Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘14. Lý thuyết về sáng tạo’ Category

Chương 14:

TIẾN TỚI MỘT LÝ THUYẾT VỀ SÁNG TẠO

*****

Vào tháng 12 năm 1952 một Hội nghị về Sáng tạo được triệu tập do một nhóm bảo trợ thuộc trường Đại học tiểu bang Ohio. Các giới nghệ sĩ, văn sĩ, vũ sư, nhạc sĩ tất cả được đại diện cũng như những nhà giáo dục trong các ngành khác nhau này. Thêm vào đó là những người lưu tâm đến diễn trình sáng tác: các triết gia, các bác sĩ tâm thần, các nhà tâm lý học. Đó là một hội nghị sống động và bổ ích, và đã khiến tôi viết ra ít điều thô thiển về sáng tác và những yếu tố có thể nuôi dưỡng nó.

*****

Tôi cho rằng có một nhu cầu xã hội khẩn thiết về phong thái sáng tác của những cá nhân có khả năng sáng tác. Chính điều này biện minh cho việc tiến dẫn một lý thuyết về sáng tác – bản chất của hành vi sáng tác, những điều kiện trong đó việc sáng tác diễn ra, và thể thức trong đó nó có thể được bảo dưỡng một cách đầy xây dựng. Một lý thuyết có thể đóng vai trò kích thích và hướng dẫn những cuộc khảo sát nghiên cứu trong ngành này.

NHU CẦU XÃ HỘI

Nhiều cuộc phê bình nghiêm chỉnh về văn hóa của chúng ta và những đường hướng của nó có thể thâu tóm lại trong câu: “Thiếu sáng tạo”. Chúng ta hãy khẳng định vài ý phê bình ấy thật ngắn gọn:

Nền giáo dục chúng ta có khuynh hướng tạo ra những người nghĩ và làm theo đa số, những cá nhân có một nền giáo dục “hoàn tất”, hơn là những nhà suy tư độc đáo và sáng tạo.

Trong những lúc tiêu khiển, sự vui chơi thụ động và tập đoàn thì trội hẳn, so với những hoạt động sáng tạo.

Trong khoa học, có rất nhiều kỹ thuật viên, nhưng số người có thể đưa ra với óc sáng tạo những giả thiết và những lý thuyết hữu ích thì thực là nhỏ.

Trong kỹ nghệ, sự sáng tạo chỉ dành cho một thiểu số – quản đốc, vẽ kiểu, trưởng ban nghiên cứu – trong khi đối với đa số, cuộc sống không nỗ lực sáng tạo độc đáo.

Trong đời sống cá nhân và gia đình, tình trạng ấy cũng đúng. Trong quần áo chúng ta mặc, lương thực chúng ta ăn, sách báo chúng ta đọc, và những tư tưởng chúng ta có, tất cả đều mang tính cách thủ cựu, rập khuôn. Dường như độc đáo hay khác người là một điều “nguy hiểm”.

Tại sao lại băn khoăn về vấn đề này? Nếu con người chúng ta thấy thủ cựu sướng hơn sáng tạo, tại sao chúng ta không được phép chọn lựa như thế? Sẽ hoàn toàn có lý, nếu như không có cái bóng đen đè lên tất cả chúng ta. Vào cái thời kỳ mà kiến thức, với sức xây dựng và phá hủy của nó tiến vào kỷ nguyên nguyên tử với những bước nhảy vọt không sao tin nổi, thì một sự thích nghi sáng tạo độc đáo xem như là khả năng duy nhất có thể đương đầu với sự thay đổi như chong chóng trong thế giới chúng ta. Với những khám phá và sáng chế khoa học diễn tiến theo nhịp độ của cấp số nhân, thì những người thường thường thụ động và bị ràng buộc trong một nền văn hóa không sao đối phó nổi với những sự việc và những vấn đề chồng chất. Trừ phi những cá nhân, những nhóm, và những dân tộc có thể tưởng tượng ra được những cách thức mới để đối phó với những thay đổi phức tạp này, thì mọi luồng ánh sáng sẽ tắt hết. Trừ trường hợp con người có thể tìm ra những thích nghi mới và độc đáo với môi trường của mình, nền văn hóa của chúng ta sẽ tàn lụn. Không những chỉ có sự bất cập của cá nhân và sự căng thẳng của tập đoàn, mà sự hủy diệt của thế giới sẽ là cái giá mà chúng ta sẽ trả cho sự thiếu sáng tạo.

Do đó đối với tôi, những cuộc thẩm tra về diễn trình của sự sáng tạo, những điều kiện trong đó diễn trình này xảy ra, và những thể thức có thể làm sự sáng tạo trở thành dễ dàng, là vấn đề tối quan trọng.

Với hy vọng đề xuất được một cấu trúc có lập trường nhờ đó những cuộc thẩm tra như thế có thể tiến hành, tôi xin cống hiến những phần sau đây.

DIỄN TRÌNH SÁNG TẠO

Có nhiều cách định nghĩa sự sáng tạo. Để làm rõ ràng hơn ý nghĩa của vấn đề, tôi xin phép nêu ra những  yếu tố mà theo thiển ý, là một phần của diễn trình sáng tạo, và rồi sẽ thử đưa ra một định nghĩa.

