Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘05. Lảng tránh…’ Category

CHƯƠNG V

LẢNG TRÁNH VÀ LẢNG TRÁCH NHIỆM

Adrienne gọi điện thoại cho tôi xin hẹn gặp để làm việc về vấn đề hôn nhân của chị. Sau đây là những lời tóm tắt của chị về sự cố: “Trong vài năm đầu vợ chồng, tôi và Frank sống chung êm thắm. Nhưng sau khi sinh cháu thứ hai, chúng tôi bắt đầu cãi vã nhau nhiều. Và khi cả hai cảm thấy ngán ngẩm cả chuyện cãi vã, tôi và anh ta chấm dứt liên lạc với nhau – trở thành như hai người bạn cùng phòng, mướn chung một căn hộ. Tôi hoàn toàn suy sụp khi khám phá ra rằng anh ấy đang dan díu với một người phụ nữ khác, song điều ấy thực ra chẳng đáng ngạc nhiên. Chính tôi cũng đang muốn kiếm một người đàn ông khác, mặc dù tôi chưa triển khai ý định ấy trong thực tế”.

Nếu không vì nỗi khổ do khám phá ra chồng mình đang dan díu với người phụ nữ kia, chắc hẳn Adrienne đã không đi tìm sự trợ giúp. Chính chị giải thích: “Tôi biết không còn có chút thân mật nào giữa tôi và anh ta, cả thể lý lẫn tình cảm, song điều ấy không làm tôi lo lắng. Có lẽ tôi đang tránh né vấn đề, nhưng tôi cho rằng cuộc sống vẫn thường như vậy thôi. Tôi biết vô số đôi vợ chồng không còn mật thiết đối với nhau sau khi sinh con đẻ cái. Khi này khi khác, tôi thấy mình cũng thực sự có ưu tư về tình trạng xa rời giữa vợ chồng mình – song tôi không bao giờ xem vấn đề ấy là nghiêm trọng. Tôi nghĩ mình đã quen dần với tình trạng của mình”.

Khi Adrienne lần đầu tiên đến nhờ tôi giúp đỡ, chị cho rằng chính sự xa rời giữa vợ chồng là vấn đề trong cuộc hôn nhân của chị. Trước đó nữa, chị nghĩ những hục hặc cãi vã giữa vợ chồng chị là vấn đề. Tuy nhiên, xa rời nhau hay cãi vã nhau đều không phải là vấn đề giữa bất cứ hai con người nào. Cả sự xung đột lẫn thái độ lảng tránh nhau đều là những cách thế thông thường để người ta đối phó với mối ưu tư đang chất chứa trong một mối tương quan thiết yếu của mình.

Với thời gian và với những căng thẳng không tránh được mà cuộc sống mang lại, ngay cả những mối quan hệ lý tưởng nhất cũng được thấy có vô số lần trong đó các đương sự bộc trực cau có với nhau hoặc rời nhau ra. Chiến đấu và đào tẩu là sách lược được thấy nơi mọi loài, kể cả loài người chúng ta. Và mức độ phiền toái mà chúng ta vướng vào, trong một mối tương quan cụ thể nào đó, sẽ tùy thuộc hai yếu tố. Trước hết, nó tùy thuộc ở mức độ căng thẳng và hoang mang từ nhiều nguồn gốc khác nhau của quá khứ và hiện tại đang gây ảnh hưởng trên một mối tương quan. Hai nữa, nó tùy thuộc vào mức độ bao nhiêu ngã vị tính mà chúng ta mang vào trong mối tương quan ấy. Chiếu theo chừng mực mà ta đã không thể hiện được một “cái tôi” trọn vẹn và sắc nét trong gia đình cha mẹ mình, chúng ta sẽ luôn cảm thấy bị ám ảnh một mức nào đó rằng mình sẽ bị nuốt chửng bởi “lực hòa nhập” với người khác. Việc tìm cách tránh xa (hay tìm cách chiến đấu) là một phản ứng hầu như có tính bản năng để đối phó với nỗi hoang mang mà người ta cảm nhận trong sự gắn kết, sự hòa nhập này – là sự gắn kết hay sự hòa nhập đe dọa cướp mất bản ngã của họ.

Con đường đặc thù dẫn mỗi người chúng ta tới rắc rối có liên quan tới cách thế xử lý phiền não của riêng ta và liên quan tới điệu nhảy mà ta đang dính vào với người khác. Câu chuyện của Adrienne sẽ cho ta có được một cái nhìn sáng tỏ về một cung cách thông thường – nếu không muốn nói là phổ quát – để xử lý âu lo, song đây cũng chính là cung cách đã đẩy ta vào rắc rối lâu dài trong các mối quan hệ thiết thân. Cung cách đó là: lảng tránh và cắt đứt trong tình cảm.

lảng tránh là vấn đề hay là giải pháp?

Thế nào là lảng tránh trong một mối quan hệ? Mô tả của Adrienne về cuộc hôn nhân của chị với Frank có thể cung ứng cho ta một ví dụ tốt. Vào lúc chị khám phá ra chồng mình dan díu, hai người ít khi cãi vã nhau – song đồng thời họ cũng không thật sự thân mật nhau và chẳng mấy khi họ san sẻ cho nhau những ý nghĩ, tâm trạng và cảm nghiệm của mình. Và thay vì đương đầu trực tiếp với sự lạnh nhạt đang tăng dần trong mối quan hệ của họ, cả hai lại hướng năng lực tình cảm của mình đến một    người thứ ba. Frank có chuyện tình cảm dan díu; còn Adrienne mặc dù chưa lăng loàn với ai trong thực tế song cũng đã ngầm tơ tưởng đến một người đàn ông khác cho  mình.

