Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘12. Trẻ nhiễu loạn TL’ Category

Chương XII

CHĂM SÓC, DẠY DỖ  TRẺ BỊ NHIỄU LOẠN TÂM LÝ

Chăm sóc và dạy dỗ

Giúp phát triển thể lực, trí tuệ và có quan hệ tốt với mọi người, cuối cùng tiến tới có một nghề nghiệp với khả năng và sở thích là những mục tiêu chung cho việc chăm sóc dạy dỗ trẻ em, bình thường và bất bình thường. Phương pháp vận dụng đối với những trẻ em mắc những bệnh chứng tâm lý mang những đặc điểm mà những người chăm dạy các em, bác sĩ, y tá, giáo viên, đến tất cả những người cấp dưỡng cần nắm vững:

– Về một hay nhiều mặt nào đó, các em này dù đã lớn tuổi, vẫn giống phần nào như trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ hay mẫu giáo.

– Không thể nào áp dụng được phương thức của nhà trường phổ thông, tức dạy kiến thức là chủ yếu, theo một chương trình nhất định, có những giờ, tiết cố định, phân theo môn này môn khác, với những lớp đông đảo, trong đó học sinh cặm cụi ngồi yên mấy giờ liền.

– Cũng như trong gia đình, đối với những con nhỏ, hình thức dạy dỗ rất linh động, tùy lúc, tùy trình độ phát triển của em bé.

Người phụ trách dạy dỗ, phải hết sức kiên nhẫn, đây là những em tiếp thu rất chậm, nhiều khi bị “vướng mắc” về tình cảm, phải  dạy đi dạy lại từng động tác, từng lời nói, lâu lâu lại có những phản ứng bất thường. Người phụ trách không được phản ứng lại, vì quan hệ giữa các em và người lớn là yếu tố quan trọng vào bậc nhất, quan hệ tình cảm căng thẳng làm bế tắc con đường tiến bộ của em bé.

– Nghề dạy dỗ các em này rất bạc bẽo, tiến bộ chậm, có khi hầu như không tiến được tí nào, xã hội ít biết đến, đòi hỏi toàn tâm toàn ý và sức khỏe tốt, lương thường không tương xứng với công sức và trình độ của cán bộ, nhân viên của ngành.

– Lòng thương trẻ là chính, không thể không có, nhưng cũng chưa đủ. Phải có nghiệp vụ, hiểu biết tối thiểu về tâm lý các em và về các phương pháp dạy dỗ để biết chăm chước tùy trường hợp.

– So với nhà trường phổ thông, chi phí cho các em này rất cao. Nhà nước chỉ cung cấp được một phần, phải huy động ba mẹ và toàn thể xã hội đóng góp.

– Ba mẹ và xã hội (cơ quan xí nghiệp, các đoàn thể) không những phải đóng góp về mặt vật chất, còn phải tham gia vào việc chăm sóc dạy dỗ: nhất là không nên tách ly hoàn toàn khỏi gia đình. Việc gia đình tham gia dạy dỗ và trao đổi thường xuyên với những người chuyên trách là hết sức cần thiết. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, ba mẹ cũng có những bệnh chứng hay nết xấu rõ ràng tác hại đến tính tình của con em, thì mới cho trẻ cách ly khỏi gia đình.

Chữa trị và dạy dỗ

Những phương pháp trị liệu y học, đặc biệt sử dụng các loại thuốc an thần, thuốc ngủ, chống trầm cảm, nói chung gọi là tâm dược, trong nhiều trường hợp có tác dụng rõ rệt, nhưng kết quả cao nhất cũng chỉ làm giảm nhẹ những cơn phá phách, hoặc những mối hoảng sợ quá mức, tạo điều kiện cho việc dạy dỗ nhiều mặt được áp dụng dễ dàng hơn. Các loại thuốc này do thầy thuốc chỉ định, gia đình không nên tự tiện sử dụng.
Ngoài ra, các em này về mặt thể chất thường không được khỏe lắm, dễ nhiễm bệnh, cần được chăm sóc vệ sinh chu đáo; cũng dễ bị chấn thương, ăn dễ sặc, có khi tự gây thương tích cho bản thân mình, cần được theo dõi sát hơn trẻ em  bình thường.

&&&

Cho ăn, tắm rửa, dắt tay tập cho một động tác đối với những trẻ em bất thường, dù đã lớn, không có những ý nghĩa vệ sinh hay thể dục mà còn tạo ra những quan hệ tiền ngôn ngữ, quan hệ “ruột thịt” giữa người phụ trách và em bé: da kề da, được vuốt ve, ôm ấp như thời còn được mẹ bồng cho bú. Nếu có bể bơi người phụ trách có thể cùng tắm. Đối với những em mới nhập viện, đang bị choáng váng vì phải xa cách ba mẹ, đây là cách tạo ra quan hệ “hòa bình” giữa người phụ trách và em bé, nhưng quan trọng là biết làm đến mức độ nào và kéo dài bao lâu, vì mục tiêu là để giúp các em tự lập, không phải để các em mãi mãi phải dính chặt vào một người lớn. Cách chăm sóc, này được gọi là phép “mẫu dưỡng”, như là mẹ nuôi dưỡng.