Trước hết, đối với tôi, trong tư thế một nhà khoa học, phải có một cái gì đó khả dĩ quan sát được, một sản phẩm của sự sáng tạo. Mặc dù những mơ tưởng của tôi có thể cực kỳ mới mẻ, chúng không thể được định nghĩa một cách hữu dụng như là sáng tạo ngoại trừ khi chúng thoát ra thành một sản phẩm có thể quan sát được – ngoại trừ khi chúng được biểu tượng ra thành lời nói, hay viết thành một bài thơ, hay thể hiện thành một tác phẩm nghệ thuật, hay hun đúc thành một sáng chế.

Những thành phẩm này phải là những công trình mới mẻ. Sự mới mẻ này nảy sinh từ phẩm chất độc đáo của cá nhân trong tác động hỗ tương của người ấy với những tư liệu của kinh nghiệm. Sự sáng tạo luôn luôn mang dấu ấn của cá nhân trên sản phẩm, nhưng sản phẩm không phải là cá nhân, cũng không phải là tư liệu của người ấy, nhưng tham dự vào mối liên hệ giữa đôi bên.

Theo sự xét đoán của tôi, sự sáng tạo không dành riêng cho một lãnh vực nào. Tôi cho là không có sự khác biệt cơ bản trong diễn trình sáng tạo như nó xuất hiện trong việc vẽ một bức tranh, cấu tạo một bản hòa âm, chế tạo những dụng cụ mới để giết hại, triển khai một lý thuyết khoa học, khám phá ra những phương thức mới trong giao tế giữa người với người, hay sáng tạo những mô hình mới cho chính bản thân của mình như trong tâm lý trị liệu. (Thực ra kinh nghiệm của tôi trong lãnh vực sau này, hơn là kinh nghiệm trong nghệ thuật, đã giúp tôi có sự lưu ý đặc biệt về sáng tạo và việc giúp nó được dễ dàng. Sự hiểu biết thiết thân về cách thức theo đó cá nhân tạo lại mô hình về mình trong liên hệ trị liệu, một cách độc đáo và tài tình đã đem lại cho tôi lòng tin nơi tiềm năng sáng tạo của mọi người).

Vậy định nghĩa của tôi về diễn trình sáng tạo là: sự đột khởi thành hành động của một sản phẩm liên hệ mới mẻ, nảy sinh từ sự độc đáo của một cá nhân, một đằng, và những tư liệu, biến cố, nhân sự, hay những hoàn cảnh của đời người ấy, đằng khác.

Tôi xin phép được kèm theo một vài phụ chú cho định nghĩa này. Không có sự phân biệt giữa sáng tạo “tốt” và “xấu”. Một người có thể khám phá ra cách làm giảm bớt đau đớn, trong khi một người khác nghĩ ra một thể thức mới, tinh vi hơn để hành hạ những tù nhân chính trị. Cả hai hành động này đối với tôi đều là sáng tạo, mặc dù giá trị xã hội của chúng rất khác nhau. Dù rằng tôi sẽ bình luận về những lượng giá xã hội sau này, tôi đã tránh đưa chúng vào định nghĩa của tôi, bởi vì chúng biến đổi vô chừng. Galileo và Copernicus có những khám phá sáng tạo, mà trong thời đại các ông bị lượng giá là phạm thượng và nguy hiểm, và trong thời đại chúng ta là căn bản và xây dựng. Chúng ta không muốn làm lu mờ định nghĩa của chúng ta bằng những từ thuộc phạm vi chủ quan.

Một cách khác để xét cùng vấn đề này là lưu ý rằng để được nhìn nhận trong lịch sử như có tính cách sáng tạo, thì sản phẩm phải được chấp nhận bởi một nhóm nào đó vào một thời điểm nào đó. Sự kiện này dù sao không giúp ích cho định nghĩa của chúng ta, vì những sự lượng giá thay đổi không chừng, và vì nhiều sản phẩm sáng tạo chắc là không bao giờ được xã hội chú ý, và đã tan biến mà không được lượng giá. Vì thế quan điểm về sự chấp nhận của nhóm cũng phải bỏ ra ngoài định nghĩa của chúng ta.

Thêm vào đó, cần nói rõ là định nghĩa của chúng ta không phân biệt về trình độ sáng tạo, bởi vì điều này cũng là một phán đoán về giá trị hết sức thay đổi. Đứa trẻ chế ra một trò chơi mới với bạn bè; Einstein phát minh thuyết tương đối; bà nội trợ chế biến một món xốt mới để ăn với thịt; một tác giả trẻ viết cuốn tiểu thuyết đầu tay; tất cả những việc này, theo định nghĩa của chúng ta đều mang tính sáng tạo , và tôi không thử xếp chúng theo trật tự ít hay nhiều sáng tạo.