Hiểu theo cách nào đó, sự dan díu của Frank – và mối tơ tưởng của Adrienne – có tác động bảo vệ cuộc hôn nhân của họ. Mối tơ tưởng lăng loàn với một người đàn ông khác của Adrienne cho thấy rõ rằng chị sẽ không nếm cảm nỗi thất vọng hoàn toàn đối với Frank, và do đó những vấn đề sâu kín hơn trong cuộc hôn nhân của chị sẽ không hiện lộ với sức chi phối thực sự đối với tình cảm. Ta sẽ có dịp xem xét những mối quan hệ tay ba phức tạp – và sẽ nhận ra bằng cách nào những thành phần thứ ba có thể giúp củng cố ổn định các mối quan hệ và giúp giữ cho những vấn đề khó khăn đích thực được chôn kín chứ không bị khơi lên. Dĩ nhiên, giải pháp ấy cũng chính là vấn đề. Adrienne và Frank đã hóa nên bị lún chặt trong một mối quan hệ trống rỗng đến nỗi cần phải có một khủng hoảng thực sự – tức việc Adrienne khám phá ra “người đàn bà kia” – mới có thể bắt chị phải nghiêm túc xem xét lại cuộc hôn nhân và chính cuộc sống của mình.

Đa số chúng ta dựa vào một hình thức lảng xa nào đó để như một cách ứng phó chủ yếu mỗi khi có gay cấn trong các mối quan hệ cốt thiết của chúng ta, gồm cả những quan hệ với cha mẹ hay anh chị em mình. Chẳng hạn, ta có thể dời cư đến một thành phố hoặc một đất nước khác – để có thể tránh những cảm nghĩ khó chịu khơi lên do sự tiếp xúc gần gũi với cha mẹ hay anh chị em mình. Hoặc giả chúng ta vẫn tiếp tục sống trong gia đình nhưng khép kín tình cảm lại bằng cách chỉ chuyện vãn qua loa vớ vẩn, chỉ bộc lộ tối thiểu về mình, hoặc hoàn toàn tránh né không đụng đến một số đề tài nào đó. Thậm chí chúng ta có thể nín lặng không đối thoại với một người anh/chị/em mình – hoặc có chăng chỉ là tố khổ nhau trước mặt những người khác trong nhà.

Sự lảng xa trong tâm cảm có thể là một phản ứng đầu tiên và tất yếu để đảm bảo cho đời sống tâm cảm lành mạnh và thậm chí cho chính sự sống còn của chúng ta. Với kinh nghiệm riêng, ai trong chúng ta cũng biết rằng có khi một mối tương quan trở thành trĩu nặng lòng mình đến nỗi ta không thể hành động gì tốt hơn là lảng tránh. Còn nếu ta có nguy cơ bị hành hạ bằng bạo lực, thì bấy giờ giải pháp tốt nhất chỉ có thể là lánh đi để đảm bảo mình không bị thương tổn.

Lảng xa sẽ là một phương thế hữu ích để đối phó với căng thẳng vì nó có thể tách chúng ta ra khỏi một tình trạng hừng hực nông nổi và cho ta cơ hội để lấy lại dủ bình tĩnh mà hồi tâm vạch kế hoạch, và tìm ra những cung cách ứng xử khác cho mình. Tuy nhiên, chúng ta thường vịn vào sự lảng xa và một sự đoạn giao nào đó để thoát ly (về tình cảm hay về thể lý) hẳn ra khỏi một mối quan hệ cốt thiết – mà chẳng hề có sự xem xét thực sự nào về các khúc mắc hay các vấn đề. Đây có thể là phương án dễ dàng và êm ái nhất xét trong nhất thời – nhưng có điều chắc chắn là tất cả những gì không được giải quyết và không được xử lý sẽ có khả năng gây phiền lụy cho hành trình tương quan sau này của chúng ta. Như qui luật thường tình: hễ ăn trước thì phải chịu trả sau!

Trong câu chuyện của Adrienne, sự lảng xa đã đi đến mức quá độ. Song đồng thời, cục diện tay ba (sự dan díu của Frank và mối tơ tưởng của day dứt của Adrienne) đã có tác dụng củng cố cuộc hôn nhân của họ, làm cho không ai trong họ thấy cần phải thay đổi – mãi cho đến khi con mèo tuột ra khỏi túi và không có cách nào để ém nó vào lại.

trở lại với bối cảnh tâm cảm

Tất cả chúng ta, không trừ ai, đều gặp khó khăn trong tương quan mật thiết, và qua thời gian, chúng ta sẽ hoặc tiến lên hoặc trôi thụt lùi trong chiều kích này. Tại sao Adrienne đã tháo lui, và tại sao tình trạng lảng xa trong cuộc hôn nhân của chị đã trở thành quá mức như vậy?

Theo Adrienne cho biết, những khó khăn giữa vợ chồng chị “chỉ mới xảy ra” sau khi Joe – đứa con trai thứ hai – chào đời. Nhưng sự xung đột trong các mối quan hệ thì không bao giờ “chỉ mới xảy ra”, cũng không bao giờ bỗng dưng mà người ta bị cuốn ào vào trong cuộc xung đột hay đà lảng xa vô phương kiềm chế. Vậy thì, đâu là bối cảnh rộng lớn hơn trong đó những khó khăn trong quan hệ giữa Adrienne và Frank đã hình thành? Cái gì đã xảy ra trong khoảng thời gian mà hai vợ chồng này bước vào giai đoạn thường xuyên cằn nhằn cãi vã nhau và sau đó là một khoảng cách không thể nối nhịp, một tình trạng bế quan tỏa cảng và cả sự bất trung đối với nhau? Câu trả lời của Adrienne là “chẳng có gì đáng kể”. Thế nhưng, sau khi điều tra kỹ, cái “chẳng có gì đáng kể” ấy té ra là cả một mớ ngổn ngang.

Mặc dù chính bản thân Adrienne đã nhận ra rằng mối căng thẳng giữa vợ chồng chị nổi lên sau khi đứa con trai thứ hai của chị chào đời, song chị đã không móc nối được hai sự kiện ấy với nhau. Kỳ thực, mối liên quan giữa hai sự kiện ấy khá rõ ràng. Bất cứ đứa con nào sinh ra cũng tạo thêm căng thẳng cho đôi vợ chồng, riêng trong trường hợp này, sự kiện đứa con trai thứ hai chào đời là một áp lực đặc biệt đè nặng. Sở dĩ thế bởi vì thế hệ trước trong cả hai gia đình của Adrienne và Frank đều có một lịch sử ảm đạm về “những đứa con trai thứ hai”.

