Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘01. Dò tìm vô thức’ Category

Chương 1:

DÒ TÌM NHỮNG ĐÁY SÂU CỦA VÔ THỨC

Để biết sự chọn lọc ở mức độ cao này có ý nghĩa gì, chúng ta phải hiểu được vai trò của vô thức trong việc lựa chọn bạn đời. Trong thời kỳ hậu-Freud, đa số mọi người đã trở nên lão luyện trong việc lục lọi vô thức để tìm những lời giải thích cho các sự kiện hàng ngày. Chúng ta bàn luận một cách hiểu biết về những “nhầm lẫn được giải thích theo Freud”, phân tích những giấc mơ, và tìm kiếm những cung cách mà vô thức tác động lên hành vi ứng xử hàng ngày của chúng ta. Tuy vậy, đa số chúng ta còn đánh giá rất thấp tầm ảnh hưởng của vô thức. Một phép so sánh sau đây có thể giúp bạn đánh giá đúng ảnh hưởng rộng lớn của vô thức. Ban ngày chúng ta không thể thấy được những ngôi sao, chúng ta nói như thể chúng chỉ “mọc ra” vào ban đêm, nhưng thực ra chúng vẫn luôn ở đó, trên bầu trời. Chúng ta cũng ước lượng quá thấp con số chính xác các ngôi sao. Chúng ta nhìn lên bầu trời, thấy những đám sao lác đác mờ tỏ, và cứ tưởng rằng đó là tất cả. Khi đã đi xa khỏi ánh đèn thành phố, chúng ta nhìn thấy bầu trời khảm đầy sao, và chúng ta bị ngập chìm trong sự rực rỡ của thiên hà. Nhưng chỉ khi nghiên cứu thiên văn học, chúng ta mới biết hết sự thật: hàng trăm ngàn ngôi sao chúng ta thấy trong một đêm không trăng và trời trong chỉ là một phần rất nhỏ của số sao trong vũ trụ, và rất nhiều những đốm sáng mà chúng ta tưởng là một ngôi sao thực ra là cả một thiên hà. Với vô thức cũng vậy, những suy nghĩ có luận lý và trật tự của tư duy ý thức chỉ là một tấm màn mỏng phủ lên vô thức là khu vực vẫn hoạt động mãnh liệt và có hiệu lực trong mọi lúc mọi nơi.

Hãy nhìn sơ qua cấu trúc của bộ não, cơ quan bí ấn và phức tạp với rất nhiều thành phần. Để đơn giản hóa, tôi sử dụng mô hình của nhà thần kinh học Paul Mc Lean và chia bộ não làm ba lớp đồng tâm.

Lõi của não bộ, lớp trong cùng và thô sơ nhất, là phần quản lý việc sinh sản, tự bảo toàn và các chức năng sống còn khác như tuần hoàn, hô hấp, giấc ngủ, và sự co cơ đáp ứng lại những kích thích từ bên ngoài. Nằm ở đáy sọ, phần não bộ này đôi khi được gọi bằng cái tên “não bò sát”, vì mọi loài có xương sống từ bò sát đến loài có vú đều có chung phần não bộ này. Để phục vụ mục đích khảo sát, chúng ta hãy coi lõi của não bộ này là nguồn gốc của các hoạt động thể chất.

Vươn ra như một chạc xương đòn trên lõi não bộ là phần não gọi là hệ thần kinh vành, chức năng chủ yếu là phát sinh những xúc cảm mãnh liệt. Các nhà khoa học có thể kích thích hệ thần kinh vành ở các động vật thí nghiệm bằng phương pháp phẫu thuật và tạo ra những cơn sợ hãi và gây hấn tự phát.

Trong cuốn sách này tôi dùng từ “tâm thức cũ” để chỉ tâm thức xuất phát từ vùng não bộ bao gồm lõi não và hệ thần kinh vành. Ta hãy ghi nhớ rằng “tâm thức cũ” quyết định phần lớn những phản ứng tự động của chúng ta.