Làm thầy, không làm huấn luyện viên

Tập thể dục cũng không chỉ để thực hiện được một số động tác mẫu, đạt một số thành tích vận động, mà còn có tác dụng nhiều mặt. Trước hết để có nhận thức rõ rệt về thân thể của mình, nhận ra mình đang sử dụng bộ phận nào trong cơ thể, và định hướng được trong không gian. Đứng tập trước một tấm gương giúp các em dễ nhận ra các bộ phận của cơ thể và định hướng các vận động. Đó là bước đầu của phát triển trí khôn. Bước sau là vận động ngôn ngữ: cho các em nói tên những bộ phận của cơ thể, tùy trình độ mà chỉ tên các bộ phận dễ thấy, cho đến tên các bộ phận khó thấy hơn (ví như hai cái xương của cẳng tay, khác với cánh tay chỉ có một xương, cho nắn để thấy rõ). Có thể tập một bài múa hay kết hợp thao tác với một bài ca, bài vè ngắn cho học thuộc lòng.

Lấy thí dụ tập bài “Con gà chọi” cho một số em khờ lại 10, 11 tuổi có khả năng nói thành câu, và khả năng tập đọc. Giáo viên cho xem một bức vẽ với chữ “Con gà”, vừa tập các động tác vừa hát lên bài:

Gà chọi hay đá
Nó đá đằng trước
Nó đá đằng sau
Nhẩy lên nó đá
Nó đá thật đau

Lần thứ hai, viết lên bảng chữ Con gà có bức vẽ và bài tập thể dục.

Giáo viên cắt nhiều phiếu bằng giấy cứng, mỗi phiếu đề tên của các bài như Con gà, Con cóc, Con cò…Bảo các em rút ra phiếu “Con gà” em nào rút đúng cho chỉ huy bài tập thể dục. Sau nhiều lần có một vốn từ và câu, cho phân tích ra: trong gà có g-a- huyền. Có những em phát triển hơn cho học cả bài trong lúc tập.  Sau dùng các từ trong bài ấy để tập phân tích thành vần, thành chữ cái.

Không thể nào áp dụng cách tập đọc theo lối cho học chữ cái, từng vần ghép lại thành từ, thành câu. Phải xuất phát từ một hoạt động gây hứng thú, từ những điều cụ thể trực quan, từ đó tiến lên những ký hiệu trừu tượng. Và phải đi rất chậm, không nóng vội.

Đối với trẻ không thể tập đọc, cần tập nói thường xuyên. Bất kỳ làm việc gì, làm động tác nào, hành động như thế nào. Nói ngắn, gọn, phát âm thật rõ, nói đi nói lại, và để các em nói đi nói lại nhiều lần. Những câu đồng giao kiểu “nu na nu nống”, “chi chi chành chành” là những “bài học nói” rất hay. Một lớp cho trẻ em non dại phải là một “ nơi tắm ngôn ngữ”, học sinh và giáo viên luôn luôn trò chuyện với nhau, chứ không phải là lớp im lặng, chỉ nghe thầy cô giảng bài. Bất kỳ một sự việc gì xẩy ra trong sinh hoạt hàng ngày cũng là một dịp để rèn luyện ngôn ngữ.

Nghệ thuật giáo dục

Học nói, tập thể dục, tập vẽ, ca hát đối với các em hoặc quá non dại, hoặc bị nhiễu loạn nặng về tính tình rất khó khăn giao tiếp với người khác, không thể làm thành những bài, những tiết cố định triển khai theo một chương trình, theo giờ giấc nhất định. Qua trò chơi mà học, giáo viên “dạy chơi” là chính. Những trò chơi nhằm hai mục đích:

– Giúp các em tiếp xúc với đồ vật, tìm hiểu thế giới chung quanh.
– Giúp các em giải tỏa những mặc cảm ẩn náu trong đáy lòng, thông thường là nỗi hoảng sợ ngăn cản tiếp xúc với sự vật và giao tiếp với những người khác.