Trong gia đình của cha mẹ Adrienne, đứa con trai thứ hai là Greg bị bẩm sinh chậm tâm thần và được gửi vào viện khi mới lên ba tuổi. Vào lúc bắt đầu đến gặp tôi để nhận trị liệu tâm lý, Adrienne đã bẵng đi không ghé thăm em trai mình đúng mười một năm rồi, với lý do là “cậu ấy chẳng nhận ra ai và có ghé thăm cũng chẳng ích gì”. Về phần gia đình của Frank, người con trai thứ hai cũng là con trai út đã tỏ ra là “một đứa con có vấn đề” và bị đánh giá là ngang ngạnh. Với những bối cảnh tâm cảm như thế về con trai thứ hai, thật dễ hiểu tại sao việc bé Joe chào đời đã khơi lên nhiều ưu tư và lo lắng vốn ngấm ngầm từ trước.

Trong năm đầu đời của bé Joe, cha của Adrienne được chẩn đoán là bị ung thư dạ dày ở giai đoạn phát triển. Adrienne rất băn khoăn về bệnh tình của cha mình, song chị xử lý tâm trạng ấy bằng cách tạo khoảng cách với cha. Chị không giảm bớt số lần thăm viếng tiếp xúc ông, nhưng mọi thông tin trao đổi về bệnh tình của ông và về thái độ của chị trước bệnh tình ấy đều đi qua trung gian mẹ của chị, người vốn khăng khăng rằng không nên cho ông ấy biết rõ những gì đang diễn biến. Vào thời điểm tôi gặp Adrienne lần đầu tiên, cha chị đang ở thời kỳ cuối của căn bệnh, nhưng chị vẫn chưa hề tìm cách để đề cập với ông về chứng bệnh ung thư ấy, để nói lời từ biệt ông, hoặc để bày tỏ tấm lòng của mình đối với ông.

Trong thời gian mà các vấn đề giữa vợ chồng Adrienne trở nên gay cấn, chị cũng đồng thời đang bận tâm đến các khó khăn trong nghề nghiệp nữa. Khi bé Joe chào đời, Frnak đã giải quyết nỗi âu lo của mình bằng cách lảng tránh vào trong công việc phụ trội kéo dài nhiều giờ. Có vẻ như Adrienne cau có với anh chỉ vì anh thường xuyên vắng nhà, song kỳ thực chị cũng ghen tị với khả năng đắm mình trong hết dự án này đến chương trình khác của anh. Về phần chị, trái lại, chị đang ngày càng cảm thấy bất mãn với công việc của mình trong tư cách là một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm – nhưng chị không thể nghĩ ra hướng nào để thay đổi, cũng không thể xác định rõ mình muốn làm gì. Rồi bằng việc ve vãn trắng trợn với một người đàn ông cùng sở làm, Adrienne đã đổ dồn quan tâm đến các vấn đề thuộc nghề nghiệp của mình và giúp giữ vững con thuyền hôn nhân của mình khỏi chao đảo – trong khi chị và Frank đang rời rã trầm trọng.

Đối với Adrienne, quả là một bước tiên quyết và quan trọng việc nhận ra chị bị căng thẳng cao độ kể từ khi sinh hạ đứa con trai thứ hai, và việc xác định rõ những sự kiện chủ yếu đã góp phần làm cho mối quan hệ giữa vợ chồng chị thêm lạnh nhạt. Những sự kiện đó là:

. sự chào đời của bé Joe – khơi dậy (dù chỉ trong vô thức) nỗi dằn vặt sâu sắc của chị về người em trai bị chậm tâm thần và về sự hiện diện của người em trai ấy trong gia đình.

. kết luận chẩn đoán về căn bệnh hiểm nghèo của cha chị.

. những ưu tư nghề nghiệp của chị và sự khó khăn của chị trong việc xác lập những mục tiêu riêng.

Cũng là điều thật có ý nghĩa tích cực khích lệ việc Adrienne nhận ra rằng khi nỗi âu lo và tình trạng căng thẳng tăng lên tới mức nào đó, hoặc kéo dài đến một mức nào đó, thì sự hục hặc và/hay sự lảng xa giữa vợ chồng là một cách phản ứng tự nhiên thông thường thôi.

từ nhận thức đến hành động

Khi Adrienne cẩn thận và khách quan xem xét cách chị dàn xếp các mối quan hệ quan trọng khác giữa cơn căng thẳng, chị bắt đầu nhận ra rằng sách lược lảng tránh vốn là sách lược cố hữu mà chị và các thành viên khác trong gia đình vẫn dùng. Thật vậy, đó là cách mà chị ưa dùng để đối phó với tình thế gay go, đặc biệt đối với đàn ông. Trong gia đình cha mẹ chị, mối quan hệ giữa chị với hai người thuộc phái nam – ông bố và người em trai bị tâm thần – luôn luôn là những mối quan hệ có khoảng gián cách, trong đó mẹ chị đứng giữa làm trung gian liên lạc cho hai bên. Nhờ quá trình trị liệu, Adrienne dần dần nhận ra rằng có một mối liên hệ nào đó giữa thế đứng xa cách của chị đối với những người đàn ông trong gia đình mình và khoảng cách trầm trọng hiện nay được thấy rõ giữa vợ chồng chị.

Sẽ tuyệt vời biết bao nếu chỉ cần chúng ta “nhận thức” thì mọi sự sẽ tự động thay đổi! Song rõ ràng là không bao giờ có chuyện đó. Hiểu các nguồn căn của vấn đề là một chuyện, còn biết cách giải quyết vấn đề là một chuyện khác.

Khi Adrienne, nhờ quá trình trị liệu tâm lý, đã nhận biết nhiều hơn về chính bản thân mình, chị cố gắng dàn xếp lại cuộc hôn nhân của mình bằng một cung cách mới, với hy vọng đạt được mức thâm tình hơn. Một số trong những cung cách mới của chị cuối cùng đã tỏ ra có kiến hiệu. Chẳng hạn, chị cho Frank  biết rằng cuộc trị liệu tâm lý đã giúp chị nhận ra phần đóng góp của riêng mình làm cho mối quan hệ vợ chồng trở nên xa cách – và rằng chị đang cố tìm cách sửa đổi. Chị cũng nêu rõ với Frank rằng mối dan díu ngoài hôn nhân của anh là điều không thể chấp nhận – và rằng anh cần chấm dứt sự dan díu ấy thì chị mới có thể ở lại trong cuộc hôn nhân này. Và anh ta đã làm thế.