Vùng cuối cùng của não bộ là vỏ não, một đám mô não lớn xoắn quanh hai lớp não trong và chính nó cũng được chia làm bốn vùng nhỏ (còn gọi là thùy não). Vùng não này, được phát triển cao nhất ở Homo sapiens (Người hiện đại), là nơi cư trú của phần lớn các chức năng nhận thức. Tôi sẽ gọi phần tâm thức xuất phát từ vỏ não là “tâm thức mới”, bởi vì nó xuất hiện muộn nhất trong lịch sử tiến hóa của động vật. Tâm thức mới là tâm trí có ý thức, tỉnh táo, và tiếp xúc với môi trường xung quanh hàng ngày. Nó là tâm thức mà chúng ta dùng để suy nghĩ, ra quyết định, quan sát, lập kế hoạch, suy đoán, trả lời, sắp xếp thông tin, và tạo ra những ý tưởng. Tâm thức mới có đặc điểm cố hữu là có trật tự luận lý, nó luôn tìm tòi nguyên nhân của mọi kết quả và hậu quả của mội nguyên nhân. Ở mức độ nào đó, nó có thể điều hòa một số phản ứng bản năng của tâm thức cũ. Rộng lớn và luôn kề cận, tâm trí biết phân tích, điều tra, hay thắc mắc này chính là những gì mà chúng ta tưởng là “cái tôi” của mình.

Luận lý của tâm thức cũ

Hoàn toàn trái ngược với tâm thức mới, ta hầu như không biết gì về các chức năng của tâm thức cũ. Những nỗ lực để hiểu được phần thực thể này của chúng ta là một nhiệm vụ làm điên đầu, vì bạn sẽ phải lật ngược tâm trí có ý thức của mình để nhìn vào đáy sâu bên dưới nó. Những nhà khoa học đã quy phục được tâm thức cũ đã cho ta biết rằng mối quan tâm chủ yếu của tâm thức cũ là tự bảo toàn. Luôn cảnh giác cao độ, tâm thức cũ liên tục đặt ra câu hỏi hàng đầu: “Có an toàn không?”

Khi thực hiện công việc của mình là đảm bảo sự an toàn, tâm thức cũ hoạt động theo một phong cách cơ bản khác biệt với tâm thức mới. Một trong những điểm khác biệt chủ yếu là tâm thức cũ dường như chỉ có một nhận thức rất lờ mờ về thế giới bên ngoài. Không giống như tâm thức mới, dựa vào tri giác trực tiếp từ các hiện tượng bên ngoài, tâm thức cũ rút tỉa dữ liệu từ các hình ảnh, biểu tượng, và suy nghĩ mà tư duy mới tạo ra. Điều đó làm giảm mật độ dữ liệu nhập của nó vào những phạm trù rất rộng. Ví dụ, trong khi tâm thức mới có thể phân biệt dễ dàng các cá nhân, tâm thức cũ gộp tất cả mọi người thành 6 loại cơ bản. Điều duy nhất mà nó quan tâm là một nhân vật cụ thể nào đó thuộc về lọai nào trong loại sau: 1. nuôi dưỡng, 2. được nuôi dưỡng, 3. có quan hệ tình dục, 4. phải tránh xa, 5. chịu phục tùng, 6. tấn công. Các khái niệm phân biệt như “hàng xóm”, “anh em họ”, “mẹ tôi” hay “vợ tôi” bị gạt sang một bên.

Tâm thức cũ và tâm thức mới, khác nhau ở nhiều điểm như vậy, liên tục trao đổi và diễn giải các thông tin. Điều này xảy ra như sau. Giả sử bạn đang ngồi trong nhà một mình, đột ngột nhân vật A là một bà dì của bạn bước vào cửa. Tâm thức mới lập tức tạo ra một hình ảnh của nhân vật này và gửi đến tâm thức cũ để nghiên cứu. Tâm thức cũ nhận được hình ành và so sánh nó với các hình ảnh khác được lưu trữ. Ngay lập tức có nhận xét đầu tiên: “Người này không phải người lạ”. Rõ ràng những cuộc gặp gỡ với nhân vật này đã được ghi nhận từ trước. Một phần triệu giây sau đã có nhận xét thứ hai: “Không có tình tiết nguy hiểm nào liên hệ với hình ảnh này”. Trong vô số giao tiếp đã xảy ra giữa bạn và người khách bí ẩn, không có lần nào đe dọa đến sự sống của bạn. Sau đó, rất nhanh là nhận xét thứ ba: “Có rất nhiều tình tiết dễ chịu liên quan đến hình ảnh này”. Trong thực tế, các dữ liệu lưu trữ đã cho rằng A là một người nuôi dưỡng. Đi đến kết luận này, hệ thần kinh vành gửi một tín hiệu đèn xanh đến “não bò sát”, và bạn sẽ thấy mình bước về phía kẻ mới xâm nhập với đôi tay mở rộng. Vận dụng tâm thức mới, bạn nói: “Kìa dì, thật vui khi dì đến chơi!”