ĐỘNG LỰC SÁNG TẠO

Nguyên động lực sự sáng tạo xem ra cũng là chính cái khuynh hướng mà chúng ta khám phá ra một cách sâu xa là cái lực chữa trị trong tâm lý trị liệu – khuynh hướng của con người muốn thể hiện chính mình muốn trở thành những tiềm năng của mình. Nói thế tôi có ý chỉ cái hướng tiến hiển nhiên trong sự sống của mọi sinh vật và mọi người – sự thôi thúc phải bành trướng, nới rộng, phát triển và trưởng thành – cái khuynh hướng diễn đạt và thể hiện tất cả những khả năng của cơ cấu hay là bản ngã. Cái khuynh hướng này có thể bị chôn vùi sâu dưới tầng tầng lớp lớp của những tự vệ tâm lý chai cứng; nó có thể bị dấu đằng sau những bề mặt khéo tô vẽ nhằm phủ nhận sự hiện hữu của nó; dù sao dựa trên kinh nghiệm bản thân, tôi tin rằng, nó hiện hữu trong mọi người, và chỉ chờ điều kiện thuận lợi là bung ra và thể hiện. Chính cái khuynh hướng này là động lực chính cho việc sáng tạo, như một cơ chế thiết lập những liên hệ mới với môi trường trong nỗ lực được sống một cách trọn vẹn nhất.

Bây giờ chúng ta hãy thử xét trực tiếp vấn đề khó xử liên quan đến giá trị xã hội của hành vi sáng tạo. Chắc hẳn ít người trong chúng ta muốn tán trợ sự sáng tạo có tính cách phá hoại về mặt xã hội. Nếu biết được, chúng ta không muốn tiếp tay vào việc phát triển những cá nhân mà thiên tài sáng tạo của họ cho ra đời những phương cách mới mẻ và hay hơn để trộm cắp, bóc lột, hành hạ, chém giết những người khác; hay triển khai những hình thức tổ chức xã hội hay hình thức nghệ thuật dẫn dắt nhân loại vào những con đường tự hủy về thể chất hay tinh thần. Nhưng làm sao có thể có được những sự phân biệt cần thiết như thể để chúng ta có thể khuyến khích một sự sáng tạo xây dụng chứ không phải phá hoại?

Không thể phân biệt được bằng cách xem xét sản phẩm. Cái chính yếu của sáng tạo là sự mới mẻ của nó, và bởi thế chúng ta không có tiêu chuẩn qua đó có thể xét đoán nó. Hơn nữa, lịch sử cho thấy là sản phẩm càng độc đáo, ý nghĩa của nó càng lớn rộng, thì dường như nó càng bị những người đương thời lên án là xấu xa. Một sự sáng tạo có ý nghĩa thực sự, dù là một tư tưởng, một tác phẩm nghệ thuật, hay một khám phá khoa học, thì hầu như không tránh khỏi lúc ban đầu bị coi như lầm lẫn, xấu xa hay điên khùng. Về sau nó có thể được nhìn nhận là rõ ràng, một điều hiển nhiên với mọi người. Chỉ về sau nữa nó mới nhận được sự lượng giá chung cuộc là một đóng góp có sáng tạo. Dường như rõ ràng là không có người đương thời nào có thể luợng giá một cách thỏa đáng một sản phẩm sáng tạo vào thời mà nó hình thành, và câu khẳng định này càng đúng hơn, khi sự sáng tạo càng mới lạ.

Cũng không ích lợi gì khi xét đến những mục tiêu cá nhân tham dự vào diễn trình sáng tạo. Phần nhiều, và có thể là hầu hết những sáng tạo và khám phá tỏ ra có giá trị xã hội lớn, đã được thôi thúc bởi những mục tiêu có liên quan nhiều đến lợi ích riêng tư hơn là giá trị xã hội, trong khi đó về mặt khác, lịch sử ghi lại những kết cục có vẻ bi đát cho nhiều sáng tạo có mục tiêu rõ rệt là thực hiện phúc lợi xã hội. Vâng, chúng ta phải nhận là cá nhân sáng tạo, trước hết là vì điều đó thỏa mãn người ấy, bởi vì phong thái này được cảm nghiệm là thể hiện chính mình, và chúng ta chẳng đi tới đâu khi cố gắng phân biệt những mục tiêu “tốt” và “xấu” trong diễn trình sáng tạo.

Vậy thì chúng ta có phải ngưng bất kỳ sự mưu toan phân biệt giữa sự sáng tạo có tiềm năng xây dựng và sự sáng tạo có tiềm năng phá hoại hay không? Tôi không tin là kết luận bi quan này được biện minh. Về vấn đề này, những khám phá trị liệu mới mẻ trong lãnh vực tâm lý trị liệu cho chúng ta hy vọng. Người ta thấy rằng khi một cá nhân được mở rộng đón tất cả kinh nghiệm của y (câu này sẽ được định nghĩa đầy đủ hơn), thì tác phong của y sẽ có tính sáng tạo, và ta có thể tin rằng sự sáng tạo của y mang tính xây dựng trong bản chất.