Có những em hoàn toàn hờ hững với đồ vật chung quanh mình, khác hẳn với trẻ em bình thường, hễ thấy vật gì mới thì vờ lấy mà chơi; có những em trái lại vội vàng chụp lấy cái này, rồi bỏ ngay đấy vồ cái khác, chân tay luôn luôn cử động, khác với trẻ bình thường, là đã thích thú một vật gì, thì tập trung sờ mó, chơi trong một thời gian, khi nào chán mới bỏ. Có những em khư khư ôm lấy một đồ vật không bao giờ rời bỏ, như một “bùa chú” bảo vệ tránh tai họa.  Người phụ trách giúp em này làm sao để ý đến đến một đồ vật nhất định, bỏ thái độ thờ ơ, có khi phải gần như ép buộc em bé chú ý đến, thí dụ buộc  một khăn che mắt, làm em bé phải cởi ra, hoặc lấy một vòng cao su buộc quanh người, em bé phải tháo ra. Có khi phải cầm lấy tay em bé, đưa vào tay cái dùi rồi tập cho em gõ lên một cái trống, có khi phải dắt tay em bé đi tránh một số vật chướng ngại, như phải chui qua một cái dây chặn ngang, hoặc đi vòng qua một cái bồn hoa…Tập cho các em vỗ tay hoan hô, cùng nhảy vòng với các bạn, vừa đi vừa kể một câu vè…

Tóm lại: em bé, người phụ trách, đồ chơi, trò chơi; chủ yếu không  phải lặp đi lặp lại biến thành một hành động rập khuôn, tạo một phản xạ có điều kiện, mà gây sự chú ý của các em, giúp trí khôn phát triển thông qua hoạt động, cho nên hoạt động cần thường thay đổi hình thức,  và những lời bình luận kèm theo những thay đổi. Cũng có em được dẫn ra chơi, lại càng hoảng sợ, càng co mình lại, cho nên cần luôn luôn tỏ thái độ cởi mở âu yếm, và nếu thấy em hoảng sợ thêm nên ngừng lại đợi lúc khác. Vấn đề cũng không cần phải có những trò chơi ngày càng phức tạp, nhưng làm sao em bé có khả năng từ những cử động đơn thuần tiến lên phối hợp nhiều cử động khác nhau thành một hành động có mục tiêu, như lấy nhiều miếng gỗ xây dựng một cái cầu, một cái nhà, lấy mực tô hình một con người, con vật mà các nét đã vẽ sẵn. Thành công tạo ra niềm sảng khoái và tự tin, và người phụ trách không bỏ dịp nào để khen ngợi động viên.

Có những em cần những hoạt động có tính hung bạo mới giải tỏa được nhiều mặc cảm, nhưng không thể cho phép phá hoại đồ đạc, hay đánh, cắn người khác; để cho các em ấy sau khi xây dựng  một cái gì, như một cái nhà được phép hất đổ đi, rồi làm lại, nhưng bao giờ cũng tập cho làm lại, và nếu cần, người phụ trách ấy cầm tay  em bé giúp em làm lại cái nhà đã bị phá đổ. Vì sau khi có những hành động hung hăng, các em dễ bị mặc cảm tội lỗi, mặc cảm này lại xúi có những hành vi bất thường. Phá đi, làm lại giúp giải tỏa hai loại mặc cảm đối lập.

Tình thương và óc khoa học

Để có một ý niệm cụ thể, xin giới thiệu “Trường Tương lai” của thành phố Hồ Chí Minh (197 Phan Đăng Lưu). Một trường khá đặc biệt: lớp học, mỗi lớp  nhiều lắm là 10 đến 12 học sinh, so với những  lớp bình thường 40, 50 em của các trường phổ thông, quả là “chơi sang”. “Sang” hơn nữa là trường có một phòng nhạc với một piano và một số nhạc cụ khác; một phòng vẽ và thủ công với nhiều giấy, bút, màu, có bìa, có gỗ dán, keo, một phòng lao động, trong đó có một số em học dệt chiếu. Đặc biệt là có một phòng chơi; vào đây có một loại búp bê, có đống cát, có những chiếc xe bằng gỗ, bằng thép, có những đồ chơi nhựa trong một lớp mẫu giáo (mặc dù học sinh ở đây khá lớn tuổi), trong một góc có cả một nhà gỗ nhỏ, một hai em có thể chui vào đấy. Trường lại không do một giáo viên hiệu trưởng chỉ đạo, lại do một bác sĩ, vì đây là những trẻ em có bệnh, thường gọi là tâm thần (thực ra gọi là bệnh tâm lý hay tâm tính thì đúng hơn).

Có một số em thoạt trông đã nhận ra ngay chứng bệnh Down, chỉ cần tiếp xúc chốc lát, biết rõ là trí lực rất non kém. Còn những em khác thì sao?

Cô giáo Th. giới thiệu em T. 12 tuổi, con trai nhưng rụt rè như môt em gái nhỏ: vào đây một năm rưỡi, lúc đầu không chịu nói nửa lời, không dám nhìn thẳng vào con mắt người khác, ngồi yên một chỗ, không đòi hỏi gì cả, ai nhìn đến, gọi đến là nhắm mắt vào rồi chui xuống gầm bàn. Từ bé đã nói năng rất khó, hay quấy, đi học mẫu giáo, vào lớp, các cô đều xin trả lại ba mẹ. Ba mẹ dành để ở nhà, ngày ngày sống trong xó, không trò chuyện vui đùa gì cả. Cho đến ngày ba mẹ được tin Trường 197 mới mở, dẫn em đến. Cô Th kể tiếp:

“Trong 4 tháng đầu, tôi cố gắng tìm cách trò chuyện với em, em lẫn tránh, không nói một câu. Rồi em sống trong không khí chung của trường: dự những buổi tập thể dục, ca múa chung, mặc dù không tham gia em vẫn có mặt, vào phòng chơi em muốn chơi gì tùy ý, vào phòng vẽ em muốn vẽ gì cũng được; vào phòng nhạc, tôi cho nghe một vài bản nhạc qua băng cát-xét hoặc tập cho em ca hát. Trong lớp, tôi đặc biệt chú ý đến em, thường nhìn em, học sinh nào trêu chọc em, tôi bắt xin lỗi, vào lớp, bao giờ tôi cũng đến bắt tay từng em một. Và tôi cũng chăm sóc em như trong gia đình: rửa mặt, chải đầu, cắt móng tay, mặc quần áo…Rồi như một mặt hồ mùa đông đóng cứng, băng giá bắt đầu tan, em hỏi tôi một vài câu. Dần dần em kể cho tôi những chuyện xảy ra trong gia đình, kể lại những buổi đi chơi, xem phim, hỏi tôi về việc này việc khác. Sau đó em tham gia những trò chơi với lớp, có khi còn trêu chọc những em khác. Rồi tập đọc, tập viết, tập đếm, bây giờ em đã đọc được, chữ viết thẳng hàng, đếm được đến 50. Nhưng dù sao cũng còn rụt rè khi gặp những người lạ và lâu lâu có những câu hỏi như bị ám ảnh một điều gì:

– Thưa cô có phải cái nhà này sắp sụp đổ không?
– Bức tường kia, có khi nó đổ vào người chúng ta đấy.
– Cái tủ kia, cô ạ, nát hết rồi, đem đốt quách đi.

Bác sĩ chẩn đoán đấy là một ca tự khép kín (autism) Tương lai của em như thế nào, tôi không dám khẳng định, nhưng ba mẹ thì rất mừng khi thấy những tiến bộ của con, và riêng tôi cũng rất vui sướng thấy kết quả gần hai năm trời chăm sóc em.

&&&

Vào phòng chơi, thấy một em khoảng 11, 12 tuổi chơi một mình, khi thì xếp những khối gỗ, khi thì bỏ cát, khi thì giả vờ nấu cơm, dọn bàn ăn với những  bát đĩa tí tẹo. Thầy S. nói: Mỗi em được phép vào đây theo định kỳ trong một thời gian nhất định, thường là một tiếng. Muốn chơi gì cũng được, tôi không can thiệp, trừ phi làm gì nguy hiểm hoặc các em tự ý đến nhờ tôi giúp. Có em phá phách, ném đồ chơi xuống đất, có em chém đứt đầu mấy con búp bê, tôi vẫn để yên, tôi chỉ đóng vai trò chứng kiến khách quan và sẵn sàng giúp đỡ, chứ không làm vai trò lên lớp hay giám thị. Xin kể lại một ca:

“Em C, 14 tuổi, mồ côi, được một gia đình trí thức nhận nuôi. Ông bố nuôi 60 tuổi, một con người ăn mặc rất nghiêm chỉnh, ăn nói hết sức lễ độ và tỏ ra khá nghiêm khắc. Quả là tương phản hẳn với cậu bé, người gầy nhom, áo quần nhếch nhác, lúc đến đây không cần hỏi ai, hai tay đút túi, thoắt vào nhà, không tập trung vào việc gì cả, đứng ngồi không yên. Gia đình sa sút, phải dời về một ngõ hẻm, cậu bé suốt ngày chạy ngoài đường, bạn bè rủ rê mua bán, trộm cắp,  ngày nào cũng quá nửa đêm mới về nhà. Ban ngày nếu tạt về nhà, thấy có gì ngon lành ăn hết, không dành phần ai, rồi lại bỏ đi. Nhiều khi lấy tiền hoặc đồ đạc mang đi bán, “trị” không nổi, ông bố dẫn cháu đến nhờ chúng tôi giúp đỡ.

“Tôi hẹn mỗi tuần hai lần cho em đến phòng chơi. Như thường lệ, tôi để em tùy ý muốn chơi thì chơi, không can thiệp, chỉ chứng kiến. Những buổi đầu, em hơi như một đứa bé mẫu giáo, bỏ trò này sang trò khác, có khi bò lăn ra đất. Sau ba bốn tháng, em bỏ những trò hơi trẻ con, chuyển sang vẽ, vẽ đủ cách, vẽ rất nhanh. Từ thái độ cảnh giác, nghi kỵ đối với tôi, chuyển sang có thể tin cậy hơn. Tôi cũng sợ đây chỉ là cảm giác chủ quan của tôi, nhưng vừa rồi ông bố viết thư cho tôi: Cháu đã tiến bộ, sáng dậy, trước lúc đi học, giúp gia đình nấu cơm, xách nước, ăn uống điều độ hơn, chịu tắm rửa. Chiều về, đi lượm ni lông bán, rồi lại giao tiền cho gia đình. Tôi không muốn con tôi làm như vậy, nhưng dù sao còn hơn lêu lổng trộm cắp. Đến Chủ nhật, chúng tôi lại lấy khoản tiền ấy cho cháu làm tiền túi đi chơi.