Tất cả những điều đó xảy ra ngoài nhận thức của bạn trong một phần ngàn giây đồng hồ. Trong tâm trí có ý thức của bạn, những gì xảy ra là bà dì yêu quý của bạn vừa bước vào cửa. Trong khi đó, trong cuộc thăm hỏi của bà dì, quá trình thu thập dữ liệu vẫn tiếp tục. Lần gặp gỡ sau cùng này tạo ra thêm những suy nghĩ, cảm xúc và hình ảnh, những tài liệu ấy được gửi tới hệ thần kinh vành để lưu trữ trong ngăn não bộ dành cho bà dì. Những thông tin mới đó sẽ được tâm thức cũ truy cập lại khi bà dì đến thăm bạn lần sau.

Hãy thử xem xét một hoàn cảnh khác. Giả sủ người bước vào cửa không phải là bà dì thân yêu ấy mà là bà chị của bà, bà dì thứ hai, và thay vì đón khách với đôi tay mở rộng, bạn thấy mình bực bội vì bị gián đoạn công việc. Tại sao một phản ứng rất khác biệt như vậy lại xảy ra với hai chị em? Hãy giả sử là hồi 18 tháng tuổi, bạn đã phải ở một tuần với bà dì thứ hai vì mẹ bạn đang nằm bệnh viện để sinh một đứa em khác. Cha mẹ bạn, cố gắng chuẩn bị trước cho sự kiện này, đã giải thích với bạn rằng “Mẹ sẽ tạm xa con để đi đến bệnh viện mang về một em bé mới.” Những từ như “bệnh viện”, “em bé” không có nghĩa gì đối với bạn, nhưng những từ như “mẹ” và “đi xa” chắc chắn là có. Mỗi khi họ nhắc đến hai từ này liền nhau là bạn lại cảm thấy lo lắng và mút ngón tay. Vài tuần sau, khi mẹ bạn bắt đầu ở cữ, bạn được nhấc khỏi nôi trong giấc ngủ say và mang đến nhà bà dì thứ hai. Bạn tỉnh dậy một mình trong căn nhà lạ, và người chạy đến với bạn khi bạn khóc không phải là cha hay mẹ bạn mà là bà dì thứ hai này.

Bạn sống trong lo âu suốt mấy ngày sau đó. Mặc dù bà dì thứ hai rất trìu mến và tốt bụng, bạn vẫn cảm thấy bị bỏ rơi. Nỗi sợ ban đầu này được liên hệ với bà dì thứ hai, và nhiều năm liền, hình ảnh của bà, hay mùi nước hoa của bà, khiến bạn bỏ chạy khỏi phòng. Trong những năm sau đó, có thể bạn đã trải qua nhiều kỷ niệm thú vị với bà dì thứ hai, tuy vậy, 30 năm sau khi bà bước vào phòng, bạn vẫn cảm thấy thôi thúc bỏ chạy. Chỉ nhờ một kỷ luật ứng xử nghiêm khắc mà bạn đứng lên chào bà.