Sự phân biệt có thể tóm gọn như sau. Tùy theo mức độ mà cá nhân từ khước không nhân vào tầm ý thức (hay ức chế, nếu bạn thích từ này hơn), những mảnh đất lớn thuộc kinh nghiệm của y, khi ấy những hình thành sáng tạo bị bệnh, hoặc xấu về phương diện xã hội, hoặc cả hai. Tùy theo mức độ mà cá nhân được mở rộng để đón nhận tất cả khía cạnh của kinh nghiệm của mình và sẵn có trong tầm ý thức tất cả mọi cảm xúc và nhận thức đa dạng đang diễn ra trong cơ thể của mình, khi ấy những sản phẩm mới của sự hỗ tương tác động của người ấy với môi trường của mình sẽ có khuynh hướng mang tính chất xây dựng cho cả y lẫn những người khác. Để chứng minh, một người với khuynh hướng kiêu ngạo đến bệnh hoạn có thể một cách sáng tạo khai triển một thuyết mới mẻ nhất về mối liên hệ giữa y và môi trường, nhìn thấy chứng cớ cho thuyết của y trong tất cả các loại đầu mối vụn vặt. Thuyết của y có ít giá trị xã hội, có lẽ vì lý do là có một loạt kinh nghiệm mà người này không thể nhận vào tầm ý thức của y. Mặt khác, Socrates, mặc dù cũng bị người đồng thời coi là “khùng”, đã khai triển những ý tưởng mới, đã chứng tỏ là mang tính xây dựng về mặt xã hội. Rất có thể là vì ông đã đặc biệt không phòng vệ và cởi mở đón kinh nghiệm của mình.

Lý lẽ đứng sau điều này có lẽ sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những phân đoạn còn lại của bài này. Mặc dầu trước hết nó được xây dựng trên sự khám phá trong khoa tâm lý trị liệu rằng khi cá nhân trở nên cởi mở hơn, ý thức được hơn tất cả những mặt kinh nghiệm của mình, thì người ấy càng có thể hành động theo cung cách mà chúng ta gọi là xã hội hóa. Nếu y có thể ý thức được những thúc đầy thù hận của mình, nhưng cũng ý thức được sự khao khát tình người và sự đón nhận; ý thức được những mong đợi của nền văn hóa của mình, nhưng cũng ý thức không kém về những mục tiêu riêng của y; ý thức được những khao khát ích kỷ của mình, nhưng cũng ý thức nơi bản thân sự quan tâm dịu dàng và tế nhị đối với người khác; khi đó y sẽ xử sự theo một cung cách hài hòa, toàn vẹn và xây dựng. Y càng cởi mở đón nhận kinh nghiệm của mình, thì phong cách của y càng cho thấy rõ là bản chất của nhân loại hướng về một lối sống xã hội và xây dựng.

NHỮNG ĐIỀU KIỆN NỘI TÂM
CHO MỘT SỰ SÁNG TẠO XÂY DỰNG

Những điều kiện nào bên trong con người có liên đới chặt chẽ nhất với hành vi sáng tạo mang tính tiềm năng xây dựng? Tôi thấy đây có thể là những điều kiện ấy.

A. Sự cởi mở đón nhận kinh nghiệm: Đây là điều ngược lại với sự phòng vệ tâm lý, khi phải bảo vệ sự phối hợp bản ngã, một số kinh nghiệm nào đó bị ngăn cản, không được lọt vào tầm ý thức, ngoại trừ dưới hình thức méo mó. Trong một người cởi mở tiếp đón kinh nghiệm, mỗi kích thích đều được thong dong chuyển tiếp qua hệ thống thần kinh, không bị bóp méo bởi bất kỳ tiến trình tự vệ nào. Cho dù sự kích thích bắt nguồn trong môi trường, bằng ảnh hưởng của hình sắc hay âm thanh tác động trên thần kinh giác quan, hoặc nó bắt nguồn trong nội tạng hay là như một dấu tích ký ức trong hệ thần kinh trung ương, nó có sẵn đó trong tầm ý thức. Điều này có nghĩa là thay vì nhận thức trong những phạm trù tiền định (“cây thì xanh”, “giáo dục cao đẳng thì tốt”, “nghệ thuật tân tiến thì kỳ dị”) cá nhân ấy ý thức về khoảnh khắc hiện sinh này như nó đang hiện ra, cho nên người ấy linh động với nhiều kinh nghiệm lọt ra ngoài những phạm trù thông thường (cây này sắc xanh lợt có vệt đó; nền giáo dục đại học này thì tai hại; vật điêu khắc tân tiến này có tác dụng mạnh mẽ đối với tôi).

Điều sau này gợi lên một cách khác để mô tả sự cởi mở đón nhận kinh nghiệm. Nó có nghĩa là sự uyển chuyển và dễ dàng qua lại giữa những quan điểm, niềm tin, nhận thức và giả thiết. Nó có nghĩa là bao dung đối với sự mơ hồ nơi nào mơ hồ hiện hữu. Nó có nghĩa là khả năng tiếp nhận nhiều nguồn tin mâu thuẫn mà không khép kín đối với hoàn cảnh. Nó có nghĩa là cái mà khoa ngữ nghĩa học tổng quát gọi là “chiều hướng khuếch trương”.