Nhưng rất nhiều nỗ lực của Adrienne nhằm “đạt được thân tình” đã chỉ gây chướng ngại cho việc đạt đến mục tiêu ấy. Chị trở nên quá khắc khoải xem sự mật thiết là một mục tiêu đệ nhất, luôn qui chú về nó trong mọi cuộc trao đổi với Frank và luôn cố lôi kéo anh ta hưởng ứng với chị trong nỗ lực săn đuổi sự mật thiết. Hễ chị càng đeo bám Frank để tìm kiếm thân tình nhiều hơn – và hễ chị càng tập trung bận tâm về tình trạng thiếu nồng nhiệt, thiếu quan tâm, thiếu chú ý của anh thì… anh càng trở nên lảng xa hơn. Và hễ Frank càng lảng xa thì chị càng bám riết.

Điều gì đã xảy ra khi Adrienne bẻ gãy được cái vòng luẩn quẩn trốn tìm ấy? Chị bẻ gãy được bằng cách giảm bớt việc tập trung phàn nàn Frank và cho phép anh có được nhiều sự thoải mái hơn – song chị vẫn không quay trở về với trạng thái lạnh lùng khép kín trước đây của mình. Đáp lại, Frank có những chuyển biến tự nhiên cho thấy sự nhạy cảm hơn đối với chị. Tuy nhiên, tới lúc này thì đến lượt Adrienne lại đổi qua hướng phản ứng tiêu cực – chị chỉ muốn được yên hàn một mình. Như chị bộc bạch trong một buổi trị liệu: “Thành thật mà nói, có lẽ sự thay đổi ấy đã trễ rồi. Hoặc cũng có thể là tôi không thật sự muốn thân mật một cách đặc biệt với anh ấy. Song tôi cũng không muốn tiêu hủy cuộc hôn nhân”.

Dần dần Adrienne đã nhận ra mối dị ứng của chị đối với sự mật thiết, và điều này giúp chị hiểu ra rằng chị cần phải có những thay đổi trong các mối quan hệ gia đình gốc của mình trước đã, rồi mới có thể tạo chuyển biến trong mối quan hệ với chồng. Nhận thức này đã giúp cho Adrienne có đủ can đảm “quay về nhà” lần nữa. Bởi nếu chị cứ tiếp tục đoạn giao với những người đàn ông trong gia đình gốc của mình và bỏ ngõ không giải quyết được những vướng mắc tâm cảm với họ, thì cuộc hôn nhân của chị sẽ vẫn cứ còn ngổn ngang rối rắm. Và rồi chị sẽ tiếp tục đối phó với mớ rối rắm ấy bằng cách lảng xa hoặc bằng cách đối đầu.

“bố ơi, con sắp mất bố rồi”

Bằng cách nào Adrienne đã hóa giải khoảng cách với gia đình cha mẹ chị? Trước hết, chị thực hiện một bước đầy ý nghĩa là trao đổi trực tiếp với cha mình về bệnh tình của ông thay vì chỉ nghe biết mọi sự qua trung gian mẹ mình. Đặc trưng của mô thức này là Adrienne luôn luôn bắt đầu các cuộc viếng thăm bằng lời thăm hỏi: “Bố khỏe không, thưa bố?” – để rồi chị sẽ nhận được một câu trả lời vu vơ chiếu lệ (“Ừ, cũng vậy”) hoặc có pha chút cay đắng mỉa mai (“À, bác sĩ bảo rằng bố khỏe đến nỗi bố có thể ngủm bất cứ lúc nào”). Bấy giờ Adrienne sẽ đổi qua đề tài khác và hai cha con sẽ tán chuyện vu vơ về thời tiết hoặc về lũ cháu bé.

Cú đột phá ngoạn mục mà Adrienne thực hiện được để tấn công vào thái độ xa cách của cha (thái độ mà ông chủ ý chọn vì ông nghĩ rằng đó là một sự bảo vệ mà chị cần) – đó là chị hỏi thẳng ông: “Bố ơi, bác sĩ nói sao về hiện tình bệnh ung thư của bố vậy hở bố? Con thực sự muốn được nghe chính bố cho con biết”. Khi ông vẫn đưa ra câu trả lời vờ vĩnh chung chung như thường lệ, chị thẳng thắn nói với ông rằng mặc dù căn bệnh ung thư của ông – và mối linh cảm của chị rằng mình sắp mất cha mình – thực sự là nỗi xót xa cho chị, chị vẫn cảm thấy mãn nguyện hơn nếu chị được chia sẻ cho biết về tất cả những gì đang diễn biến. Cha chị đáp: “Mẹ con sẽ nói cho con hay”, Adrienne nằn nì: “Mẹ có nói, thưa bố, nhưng con vẫn muốn được nghe chính bố nói với con”. Mẩu đối thoại ngắn ngủi ấy quả là một cuộc đột phá nhờ đó Adrienne đạt được tương giao trực tiếp hơn với người cha đang hấp hối của chị. Đó cũng là lần đầu tiên mà hai tiếng “ung thư” được nói ra trước mặt ông bởi chính người trong nhà. Lúc đầu cha chị có vẻ lúng túng song rồi ông tỏ ra dễ chịu và cởi mở hơn.

Tất nhiên có những lúc mà ông bố không muốn đề cập đến bệnh tình của mình, và Adrienne đủ nhạy cảm để nhận ra điều đó. Thật không tốt lắm việc đẩy một người vào cuộc chuyện duy chỉ vì ta nghĩ rằng làm thế là tốt. Có điều chúng ta thường lẫn lộn giữa một đàng là sự tế nhị và đàng kia là sự bưng bít nỗi lo âu mà trong đó các mối dây liên lạc gia đình bị phong tỏa bởi vì mọi người đều ứng xử theo hướng giả định rằng người kia không muốn nghe điều ấy hoặc không thể kham nổi điều ấy.