Ở phòng bên cạnh, thầy Kh. Dạy một số em vẽ, nói đúng hơn để các em vẽ tự do, có khi giúp một hai mét. Thầy Kh. có đủ dụng cụ vẽ và tạo cho nhà trường rất nhiều đồ chơi có tính nghệ thuật. Cạnh phòng vẽ là phòng lao động, cô M. giúp vài em tập dệt chiếu. Xuống tầng dưới cô Ng. dạy các em tập đọc tập viết. Bác sĩ phụ trách nhà trường cho biết rõ về chức năng của cơ sở này và những điểm chủ yếu trong vấn đề chăm sóc dạy dỗ trẻ em bị bệnh tâm trí:

– Cơ sở chúng tôi là một kiểu “bệnh viện ban ngày”. Sáng, ba mẹ dẫn con đến, chúng ở đây suốt ngày, ăm cơm trưa; chiều, ba mẹ lại dẫn về. Đầu tiên chúng tôi khám kỹ xem về cơ thể có chứng bệnh gì không, sau đó khám nghiệm về tâm lý. Đặc biệt dùng một vài trắc nghiệm (test) để ước lượng trí lực. Tôi xin nhấn mạnh ước lượng, tức là áng chừng thôi, chứ không phải đo lường một cách chính xác. Chúng tôi còn phải dựa vào toàn bộ kết quả điều tra, quan sát, khám nghiệm về các mặt: thể chất, tâm lý, quan hệ xã hội (đặc biệt trong gia đình và đường phố) mới có thể kết luận được. Mà nhiều khi vẫn không thể kết luận vững chắc, vì con người bao giờ cũng rất phức tạp. Điều đáng kỵ nhất trong nghề này là suy luận máy móc, thấy một triệu chứng gì, test phát hiện một điểm nào, liền suy ngay là bệnh gì, cần cho viên thuốc này, cần áp dụng phương pháp này hay phương pháp khác.

Phương pháp chung là dùng nhiều biện pháp kết hợp, có thể nói gọn là trong mấy chữ chăm (tức là chăm sóc) và dạy (tức là dạy dỗ) và chữa.

Chăm sóc về cơ thể, chữa những chứng  bệnh nếu có, từ những cơn kích động cho đến những lở loét; chăm sóc, vệ sinh, tắm rửa, mặc quần áo, ăn uống, dìu dắt chân tay…Cần hiểu rằng những em bé này, tuy đã 9, 10 tuổi vẫn có nhu cầu được bàn tay một người mẹ ( hay một người thay thế mẹ) vuốt ve, ôm ấp. Đút cho ăn, giúp mặc áo quần, tắm rửa, cắt móng tay, chải tóc, cũng là một biện pháp “trị bệnh”.

Dạy dỗ phải kết hợp nhiều mặt: thể dục, ca-múa-nhạc, vẽ, thủ công, lao động, đi tham quan v.v…Đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ, tập nói cho rõ ràng (có khi cần đến những người chuyên môn), và với những em có khả năng, tiến tới tập đọc, tập viết. Không thể nào áp dụng phương pháp lên lớp, giảng bài, nhồi nhét kiến thức như ở trường phổ thông. Phải hết sức sinh động, cụ thể và làm sao cho phù hợp với trình độ của từng cá nhân.

– Thế thì công phu và tốn kém quá!

– Đúng thế. Mỗi giáo viên phụ trách nhiều lắm được mười em, chưa nói còn phải có bác sĩ, y tá, cấp dưỡng. Có thể nói, ở các nước đang phát triển, thì hầu như không có những cơ sở như thế này. Nhà nước hiện nay chỉ cấp cho được nhà và lượng cán bộ, nhân viên. Còn tất cả các chi phí rất lớn là dựa vào cha mẹ, những người hảo tâm và các cấp chính quyền cơ sở, các đoàn thể. Đỡ đầu cho chúng tôi có hội bảo trợ ở cấp quận cũng như cấp thành phố. Không có sự giúp đỡ ấy, chúng tôi không thể làm tròn phận sự. Nhưng vẫn thường xuyên thiếu hụt.

– Có nhất thiết phải đưa tất cả các em vào một cơ  sở như thế này không?