Sự cởi mở trọn vẹn của tầm ý thức đối với điều hiện hữu vào đúng lúc ấy, là điều kiện cần thiết cho sự sáng tạo xây dựng, tôi tin tưởng thế. Sự cởi mở ấy chắc chắn hiện hữu nơi mọi sáng tạo, với một cường độ tương đương, tuy được áp dụng một cách hạn chế. Người nghệ sĩ khó thích nghi, không thể nhận định hay ý thức được nguồn gốc của sự đau khổ trong chính bản thân y, tuy nhiên vẫn ý thức được một cách sắc bén và tinh tế hình thái và màu sắc trong kinh nghiệm của mình. Bạo chúa (không kể trên tầm vóc nhỏ hay lớn) không thể đối diện với sự yếu đuối nơi bản thân mình, nhưng vẫn hoàn toàn bén nhạy và ý thức được những tiếng loảng choảng trong bộ áo giáp tâm lý của những kẻ mà y đối phó. Bởi vì có sự cởi mở cho một giai đoạn của kinh nghiệm, sự sáng tạo có thể xảy ra; bởi vì sự cởi mở chỉ cho một giai đoạn của kinh nghiệm, cho nên sản phẩm của sự sáng tạo này có thể có tiềm năng phá hoại đối với những giá trị xã hội. Cá nhân càng có một tầm ý thức tế nhị về tất cả những giai đoạn của kinh nghiệm mình, chúng ta càng chắc chắn rằng sự sáng tạo của y sẽ mang tính xây dựng cho bản thân và cho xã hội.

B. Khả năng lượng giá từ bên trong. Có lẽ điều kiện căn bản nhất của sự sáng tạo là nguồn gốc hay vị trí của sự phán đoán lượng giá nằm trong nội tâm. Giá trị của sản phẩm của mình, đối với người sáng tạo, được xác định không phải bởi lời khen ngợi hay chỉ trích của những người khác, mà bởi chính người đó. Tôi đã sáng tạo nên cái gì toại nguyện cho tôi chưa? Liệu có diễn đạt một phần của tôi – tình cảm hay ý tưởng của tôi, niềm đau thương hay sự xuất thần của tôi không? Đó là những câu hỏi duy nhất thực sự quan hệ đối với con người sáng tạo hay cho bất kỳ người nào khi người ấy đang sáng tạo.

Điều này không có nghĩa là người ấy quên, hay không muốn ý thức về những phán đoán của kẻ khác. Điều này chỉ có nghĩa là nền tảng của sự lượng giá nằm bên trong chính người ấy, trong phản ứng toàn thể con người mình đối với sản phẩm của mình và sự tán thưởng nó. Nếu người trong cuộc có cảm nghĩ là “cái tôi đang hành động” là mình đang thể hiện những tiềm năng cho tới nay chưa hề có, và không có sự định giá nào từ bên ngoài có thể thay đổi sự kiện căn bản ấy.

C. Khả năng đùa giỡn với những yếu tố và những quan điểm. Mặc dầu điều này chừng ít quan trọng hơn hai điều trên, xem ra lại là điều kiện cho sự sáng tạo. Liên quan với sự cởi mở và uyển chuyển đã mô tả trong phần A, là khả năng đùa giỡn hồn nhiên với những ý tưởng, những màu sắc, hình thái, những liên hệ – tung ném những yếu tố vào những vị thế xem như không thể có được, hình thành những giả thiết hoang dại, làm cho sự kiện trở thành vấn đề, diễn đạt điều lố bịch, đổi hình thế này sang hình thể kia, biến hóa thành những tương đương không chắc đã có. Chính từ sự đùa giỡn và thăm dò hồn nhiên này mà nảy ra ánh sáng, cái nhìn sáng tạo về cuộc đời một cách mới mẻ và có ý nghĩa. Dường như theo thể thức vạn vật biến chuyển từ hàng ngàn khả năng, nổi lên một hai hình thái tiến hóa với những phẩm chất cho chúng một giá trị trường cửu hơn.

HÀNH VI SÁNG TẠO VÀ NHỮNG PHÁT SINH
ĐỒNG THỜI CỦA NÓ

Khi có được ba điều kiện này, sự sáng tạo mang tính xây dựng sẽ xảy đến. Nhưng chúng ta không thể trông đợi một sự mô tả chính xác về hành vi sáng tạo, bởi vì do bản chất của nó, nó không thể được diễn tả nổi. Đây là cõi vô tri mà chúng ta phải nhận như bất-khả-tri cho tới khi nó xảy đến. Đây là điều không chắc xảy ra trở thành điều xảy ra. Chỉ bằng một cách rất chung chung, chúng ta có thể nói được là hành vi sáng tạo là sự vận hành tự nhiên của một cơ chế (organism) có khuynh hướng trồi lên khi cơ chế ấy mở ra đón nhận tất cả kinh nghiệm bên trong và bên ngoài của nó, và khi nó được tự do thử nghiệm theo cách uyển chuyển tất cả những phương thế trong sự liên hệ. Từ số đông đảo những khả năng đang được thai nghén, cơ chế ấy, như một máy tính tinh vi tuyển chọn cái này vì nó đáp ứng một cách hữu hiệu nhất một nhu cầu nội tâm, hay cái kia, vì nó tạo nên một liên hệ hữu hiệu hơn với môi trường, hay cái kia nữa vì nó khám phá ra một trật tự đơn giản và thỏa đáng hơn để nhận thức cuộc đời.