Ban đầu, Adrienne vẫn ngỡ rằng cha chị hữu ý muốn tránh đề cập đến cơn nguy tử của ông (“chắc bố không chịu đựng nổi điều ấy”) và chị cho rằng gợi lên chuyện đó là điều không nên. Cảm nhận đó còn được củng cố bởi mẹ chị, người vốn xác quyết rằng “ông ấy không bao giờ đủ sức đốí diện với thực tế”. Tuy nhiên, Adrienne không hỏi cha chị bằng những câu hỏi có nội dung làm cho ông thấy rõ rằng chị mong muốn khai thông các mối dây liên lạc với ông. Adrienne đã dũng cảm thực hiện sự thay đổi trong tương quan với cha mình ở chỗ chị đã bắt đầu hỏi han cha một cách rõ ràng và điềm tĩnh.

Đó là những câu hỏi loại nào? Các câu hỏi của Adrienne hàm chứa mối quan tâm của chị đối với diễn biến bệnh tình nơi cha theo như các bác sĩ ghi nhận (“Bố đã nhận các kết quả xét nghiệm chưa bố?”) Các câu hỏi của chị cũng hàm chứa mối quan tâm đối với những gì cha chị đang cảm nhận (“Bố có đồng ý với bác sĩ không? Hay là bố nghĩ khác?” “theo bố thì căn bệnh ung thư này đang diễn biến theo chiều hướng nào?”) Và các câu hỏi của chị cũng cho thấy chị muốn biết ý nghĩ và tâm trạng của cha mình về cái chết.
Qua các câu hỏi và qua những san sẻ cảm nghĩ của mình, Adrienne cuối cùng đã thuyết phục cha chị tin rằng chị thực tâm muốn biết về những điều ấy. Ông bắt đầu đánh giá tích cực việc san sẻ về tình hình gần đất xa trời của ông. Một tuần trước khi ông lìa đời, ông đã tâm sự với Adrienne về “nỗi chết” và hai cha con cùng sa lệ. Sau đó trong tuần, Adrienne kể lại với tôi: “Đó là những giọt nước mắt lành mạnh – không phải nước mắt bi ai sầu thảm, nhưng là nước mắt giao cảm giữa cha con”.

Khi Adrienne dồn năng lực tâm cảm vào mối liên lạc với gia đình trong những ngày cuối cùng của cha chị, chị cảm nghiệm thấm thía nỗi buồn song đồng thời cũng nhận ra rằng dường như một gánh nặng nào đó đã được cất khỏi cuộc hôn nhân mình. Chị bớt trăn trở hơn với “tình trạng thiếu mật thiết” vốn được xem là nguồn cơn mọi nỗi khó trong cuộc sống vợ chồng chị – và nghịch thường biết bao, chị bỗng thấy mình có nhiều khả năng hơn để đạt được sự mật thiết mà mình mong mỏi. Khi nỗi xúc động của những ngày đại tang vơi lắng dần và bớt chi phối hơn đối với mối quan hệ giữa vợ chồng chị, Adrienne cũng cảm thấy thoải mái hơn để chia sẻ với Frank về những gì chị cảm nghiệm được trong thời gian cha chị sắp lìa đời. Chị đã có thể chú tâm nhiều hơn đến cách thế chị xử lý các vướng mắc của mình, và bớt bận lòng hơn đối với chuyện Frank có hưởng ứng đúng mức thái độ cởi mở của chị hay không. Và kết quả là giữa chị và Frank có được nhiều cơ hội hơn để vun quén mối thân tình đích thực.

tôi coi em trai mình như không có

Trong đời Adrienne, mối quan hệ cách xa thăm thẳm nhất là với em trai chị. Chị coi như mình “không có mối tương quan ấy” và cố xóa đi hình ảnh của Greg trong tâm trí mình. Thế nhưng, làm sao người ta có thể hoàn toàn “không tương quan” với cha, mẹ hay anh, chị, em mình. Sự lảng tránh và đoạn giao chỉ tạo ra mối căng thẳng ngầm và mối căng thẳng này sẽ hiện lộ ra ở một chỗ khác.
Suốt một thời gian dài nhận trị liệu tâm lý, Adrienne đã không thể nghĩ đến Greg, người em trai mình – chị càng không thể mường tượng đến một chuyến ghé thăm người em trai ấy ở viện tâm thần. Mỗi lần tôi tự nhiên nhắc đến Greg, hoặc nêu thắc mắc với chị về bệnh trạng tâm thần và sự nhập viện của người em trai ấy đã ảnh hưởng thế nào đến gia đình, Adrienne luôn chỉ có một câu trả lời rập khuôn sẵn: “Tôi hoàn toàn không rõ – cậu ấy quá khật khờ không thể tiếp xúc liên hệ gì được – tôi coi cậu ấy như không có”.

Quá chục năm rồi Adrienne không gặp Greg, còn trước đó thì chỉ liên lạc thưa thớt tối thiểu. Rõ ràng là đối với gia đình, người em trai ấy “có cũng như không”. Đứa con trai lớn của Adrienne – bấy giờ lên năm – thậm chí vẫn không hề biết rằng mẹ mình có một em trai. Frank thì chưa bao giờ gặp Greg, cũng chưa bao giờ trông thấy tấm ảnh nào của Greg chụp ở độ tuổi trưởng thành. Chính bản thân Adrienne rất có thể sẽ không nhận ra Greg nếu hai người tình cờ gặp nhau giữa đường.

Adrienne nói về sự ghẻ lạnh lâu dài giữa chị và Greg như thể tình trạng ấy không phản ảnh gì hơn ngoài nỗi chán (“tôi nghĩ chẳng có lý do gì để mình phải mất công gặp gỡ và chuyện vãn với cậu ấy”). Chị hoàn toàn không ý thức được những cảm nghĩ tàng ẩn vốn có thể trào lên bất cứ lúc nào nếu chị bắt lại liên lạc với em trai mình. Chị tỉnh bơ giải thích: “Riết rồi cũng thành quen, như chuyện bình thường thôi. Tôi không coi cậu ấy như một thành viên trong gia đình”.