– Cơ sở chúng tôi chỉ tiếp nhận những ca nặng, rõ ràng là bệnh lý. Còn phần lớn là giải quyết ở trong gia đình hoặc ở trường học, ở những lớp học đặc biệt, hoặc thông qua những sinh hoạt của nhóm thiếu niên, thanh niên trong phường, trong quận. Cái khó là đứng trước hành vi bất thường của một em bé, chẩn đoán cho đây là triệu chứng của một bệnh nặng hay chỉ là một phản ứng nhất thời, điều này nhiều khi rất khó khẳng định. Vì vậy cần phải có một đội ngũ chuyên viên về y học cũng như về tâm lý giáo dục hợp sức chẩn đoán mới xác định được biện pháp phù hợp cho từng ca. Bằng không, sẽ có những quyết định rất tai hại, ví như đẩy một em bé đi trại cải tạo hay vào một bệnh viện tâm thần. Ở nước ta ngành chuyên môn này mới bắt đầu, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ.

– Có người chủ trương đưa các em ra một bệnh viện xa thành phố, có nên không?

– Không nên. Vì làm như vậy, nhất là cách ly các em xa cuộc sống bình thường, xa ba mẹ, xa bè bạn chỉ làm nặng thêm những chứng bệnh tâm lý. Xa thành phố cũng khó mà mời những người hảo tâm đến giúp, một nhạc sĩ, đến dạy hay biểu diễn cho các em, một người giúp nghiên cứu khoa học, v.v…Ba mẹ các em, các cán bộ phường và đoàn thể cần chia xẻ trách nhiệm với cơ sở chuyên môn, không thể khoán trắng cho những người chuyên trách.

Bàn về nghiên cứu tâm lý

Hiện nay, ở nước ta chỉ có vài cơ sở như trường Tương Lai ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội có Phòng Tâm lý giáo dục bệnh viện Đống Đa nhưng đơn vị này nằm trong một mạng lưới gồm một số cơ sở khác nhau. Mạng lưới này cũng mới bắt đầu hình thành, với những điều kiện vật chất và tài chính hết sức eo hẹp; hơn nữa nhận thức của xã hội nói chung về các cấp chính quyền và đoàn thể, ít ai quan tâm đến và hiểu rõ vấn đề.

Vì là những vấn đề rất mới đối với xã hội nước ta, mới bước vào giai đoạn đầu tiên của hiện đại hóa. Thêm nữa về cơ bản, các vấn đề này về cơ bản chưa được xác định rõ ràng, những người chuyên trách hiện nay cũng đang lần mò đường đi, noi theo phần nào kinh nghiệm của các nước phát triển, nhưng vì xã hội và tâm lý ở mỗi nước khác nhau cũng khó áp dụng những gì đã được thực hiện ở các nước khác.

Một nhu cầu cấp bách là có một trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo để xác định một cách khoa học các vấn đề, đề xuất và thử nghiệm các phương pháp chẩn đoán và chăm dạy. Một em bé có những hiện tượng bất thường cần đưa đến đó để chẩn đoán chính xác, và từ đó mới đề xuất được những biện pháp chăm dạy phù hợp, mới biết nên đưa đi đâu, cho ở lại gia đình, lớp học chỉ cần ba mẹ và giáo viên chú ý đến một vài điểm, hoặc phải đưa đi một trường lớp đặc biệt, một bệnh viện với chế độ bán trú, tối trả lại cho gia đình, hoặc hoàn toàn cách li khỏi gia đình, hoặc phải giao cho các cơ quan an ninh. Giữa ba mẹ, giáo viên, những người phụ trách đoàn, đội ở cấp phường, cấp trường học, các ban thiếu niên nhi đồng của phường, các cấp chính quyền và an ninh, và một số cơ sở sản xuất cần có phối hợp chặt chẽ.

Đây là là một khoa học liên ngành đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của nhiều ngành, và của nhiều cấp. Hiện nay ta chưa có một trung tâm như vậy, các cơ sở còn đang tìm tòi riêng lẻ, với những phương tiện còn eo hẹp và nghiệp vụ còn non yếu. Điều này thấy ngay từ lâu là trung tâm toàn ý với nhiệm vụ; không được những người như vậy thì không nên tuyển dụng đưa vào: đụng đến tâm lý, tức là đến bản chất của con người không thể giao cho bất kỳ ai (*).

– – –  * ghi chú thêm:

Trong hoàn cảnh hiện nay không dễ gì duy trì một cơ sở như trường Tương Lai tả ở trên: trường Tương Lai đã và cũng đang trải qua những bước thăng trầm nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về nhiều mặt.  Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em, gọi tắt là N.T (N: nghiên cứu, T: tâm lý) là một tổ chức dân lập được phép hoạt động từ tháng 4-1989 đã xây dựng một số phòng khám tâm lý trẻ em ở Hà Nội, thành phố HCM và Huế, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, và đang tiến hành một số đề tài nghiên cứu, đã xuất bản một số sách, tài liệu về tâm lý và tâm bệnh học trẻ em.

CHÚ GIẢI BÀI CHĂM DẠY TRẺ BỊ NHIỄU LOẠN TÂM LÝ

1. Phải chăng bài này chỉ dành cho những người chuyên trách, vận dụng những phương pháp đặc biệt trong những viện chuyên khoa, còn giáo viên bình thường hay gia đình không thể nào vận dụng được?