Dù sao cũng có một đặc tính của hành vi sáng tạo có thể mô tả được. Trong hầu hết các sáng tác, chúng ta thường nhận ra sự chọn lọc, hay nhấn mạnh, sự sắp xếp theo trật tự nào đó, và sự nỗ lực làm lộ ra điều chính yếu. Họa sĩ vẽ những bình diện hay những mẫu vải bằng thể đơn giản hóa, không thèm biết tới những biến thiên tỉ mỉ có trong thực tế. Nhà khoa học phát biểu một định luật cơ bản về những liên hệ, gạt ra ngoài những biến cố hay những hoàn cảnh đặc biệt, có thể che dấu vẻ đẹp đơn giản của nó. Nhà văn chọn lựa những từ và những câu, khiến sự diễn đạt của ông có sự nhất quán. Chúng ta có thể nói rằng điều này là do ảnh hưởng của một nhân vật đặc biệt, của cái “Tôi”. Thực tế hiện hữu trong sự phức tạp của nhiều sự kiện rắc rối, nhưng “Tôi” đưa ra một cấu trúc cho mối liên hệ của tôi với thực tế; tôi có cung cách “của tôi” để nhận thức thực tế, và chính sự tuyển chọn đó (một cách vô thức?) hay tính trừu tượng khiến cho những sáng tác có giá trị thẩm mỹ.

Mặc dầu chúng ta không thể đi xa hơn khi mô tả bất kỳ mặt nào của hành vi sáng tạo, có một vài sự kiện đồng thời của nó trong cá nhân có thể đề cập tới. Trước hết là điều mà chúng ta có thể gọi là tình cảm Eureka – “Đây rồi!” “Tôi đã khám phá ra rồi!”, “Đây chính là điều tôi muốn diễn đạt!”

Một sự phát sinh đồng thời khác là khắc khoải về cô đơn. Tôi không tin là có nhiều sáng tác đầy ý nghĩa đã được thành hình mà không có thứ tình cảm “Tôi cô đơn”. Trước đây không có ai làm việc này. Tôi đã mạo hiểm vào lãnh địa mà chưa ai tới. Có lẽ tôi điên khùng, hay sai lầm, hoặc lạc đàn, hay bất bình thường.

Còn một kinh nghiệm khác đi kèm với sự sáng tạo là khao khát truyền đạt. Tôi nghi ngờ rằng có người có thể sáng tạo mà không mong muốn chia sẻ sự sáng tạo của mình. Đó là đường lối duy nhất mà người ấy có thể xoa dịu sự khắc khoải về lạc loài của mình và trấn an mình là mình vẫn thuộc về tập thể. Người ấy có thể chỉ ký thác những định lý của mình trong nhật ký riêng. Người ấy có thể viết những khám phá của mình bằng một thứ mật mã. Người ấy có thể cất dấu những bài thơ của mình trong hộc tủ có khóa. Người ấy có thể cất những bức tranh của mình trong một cái tủ. Nhưng người ấy khao khát truyền đạt tới một nhóm người sẽ hiểu người ấy, dù cho phải tưởng tượng ra một nhóm như vậy. Người ấy không sáng tạo để truyền đạt, nhưng một khi đã sáng tác rồi người ấy trong liên hệ của ông với môi trường, cùng người khác.

NHỮNG ĐIỀU KIỆN NUÔI DƯỠNG
SỰ SÁNG TẠO XÂY DỰNG

Cho tới đây tôi đã cố gắng mô tả bản chất của sự sáng tạo, chỉ định phẩm chất nào của kinh nghiệm cá nhân có thể làm cho sự sáng tạo trở nên xây dựng, đề ra những điều kiện cần thiết cho hành vi sáng tạo và xác định ít nhiều những phát sinh đồng thời của nó. Nhưng nếu chúng ta phải xúc tiến việc đáp ứng nhu cầu xã hội đã trình bày ngay từ đầu, chúng ta cũng cần phải biết sự sáng tạo xây dựng có thể nuôi dưỡng được không, và nếu được thì phải như thế nào.

Do chính bản chất của những điều kiện nội tại của sáng tạo, rõ ràng là chúng không thể bị ép buộc, nhưng phải để chúng tự do xuất hiện.