Chúng ta thường hay lẫn lộn giữa sự lảng tránh hay đoạn giao với tình trạng thiếu một tấm lòng. Những câu chuyện hằng ngày của chúng ta – và ngay cả những phát biểu của các chuyên viên về tâm thần – thường bộc lộ sự lẫn lộn này. Ta thường dễ dàng chụp mũ “vô tình” hay “vô tâm” lên đầu một bà mẹ buông tay hoặc lẩn tránh con mình, một ông bố quay lưng và không bao giờ ngó ngàng đến gia đình, một người em trai cắt đứt liên lạc với chị gái mình sau khi người chị ấy bị bệnh tâm thần và phải đi điều trị.

Cần phải nhận hiểu rằng sự lảng tránh và đoạn giao giữa những người trong gia đình không hề có liên quan gì đến sự thiếu vắng cảm xúc, yêu thương hay bận tâm. Lảng tránh và đoạn giao chỉ là những cách để người ta xử lý nỗi âu lo. Chúng không phản ảnh tình trạng thiếu cảm xúc, mà đúng hơn chúng phản ảnh tình trạng dồn ứ cảm xúc. Cảm xúc ấy có thể bủa vây quanh những vấn đề gay cấn đã được truyền lại từ nhiều thế hệ mà người ta không thể dàn xếp hay thậm chí không thể đề cập đến một cách dễ dàng.

Adrienne chỉ nhận biết ý nghĩa đích thực của sự dồn ứ cảm xúc nói trên sau khi chị gọi điện thoại cho viện tâm thần – nơi em trai chị đang sống – và làm một cái hẹn đến thăm em ở tận nơi xa xăm ấy. Tuần lễ trước khi thực hiện chuyến đi, chị trằn trọc không ngủ được; những cơn ác mộng dữ dội và kinh khiếp xâm chiếm lấy chị, và chị như cảm nghiệm lại nỗi kinh hoàng cực độ mà chị đã từng trải qua lần nọ khi đang ngồi xe buýt trên đường tới sở. Chị cảm thấy không thể cho mẹ mình biết về chuyến đi sắp tới – và do đó chị giữ kín mọi sự dự định của mình – dù chính chị cũng không xác định được tại vì sao.

Những tâm trạng đầy giằng co trong những ngày sắp sửa thực hiện chuyến đi ấy đã cho Adrienne thấy rằng việc gặp gỡ người em trai chị không phải là một chuyện vặt xét về mặt tâm cảm. Tuy nhiên, chỉ sau khi đã gặp gỡ Greg chị mới có thể bắt đầu nhận ra và xử lý được những cảm xúc tiềm tàng vốn nấp dưới thái độ lảng tránh và sự đoạn giao từ trước đến nay.

những rối rắm hệ lụy của sự thay đổi

Dẫu sao thì đằng sau tất cả  những dự cảm đầy trằn trọc lo lắng ấy, Adrienne vẫn thấy rằng làm một chuyến viếng thăm Greg vẫn là một điều rất có ý nghĩa. Cuộc gặp gỡ của hai chị em đã diễn ra xuôi xắn – và dù Adrienne tự nghĩ rằng mình không còn xứng đáng với tư cách làm chị, chị vẫn nhận ra Greg có vẻ hài lòng việc chị đến thăm. Được dịp nhìn thấy Greg tận mắt, hiện diện bên anh ta, quan sát cung cách của anh ta, và gặp gỡ các nhân viên vốn tiếp xúc với Greg hằng ngày, Adrienne mới ý thức ra rằng Greg cũng là một “con người thực sự” – và chị bắt đầu có những cảm nhận thực tiễn về người em trai mình thay vì là những mường tượng mơ hồ trước đây. Đặc biệt, điều gây ấn tượng sâu sắc nhất cho Adrienne đó là một anh nhân viên trẻ của viện tỏ ra rất cảm mến Greg, và chính Greg cũng rõ ràng đáp lại anh chàng kia bằng một cảm tình đặc biệt. Trong lần gặp trị liệu sau đó, Adrienne đã ngỡ ngàng thốt lên: “Tôi chưa bao giờ cảm nghĩ rằng có ai đó trên đời này lại có thể gắn bó thân mật với cậu ấy – hoặc ngược lại. Thế nhưng quả thực, anh chàng nhân viên kia có cảm tình thật sự với Greg, và xem ra giữa hai người có một mối quan hệ đích thực”.

Vì ban đầu Adrienne chỉ nghĩ đến những hiệu quả tích cực mà chuyến viếng thăm của chị có thể đem lại, chị đã không chuẩn bị để đón nhận những xáo động tâm cảm cũng do chuyến đi ấy gây ra. Vài tuần sau khi chị kể cho mẹ biết về câu chuyện chị đi thăm Greg, chị đến gặp tôi trong dáng vẻ hớt hơ hớt hải. Số là bà Elain, mẹ chị, trở nên suy sụp hoàn toàn và bị ám ảnh bởi ý nghĩ tự tử – dù bà chưa thực sự quyết định cụ thể. Tuần lễ sau đó, cả Adrienne lẫn mẹ chị cùng đến gặp tôi.

Sau vài lượt gặp gỡ cả hai mẹ con, tôi thấy lộ ra một vấn đề hết sức nghiêm trọng của gia đình này – một vấn đề vốn nung nấu như một túi dung nham núi lửa sôi réo trong lòng đất kể từ khi Greg chào đời. “Điểm nóng” của vấn đề chính là tình trạng chậm tâm thần của Greg, và nhất là dấu hỏi không nêu thành lời trong gia đình: “Ai phải trách nhiệm về điều ấy?” Qua những giòng nước mắt tức tưởi và nét thiểu não của bà Elain, có thể thấy rõ cảm thức tội lỗi và nỗi dằn vặt của bà đối với tình trạng của con trai bà.

Việc Adrienne cắt liên lạc với em trai chị đã giúp cho mẹ chị khỏi phải ý thức rõ ràng những cảm xúc này – đồng thời cũng giúp cho gia đình khỏi phải đương đầu với một vấn đề mà ai cũng sợ rằng quá bức xúc không thể đương đầu được. Nhưng trong vùng vô thức, từ trước đến nay Adrienne vẫn không ngừng băn khoăn về vấn đề này. Và đây cũng chỉ là lối ứng xử thông thường của bất cứ ai trong tư cách là con cái.