Đúng là những trường hợp bệnh lý nặng và kéo dài cần được dạy, chữa một cách đặc biệt, kết hợp nhiều phương pháp đặc biệt. Nhưng những hiện tượng gọi là bệnh lý không phải hoàn toàn xa lạ với cuộc sống bình thường, mà chỉ những hiện tượng thường gặp ở bất kỳ trẻ em nào, một lúc nào đó, ở lứa tuổi nào đó, chỉ có khác là hoặc kéo dài hoặc diễn ra ở mức độ gay gắt. Ba mẹ nào lại không có lúc vấp phải một đứa con quấy phá, hiếu động không chịu nổi, hay hờn dỗi lì lợm, không chịu giao tiếp? Những phương pháp gọi là đặc biệt cũng chỉ là những phương pháp nuôi nấng dạy dỗ hàng ngày được hệ thống hóa, nghiên cứu sâu, vận dụng có tính hệ thống và liên tục, và khi vận dụng kết quả được theo dõi kỹ lưỡng. Tìm hiểu những phương pháp này một cách sơ bộ chính là làm sáng tỏ những nguyên lý được vận dụng trong những cách nuôi dạy hàng ngày. Nhận thức được trong khi dạy dỗ con em mình đang vận dụng những nguyên lý nào, kết hợp với quan sát để đánh giá kết quả, đây là một điều cần thiết cho giáo viên.

Tiến thêm một bước nữa, nếu tổ chức nhà trường làm sao cho giáo viên có dịp hợp tác với bác sĩ và cán bộ tâm lý chuyên trách để hội ý bàn cách xử lý những trường hợp khó khăn, thì kết quả giáo dục cũng như trình độ giáo viên chắc chắn sẽ được cải thiện rất nhiều.

Trong chương trình học tập tâm lý, không thể thiếu những buổi để giáo viên cùng cán bộ chuyên môn quan sát, chăm chữa, theo dõi những em bé ở những gia đình có hiện tượng bệnh lý. Trong tâm lý cũng như trong y học, hiểu được bệnh lý là hiểu được tâm lý và sinh lý bình thường. Ví như không có trẻ em nào một lúc nào đó lại không lấy cắp một vật gì hay một ít tiền, nếu chỉ một vài lần là một chuyện bình thường, nếu cứ lặp đi lặp lại, lại trở thành hiện tượng bất bình thường cần phải xử lý. Muốn xử lý đúng phải hiểu rõ động cơ vì sao lấy cắp. Những động cơ này trong thường hợp bất thường cũng không khác gì những động cơ bình thường thôi thúc các em lấy cắp. Cách xử lý chỉ khác nhau là nặng hay nhẹ,  nhất thời hay kéo dài. Ở cả hai trường hợp, nếu ba mẹ hoặc  giáo viên chỉ quan tâm đến hậu quả khách quan của việc làm ví như kết quả học tập, số tiền lấy cắp nhiều hay ít, rồi thường phạt nặng hay nhẹ, trên cơ sở ấy, không để ý đến động cơ bên trong, tình huống, thì dễ xử lý sai lầm. Luôn luôn quan tâm đến con người của đứa trẻ tìm cách phát huy mặt tích cực hơn là trừng trị mặt tiêu cực, vun đắp, tác thành cho con người của đứa trẻ, hơn là chú trọng đến ý đồ của người lớn.

Trong việc chăm sóc dạy dỗ trẻ, người lớn cũng tìm được một nguồn vui sướng, nếu vui sướng của bản thân trở thành cứu cánh. Tình thương yêu  trẻ, nhất là trẻ em ốm yếu, tàn tật, khốn khổ, dễ mang tính vị kỷ, người “làm phúc” chiếm hữu lấy những đứa trẻ thành của riêng, ngăn cấm đứa trẻ không trưởng thành lên được.

Đứa trẻ nào có những hiện tượng bất thường đều ở trong tình trạng thoái lùi về một lứa tuổi nhỏ hơn , muốn được chăm sóc như ở lứa tuổi còn bé, mà bế bồng, ôm ấp, một đứa trẻ cũng tạo cho người lớn những khoái cảm nhất định.

Cần hiểu rõ tạo ra những mối quan hệ ruột thịt  như vậy chỉ là biện pháp tạm thời giúp đứa trẻ qua được một cơn khủng hoảng để rồi tiến lên những mối quan hệ ở mức cao hơn, chứ không vì người lớn tìm được khoái cảm mà giữ mãi đứa trẻ trong tình trạng thoái lùi.

Bước đầu quan hệ ruột thịt, bước thứ hai là xen vào giữa “thầy và trò” một đồ vật, để rồi tiến tới mối quan hệ qua ngôn ngữ phức tạp hơn, trừu tượng hơn. Mục tiêu cuối cùng là giúp đứa trẻ tự lập, tách hẳn người lớn đã nuôi nấng dạy dỗ như con chim khi đủ lông, đủ cánh, rời tổ bay xa ba mẹ. Ba mẹ và giáo viên lúc ấy không khỏi nuối tiếc cái thời ôm ấp đứa con, thời đứa con hoàn toàn hòa mình và lệ thuộc vào bản thân mình. Phải biết chấp nhận điều ấy, biết nuôi dạy con em vì chúng, chứ không phải vì mình.