Người nông phu không thể làm cho mầm phát sinh và nẩy nở từ hạt giống; người ấy chỉ có thể cung cấp những điều kiện nuôi dưỡng, khiến hạt giống phát triển được những tiềm năng của chính nó. Đối với sáng tạo cũng vậy. Làm sao chúng ta có thể tạo những điều kiện bên ngoài để khuyến khích và bồi dưỡng những điều kiện bên trong đã được mô tả ở trên? Kinh nghiệm của tôi trong tâm lý trị liệu đưa tôi tới chỗ tin rằng bằng cách tạo nên những điều kiện cho sự an toàn và tự do tâm lý, chúng ta tăng cường tối đa cơ duyên nảy sinh sự sáng tạo xây dựng. Tôi xin phép trình bày những điều kiện này với ít nhiều chi tiết, đặt tên chúng là Xvà Y

X. Sự an toàn tâm lý. Điều này có thể tạo được bằng ba diễn trình liên quan.

1. Chấp nhận cá nhân như một giá trị vô điều kiện. Bất kỳ khi nào một giáo viên, một bậc cha mẹ hay một nhà trị liệu, cảm thấy rằng cá nhân ấy có giá trị riêng biệt và đang khai triển giá trị đó theo cách thức riêng biệt của y, không cần xét tới điều kiện hay phẩm hạnh hiện tại của y, thì người ấy đang nuôi dưỡng sự sáng tạo. Thái độ này chỉ có thể thành khẩn khi người giáo viên, người làm cha mẹ v.v…cảm thấy những tiềm năng của cá nhân ấy và do đó có thể có một niềm tin vô điều kiện nơi y, không cần xét tới hiện trạng của y.

Hiệu quả tác động trên cá nhân đó khi y nhận thức được thái độ này, là cảm thấy một bầu không khí an toàn. Dần dần y thấy là y có thể là bất kỳ cái gì, mà không mắc cỡ hay che đậy, vì y xem như được coi là  có giá trị bất kỳ y làm gì. Do đó y ít cần phải cứng ngắc, y có thể khám phá ra con người thật của mình, y có thể thực hiện chính mình theo những thể thức mới mẻ và hồn nhiên. Nói cách khác, y đang tiến về sự sáng tạo.

2. Tạo nên một bầu không khí trong đó vắng mặt sự lượng giá từ bên ngoài. Khi chúng ta ngưng phán đoán người khác theo quan điểm lượng giá của chính chúng ta là chúng ta đang nuôi dưỡng sự sáng tác. Bởi khi một người thấy mình đang ở trong một bầu không khí trong đó y không bị lượng giá, không bị đo lường bằng tiêu chuẩn bên ngoài, thì người ấy cảm thấy hết sức tự do. Sự lượng giá luôn luôn là một đe dọa, luôn luôn tạo nhu cầu phòng vệ, luôn luôn có nghĩa là một phần nào đó của kinh nghiệm phải từ khước khỏi tầm ý thức. Nếu sản phẩm này được lượng giá là tốt bằng những tiêu chuẩn bên ngoài thì tôi không được thú nhận là tôi không ưa thích nó. Nếu điều tôi đang làm là xấu theo những tiêu chuẩn bên ngoài, thì tôi không được ý thức sự kiện là nó dường như là chính tôi, là một phần bản ngã của tôi. Nhưng nếu những phán đoán dựa trên những tiêu chuẩn bên ngoài không được đưa ra, thì tôi có thể cởi mở hơn để đón nhận kinh nghiệm của tôi, có thể nhận diện được những điều ưa và không ưa của chính tôi, nhận ra bản chất của những tư liệu và phản ứng của tôi đối với chúng một cách sắc bén và tinh tế hơn. Tôi có thể bắt đầu nhận ra nơi thẩm định giá trị ở trong chính bản thân tôi. Từ đó tôi đang tiến tới việc sáng tạo.

Để giải tỏa một vài điều nghi ngờ và sợ hãi có thể có nơi độc giả, cần phải chỉ cho thấy là ngưng không lượng giá người khác không có nghĩa là ngưng có những phản ứng. Thực sự có thể là giải phóng người ta để mà phản ứng. “Tôi không thích ý tưởng của anh” (hay họa phẩm, hay sáng kiến, hay bài viết), không phải là một sự lượng giá, nhưng là một phản ứng. Một cách tinh tế và sâu sắc nó khác hẳn câu phán đoán khẳng định rằng “Điều mà anh đang làm là xấu (hay tốt), và phẩm chất này thì do một nguồn gốc bên ngoài chỉ định cho anh”. Lời khẳng định đầu cho phép cá nhân giữ vững vị trí lượng giá của chính y. Rất có thể là tôi không đủ khả năng thưởng ngoạn một cái gì đó thực sự rất tốt. Câu khẳng định thứ hai, dù khen hay chê, có khuynh hướng đặt người ấy hoàn toàn tùy thuộc vào những lực lượng bên ngoài. Người khác cho anh ấy biết rằng anh không thể tự hỏi xem sản phẩm này có diễn tả chính xác con người mình không; anh còn phải quan tâm đến điều mà những người khác nghĩ nữa. Anh bị dẫn đi xa khỏi sự sáng tạo.

3. Sự hiểu biết triệt để. Chính điều này khi hợp với hai điều kia tạo thành nền tảng cho sự an toàn tâm lý tối đa. Nếu tôi nói rằng tôi “chấp nhận” bạn, nhưng chẳng biết gì về bạn, thực ra đó chỉ là một sự chấp nhận nông cạn, và bạn nhận thức rằng điều đó có thể thay đổi nếu tôi thực sự biết bạn. Nhưng nếu tôi hiểu biết bạn một cách triệt để, thấy được bạn, và điều bạn đang cảm, và đang làm, theo quan điểm của bạn, đi vào thế giới riêng tư của bạn và nhìn thấy nó hiện ra cho bạn – và vẫn chấp nhận bạn – thì lúc đo thực là có an toàn. Trong bầu không khí này bạn có thể cho phép cái bản ngã thật của bạn xuất hiện, và tự diễn đạt thành những hình thái phong phú và mới mẻ, trong sự tiếp xúc với ngoại giới. Đây chính là sự nuôi dưỡng căn bản của sáng tạo.