Trong những lần gặp gỡ chung cả hai mẹ con, bà Elain bắt đầu thố lộ với con gái về nỗi day dứt mấy chục năm nay trong lòng bà đối với tình trạng chậm tâm thần của đứa con trai. Phải chăng mọi sự tai hại đều do bà gây ra? Phải chăng đó là một yếu tố di truyền do phía bên gia đình bà truyền lại? Phải chăng cớ sự do bởi chai rượu mà ngày ấy bà đã uống khi đang mang thai một tháng tuổi mà chính bà cũng chưa biết? Elain cũng chia sẻ nỗi day dứt sâu sắc về quyết định gửi Greg vào bệnh viện tâm thần. Bà nói với Adrienne, bằng một chất giọng đượm nỗi u sầu hơn là oán trách: “Khi con say sưa kể với mẹ về tình cảm đặc biệt mà cậu nhân viên ấy dành cho Greg, và về mối giao hảo đậm đà giữa hai người, mẹ có cảm nghĩ dường như con đang nhắc cho mẹ biết rằng mẹ chính là một con quái vật khi đẩy Greg ra khỏi gia đình”.

Tất cả những điều này – hiểu theo một nghĩa nào đó – là hoàn toàn mới đối với Adrienne. Song kỳ thực đó cũng không phải là những điều mới mẻ, vì lâu nay chị vẫn thường xuyên cảm nhận một nỗi căng thẳng không tên xung quanh tình trạng của Greg. Và khi Adrienne và mẹ chị đã chia sẻ được những cảm nghĩ và thái độ của mình về vấn đề gai góc này, nỗi niềm nặng trĩu trong lòng mẹ chị bắt đầu vơi đi nhanh. Tuy nhiên, cũng lúc đó một “điểm nóng” thứ hai bật ra – khi bà Elain chạm phải nỗi oán giận vốn bị đè nén trước đây đối với người chồng quá cố của bà. Bà vốn luôn luôn cảm thấy rõ rằng gia đình bên chồng chì chiết mình vì đã quyết định đẩy Greg vào viện tâm thần – và bà tin rằng chồng mình đã không hề có một lời bào chữa cho mình. Hai vợ chồng bà đã câm lặng không bao giờ trực tiếp đá động đến chuyện ấy, song chính chuyện ấy đã tạo bối cảnh cho sự lạnh nhạt ngày càng gia tăng giữa hai người. Thực vậy, sau đứa con thứ hai của họ – là Greg – Elain và chồng bà đã tuột dài trên đà lảng xa nhau, và rồi đến lượt Adrienne nhận ra khuôn mẫu ấy được lặp lại trong mối quan hệ giữa vợ chồng chị.

Cả Adrienne và bà Elain đều nhận ra rằng mình bị lúng túng và rất khó khăn khi đề cập trực tiếp đến những uẩn khúc khốn khổ này, nhưng cuối cùng thì “thuốc đắng đã tật”. Sau khi đã trút vơi cho nhau mọi chuyện trong lòng, hai mẹ con cùng cảm nhận giữa họ có một mối tương quan thực sự gần gũi hơn – và cả hai đều sẵn sàng hơn để đi vào mối giao cảm thâm trầm hơn với Greg. Chính việc mẹ chị giãi bày nỗi lòng đã giúp Adrienne nhận ra chị cũng có cảm thức tội lỗi: tội lỗi vì chị chưa bao giờ muốn Greg có mặt trên đời; tội lỗi vì chị vốn thường mong ước giá chi Greg chết đi ngay từ lúc sinh ra; tội lỗi bởi vì – trong miền vô thức đầy mãnh lực của một đứa trẻ – những cảm nghĩ xấu xa ấy đã làm cho người em trai của chị bị tống khứ ra khỏi gia đình; và cuối cùng, tội lỗi bởi vì cuộc đời chị quá dễ chịu và quá được ưu đãi so với nỗi truân chuyên mà Greg phải hứng chịu do bệnh hoạn của mình.

Khi Adrienne nhận thức được những mặc cảm tội lỗi này, suy nghĩ về chúng, thảo luận chúng với những người khác trong gia đình, và hiểu rằng những cảm nghĩ ấy vừa tự nhiên vừa đã được chia sẻ, chị không còn phải “dằn vặt hành sách chính mình” trong vô thức của mình nữa. Và thật bất ngờ đối với Adrienne, chị bỗng thấy mình bắt đầu có thể suy nghĩ một cách mạch lạc, đầy sáng kiến hơn về tình hình công việc nghề nghiệp của mình – khi mà chị không còn bị đè nén nữa bởi nỗi day dứt mặc cảm rằng mình có một người em trai chậm tâm thần.

Tuy nhiên, day dứt của Adrienne không chỉ phát xuất từ những nguồn gốc âu lo trước đây thôi. Adrienne cũng dằn vặt bởi vì chị đã xua đuổi em trai mình ra khỏi tâm tưởng của mình và xem như con người ấy không hiện hữu trên đời. Vì phụ nữ được khuyến khích áy náy về mọi sự – và phải nhận trách nhiệm về mọi vấn đề của con người – nên chúng ta thường khó biện phân đâu là những day dứt có lý để tồn tại. Nói “có lý để tồn tại”, tôi muốn nhắc đến loại day dứt cho phép chúng ta biết rằng mình không đang giữ vai trò trách nhiệm trong một mối tương quan: một vai trò tương hợp với những giá trị và những xác tín riêng mà mình đã đấu tranh để xác lập nên, thoát ra ngoài các áp lực của gia đình và của nền văn hóa.

Chỉ sau khi viếng thăm người em trai và phá vỡ được khuôn khổ tương quan xa rời cũ, Adrienne mới cảm nhận được những dằn vặt mãnh liệt về quá trình quay mặt phủi tay bấy lâu nay. Nhận thức ấy đã đương nhiên giúp chị đi đến thay đổi cung cách ứng xử. Adrienne dần đần đi vào mối liên lạc thích đáng hơn với em trai chị, cả chồng và các con chị cũng được chị dẫn tới gặp Greg nữa. Dù Greg chưa hoàn toàn dứt khoát đón nhận chị như một người chị ruột và chưa đánh giá đầy đủ các cuộc viếng thăm của chị – như chị ghi nhận cho đến thời gian chị kết thúc cuộc trị liệu với tôi – Adrienne vẫn không ngần ngại quyết định duy trì việc liên lạc ấy – vì chính thiện ích của chị.

còn về cuộc hôn nhân của Adrienne?