Không có thời nào là thời Hiện tại

Câu chuyện này còn minh họa cho một nguyên tắc quan trọng khác của tâm thức cũ: nó không có khái niệm về tuyến thời gian. Ngày hôm nay, ngày mai, và hôm qua không tồn tại; những gì đã từng có vẫn còn đó. Hiểu được sự thật cơ bản này về bản chất của vô thức, có thể giải thích tại  sao trong cuộc hôn nhân của mình, đôi khi bạn nhận thấy những cảm xúc hoàn toàn không tương xứng với những sự kiện tạo ra chúng. Ví dụ hãy tưởng tượng rằng bạn là một phụ nữ 35 tuổi, là một luật sự trong một công ty có uy tín. Một ngày kia, bạn ngồi trong văn phòng và nảy ra những suy nghĩ trìu mến ấm áp về chồng mình, và bạn quyết định gọi điện thoại cho anh ta. Bạn quay số, và thư ký báo cho bạn biết rằng anh ta đã đi khỏi sở làm và không thể gọi được. Đột ngột, mọi suy nghĩ trìu mến của bạn biến mất, và bạn cảm thấy một đợt sóng lo âu ập đến: “Anh ấy ở đâu?”. Lý trí bảo cho bạn biết rằng anh ấy có thể đang nói chuyện với khách hàng hoặc đang ăn bữa trưa muộn, nhưng một phần của con người bạn – hãy trung thực – cảm thấy bị bỏ rơi. Bạn ở đó, một phụ nữ khôn ngoan và có năng lực, nhưng chỉ vì chồng bạn không có sẵn ở đầu dây điện thoại, bạn lập tức cảm thấy dễ tổn thương như cái ngày mà mẹ bạn đã bỏ bạn lại với cô trông trẻ hoàn toàn xa lạ. Tâm thức cũ của bạn bị giam giữ trong một viễn cảnh xa xưa.

Hoặc giả sử bạn là một người đàn ông trung niên, một nhà quản lý bậc trung trong một công ty lớn. Sau một ngày say sưa với công việc, bạn đã xoa dịu được những khách hàng quan trọng, và hoàn tất động tác cuối cùng trên một tài khoản nhiều triệu đô-la, bạn về nhà, háo hức được chia sẻ thành công với vợ. Khi bước vào cửa, bạn thấy một tờ giấy của vợ nhắn rằng cô sẽ đi làm về muộn. Bạn đứng chết lặng tại chỗ. Bạn đã tin tưởng rằng cô ấy sẽ chờ bạn ở đó! Bạn có vượt ra được khỏi nỗi thất vọng và tự giải trí trong thời gian ấy không? Bạn có dùng nó vào việc kiểm tra lại lần cuối chương trình làm việc? Có. Nhưng đó là sau khi bạn đã đi thẳng đến tủ lạnh và ngốn sạch hai chén kem sữa to tướng, chất liệu thay thế gần nhất với sữa mẹ mà bạn có thể tìm thấy. Quá khứ và hiện tại sống bên nhau trong tâm trí bạn.

Bây giờ đã suy nghĩ ít nhiều về bản chất của vô thức, ta hãy trở lại với cuộc luận bàn trước đây về việc chọn lựa bạn đời. Những thông tin về tư duy cũ đó sẽ giúp gì cho ta trong việc hiểu được sự hấp dẫn lãng mạn? Hiện tượng kỳ lạ mà tôi đã ghi nhận trước đây trong khi khảo sát là chúng ta dường như có xu hướng chọn lọc cao trong việc tìm bạn đời. Thực ra, chúng ta chỉ tìm một người “có một không hai” với một tập hợp những nét cá tính bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực.

Những điều chúng ta làm, theo như tôi đã khám phá sau nhiều năm ròng nghiên cứu lý thuyết và quan sát thực hành, là tìm kiếm một người có những nét cá tính nổi trội của người đã nuôi dưỡng chúng ta. Tâm thức cũ, bị giam giữ trong cái hiện tại vĩnh cửu và chỉ có một nhận thức lờ mờ về thế giới bên ngoài, đang cố gắng dựng lại môi trường thời thơ ấu. Và lý do mà tâm thức cũ cố phục sinh lại quá khứ không phải là vấn đề thói quen hay sự cưỡng bức mù quáng mà là một nhu cầu khẩn thiết để hàn gắn lại những vết thương thời thơ ấu.

Cái lý do cơ bản nhất khiến bạn si mê người bạn đời của mình, theo tôi, không phải vì người ấy trẻ đẹp, có sự nghiệp gây ấn tượng, có “điểm giá trị” tương đương với bạn, hay có tâm tính tốt. Bạn yêu người ấy bởi vì tâm thức cũ của bạn đã lẫn lộn người ấy với người đã nuôi dưỡng bạn! Tâm thức cũ tin rằng cuối cùng nó đã tìm được ứng viên lý tưởng để đền bù cho những chấn thương tâm lý và tình cảm mà bạn đã trải qua trong thời thơ ấu.

đến chương 02 >>

Read Full Post »