Y. Tự do Tâm lý. Một giáo viên, cha mẹ, nhà trị liệu hay giới hỗ trợ khác, cho phép cá nhân được hoàn toàn tự do để diễn đạt bằng biểu đạt bằng biểu tượng, thì sự sáng tạo được nuôi dưỡng. Họ cho phép cá nhân hoàn toàn tự do để nghĩ, để cảm, để là cái tột cùng nhất nơi nội giới của y. Nó nuôi dưỡng sự cởi mở, sự tung bắt thú vị và hồn nhiên của những tri giác, những khái niệm và những ý  nghĩa, đó là thành phần của sự sáng tạo.

Xin lưu ý là sự hoàn toàn tự do ở đây liên quan đến sự diễn đạt bằng biểu tượng. Diễn đạt bằng hành vi tất cả những tình cảm, những thúc đẩy và những hình thái, không phải lúc nào cũng giải tỏa được mình. Hành vi có thể trong một số trường hợp bị hạn chế bởi xã hội, và điều này phải như vậy. Nhưng sự diễn đạt bằng biểu tượng không cần phải bị hạn chế. Như vậy phá hủy một vật ghét bỏ (bất kể là mẹ mình hay là một tòa nhà quá thời) bằng cách phá hủy biểu tượng của vật đó, thì được tự do. Tấn công vật ấy trong thực tế có thể tạo thành tội lỗi và thâu hẹp lại tự do tâm lý. (Tôi cảm thấy không chắc lắm về đoạn viết này, nhưng đó là phát biểu tốt nhất tôi có thể đưa ra vào lúc này, nó phù hợp với kinh nghiệm của tôi).

Sự cho phép được mô tả không phải là sự yếu mềm hay là rộng lượng hay khuyến khích. Đó là sự cho phép được tự do, nó cũng có nghĩa là người đó chịu trách nhiệm. Cá nhân được tự do để sợ một cuộc phiêu lưu mới cũng như để hăng say với nó; được tự do đảm nhận những hậu quả của những lỗi lầml của mình cũng như những thành đạt của mình. Đó là cái loại tự do với trách nhiệm trở thành chính mình, nó nuôi dưỡng sự phát triển một nguồn gốc lượng giá trong nội tâm con người, và từ đó tạo ra những điều kiện nội tại cho sự sáng tạo xây dựng.

KẾT LUẬN

Tôi đã cố gắng trình bày một phương thức có thứ tự để suy nghĩ về diễn trình sáng tạo, để một số ý tưởng này có thể đem ra thử nghiệm một cách chặt chẽ và khách quan. Nếu tôi đã hình thành lý thuyết này, và đã có hy vọng rằng một cuộc nghiên cứu như thế có thể thực hiện, là vì sự phát triển hiện nay của những khoa học vật lý đang bức thiết đòi hỏi chúng ta với tư cách những con người và với tư cách một nền văn hóa, phải có hành vi sáng tạo, trong việc tự thích nghi với thế giới mới của chúng ta, nếu chúng ta muốn sống còn.

(hết chương 14, cũng là chương cuối)

– – – – –

MỤC LỤC:

Chg 0. Lời giới thiệu

Chg 1:  “TÔI LÀ AI?” Sự phát triển tư tưởng nghề nghiệp và triết lý cá nhân của tôi

PHẦN I – L‎ý thuyết về tâm lý trị liệu và sự trưởng thành con người

Chg 2. Giả thuyết về các việc làm giúp cho con người trưởng thành

Chg 3. Những đặc tính của liên hệ trị liệu

Chg 4. Chúng ta biết gì về tâm trị liệu dưới khía cạnh khách quan và chủ quan

Chg 5. vài chiểu hướng rõ rệt trong trị liệu

Chg 6. Thành nhân có nghĩa là gì?

Chg 7. “Sống con người thật của mình”một quan điểm của nhà trị liệu về mục tiêu cá nhân

Chg 8. Quan điềm của một nhà trị liệu về đời sống đẹp: Con người sống tràn đầy

PHẦN II – Ứng dụng vào những lãnh vực khác nhau của đời sống

Chg 9. Dạy và học – Những suy tư riêng

Chg 10. Sự học hỏi thực sự trong trị liệu và trong giáo dục

Chg 11. Những liên quan của thân chủ trọng tâm trị liệu với đời sống gia đình

Chg 12. Đương đầu với những trục trặc trong truyền thông giữa người-người và nhóm-nhóm

Chg 13. Thử phát biểu một định luật khái quát về sự tương giao giữa người với người

Chg 14. Tiến tới một lý thuyết về sáng tạo

– – – – –

Read Full Post »