Adrienne đến với cuộc trị liệu tâm lý chỉ với một mục đích và một mối ưu tư: chị muốn cứu vãn cuộc hôn nhân của mình. Chị không hề có ý muốn đề cập đến người cha đang liệt giường chờ chết lúc ấy, chị càng tránh không muốn đá động đến vấn đề người em trai bị chậm tâm thần. Chị thường nói với tôi: “Tôi không muốn nhắc đến những chuyện trong gia đình bố mẹ tôi. Mà những chuyện ấy có liên quan gì với vấn đề ở đây?”

Cảm nghĩ của Adrienne thật hết sức bình thường và dễ hiểu. Chúng ta có lý khi muốn tránh không tập trung chú ý đến chỗ đau – một thái độ đáng phải luôn được đánh giá đúng mức. Adrienne và tôi đã bắt đầu chính tại chỗ này, và chừng như chúng tôi không thấy cần phải nhìn đâu xa hơn. Thế nhưng, trong đa số các trường hợp, các đôi vợ chồng không thể đạt được mức mật thiết cao hơn nếu họ bó hẹp sự tập trung của họ vào chỉ mối quan hệ giữa họ với nhau. Vì các vấn đề gay cấn trong mối quan hệ hiện tại của chúng ta đang được tiếp hơi bởi những vướng mắc khác chưa giải quyết – và chịu ảnh hưởng bởi cách ta nhận hiểu và dàn xếp những mối quan hệ trong gia đình gốc của mình, do vậy nếu chỉ đóng kín trong một cảm nhận hẹp hòi thì ta sẽ chẳng giải quyết được gì.

Khi Adrienne nhận ra được sách lược lảng tránh cố hữu trong gia đình chị (một sách lược đã được ghi nhận trong ít nhất vài thế hệ) – và khi chị đã có thể tương quan trực tiếp hơn với các thành viên trong gia đình chị, cung cách và thái độ của chị đối với Frank bắt đầu dần dần chuyển biến. Thay vì đong đưa qua lại giữa hai cực: lảng xa ra và áp sát vào, Adrienne đã tìm ra được một thế đứng mới trung dung hơn. Chị đã đi từ thái độ trấn áp chính mình nhằm đạt sự thân tình hơn (chẳng hạn chị trách Frank là một kẻ lảng tránh và cố ép anh ta bộc bạch chính mình ra) tới những cố gắng có tính xây dựng (chẳng hạn chị ngỏ ý với Frank rằng chị muốn cùng anh trải qua một dịp cuối tuần trong thành phố để có điều kiện trang trải thêm nhiều nỗi niềm riêng với anh, mà đồng thời chị không quá băn khoăn về chuyện chị có nhận được sự hưởng ứng “thích đáng” của anh không). Nhờ việc trực tiếp dàn xếp những vấn đề bức xúc trong gia đình gốc của mình, thay vì là tránh né chúng, Adrienne đã có được khả năng để suy nghĩ khách quan và điềm tĩnh hơn về những lấn cấn trong quan hệ hôn nhân của chị.

Còn một lý do nữa khiến cho Adrienne không thể đạt được mục tiêu “thân tình” khi chị chỉ cố loay hoay với mối quan hệ vợ chồng của chị thôi. Quả thật nghịch thường, nếu các đôi vợ chồng khư khư bận tâm với mục tiêu mật thiết như một điều quan trọng hàng đầu, họ sẽ càng ít có khả năng hơn để đạt được mục tiêu ấy. Trong một mối quan hệ, sự thân mật gần gũi đích thực xảy ra không do bởi nó được người ta đeo đuổi hay đòi hỏi – nhưng do bởi cả hai đương sự đều xử lý đúng mức chính bản ngã của mình. Nói “xử lý bản ngã mình”, tôi không ngụ ý rằng chúng ta phải cố tập chú vào duy chỉ việc thể hiện mình ra, thu vén vào cho mình, hay tranh thủ tiến thân trong nghề nghiệp. Đó là những ý niệm do nam giới định nghĩa về ngã vị tính, những ý niệm mà chúng ta cần phải có khả năng thách thức. Xử lý bản ngã thực ra bao hàm việc minh định rõ những niềm tin tưởng, những giá trị và những mục đích sống của mình, bao hàm việc tương giao có trách nhiệm với những người trong gia quyến mình, bao hàm việc xác định “cái tôi” của mình trong những mối tương quan thiết yếu, và bao hàm việc lưu tâm giải quyết những vướng mắc tâm cảm quan trọng khi chúng trỗi lên.

Đối với Adrienne, chắc hẳn rất quan trọng việc chị chọn thái độ lảng xa trong quan hệ với chồng chị. Thời gian trước khi khám phá chồng mình dan díu, chị đã không coi tình trạng lảng xa ấy như một cái gì hệ trọng. Tuy nhiên, cũng quan trọng không kém việc chị phải chấm dứt tâm trạng nôn nóng muốn đạt mật thiết như mục tiêu đệ nhất – để có khả năng đạt được nó nhiều hơn.

Khi Adrienne lưu tâm đến các mối quan hệ thiết yếu trong gia đình mình, chị cũng bắt đầu lưu tâm hơn đến chính mình và bớt nông nổi hơn đối với mọi hành tung của Frank. Giảm sự nông nổi của ta xuống bao giờ cũng là một thách đố và là điều tối cần để có thể xử lý các rắc rối quan hệ một cách kiến hiệu. Điều đương nhiên là sự thách đố ấy càng trở nên đặc biệt cam go khi người kia chống cưỡng lại ta bằng cách suy nghĩ, cảm xúc, phản ứng không giống như ta – hoặc không như ta kỳ vọng.

đến chương 6 >>

Read Full Post »