2. Theo Benjamin Spock, một bác sĩ nhi khoa nổi tiếng ở Mỹ (và cũng là một người bạn rất thân thiết của Việt Nam) để một trẻ em đến 15-16 tuổi sinh ra phạm pháp, thì xã hội phải chi phí vào việc điều tra, theo dõi hình sự, giáo dục cải tạo nhiều năm, trung bình là 30.000 đô la. Nếu tổ chức giáo dục cho ba mẹ và giáo viên thực sự hiểu biết tâm lý con em thì phòng ngừa được phần lớn những hành vi phạm pháp của thanh thiếu niên, và kinh phí lại ít hơn nhiều. Khốn nỗi thói thường là đợi bệnh nặng rồi mới chăm chữa. Nói đến phòng bệnh không mấy ai quan tâm, nhất là trong lĩnh vực tâm lý. Điều mà gọi là “vệ sinh tâm thần” chính là phải vận dụng đầu tiên với trẻ em từ lúc mới lọt lòng, và vệ sinh gia đình, vệ sinh học đường, vệ sinh đường phố, không chỉ có  khoanh lại ở những vấn đề dinh dưỡng, vi trùng, chất độc.  Ngoài sự ô nhiễm về thể chất, cần quan tâm đến những chấn thương, những yếu tố ô nhiễm tâm lý. Cả triệu giáo viên các cấp chính là những cán bộ vệ sinh tâm thần, nếu được đào tạo thì có hiệu lực nhất. Mong rằng các trường  sư phạm quan tâm đến vấn đề này.

3. Trong bất kỳ tiết mục chăm sóc dạy dỗ nào, phân biệt:

–  Mặt sư phạm, kỹ thuật nhằm một mục tiêu nhất định, như tập vẽ cho đẹp, cho đúng mẫu, khi luyện chỉnh âm, tập phát âm cho đúng, không nói ngọng, không cà lăm, khi tập thể dục làm những động tác chính xác chạy nhanh, nhảy cao…

– Mặt  tác động lên con người, thông qua xây dựng mối quan hệ tốt tin cậy, yêu mến nhau, tôn trọng nhau giữa “thầy và trò”, giữa bạn bè, qua những buổi học vẽ, chỉnh âm, tập thể dục mà em này thì trở nên ngăn nắp sạch sẽ, em khác hết lo sợ, hết đái dầm, tự tin hơn, tin ở người khác.

– Các em bị lên án là nghịch ngợm, hư hỏng, bị khiển trách, trừng phạt nhiều, mất lòng tin đối với người lớn. Nếu gặp được một người lớn tỏ rõ thái độ thông cảm, không lên án, thì lòng tin dần dần trở lại, cho nên trong phương pháp trị liệu bằng trò chơi, người thầy có thể chấp nhận  cho trẻ có những hành vi phá phách như xé rách búp bê, giải tỏa hờn giận, quí hồ không gây nguy hiểm.

Đừng quá nhấn mạnh mặt kỹ thuật mà quên mặt quan hệ giữa thầy và trò. Như trong thể dục, không phải làm huấn luyện viên, mà làm người thầy. Không phải tổ chức thành một đội để thi đấu làm sao cho trẻ có dịp chơi, vận động, vui đùa, tập tôn trọng kỷ luật. Nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật của các trường đưa lên tivi, hay để đón tiếp quan khách, thực ra chỉ làm khổ một số học sinh, không tạo được hứng thú cho các em, cho tập thể lớp, chỉ tạo ra một đội “gà chọi”, một số diễn viên quá sớm biến thành chuyên nghiệp, tách khỏi tập thể lớp, còn đa số thì không được tham gia. Thậm chí có khi còn loại trừ một vài học sinh (cô giáo bảo ngày mai em không được tới lớp vì có “phái đoàn” đến thăm).

Cần thấy rõ, tổ chức văn nghệ, thể thao là vì trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát huy nhân cách, chứ không phải để vui lòng quan khách, để giáo viên, hiệu trưởng được cấp trên khen ngợi. Một buổi đồng diễn thật đẹp mắt, mấy trăm học sinh biểu diễn răm rắp không hẳn có tác dụng giáo dục  tích cực. Để trẻ em có hứng thú, chủ động góp phần bày ra, tạo ra hình thức chơi, biểu diễn có thể không đẹp mắt, quan khách không vui lòng, phần nào lộn xộn, nhưng lại phát huy tính tích cực của trẻ em, gây niềm vui, tình gắn bó với nhau, rút được kinh nghiệm làm sai, làm hỏng. Tóm lại, một buổi như vậy có tính giáo dục cao.

đến chương 13 >>

Read Full Post »