cha. Với một số người, những phản ứng mãnh liệt thể hiện một sự phẫn nộ hơi chậm đối với uy quyền tượng trưng bởi người cha khi mà mặc cảm Ơ-đíp lẽ ra phải kết thúc. Với những người khác, đặc biệt là với A. Stéphane không còn là vấn đề vượt qua những sự sợ hãi Ơ-đíp mà ngược lại là tránh mặc cảm Ơ-đíp tấn công người cha, làm mất uy tín ông ta có nghĩa là chối bỏ hoàn toàn tự đồng nhất với người cha, có thể không phải là gắn với ý muốn chiếm chỗ người cha mà sự loại bỏ đơn thuần chức năng làm cha và một mưu toan tiêu diệt tận gốc cái ham muốn vô thức sẽ đến lượt “làm cha”. Kết quả của sự tránh né mặc cảm Ơ-đíp nghĩa là tránh uy quyền người cha và sự đụng độ với uy quyền đó, đứa trẻ có nguy cơ nhảy qua một quá trình cần thiết cho một sự trưởng thành bình thường.

Năm 1972, G. Deleuze và F. Guattari đã có những quan điểm chống ngay cả khái niệm mặc cảm Ơ-đíp. Với những tác giả này “phân tâm học là một sự đồi bại lớn lao, một thứ thuốc độc, một sự cắt đứt cơ bản với thực tế, bắt đầu bằng thực tế về ham muốn, một sự ái kỷ một sự tự tỏa quái đản. Phải tiêu diệt Ơ-đíp, hành động của cái Tôi, bóng ma Siêu Tôi…”. Đối với họ, phải sớm trút bỏ cái chủ nghĩa gia đình của thế kỷ 19 đã áp đặt cái ách người cha cho tất cả, đó là sự cưỡng chế của trật tự thiết lập. Phân tâm học được tưởng như là kỹ thuật và thực hành của sự giải phóng thực ra không đóng góp gì cho việc thiết lập tự do xã hội.

đến chương C2 >>

Read Full Post »